Quyết định 1872/2004/QĐ-UB ban hành quy định công tác lưu trữ tỉnh Thừa Thiên Huế

Số hiệu 1872/2004/QĐ-UB
Ngày ban hành 14/06/2004
Ngày có hiệu lực 14/06/2004
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Thừa Thiên Huế
Người ký Ngô Hòa
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1872/2004/QĐ-UB

Huế, ngày 14 tháng 6 năm 2004

 

V/V BAN HÀNH QUY ĐỊNH CÔNG TÁC LƯU TRỮ TỈNH THỪA THIÊN HUẾ

- Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

- Căn cứ Pháp lệnh Lưu trữ Quốc gia ngày 15/4/2001;

- Căn cứ Nghị định số 111/2004/NĐ-CP ngày 08/4/2004 của Chính phủ về việc quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Lưu trữ Quốc gia;

- Theo đề nghị của Chánh Văn phòng HĐND và UBND tỉnh;

Điều 1: Nay ban hành kèm theo Quyết định này bản Quy định công tác lưu trữ tỉnh Thừa Thiên Huế.

Điều 2: Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 3: Chánh Văn phòng HĐND và UBND tỉnh, Giám đốc các sở, ban ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố Huế, thủ trưởng các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn và Giám đốc Trung tâm Lưu trữ tỉnh chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như điều 3;
- Cục VT-Lưu trữ Nhà nước;
- TVTU;
- TT HĐND tỉnh;
- CT và các PCT UBND tỉnh;
- VP: LĐ và các CV;
- Lưu: VT.

TM/UBND TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
KT.CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Ngô Hoà

 

QUY ĐỊNH

CÔNG TÁC LƯU TRỮ TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1872/2004/QĐ-UB ngày 14/6/2004 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1: Tài liệu lưu trữ là tài liệu hình thành trong quá trình hoạt động của các cơ quan Nhà nước, đoàn thể, tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, có giá trị về chính trị, quân sự, kinh tế, văn hoá, khoa học kỹ thuật, xã hội... không kể thời gian, hình thức ghi tin, loại hình tài liệu, được tập trung thống nhất quản lý ở bộ phận, phòng, kho lưu trữ của các ngành, các cấp có thẩm quyền để phục vụ nghiên cứu lịch sử, khoa học và công tác thực tiễn khác.

Tài liệu lưu trữ phải là bản chính, bản gốc của tài liệu được ghi trên giấy, phim, ảnh, băng hình, đĩa hình, băng âm thanh, đĩa âm thanh hoặc các vật mang tin khác, trong trường hợp không còn bản chính, bản gốc thì được thay thế bằng bản sao hợp pháp.

Điều 2: Tài liệu lưu trữ tỉnh Thừa Thiên Huế thuộc thành phần của Phông Lưu trữ Quốc gia, không một cơ quan, tập thể, cá nhân nào được chiếm dụng làm của riêng. Nghiêm cấm việc mua bán, trao đổi, cất giữ, tiêu huỷ trái phép tài liệu lưu trữ hoặc sử dụng vào các mục đích trái với lợi ích của Nhà nước.

Điều 3: Trung tâm lưu trữ tỉnh Thừa Thiên Huế có trách nhiệm giúp UBND tỉnh, Chánh Văn phòng HĐND và UBND tỉnh thực hiện quản lý Nhà nước về công tác lưu trữ và tài liệu lưu trữ trên phạm vi toàn tỉnh.

Điều 4: Trong quy định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. "Tài liệu văn thư" là văn bản, tài liệu khác được hình thành trong quá trình hoạt động của cơ quan, tổ chức;

2. "Lưu trữ hiện hành" là bộ phận lưu trữ của cơ quan, tổ chức có nhiệm vụ thu thập, bảo quản và phục vụ sử dụng tài liệu lưu trữ được tiếp nhận từ các đơn vị thuộc cơ quan, tổ chức;

3. "Lưu trữ lịch sử" là cơ quan lưu trữ có nhiệm vụ thu thập, bảo quản lâu dài và phục vụ sử dụng tài liệu lưu trữ được tiếp nhận từ lưu trữ hiện hành và các nguồn tài liệu khác. Lưu trữ lịch sử bao gồm: Trung tâm Lưu trữ tỉnh, Lưu trữ huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (gọi chung là huyện);

4. Bảo hiểm tài liệu lưu trữ: là việc thực hiện các biện pháp sao chụp, bảo quản tài liệu lưu trữ tại kho lưu trữ chuyên dụng riêng biệt tách rời bản chính, bản gốc đối với tài liệu lưu trữ đặc biệt quý hiếm nhằm bảo quản an toàn tài liệu;

5. Bản thảo văn bản: là bản được viết hoặc đánh máy hình thành trong quá trình soạn thảo một văn bản của cơ quan, tổ chức;

6. Bản gốc văn bản: là bản thảo cuối cùng được người có thẩm quyền duyệt;

7. Bản chính văn bản: là bản hoàn chỉnh về nội dung và thể thức văn bản được cơ quan, tổ chức ban hành. Bản chính có thể được làm nhiều bản có giá trị như nhau;

8. Bản sao y bản chính: là bản sao đầy đủ, chính xác nội dung của văn bản và được trình bày theo thể thức quy định. Bản sao y bản chính phải được thực hiện từ bản chính;

[...]