UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NAM
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 19/2004/QĐ-UB
|
Tam Kỳ, ngày 17
tháng 3 năm 2004
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH ĐỀ ÁN XUẤT KHẨU LAO ĐỘNG TỈNH QUẢNG NAM
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NAM
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND các cấp ngày
26/11/2003;
Căn cứ Nghị định số 81/2003/NĐ-CP ngày
17/7/2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Bộ Luật lao động
về người lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài;
Căn cứ Thông tư số 22/2003/TT-BLĐTBXH ngày
13/10/2003 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện một số
điều của Nghị định số 81/2003/NĐ-CP ngày 17/7/2003 của Chính phủ quy định chi
tiết và hướng dẫn thi hành Bộ Luật lao động về người lao động Việt Nam làm việc
ở nước ngoài;
Căn cứ Chỉ thị số 21-CT/TU ngày 05/02/2004 của
Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Quảng Nam về công tác xuất khẩu lao động;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Lao động - Thương
binh và Xã hội tỉnh Quảng Nam tại Tờ trình số 24/TT-LĐTBXH ngày 24/02/2004,
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Đề án xuất khẩu lao động tỉnh
Quảng Nam đến năm 2005 và 2010.
Điều 2. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh chủ trì, phối hợp với
các sở, ban, ngành, đoàn thể liên quan và các địa phương xây dựng kế hoạch cụ
thể triển khai thực hiện đề án đạt mục tiêu đề ra.
Điều 3. Chánh Văn phòng HĐND và UBND tỉnh, Giám đốc Sở Lao động -
Thương binh và Xã hội, Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh, các cơ
quan, đơn vị có liên quan và Chủ tịch UBND huyện, thị xã căn cứ Quyết định thi
hành.
Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký./.
Nơi nhận
- Như Điều 3
- TT HĐND, UBND tỉnh
- UBMTTQVN tỉnh
- CPVP, KTTH, TH
- Lưu VT, VX (Viên)
QĐ 9-3-24.V
|
TM. UỶ BAN NHÂN
DÂN TỈNH QUẢNG NAM
KT/CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Hồ Thị Thanh Lâm
|
ĐỀ ÁN
XUẤT KHẨU LAO ĐỘNG TỈNH QUẢNG NAM ĐẾN NĂM 2005 VÀ 2010 BAN
HÀNH KÈM THEO QUYẾT ĐỊNH SỐ 19 /2004/QĐ-UB NGÀY 17 /3/2004 CỦA UBND TỈNH)
ĐẶT VẤN ĐỀ
Xuất khẩu lao động và chuyên gia là nhu cầu khách
quan của nền kinh tế, là hoạt động kinh tế - xã hội có ý nghĩa chiến lược, góp
phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập và nâng cao trình độ tay nghề, tác
phong công nghiệp cho người lao động, tăng nguồn thu ngoại tệ và thúc đẩy, tăng
cường quan hệ hợp tác quốc tế giữa nước ta với các nước.
Đối với Quảng Nam, xuất khẩu lao động là giải
pháp quan trọng để thực hiện mục tiêu xoá đói giảm nghèo, giải quyết việc làm,
tăng nguồn thu ngoại tệ cho tỉnh, góp phần đào tạo nguồn nhân lực để thực hiện
mục tiêu chuyển Quảng Nam thành tỉnh công nghiệp vào năm 2015.
Thực hiện Chỉ thị số 41-CT/TW ngày 22/9/1998 của
Bộ Chính trị về xuất khẩu lao động và chuyên gia; Nghị định số 81/2003/NĐ-CP
ngày 17/7/2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Bộ Luật
lao động về người lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài; Chỉ thị số 21-CT/TU
ngày 05 tháng 02 năm 2004 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Quảng Nam về công tác xuất
khẩu lao động; Uỷ ban nhân dân tỉnh Quảng Nam xây dựng Đề án xuất khẩu lao động
tỉnh Quảng Nam đến năm 2005 và 2010 với các nội dung sau:
Phần thứ nhất
TÌNH HÌNH THỰC HIỆN CÔNG
TÁC XUẤT KHẨU LAO ĐỘNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NHỮNG NĂM QUA
I. TÌNH HÌNH DÂN SỐ, LAO ĐỘNG, VIỆC LÀM:
Quảng Nam có diện tích tự nhiên 10.406,83 km2 với
trên 1,427 triệu dân, trong đó hơn 83% dân số sống ở nông thôn. Tính đến thời
điểm 01/01/2003, toàn tỉnh có 783.371 người trong tuổi lao động (chiếm 54,9%
dân số). Số lao động đang có việc làm thường xuyên là 707.516 người, trong đó
lĩnh vực công nghiệp và xây dựng chiếm 10%, nông lâm ngư nghiệp chiếm 75%, dịch
vụ chiếm 15%. Tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị là 6%, tỷ lệ sử dụng thời
gian lao động ở nông thôn là 75,43%. Trong số lao động có việc làm thường xuyên
năm 2003, tỷ lệ lao động qua đào tạo chiếm 16,2%, trong đó tỷ lệ lao động qua
đào tạo nghề là 10,5%.
