Quyết định 187/QĐ-UBND năm 2023 phê duyệt Đề án chuyển đổi số ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030”

Số hiệu 187/QĐ-UBND
Ngày ban hành 30/01/2023
Ngày có hiệu lực 30/01/2023
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Vĩnh Phúc
Người ký Nguyễn Văn Khước
Lĩnh vực Công nghệ thông tin

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH VĨNH PHÚC
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 187/QĐ-UBND

Vĩnh Phúc, ngày 30 tháng 01 năm 2023

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN CHUYỂN ĐỔI SỐ NGÀNH NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TỈNH VĨNH PHÚC GIAI ĐOẠN 2022-2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030”

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH VĨNH PHÚC

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính quyền địa phương ngày 22/11/2019;

Căn cứ Luật Công nghệ thông tin ngày 29/06/2006;

Căn cứ Luật Giao dịch điện tử ngày 29/11/2005;

Căn cứ Luật An toàn thông tin mạng ngày 19/11/2015;

Căn cứ Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”;

Căn cứ Nghị quyết số 39/NQ-HĐND ngày 03/8/2021 của HĐND tỉnh về thông qua Đề án hoàn thiện chính quyền điện tử hướng đến chính quyền số tỉnh Vĩnh Phúc, giai đoạn 2021-2025;

Căn cứ Kế hoạch số 327/KH-UBND ngày 31/12/2021 của UBND tỉnh về cải thiện và nâng cao Chỉ số chuyển đổi số tỉnh Vĩnh Phúc, giai đoạn 2021-2025;

Trên cơ sở ý kiến thống nhất của Chủ tịch UBND tỉnh, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh tại phiếu trình số 32815 của Văn phòng UBND tỉnh;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 272/TTR-SNN&PTNT ngày 09/12/2022,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt kèm theo quyết định này “Đề án chuyển đổi số ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030”.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành.

Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Thủ trưởng các Sở, ban, ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố và Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT.CHỦ TỊCH

PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Khước

 

ĐỀ ÁN

CHUYỂN ĐỔI SỐ NGÀNH NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TỈNH VĨNH PHÚC GIAI ĐOẠN 2022-2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030
(Kèm theo Quyết định số 187/QĐ-UBND ngày 30/01/2023 của UBND tỉnh)

Phần thứ nhất:

NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG

I. SỰ CẦN THIẾT XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) đã bắt đầu từ vài năm gần đây và đang tiếp tục diễn ra mạnh mẽ với nền tảng là sự đột phá của công nghệ số. Theo Tổ chức Dữ liệu quốc tế (IDG), chuyển đổi số là việc đưa toàn bộ hoạt động của nền kinh tế lên môi trường số bằng việc sử dụng các công nghệ số để khai thác cơ sở dữ liệu số quốc gia, làm cho mọi hoạt động sản xuất kinh doanh và dịch vụ trở nên thông minh hơn và hiệu quả hơn. Theo Cục Chuyển đổi số Quốc gia, Bộ Thông tin và truyền thông thì “Chuyển đổi số không chỉ là vấn đề công nghệ mà còn là vấn đề về nhận thức và thói quen. Chuyển đổi số là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện của các cá nhân và tổ chức về cách làm việc và phương thức làm việc dựa trên công nghệ số”. Nhận thức được tầm quan trọng của chuyển đổi số, hiện nay nhiều nước đã xây dựng và triển khai các chiến lược/chương trình quốc gia về chuyển đổi số, điển hình như Anh, Úc, Đan Mạch, Estonia, Israel, Mexico, Singapore, Thái Lan, Uruguay,.... Nội dung chuyển đổi số của các nước có sự khác nhau phụ thuộc vào chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và đặc thù của mỗi nước.

Tại Việt Nam, xây dựng chính phủ số và đẩy mạnh chuyển đổi số cho các ngành kinh tế nói chung và lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn nói riêng là một chủ trương lớn được Đảng, Chính phủ quan tâm chỉ đạo. Ngày 27/9/2019, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc CMCN 4.0. Ngày 03/6/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Chuyển đổi số là một nội dung, giải pháp chính để chủ động tham gia CMCN 4.0. Chương trình Chuyển đổi số quốc gia xác định tầm nhìn đến năm 2030 là “Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong và thử nghiệm các mô hình mới; đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân, phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, rộng khắp” với mục tiêu kép là “vừa phát triển Chính phủ số, Kinh tế số, Xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực đi ra toàn cầu”. Đồng thời Chương trình xác định: Chuyển đổi toàn bộ hoạt động của cơ quan nhà nước lên môi trường số; coi chuyển đổi số là bắt buộc, mang tính mặc định; cơ quan nhà nước sử dụng công nghệ số và dữ liệu số để ra quyết định, kiến tạo phát triển và quản lý kinh tế - xã hội hiệu quả hơn, dẫn dắt phát triển kinh tế số, xã hội số. Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 tập trung triển khai 08 lĩnh vực ưu tiên gồm nông nghiệp, y tế, giáo dục, tài chính - ngân hàng, giao thông vận tải và logistics, năng lượng, tài nguyên và môi trường và sản xuất công nghiệp. Có ba yếu tố cơ bản quyết định của chuyển đổi số gồm: Con người, thể chế và công nghệ, trong đó con người là yếu tố quan trọng và quyết định nhất. Yếu tố công nghệ là điều kiện cần và quyết định chất lượng của chuyển đổi số, trong đó Trí tuệ nhân tạo đóng vai trò của một công nghệ số then chốt.

Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khoá XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022) đã thể hiện rõ quan điểm và tầm quan trọng của nông nghiệp, nông dân, nông thôn, cụ thể là: “Nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vai trò, vị trí quan trọng trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; là cơ sở và lực lượng to lớn trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu, giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo quốc phòng, an ninh, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế. Công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông dân, nông thôn là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.

Ngành nông nghiệp & PTNT Vĩnh Phúc được xác định là ngành kinh tế có vai trò quan trọng đảm bảo an ninh lương thực, tạo việc làm và tăng thu nhập cho hơn 30% lực lượng lao động của tỉnh, là nhân tố quyết định xóa đói, giảm nghèo, góp phần phát triển kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh. Sản xuất nông nghiệp liên tục tăng trưởng và đạt được nhiều kết quả; giai đoạn 2016-2020, giá trị tăng thêm GRDP bình quân toàn ngành (giá SS 2010) tăng 1,93%/năm, năm 2021 tăng 4,81% so với năm 2020; cơ cấu kinh tế nông, lâm nghiệp, thủy sản trong tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh chiếm tỷ trọng thấp (năm 2021 chiếm 7,83%) nhưng có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần ổn định đời sống, đảm bảo an sinh xã hội cho người dân trên địa bàn tỉnh, đặc biệt trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nông nghiệp có vai trò là trụ đỡ của nền kinh tế.

[...]
4
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