Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Quyết định 192/QĐ-UBND phê duyệt Chiến lược phát triển giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh từ nay đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045

Số hiệu 192/QĐ-UBND
Ngày ban hành 16/01/2024
Ngày có hiệu lực 16/01/2024
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thành phố Hồ Chí Minh
Người ký Dương Anh Đức
Lĩnh vực Giáo dục

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 192/QĐ-UBND

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 16 tháng 01 năm 2024

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN GIÁO DỤC THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH TỪ NAY ĐẾN NĂM 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2045

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức Chính quyền địa phương năm 2019;

Căn cứ Luật Giáo dục năm 2019;

Căn cứ Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04 tháng 11 năm 2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế;

Căn cứ Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25 tháng 10 năm 2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập;

Căn cứ Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 7 tháng 10 năm 2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045;

Căn cứ Nghị quyết số 31-NQ/TW ngày 30 tháng 12 năm 2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045;

Căn cứ Nghị quyết số 98-NQ/TW ngày 24 tháng 6 năm 2023 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tại Tờ trình số 7400/TTr-SGDĐT ngày 15 tháng 12 năm 2023.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt kèm theo Quyết định này Chiến lược phát triển giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh từ nay đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Điều 2. Quyết định có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức và các quận, huyện có trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ Giáo dục và Đào tạo;
- Thường trực Thành ủy;
- Thường trực HĐND Thành phố;
- TTUB: CT, các PCT;
- Ủy ban MTTQVN Thành phố;
- Văn phòng Thành ủy và các Ban Thành ủy;
- Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND Thành phố;
- Các Ban HĐND Thành phố;
- VPUB: CVP, các PCVP;
- Trung tâm Công báo TP;
- Phòng VX, TH;
- Lưu: VT, (VX-Thông).

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Dương Anh Đức

 

CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN GIÁO DỤC THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH TỪ NAY ĐẾN NĂM 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2045

(Ban hành kèm theo Quyết định số 192/QĐ-UBND ngày 16 tháng 01 năm 2024 của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh)

Thành phố Hồ Chí Minh là vùng kinh tế năng động, có bề dày lịch sử, truyền thống và đa dạng về văn hóa. Trong quá trình phát triển và hội nhập, Thành phố luôn khẳng định vai trò là một trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, dịch vụ của cả nước; là hạt nhân của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, một trong ba vùng kinh tế trọng điểm lớn nhất cả nước và cũng là vùng động lực cho công cuộc phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực Nam Bộ nói riêng và cả nước nói chung theo định hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Thành phố ngày càng khẳng định vai trò là trung tâm giáo dục, đào tạo chất lượng cao của các nước. Công tác giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực phát triển nhanh về quy mô, số lượng đào tạo năm sau cao hơn năm trước; loại hình đào tạo đa dạng, cơ sở vật chất được quan tâm đầu tư. Bên cạnh đó, Thành phố chú trọng đẩy mạnh phát triển giáo dục phổ thông theo hướng nâng cao trang bị kiến thức, kỹ năng cần thiết cho học sinh sẵn sàng thích ứng, gia nhập vào quá trình toàn cầu hóa và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030 đề ra định hướng phát triển giáo dục: đẩy nhanh thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện và nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, trọng tâm là hiện đại hóa và thay đổi phương thức giáo dục và đào tạo, nhất là giáo dục đại học; phát triển nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu nhân lực chất lượng cao của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế. Chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể hóa các chủ trương, định hướng phát triển giáo dục của Đảng góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030 của đất nước.

I. TÌNH HÌNH GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO THÀNH PHỐ

1. Thực trạng, quy mô

Sau khi Thành phố ban hành Quyết định số 02/2003/QĐ-UB ngày 03 tháng 01 năm 2003 về quy hoạch phát triển mạng lưới trường học ngành Giáo dục và Đào tạo Thành phố đến năm 2020, các quận, huyện đã xây dựng quy hoạch mạng lưới trường học trên địa bàn, từ đó triển khai các giải pháp nhằm phát triển quy mô số lượng trường lớp trên địa bàn như kêu gọi đầu tư xã hội hóa, bổ sung dự án xây dựng trường học trong các đồ án qui hoạch khu dân cư, điều chỉnh diện tích đất giáo dục, bố trí vốn giải phóng mặt bằng để triển khai các dự án xây dựng trường, lớp, ... Theo đó, tính đến hết năm 2020, số học sinh đã tăng 1,6 lần và số phòng học tăng 1,81 lần so với năm 2003.

Tuy nhiên, thực trạng diện tích đất công theo các quy hoạch được sắp xếp, bố trí để xây dựng các công trình giáo dục còn hạn chế; vị trí quy hoạch chủ yếu trên đất của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân nên chi phí đền bù, giải phóng mặt bằng cao, ảnh hưởng đến tính khả thi của quy hoạch. Chính những nguyên nhân trên dẫn đến việc thực hiện kế hoạch phát triển mạng lưới trường lớp tại các quận, huyện hiện nay gặp nhiều khó khăn.

Diện tích đất giáo dục hiện hữu tại các quận huyện đến nay chỉ đạt 57,48% so với quy hoạch được phê duyệt; việc xây dựng mới trường lớp và tăng số phòng học đạt thấp, diện tích đất/học sinh chưa đạt theo Quyết định số 02/2003/QĐ-UB. Trong đó, chỉ tiêu đất giáo dục hiện hữu một số quận, huyện đạt rất thấp như Quận 2, Quận 6, Quận 7, Quận 8, Gò Vấp, Bình Thạnh, Hóc Môn, Bình Chánh và Cần Giờ.

[...]