Bình quân hằng năm các lĩnh vực của nền kinh tế
thu hút 2,7 vạn lao động, cơ cấu lao động chuyển dịch theo hướng tích cực, phù
hợp với định hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh là tỷ lệ lao động trong
ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng, dịch vụ, du lịch tăng lên, tỷ
lệ lao động trong nông - lâm - ngư nghiệp giảm dần; đời sống nhân dân có phần
được cải thiện, tỷ lệ hộ đói nghèo giảm còn 15,5%.
Tuy nhiên, hằng năm có trên 8 ngàn người thất
nghiệp, khoảng 18 ngàn người bước vào tuổi lao động có nhu cầu học nghề và giải
quyết việc làm, trên 2 ngàn lượt quân nhân xuất ngũ về địa phương, hàng chục
ngàn nhân khẩu bị ảnh hưởng đến việc làm do Nhà nước thu hồi đất để chỉnh trang
đô thị, xây dựng các khu, cụm công nghiệp ... đòi hỏi phải có những giải pháp
tích cực để giải quyết việc làm cho người lao động, mà một trong các giải pháp
được Hội đồng nhân dân tỉnh khóa VI, kỳ họp thứ 9 thông qua tại Nghị quyết số
48/2002/NQ-HĐND ngày 25/6/2002 về Chương trình mục tiêu Xóa đói giảm nghèo và
việc làm tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2001 - 2005 là đẩy mạnh công tác xuất khẩu
lao động trên địa bàn tỉnh.
II. KẾT QUẢ THỰC HIỆN CÔNG TÁC XUẤT KHẨU LAO
ĐỘNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THỜI GIAN QUA:
Công ty Lâm đặc sản xuất khẩu Quảng Nam là đơn vị
được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cấp giấy phép hoạt động xuất khẩu lao
động từ năm 2001 và Trung tâm giới thiệu việc làm Quảng Nam là đơn vị được UBND
tỉnh giao nhiệm vụ làm đầu mối, trực tiếp tuyển dụng và cung ứng lao động cho
các doanh nghiệp có chức năng xuất khẩu lao động để đưa lao động của tỉnh đi
làm việc có thời hạn ở nước ngoài.
Với sự nỗ lực của Công ty Lâm đặc sản Xuất khẩu
Quảng Nam và Trung tâm giới thiệu việc làm Quảng Nam, sự phối hợp tích cực của
các địa phương, hoạt động xuất khẩu lao động ở Quảng Nam những năm qua đã đạt
được một số kết quả bước đầu: năm 2000 đã đưa 98 lao động đi làm việc ở Lào;
năm 2002 đã đưa 79 lao động đi làm việc ở các nước: Đài Loan 22 người, Malaysia
7 người, Lào 50 người; năm 2003 đã đưa được 157 người đi lao động ở các nước:
Đài Loan 41 người, Malaysia 102 người, Hàn Quốc 4 người, Lào 10 người, trong tổng
số 230 người được tham gia đào tạo, giáo dục định hướng và phỏng vấn.
Lực lượng lao động đưa đi xuất khẩu lao động thời
gian qua phần lớn là lao động phổ thông có nghề xây dựng, thị trường chủ yếu là
Malaysia, Đài Loan với mức tiền lương bình quân từ 2,5 đến 3 triệu đồng/người/tháng.
III. MỘT SỐ KHÓ KHĂN, TỒN TẠI TRONG HOẠT ĐỘNG
XUẤT KHẨU LAO ĐỘNG:
1. Về chỉ đạo, điều hành:
+ Sự chỉ đạo của các cấp uỷ Đảng, chính quyền từ
tỉnh đến cơ sở trong công tác xuất khẩu lao động thiếu đồng bộ và chưa quyết liệt;
chưa đề ra được chương trình mang tính dài hạn, với mục tiêu, giải pháp cụ thể
để thực hiện.
+ Sự phân công, phân cấp trách nhiệm giữa các
ngành, các địa phương trong công tác xuất khẩu lao động chưa rõ ràng dẫn đến
quá trình tổ chức triển khai thực hiện còn nhiều lúng túng; sự phối hợp thực hiện
giữa các ngành, địa phương, cơ sở với các đơn vị có chức năng xuất khẩu lao động
chưa chặt chẽ.
+ Công tác thông tin, tuyên truyền vận động đưa
người đi xuất khẩu lao động chưa được sâu rộng, người lao động thiếu thông tin,
chưa am hiểu về hoạt động xuất khẩu lao động và nhiều thông tin trên báo, đài về
những vụ việc lừa đảo trong hoạt động xuất khẩu lao động, gây tâm lý thiếu tin
tưởng ở người lao động và gia đình đối với việc đi xuất khẩu lao động.
+ Công tác quản lý nhà nước về xuất khẩu lao động
từ Trung ương đến địa phương còn bất cập, thiếu đồng bộ.
2. Về thị trường xuất khẩu lao động: Thị trường
lao động ở Malaysia phù hợp với đặc điểm tay nghề của lao động Quảng Nam là lao
động phổ thông hoặc có nghề xây dựng, may mặc, chi phí đi xuất khẩu lao động thấp,
nhưng thu nhập lại không cao hơn so với thị trường lao động tại thành phố Hồ
Chí Minh và một số địa phương trong nước, nên chưa thu hút người lao động đi
làm việc; ngược lại thị trường lao động ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan có mức
thu nhập cao nhưng chi phí đi xuất khẩu lao động quá cao so với khả năng kinh tế
của lao động Quảng Nam.
