Quyết định 88/2007/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược tổng thể ngành thuốc lá Việt Nam đến năm 2010 và tầm nhìn năm 2020 do Thủ Tướng Chính Phủ ban hành

Số hiệu 88/2007/QĐ-TTg
Ngày ban hành 13/06/2007
Ngày có hiệu lực 19/07/2007
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Nguyễn Tấn Dũng
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 88/2007/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 13 tháng 06 năm 2007 

 

QUYẾT ĐỊNH 

PHÊ DUYỆT CHIẾN LƯỢC TỔNG THỂ NGÀNH THUỐC LÁ VIỆT NAM ĐẾN NĂM 2010 VÀ TẦM NHÌN NĂM 2020

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Xét đề nghị của Bộ Công nghiệp tại tờ trình số 1902/TTr-BCN ngày 03 tháng 5 năm 2007 về việc trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược tổng thể ngành thuốc lá Việt Nam đến năm 2010 và tầm nhìn năm 2020; ý kiến của các Bộ, ngành, cơ quan liên quan,

QUYẾT ĐỊNH :

Điều 1. Phê duyệt Chiến lược tổng thể ngành thuốc lá Việt Nam đến  năm 2010 và tầm nhìn năm 2020 với các nội dung chủ yếu sau đây:

I. QUAN ĐIỂM

1. Nhà nước không khuyến khích tiêu dùng sản phẩm thuốc lá, thực hiện các biện pháp kiểm soát chặt chẽ quy định hạn mức sản lượng sản xuất, nhập khẩu, chính sách thuế để hạn chế tiêu thụ thuốc lá, tuyên truyền vận động giảm nhu cầu sử dụng thuốc lá;

2. Thực hiện đổi mới cơ chế quản lý ngành thuốc lá phù hợp cam kết WTO, từng bước thực hiện Công ước khung về kiểm soát thuốc lá (FCTC);

3. Nhà nước độc quyền trong lĩnh vực cung cấp sản phẩm thuốc lá, bao gồm sản xuất và nhập khẩu. Chỉ các doanh nghiệp nhà nước đã được cấp phép và các doanh nghiệp liên doanh giữa doanh nghiệp đã được cấp phép với nước ngoài, trong đó Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối mới được sản xuất sản phẩm thuốc lá. Thực hiện cơ chế quản lý thương mại nhà nước trong nhập khẩu sản phẩm thuốc lá;

4. Sản phẩm thuốc lá là mặt hàng hạn chế kinh doanh. Nhà nước thực hiện kiểm soát lưu thông, tiêu thụ thuốc lá trên thị trường, quản lý chặt chẽ việc bán buôn, bán lẻ các sản phẩm thuốc lá;

5. Năng lực sản xuất sản phẩm thuốc lá của từng doanh nghiệp và của toàn ngành thuốc lá được xác định 3 ca/ngày là năng lực của máy móc thiết bị có tại thời điểm ban hành Nghị quyết số 12/2000/NQ-CP ngày 14 tháng 8 năm 2000 của Chính phủ do Bộ Công nghiệp công bố;

6. Sản lượng sản phẩm thuốc lá do doanh nghiệp cung cấp ra thị trường trong nước hàng năm (bao gồm cả sản xuất và nhập khẩu) không được vượt quá năng lực sản xuất được ghi trong giấy phép sản xuất sản phẩm thuốc lá. Bộ Công nghiệp quy định sản lượng sản xuất sản phẩm thuốc lá mang nhãn hiệu trong nước, nước ngoài của các doanh nghiệp trong từng thời kỳ;

7. Sản xuất sản phẩm thuốc lá là lĩnh vực đầu tư có điều kiện. Không đầu tư xây dựng mới, đầu tư mở rộng các cơ sở sản xuất sản phẩm thuốc lá tiêu thụ trong nước vượt quá tổng năng lực sản xuất sản phẩm thuốc lá được cơ quan có thẩm quyền xác định. Chỉ được phép đầu tư chiều sâu, đổi mới thiết bị công nghệ sản xuất thuốc lá để chuyển đổi cơ cấu sản phẩm theo hướng nâng cao giá trị và chất lượng sản phẩm, giảm thiểu độc hại và bảo vệ môi trường;

