Quyết định 1971/QĐ-UBND năm 2008 phê duyệt Quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng tỉnh Đắk Nông đến năm 2020 do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Nông ban hành

Số hiệu 1971/QĐ-UBND
Ngày ban hành 31/12/2008
Ngày có hiệu lực 31/12/2008
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Đắk Nông
Người ký Đặng Đức Yến
Lĩnh vực Xây dựng - Đô thị

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐĂK NÔNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
---------

Số: 1971/QĐ-UBND

Gia Nghĩa, ngày 31 tháng 12 năm 2008

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN VẬT LIỆU XÂY DỰNG TỈNH ĐĂK NÔNG ĐẾN NĂM 2020

CHỦ TỊCH UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐĂK NÔNG

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Nghị định số 124/2007/NĐ-CP, ngày 31/7/2007 của Chính phủ về quản lý Vật liệu xây dựng;
Quyết định số 121/2008/QĐ-TTg, ngày 29/8/2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam đến năm 2020;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Xây dựng tại Tờ trình số 732/SXD-KTKH ngày 24/12/2008 về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng tỉnh Đăk Nông đến năm 2020,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng (VLXD) tỉnh Đăk Nông đến năm 2020 với những nội dung chủ yếu sau:

I. Quan điểm phát triển:

1. Phát triển sản xuất VLXD trong tỉnh phải phù hợp với quy hoạch kinh tế - xã hội tỉnh, quy hoạch các ngành, các lĩnh vực kinh tế của tỉnh.

2. Phát triển sản xuất VLXD phải gắn hiệu quả kinh tế với hiệu quả xã hội để đảm bảo sự phát triển bền vững, tiết kiệm nguồn tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường sinh thái, cảnh quan thiên nhiên và an ninh quốc phòng.

3. Phát triển sản xuất VLXD trên cơ sở khai thác có hiệu quả nguồn tài nguyên khoáng sản, lao động trên địa bàn tỉnh, phát huy sức mạnh tổng hợp của các thành phần kinh tế để sản xuất VLXD chiếm vị trí quan trọng trong nền kinh tế tỉnh.

4. Phát triển đa dạng các chủng loại VLXD nhằm đáp ứng nhu cầu cho xây dựng các công trình của nhà nước và nhân dân trong tỉnh. Chú trọng phát triển một số chủng loại có thế mạnh như gạch nung và không nung, đá xây dựng, cát xây dựng, bê tông và các loại VLXD cho nông thôn, đồng thời quan tâm tới phát triển các sản phẩm có chất lượng cao, giá thành cạnh tranh trên thị trường để có thể xuất ra ngoài tỉnh như gạch terrazzo, ngói không nung, cao lanh.

5. Đầu tư phát triển sản xuất VLXD với các loại quy mô vừa và nhỏ, sử dụng các cấp công nghệ và thiết bị phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội từng khu vực. Chú trọng đầu tư công nghệ, thiết bị tiên tiến nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, năng suất và tăng khả năng cạnh tranh trong tiêu thụ để đạt hiệu quả trong quá trình đầu tư, từng bước thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa ngành sản xuất VLXD.

6. Phân bố các cơ sở sản xuất VLXD phải gắn với thị trường, gần nguồn nguyên liệu và có điều kiện giao thông vận tải thuận lợi, nhất là các loại vật liệu thô như gạch, đá, cát… để tránh vận chuyển đi xa. Quan tâm đúng mức tới phát triển các loại VLXD rẻ tiền, vật liệu tại chỗ để xây dựng nhà ở cho đồng bào dân tộc ít người, đường giao thông tại các huyện trong tỉnh đặc biệt các huyện ở xa.

7. Tạo điều kiện thuận lợi cho mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển sản xuất để thu hút vốn đầu tư, chống độc quyền, để kích thích cạnh tranh lành mạnh trong sản xuất và lưu thông phân phối VLXD. Tổ chức sắp xếp lại lực lượng sản xuất kết hợp với nâng cao vai trò quản lý nhà nước đối với các hộ cá thể, các tổ hợp sản xuất, các doanh nghiệp tư nhân, hỗ trợ nhằm giúp cho các thành phần kinh tế này, hùn vốn đầu tư mở rộng sản xuất bằng công nghệ, thiết bị tiên tiến, để quản lý tốt về tài nguyên, khối lượng, chất lượng và giá cả sản phẩm.

II. Mục tiêu:

1. Phát triển sản xuất VLXD tỉnh Đăk Nông nhằm khai thác có hiệu quả tiềm năng thế mạnh của tỉnh, đặc biệt là nguồn tài nguyên khoáng sản làm VLXD và nguồn lao động tại chỗ, nâng cao chất lượng và sản lượng một số chủng loại VLXD hiện có và đầu tư sản xuất một số chủng loại vật liệu mới để đáp ứng nhu cầu VLXD ngày càng tăng ở trong tỉnh và cung ứng ra các vùng lân cận.

2. Phát triển sản xuất VLXD nhằm gia tăng giá trị sản xuất công nghiệp, góp phần tăng nguồn thu ngân sách và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp và xây dựng.

3. Phát triển sản xuất VLXD nhằm thu hút một lực lượng lao động lớn, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, cải thiện đời sống nhân dân, góp phần vào chương trình xóa đói giảm nghèo của tỉnh.

III. Phương hướng quy hoạch phát triển các lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng:

1. Vật liệu xây

1.1. Phương hướng phát triển:

- Phát triển các cơ sở sản xuất gạch nung với quy mô vừa và nhỏ với công nghệ sản xuất tiên tiến, chất lượng sản phẩm cao, tiêu hao nguyên, nhiên liệu thấp để dần thay thế các cơ sở sản xuất thủ công.

- Tận dụng tiềm năng về nguồn đá mạt thải, nguồn cát và nguồn đá bazan bọt để phát triển sản xuất gạch không nung, sản phẩm có kích thước phù hợp để thay thế một phần gạch nung, đáp ứng nhu cầu xây dựng các khu vực nông thôn miền núi. Đưa tỷ lệ gạch không nung trong tổng sản lượng gạch xây là 13% vào năm 2010, 17% vào năm 2015, 25% vào năm 2020.

- Tổ chức sắp xếp lại lực lượng sản xuất gạch nung thủ công, hướng dẫn và khuyến khích các hộ tư nhân liên doanh liên kết thành lập công ty cổ phần góp vốn mở rộng sản xuất chuyển đổi sang công nghệ tiên tiến hơn (lò tuy nen hoặc lò đứng liên tục). Tiến độ chuyển đổi như sau:

+ Giai đoạn 2008 - 2010: Chuyển đổi 30%

+ Giai đoạn 2011 - 2015: Chuyển đổi 50%

+ Giai đoạn 2016 - 2020: Chuyển đổi 20%

- Khai thác đất làm gạch phải tuân theo Luật khoáng sản và thủ tục cấp phép theo quy định. Chủ yếu là khai thác đất đồi, không khai thác đất ruộng, ảnh hưởng đến đất canh tác nông nghiệp.

[...]
10
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