3. Về cơ chế, chính sách: Việc cho người lao động
vay tiền đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài tuy đã có chủ trương và hướng dẫn
cụ thể nhưng khi áp dụng vào thực tế vẫn còn nhiều trở ngại về thủ tục.
4. Về bản thân người lao động:
+ Chưa nhận thức đúng về hoạt động xuất khẩu lao
động, còn tâm lý ngại xa cách gia đình lâu ngày. Đa số lao động chưa có nghề,
chưa được đào tạo cơ bản về ngoại ngữ. Mặt khác, đa số người lao động có nhu cầu
đi xuất khẩu lao động là người có hoàn cảnh khó khăn về kinh tế, không có đủ điều
kiện về tài chính để học nghề, học ngoại ngữ cũng như đóng các khoản lệ phí đi
xuất khẩu lao động.
+ Tình hình kinh tế, chính trị trên thế giới và
khu vực có nhiều biến động cũng ảnh hưởng đến tâm lý người lao động khi đăng ký
đi xuất khẩu lao động.
Phần thứ hai
DỰ BÁO THỊ TRƯỜNG XUẤT
KHẨU LAO ĐỘNG
I. MALAYSIA:
Nước Malaysia có 23 triệu dân, với nhiều ngành
công nghiệp phát triển như ô tô, công nghiệp điện tử, công nghiệp chế biến gỗ, công
nghệ thông tin ... Malaysia đã ký thoả thuận hợp tác với nước ta về tiếp nhận
lao động Việt Nam vào làm việc ở Malaysia trong các lĩnh vực xây dựng, sản xuất
công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ. Thị trường lao động Mailaysia dễ tính, chấp
nhận lao động giản đơn, không có tay nghề, trình độ học vấn thấp và sức khoẻ
bình thường, phù hợp với đặc điểm ngành nghề của lao động Quảng Nam. Dự báo
trong 10 năm đến, Malaysia vẫn phải nhập lao động nước ngoài, trong những năm
trước mắt, mỗi năm Malaysia có nhu cầu tiếp nhận khoảng 1 triệu lao động. Hiện
cả nước có 82 doanh nghiệp được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cấp phép hoạt
động đưa lao động sang làm việc ở Mailaysia.
II. HÀN QUỐC
Hàn Quốc có 49 triệu dân, mức thu nhập bình quân
đầu người là 13.300 USD/năm; là nước có nền kinh tế phát triển với nhiều ngành
công nghiệp như: chế tạo ô tô, điện tử, đóng tàu, sản xuất thép, công nghệ
thông tin ...
Thị trường lao động Hàn Quốc đang có nhu cầu lớn
về lao động là sỹ quan, thuỷ thủ tàu vận tải biển và thuyền viên đánh cá, lao động
trong các lĩnh vực chế tạo, xây dựng, thuỷ sản, nông nghiệp, dịch vụ tư nhân và
công cộng.
III. NHẬT BẢN
Thị trường lao động Nhật Bản nhận tu nghiệp sinh
có nghề hoặc không có nghề và thuyền viên trên các tàu vận tải biển. Ở Nhật Bản,
điều kiện làm việc của người lao động được thuận lợi và thu nhập tương đối cao,
bình quân 700 USD/người/tháng.
IV. ĐÀI LOAN
Thị trường lao động Đài Loan vẫn còn khả năng nhận
nhiều lao động Việt Nam làm việc trong các công xưởng, nhà máy và thuyền viên
đánh cá. Tuy nhiên, tỷ lệ lao động bỏ trốn, bỏ hợp đồng ra ngoài làm việc cao,
đòi hỏi công tác giáo dục định hướng, tổ chức, quản lý lao động đi làm việc ở
Đài Loan phải chặt chẽ.
V. LÀO
Trong thời gian đến, thực hiện xuất khẩu lao động
sang Lào chủ yếu dưới hình thức đưa lao động xây dựng sang thực hiện các công
trình nhận thầu, các công trình do Việt Nam và các nước khác đầu tư tại Lào.
VI. Một số thị trường khác: Một số thị
trường xuất khẩu lao động khác như: Libya, Trung Đông và Châu Phi cũng có nhu cầu
nhận lao động, chuyên gia Việt Nam trong các lĩnh vực xây dựng, nông nghiệp, y
tế, giáo dục; một số nước có nhu cầu thuỷ thủ tàu vận tải và nhu cầu thuyền
viên đánh cá.
Ngoài các thị trường xuất khẩu lao động trên, thị
trường Liên bang Nga, Cộng hòa Séc và I rắc là những thị trường triển vọng cho
lao động Việt Nam trong thời gian đến.
