Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Quyết định 19/2007/QĐ-UBND Chương trình hành động cải cách hành chính tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2006 – 2010

Số hiệu 19/2007/QĐ-UBND
Ngày ban hành 19/03/2007
Ngày có hiệu lực 29/03/2007
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Đồng Nai
Người ký Võ Văn Một
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG NAI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 19/2007/QĐ-UBND

Biên Hòa, ngày 19 tháng 3 năm 2007

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH CHƯƠNG TRÌNH CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH TỈNH ĐỒNG NAI GIAI ĐOẠN 2006 - 2010

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26/11/2003;

Căn cứ Quyết định số 136/2001/QĐ-TTg ngày 17/9/2001 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2001-2010;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nội vụ tại Tờ trình số 257/TTr-SNV ngày 12/3/2007,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Chương trình cải cách hành chính tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2006-2010.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký.

Điều 3. Các ông (bà) Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Ban Chỉ đạo cải cách hành chính tỉnh, Giám đốc các Sở, ban, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Võ Văn Một

 

CHƯƠNG TRÌNH

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH TỈNH ĐỒNG NAI GIAI ĐOẠN 2006 - 2010
(Ban hành kèm theo Quyết định số 19/2007/QĐ-UBND ngày 19 tháng 3 năm 2007 của Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai)

Phần I

ĐÁNH GIÁ TỔNG QUÁT VIỆC THỰC HIỆN CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH GIAI ĐOẠN 2001 - 2005

Thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2001 - 2010 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 136/2001/QĐ- TTg ngày 17/9/2001, giai đoạn 2001 - 2005 tỉnh Đồng Nai đã đạt những kết quả chủ yếu như sau:

I. NHỮNG KẾT QUẢ CHỦ YẾU ĐÃ ĐẠT ĐƯỢC

Trong 05 năm qua, tỉnh Đồng Nai đã triển khai tương đối toàn diện trên cả 4 lĩnh vực chủ yếu của Chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước: Cải cách thể chế; cải cách tổ chức bộ máy hành chính; xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức; cải cách tài chính công; qua đó hoạt động của bộ máy hành chính Nhà nước từng bước nâng cao hiệu quả và chất lượng hoạt động, tạo ra những chuyển biến nhất định góp phần thực hiện công cuộc đổi mới và phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh.

1. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo

Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh luôn khẳng định tầm quan trọng của cải cách hành chính đối với tiến trình phát triển kinh tế, xã hội; thường xuyên tập trung chỉ đạo công tác cải cách hành chính. Trong các nghị quyết, chỉ thị của Tỉnh ủy về giải pháp thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ của tỉnh luôn có nội dung về cải cách hành chính; Ủy ban nhân dân tỉnh có các quyết định và kế hoạch triển khai cụ thể phù hợp điều kiện thực tế của từng ngành và địa phương.

- Hoạt động của cơ quan hành chính được gắn kết thường xuyên với việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ cải cách hành chính. Các ngành, địa phương đều có chương trình, kế hoạch công tác cải cách hành chính, trong đó xác định cụ thể những nhiệm vụ phải giải quyết và giải pháp thực hiện.

- Ban Chỉ đạo cải cách hành chính các cấp tiếp tục được kiện toàn và nâng cao chất lượng hoạt động. Hầu hết Trưởng ban là người đứng đầu như Giám đốc Sở, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố; đa số các Ban Chỉ đạo cải cách hành chính có quy chế làm việc, phân công rõ trách nhiệm các thành viên.

- Công tác chỉ đạo sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm cũng được chú ý trong chỉ đạo cải cách hành chính. Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo tổng kết 05 năm thực hiện cải cách hành chính (2001-2005), sơ kết 03 năm thực hiện cơ chế “Một cửa” (2004-2006), sơ kết thực hiện chế độ tài chính cho các đơn vị sự nghiệp có thu, tổng kết 03 năm tình hình thực hiện khoán biên chế và kinh phí quản lý hành chính.

2. Về cải cách thể chế

Công tác cải cách thể chế được tăng cường, trong đó chú trọng nâng cao chất lượng xây dựng và ban hành các văn bản pháp luật theo thẩm quyền để thi hành các thể chế do Trung ương ban hành và cụ thể hóa việc thực hiện vào điều kiện cụ thể của tỉnh. Trong 05 năm qua, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành trên 400 văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến nhiều lĩnh vực đời sống, kinh tế xã hội của tỉnh, chủ yếu ở các lĩnh vực quy hoạch, quản lý quy hoạch và xây dựng; quản lý sử dụng đất đai; quy trình cấp phép các dự án có vốn đầu tư trong và ngoài nước; quản lý cán bộ công chức, tổ chức bộ máy; cơ chế phối hợp để giải quyết các nhu cầu của công dân, doanh nghiệp... Công tác xây dựng văn bản pháp luật của các cơ quan hành chính dần đi vào nề nếp, từng bước đáp ứng yêu cầu thực tiễn và nâng cao hiệu lực pháp lý của các văn bản quản lý Nhà nước.

Cơ chế “Một cửa” đã được triển khai mạnh ở cả 3 cấp chính quyền và thu được những kết quả bước đầu tích cực; hiện nay đã thực hiện ở 14/23 đơn vị cấp sở (60,87%), 11/11 đơn vị cấp huyện (100%), 171/171 đơn vị cấp xã (100%). Thực hiện cơ chế “Một cửa” gắn với việc công khai minh bạch thủ tục hành chính đã từng bước đơn giản hóa trong việc giải quyết thủ tục hành chính, giảm phiền hà cho người dân; nâng cao trách nhiệm của cán bộ, công chức; thông qua đó góp phần đổi mới cơ bản mối quan hệ giữa cơ quan hành chính và người dân theo hướng phục vụ nhân dân.

[...]