8. Hợp tác quốc tế trên cơ sở phù hợp với các nguyên tắc chung của hội nhập kinh tế quốc tế và các cam kết quốc tế của Việt Nam, không làm tăng năng lực sản xuất thuốc lá tiêu thụ trong nước, nâng cao chất lượng sản phẩm, chống thuốc lá giả, thuốc lá nhập lậu;

9. Sản xuất các sản phẩm thuốc lá mới mang nhãn hiệu nước ngoài  để tiêu thụ tại Việt Nam phải trong phạm vi năng lực sản xuất cho phép và phải được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận;

10. Đầu tư nước ngoài sản xuất sản phẩm thuốc lá phải trên cơ sở liên doanh, hợp tác với doanh nghiệp đã có giấy phép sản xuất sản phẩm thuốc lá; đáp ứng đủ các điều kiện để được cấp giấy phép sản xuất; phù hợp với Chiến lược tổng thể ngành thuốc lá; Nhà nước chiếm phần vốn chi phối; phải được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận;

11. Máy móc thiết bị, nguyên liệu, giấy cuốn điếu thuốc lá là hàng hóa thuộc diện quản lý chuyên ngành, kiểm soát chặt chẽ trong sản xuất, nhập khẩu và sử dụng;

12. Đầu tư vùng trồng thuốc lá nhằm phát huy tiềm năng về đất đai, lao động, đáp ứng nhu cầu thị trường. Đặc biệt quan tâm phát triển trồng thuốc lá ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, góp phần xóa đói giảm nghèo;

13. Đẩy mạnh công tác nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao trình độ khoa học, công nghệ của ngành thuốc lá ngang tầm với trình độ các nước trong khu vực;

14. Tiếp tục tổ chức, sắp xếp lại các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm thuốc lá theo hướng có quy mô lớn, thành lập Tập đoàn Thuốc lá Việt Nam theo hướng sản xuất kinh doanh đa ngành, đa sở hữu; hiện đại hóa thiết bị, công nghệ đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm thiểu độc hại, bảo vệ môi trường; có hiệu quả kinh tế và khả năng cạnh tranh cao; Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam giữ vai trò nòng cốt trong việc thực hiện này.

II. MỤC TIÊU

1. Tổ chức sản xuất ngành thuốc lá đến năm 2020

a) Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam là nòng cốt, tiến hành sắp xếp các doanh nghiệp sản xuất thuốc lá có quy mô nhỏ, sản xuất kinh doanh không có hiệu quả thành các doanh nghiệp đủ mạnh, có khả năng cạnh tranh trong nước và quốc tế.

b) Thành lập Tập đoàn Thuốc lá Việt Nam hoạt động kinh doanh đa ngành trên cơ sở tiếp tục sắp xếp, tổ chức các doanh nghiệp đầu mối quản lý sản xuất kinh doanh về sản xuất thuốc lá là Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam, Tổng công ty Công nghiệp Sài Gòn (Công ty Thuốc lá Bến Thành), Tổng công ty Khánh Việt, Tổng công ty Công nghiệp thực phẩm Đồng Nai (Công ty Thuốc lá Đồng Nai).

2. Sản xuất sản phẩm thuốc lá

a) Năng lực sản xuất sản phẩm thuốc lá nội tiêu của toàn ngành

Năng lực sản xuất sản phẩm thuốc lá của từng doanh nghiệp và toàn ngành thuốc lá là năng lực máy móc thiết bị có tại thời điểm ban hành Nghị quyết số 12/2000/NQ-CP ngày 14 tháng 8 năm 2000 của Chính phủ, được tính toán 3 ca/ngày, do Bộ Công nghiệp xác định và công bố.

[...]