Phần thứ ba
MỤC TIÊU VÀ GIẢI PHÁP ĐẨY
MẠNH CÔNG TÁC XUẤT KHẨU LAO ĐỘNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐẾN NĂM 2005 VÀ 2010
I. MỤC TIÊU:
1. Mục tiêu chung:
Chỉ đạo, tổ chức, phối hợp triển khai thực hiện
công tác xuất khẩu lao động từ tỉnh đến cơ sở một cách toàn diện, đồng bộ để đẩy
nhanh, mạnh hoạt động xuất khẩu lao động trên địa bàn tỉnh, góp phần giải quyết
việc làm cho lực lượng lao động không có việc làm và thiếu việc làm của tỉnh, tạo
điều kiện tăng thu nhập cho người lao động, xoá đói giảm nghèo, ổn định đời sống,
tiến đến làm giàu cho gia đình và xã hội. Qua đó, đào tạo và phát triển nguồn
nhân lực có tay nghề cao, tiếp cận và sử dụng thành thạo các loại thiết bị công
nghệ mới, bổ sung nguồn lao động kỹ thuật cho sự nghệp công nghiệp hoá tỉnh
nhà.
2. Mục tiêu cụ thể:
+ Phấn đấu trong hai năm 2004 và 2005, đưa được
1.200 lao động của tỉnh đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài trong các ngành:
may mặc, xây dựng, điện tử, thuyền viên.
+ Giai đoạn 2006 đến 2010 phấn đấu đưa từ 7.000
đến 7.500 lao động của tỉnh đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài trong các lĩnh
vực điện tử, công nghệ thông tin ... để đào tạo đội ngũ lao động lành nghề và
trình độ cao, đáp ứng nguồn nhân lực cho việc chuyển tỉnh Quảng Nam thành tỉnh
công nghiệp giai đoạn 2015 - 2020.
II. ĐỐI TƯỢNG TUYỂN CHỌN ĐI XUẤT KHẨU LAO ĐỘNG
1. Người lao động thuộc diện hộ nghèo, gia đình
chính sách, người có công cách mạng.
2. Thanh niên đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự,
thanh niên xung phong, thanh niên tình nguyện tham gia các chương trình, dự án ở
những nơi khó khăn (biên giới, hải đảo, miền núi vùng sâu, vùng xa).
3. Lao động thuộc diện giải toả, tái định cư khi
Nhà nước thu hồi đất để xây dựng các công trình công cộng, nâng cấp chỉnh trang
đô thị.
4. Học sinh tốt nghiệp các trường Trung học
chuyên nghiệp, dạy nghề.
5. Lao động chưa có việc làm, lao động thiếu việc
làm ở các địa phương.
III. MỘT SỐ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU ĐẨY MẠNH THỰC
HIỆN CÔNG TÁC XUẤT KHẨU LAO ĐỘNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐẾN NĂM 2005 VÀ 2010:
1. Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về
xuất khẩu lao động:
+ Tổ chức quán triệt, thông tin trên các phương
tiện thông tin đại chúng và bằng nhiều hình thức thích hợp để tuyên truyền phổ
biến sâu rộng đến các cấp uỷ Đảng, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể, cán bộ, đảng
viên và nhân dân nội dung Chỉ thị số 41-CT/TW ngày 22/9/1998 của Bộ chính trị về
xuất khẩu lao động và chuyên gia, Nghị định số 81/2003/NĐ-CP ngày 17/7/2003 của
Chính phủ, Chỉ thị số 21-CT/TU ngày 05/02/2004 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Quảng
Nam về công tác xuất khẩu lao động để mọi người hiểu, nhận thức rõ chủ trương
chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác xuất khẩu lao động cũng như những mục
tiêu, giải pháp, cơ chế chính sách cụ thể để đẩy mạnh công tác xuất khẩu lao động
trên địa bàn tỉnh trong những năm đến.
+ Thông báo công khai trên các phương tiện thông
tin đại chúng về thị trường xuất khẩu lao động, số lượng, tiêu chuẩn tuyển chọn,
điều kiện làm việc, sinh hoạt, các khoản phí phải nộp, mức thu nhập ...
2. Thực hiện các chính sách hỗ trợ đối với người
lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài:
2.1. Chính sách hỗ trợ cho vay.
a. Từ nguồn Quỹ giải quyết việc làm tỉnh:
+ Người lao động đăng ký và được xét chọn đi xuất
khẩu lao động sẽ được Quỹ giải quyết việc làm tỉnh cho vay không tính lãi thông
qua trường dạy nghề, các trung tâm dạy nghề, giới thiệu việc làm của tỉnh để
đào tạo nghề ngắn hạn, dạy ngoại ngữ và giáo dục định hướng, cụ thể:
- Người lao động thuộc diện ưu tiên bao gồm: hộ
nghèo, gia đình chính sách, người có công, bộ đội xuất ngũ, thanh niên xung
phong, thanh niên tình nguyện tham gia các công trình, dự án ở những nơi khó
khăn (biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa) đã hoàn thành nghĩa vụ, người thuộc
diện giải toả, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất để xây dựng các công trình
công cộng, nâng cấp, chỉnh trang đô thị, khi trúng tuyển đi xuất khẩu lao động
được Quỹ giải quyết việc làm tỉnh cho vay không tính lãi toàn bộ chi phí phục vụ
việc học nghề ngắn hạn (không quá 3 tháng), học ngoại ngữ và giáo dục định hướng
với mức tối đa 1.200.000 đồng/một lao động.
- Người lao động không thuộc diện nêu trên, khi
trúng tuyển đi xuất khẩu lao động được Quỹ giải quyết việc làm tỉnh cho vay
không tính lãi 50% mức chi phí phục vụ việc học nghề ngắn hạn (không quá 3
tháng), học ngoại ngữ và giáo dục định hướng.
* Người lao động thuộc diện gia đình chính sách,
người có công nói trên gồm: Vợ (hoặc chồng), con của liệt sỹ, thương binh;
thương binh, người hưởng chính sách như thương binh; con của Anh hùng lực lượng
vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động; con của người hoạt động kháng chiến, người
có công giúp đỡ Cách mạng được thưởng Huân, Huy chương kháng chiến; con của cán
bộ hoạt động Cách mạng trước tháng 8/1945.
* Các trường, trung tâm dạy nghề, giới thiệu việc
làm của tỉnh được giao nhiệm vụ liên kết đào tạo đưa lao động đi làm việc có thời
hạn ở nước ngoài có trách nhiệm nhận uỷ thác nguồn vốn vay từ Quỹ giải quyết việc
làm tỉnh của các cá nhân đi xuất khẩu lao động để tổ chức đào tạo nghề ngắn hạn,
dạy ngoại ngữ và giáo dục định hướng cho người lao động. Chi phí này người lao
động đi xuất khẩu lao động có nghĩa vụ hoàn trả lại cho các trường, trung tâm dạy
nghề, giới thiệu việc làm khi hết hạn hợp đồng lao động bằng nguồn ký quỹ tại
đơn vị được cấp phép xuất khẩu lao động mà các trường, trung tâm dạy nghề, giới
thiệu việc làm đã liên kết.
+ Ngoài việc cho vay để học nghề ngắn hạn, học
ngoại ngữ, giáo dục định hướng, người lao động thuộc diện ưu tiên nêu trên, khi
trúng tuyển đi xuất khẩu lao động, ngoài phần vốn đã được vay từ Chi nhánh Ngân
hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Nam, Chi nhánh Ngân hàng chính
sách xã hội Quảng Nam, sẽ được Quỹ giải quyết việc làm tỉnh cho vay thêm với mức
tối đa là 15.000.000 đồng/1 người đi xuất khẩu lao động.
b. Từ nguồn Chi nhành Ngân hàng Nông nghiệp và
Phát triển nông thôn tỉnh và Chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh:
Người lao động thuộc diện hộ nghèo, gia đình
chính sách, người có công trúng tuyển đi xuất khẩu lao động sẽ được Chi nhánh
Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Nam, Chi nhánh Ngân hàng
chính sách xã hội Quảng Nam cho vay vốn với điều kiện ưu đãi không phải thế chấp
tài sản để trả các chi phí cần thiết khác liên quan đến việc đi xuất khẩu lao động
gồm: chi phí vé máy bay lượt đi, tiền đặt cọc, chi phí môi giới, chi phí khám sức
khoẻ, chi phí làm hộ chiếu, chi phí lý lịch tư pháp, chi phí đi lại ... với mức
cụ thể sau:
+ Mức cho vay tối đa của Chi nhánh Ngân hàng Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Nam là 20.000.000 đồng/1 người đi xuất khẩu
lao động.
+ Mức cho vay tối đa của Chi nhánh Ngân hàng
chính sách xã hội Quảng Nam là 10.000.000 đồng/1 người đi xuất khẩu lao động.
2.2. Điều kiện để được hỗ trợ tài chính:
Để được vay vốn đi làm việc có thời hạn ở nước
ngoài, người lao động phải đảm bảo các điều kiện sau đây:
+ Có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi
dân sự và chịu trách nhiệm dân sự theo quy định của pháp luật.
+ Có hộ khẩu tại địa phương bên cho vay đóng trụ
sở.
+ Được bên tuyển dụng chính thức tiếp nhận đi xuất
khẩu lao động.
+ Có xác nhận của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền
về việc người vay thuộc đối tượng chính sách, hộ nghèo hoặc xác nhận của chính
quyền địa phương đối với các đối tượng khác.
+ Người lao động hoặc hộ gia đình mà người lao động
là thành viên phụ thuộc không có nợ khó đòi hoặc nợ quá hạn trên 6 tháng tại
bên cho vay.
+ Được UBND xã, phường, thị trấn hoặc đơn vị có
chức năng xuất khẩu lao động bảo lãnh bằng hình thức tín chấp.
2.3. Thời hạn cho vay vốn tại các Ngân hàng:
Thời hạn cho vay đối với từng người lao động tuỳ
thuộc vào thời hạn hợp đồng được ký kết giữa người lao động, doanh nghiệp xuất
khẩu lao động và đơn vị sử dụng lao động.
3. Tổ chức xét tuyển lao động:
+ Căn cứ chỉ tiêu xuất khẩu lao động được giao,
Ban chỉ đạo xuất khẩu lao động của huyện, thị xã chỉ đạo UBND các xã, phường,
thị trấn, các hội, đoàn thể phối hợp với các trung tâm dạy nghề, giới thiệu việc
làm đã được UBND tỉnh giao nhiệm vụ liên kết với các công ty chuyên doanh xuất
khẩu lao động để tổ chức đăng ký, tuyển lao động đi xuất khẩu lao động theo
tiêu chuẩn tuyển dụng của doanh nghiệp xuất khẩu lao động.
+ Trên cơ sở danh sách lao động các địa phương gửi
về, các trung tâm dạy nghề, giới thiệu việc làm và công ty chuyên doanh xuất khẩu
lao động phối hợp tổ chức phỏng vấn xét tuyển.
+ Sau khi tuyển chọn xong, các trung tâm dạy nghề,
giới thiệu việc làm phối hợp với công ty chuyên doanh xuất khẩu lao động tiến
hành các bước tiếp theo như: khám sức khoẻ, làm hộ chiếu, đào tạo ngoại ngữ và
giáo dục định hướng cho người lao động.
4. Tổ chức đào tạo nghề, dạy ngoại ngữ và giáo dục
định hướng:
+ Căn cứ vào đơn đặt hàng của đơn vị xuất khẩu
lao động, các trường, trung tâm dạy nghề, giới thiệu việc làm trên địa bàn tỉnh
tổ chức đào tạo nghề ngắn hạn, dạy ngoại ngữ và giáo dục định hướng cho người
lao động được xét tuyển đúng quy định và đảm bảo chất lượng.
+ Quỹ giải quyết việc làm tỉnh cho vay với lãi
suất ưu đãi để Trường Daỵ nghề tỉnh, các trung tâm giới thiệu việc làm và trung
tâm dạy nghề tăng cường năng lực quản lý và đào tạo nghề phục vụ xuất khẩu lao
động.
5. Quản lý người lao động đi làm việc có thời hạn
ở nước ngoài: Để quản lý chặt chẽ người lao động trong thời gian đi làm việc ở
nước ngoài, tránh vi phạm hợp đồng lao động, vi phạm pháp luật nước sở tại, gây
thiệt hại cho đơn vị sử dụng lao động, trong tổ chức, quản lý công tác xuất khẩu
lao động cần thực hiện các nội dung sau:
+ Người lao động phải cam kết không vi phạm hợp
đồng lao động và luật pháp nước sở tại; chịu trách nhiệm trước pháp luật và phải
bồi thường thiệt hại theo quy định về mọi vi phạm trong thời gian thực hiện hợp
đồng lao động.
+ Tăng cường trách nhiệm của chính quyền địa
phương nơi cư trú, của gia đình và bản thân người lao động trong thực hiện hợp
đồng đi xuất khẩu lao động.
+ Tăng cường trách nhiệm của các công ty chuyên
doanh xuất khẩu lao động trong việc tổ chức và quản lý người lao động do đơn vị
đưa đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài một cách chặt chẽ, hiệu quả.
+ Nâng cao trách nhiệm của Trường dạy nghề, các
trung tâm giới thiệu việc làm, trung tâm dạy nghề và công ty chuyên doanh xuất
khẩu lao động trong việc sơ tuyển, xét chọn, đào tạo nghề ngắn hạn, dạy ngoại
ngữ và giáo dục định hướng cho người lao động.
6. Thành lập Công ty chuyên doanh xuất khẩu lao
động của tỉnh.
Giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội lập đề
án cụ thể trình UBND tỉnh và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để thành lập một
Công ty chuyên doanh xuất khẩu lao động của tỉnh vào năm 2005.
III. DỰ KIẾN NHU CẦU KINH PHÍ ĐỂ THỰC HIỆN ĐỀ
ÁN XUẤT KHẨU LAO ĐỘNG:
1. Chỉ tiêu:
a. Năm 2004: Phấn đấu đưa 500 lao động đi làm việc
có thời hạn ở nước ngoài, chủ yếu là thị trường Malaysia, trong đó dự kiến có
khoảng 70 lao động thuộc diện hộ nghèo, gia đình chính sách, người có công, bộ
đội xuất ngũ, thanh niên xung phong, thanh niên tình nguyện tham gia các công
trình, dự án ở những nơi khó khăn đã hoàn thành nhiệm vụ, người thuộc diện giải
toả, tái định cư (gọi tắt là đối tượng ưu tiên).
b. Năm 2005: Phấn đấu đưa 700 lao động đi làm việc
có thời hạn ở nước ngoài, trong đó dự kiến có 100 lao động thuộc đối tượng ưu
tiên.
2. Nhu cầu kinh phí hỗ trợ xuất khẩu lao động từ
nguồn vốn Quỹ giải quyết việc làm tỉnh trong 2 năm 2004 - 2005 là 822 triệu đồng:
a. Dự kiến tổng nguồn vốn Quỹ giải quyết việc
làm tỉnh cho vay không tính lãi để đào tạo nghề ngắn hạn, dạy ngoại ngữ và giáo
dục định hướng năm 2004 là 342.000.000 đồng; cụ thể như sau:
+ Đối với người đi xuất khẩu lao động thuộc diện
ưu tiên:
70 lao động x 1.200.000 đồng/người = 84.000.000
đồng
+ Đối với người đi xuất khẩu lao động không thuộc
diện ưu tiên:
430 lao động x 1.200.000 đồng/người x 50% =
258.000.000 đồng.
b. Dự kiến tổng nguồn vốn Quỹ giải quyết việc
làm tỉnh cho vay không tính lãi để đào tạo nghề ngắn hạn, dạy ngoại ngữ và giáo
dục định hướng năm 2005 là 480.000.000 đồng; cụ thể như sau:
+ Đối với người đi xuất khẩu lao động thuộc diện
ưu tiên:
100 lao động x 1.200.000đ/người = 120.000.000 đồng
+ Đối với người đi xuất khẩu lao động không thuộc
diện ưu tiên:
600 lao động x 1.200.000đ/người x 50% =
360.000.000 đồng
c. Giai đoạn 2006 - 2010:
Tuỳ thuộc vào thị trường xuất khẩu lao động và
nhu cầu vay vốn của người lao động mà dự kiến nhu cầu kinh phí hỗ trợ cho vay từ
Quỹ giải quyết việc làm tỉnh cụ thể trong từng năm. Nếu đi làm việc tại
Malaysia với mức kinh phí không thay đổi so với năm 2004 - 2005 và khoảng 70% số
đối tượng vay để học nghề, học ngoại ngữ và giáo dục định hướng, thì dự kiến
nguồn vốn Quỹ giải quyết việc làm tỉnh hỗ trợ cho vay không lãi là:
3.660.000.000 đồng; cụ thể:
+ Đối với người đi xuất khẩu lao động thuộc diện
ưu tiên:
1.200 lao động x 1.200.000 đồng/người =
1.440.000.000 đồng
+ Đối với người đi xuất khẩu lao động không thuộc
diện ưu tiên:
3.700 lao động x 1.200.000 đồng/người x 50% =
2.220.000.000 đồng
3. Dự kiến nhu cầu kinh phí từ nguồn ngân sách tỉnh
để chi hỗ trợ hoạt động chỉ đạo, quản lý công tác xuất khẩu lao động từ tỉnh đến
cơ sở.
a. Nội dung sử dụng kinh phí:
Chi hỗ trợ xây dựng, triển khai Đề án xuất khẩu
lao động, điều hành, quản lý công tác xuất khẩu lao động, tổ chức điều tra khảo
sát tình hình xuất khẩu lao động, tuyên truyền, kiểm tra, giám sát việc tuyển dụng
lao động và các nội dung trong hợp đồng lao động ...
b. Dự kiến nhu cầu kinh phí:
+ Năm 2004 và 2005: Trên cơ sở định mức chi phí
quản lý cần thiết để đưa 01 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài bằng
1% tổng chi phí mà người lao động cần có để đi xuất khẩu lao động, dự kiến tổng
chi phí chi dùng cho hoạt động xuất khẩu lao động từ tỉnh đến cơ sở năm 2004
là:
15.000.000 đồng x 1% x 500 lao
động = 75.000.000 đồng
Dự kiến năm 2005 là: 15.000.000 đồng x 1% x 700
lao động = 105.000.000 đồng
+ Giai đoạn 2006 - 2010: Hoạt động xuất khẩu lao
động đã triển khai tương đối sâu rộng, số lao động đi xuất khẩu lao động ngày
càng nhiều, định mức chi phí quản lý cần thiết để đưa 01 lao động đi làm việc
có thời hạn ở nước ngoài giảm còn 0,5% tổng chi phí mà người lao động cần có để
đi xuất khẩu lao động, thì dự kiến tổng chi phí chi dùng cho hoạt động xuất khẩu
lao động từ tỉnh đến cơ sở giai đoạn 2006 - 2010 là:
15.000.000 đồng x 0,5% x 7.000 lao động =
525.000.000 đồng (bình quân mỗi năm 105.000.000 đồng).
Phần thư tư
TỔ CHỨC THỰC HIỆN:
I. VỀ TỔ CHỨC, CHỈ ĐẠO:
Ban chỉ đạo xuất khẩu lao động tỉnh Quảng Nam có
trách nhiệm chỉ đạo các ngành, đoàn thể và các địa phương phối hợp triển khai
thực hiện đạt mục tiêu Đề án xuất khẩu lao động tỉnh Quảng Nam đến năm 2005 và
2010 đã đề ra và các nhiệm vụ quy định tại Điều 2, Quyết định số 5632/QĐ-UB
ngày 24/12/2003 của UBND tỉnh về thành lập Ban chỉ đạo xuất khẩu lao động tỉnh
Quảng Nam.
II. PHÂN CÔNG NHIỆM VỤ CỤ THỂ CHO CÁC NGÀNH:
1. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội: Là cơ
quan thường trực, chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể liên quan
và các địa phương tổ chức triển khai thực hiện có kết quả đề án; chỉ đạo các
trung tâm giới thiệu việc làm, trung tâm dạy nghề trên địa bàn tỉnh tổ chức dạy
nghề, dạy ngoại ngữ, giáo dục định hướng cho người lao động đảm bảo yêu cầu của
các đơn vị sử dụng lao động và doanh nghiệp xuất khẩu lao động; làm việc với Cục
Quản lý lao động ngoài nước chọn các doanh nghiệp đủ mạnh giúp địa phương đẩy mạnh
thực hiện công tác xuất khẩu lao động; tham mưu, đề xuất các biện pháp chỉ đạo
công tác xuất khẩu lao động đúng tiến độ và hiệu quả; theo dõi, đôn đốc và định
kỳ tổng hợp báo cáo kết quả với UBND tỉnh.
2. Công an tỉnh: Chịu trách nhiệm thực hiện việc
làm thủ tục cấp hộ chiếu cho người đi xuất khẩu lao động; thông báo rõ các thủ
tục, thời gian hoàn thành và các khoản phí phải nộp khi làm hộ chiếu; đấu tranh
ngăn chặn và xử lý nghiêm các hiện tượng lừa đảo gây thiệt hại cho người lao động.
3. Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn Quảng Nam, Chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội Quảng Nam: Có trách
nhiệm cho người lao động vay vốn để đi xuất khẩu lao động theo quy định; hướng
dẫn hồ sơ, thủ tục vay vốn và thu hồi nợ vay cho người lao động; xây dựng cơ chế
phối hợp giữa Ngân hàng với các doanh nghiệp xuất khẩu lao động trong việc cho
vay vốn, tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động vay vốn đi xuất khẩu lao động.
4. Sở Tài chính: Chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch
và Đầu tư tham mưu bố trí nguồn kinh phí trong kế hoạch hàng năm kể từ năm 2004
để triển khai thực hiện đề án.
5. Sở Y tế: Có trách nhiệm chỉ đạo các bệnh viện
tổ chức thực hiện tốt việc khám sức khoẻ cho người đi xuất khẩu lao động đảm bảo
yêu cầu chuyên môn và đúng thời gian quy định.
6. Các Hội, đoàn thể: Phối hợp với các ngành
tuyên truyền sâu rộng trong các cấp hội chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà
nước về xuất khẩu lao động.
7. Sở Văn hoá - Thông tin, Báo Quảng Nam, Đài
Phát thanh - Truyền hình Quảng Nam: Đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về công
tác xuất khẩu lao động trên các phương tiện thông tin đại chúng.
III. TRÁCH NHIỆM CỦA UBND CÁC HUYỆN, THỊ XÃ:
Căn cứ thành phần Ban chỉ đạo của tỉnh, UBND huyện,
thị xã thành lập Ban chỉ đạo thực hiện công tác xuất khẩu lao động của huyện,
thị xã để chỉ đạo các ngành, các địa phương phối hợp triển khai thực hiện có hiệu
quả công tác xuất khẩu lao động trên địa bàn.
IV. NÂNG CAO TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC DOANH NGHIỆP
XUẤT KHẨU LAO ĐỘNG:
1. Các doanh nghiệp phải thông báo cụ thể về kế
hoạch, số lượng, tiêu chuẩn, điều kiện, chi phí, tiền lương, kết quả sơ tuyển
và các thông tin cần thiết khác cho Ban chỉ đạo xuất khẩu lao động tỉnh (thông
qua Sở Lao động - Thương binh và xã hội) để có kế hoạch triển khai tuyển chọn cụ
thể đến từng địa phương; hợp đồng với các trung tâm giới thiệu việc làm, trung
tâm dạy nghề để tổ chức dạy nghề, dạy ngoại ngữ, giáo dục định hướng phù hợp với
yêu cầu xuất khẩu lao động của mình.
2. Các doanh nghiệp xuất khẩu lao động có trách
nhiệm thường xuyên báo cáo tình hình của người lao động đi làm việc ở nước
ngoài cho chính quyền địa phương và gia đình nơi có người đi xuất khẩu lao động.
Tổ chức thăm hỏi, tặng quà, động viên nhắc nhở và có kế hoạch giúp đỡ gia đình,
vợ, con người đi xuất khẩu lao động khi ốm đau hoặc gặp khó khăn đột xuất. Phối
hợp với đơn vị sử dụng lao động bên nước sở tại để bảo vệ quyền và lợi ích hợp
pháp của người lao động trong suốt thời gian làm việc ở nước ngoài theo quy định
của pháp luật.
V. Trách nhiệm của các trung tâm giới thiệu
việc làm, trung tâm dạy nghề trên địa bàn tỉnh trong xuất khẩu lao động: Các
trung tâm giới thiệu việc làm, trung tâm dạy nghề được giao nhiệm vụ làm đầu mối
tư vấn, liên kết, tạo nguồn cung cấp nguồn lao động cho các doanh nghiệp xuất
khẩu lao động có trách nhiệm phối hợp với Ban chỉ đạo cấp huyện, cấp xã và các
doanh nghiệp xuất khẩu lao động hướng dẫn các thủ tục, hồ sơ cần thiết cho người
lao động, tổ chức sơ tuyển lao động cũng như giáo dục định hướng và đào tạo ngoại
ngữ đảm bảo yêu cầu của doanh nghiệp xuất khẩu lao động.
VI. CHẾ ĐỘ THÔNG TIN, BÁO CÁO:
1. Định kỳ hằng tháng, Ban chỉ đạo xuất khẩu lao
động huyện, thị xã báo cáo kết quả thực hiện về thường trực Ban chỉ đạo tỉnh (Sở
Lao động - Thương binh và Xã hội) để tổng hợp báo cáo Bộ Lao động - Thương binh
và Xã hội và UBND tỉnh.
2. Định kỳ hằng quý, 6 tháng và cuối năm, Ban chỉ
đạo xuất khẩu lao động tỉnh tổ chức sơ kết, tổng kết, đánh giá kết quả và đề ra
kế hoạch cho năm sau.
3. Thực hiện chế độ sinh hoạt hằng quý giữa Ban
chỉ đạo tỉnh và huyện với các doanh nghiệp xuất khẩu lao động để trao đổi, tháo
gỡ những vấn đề vướng mắc trong chỉ đạo, điều hành, quản lý công tác xuất khẩu
lao động trên địa bàn tỉnh./.