Kế hoạch 286/KH-UBND năm 2022 về chuyển đổi số ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2025, định hướng đến năm 2030

Số hiệu 286/KH-UBND
Ngày ban hành 04/08/2022
Ngày có hiệu lực 04/08/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Thừa Thiên Huế
Người ký Nguyễn Thanh Bình
Lĩnh vực Công nghệ thông tin

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 286/KH-UBND

Thừa Thiên Huế, ngày 04 tháng 8 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

CHUYỂN ĐỔI SỐ NGÀNH NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TỈNH THỪA THIÊN HUẾ ĐẾN NĂM 2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030

I. CĂN CỨ PHÁP LÝ

Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”;

Quyết định số 942/QĐ-TTg ngày 15/6/2021 của Thủ Tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển Chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030;

Quyết định số 411/QĐ-TTg ngày 31/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030;

Căn cứ Quyết định số 2151/QĐ-BNN-VP ngày 15/6/2022 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc phê duyệt Kế hoạch chuyển đổi số ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn giai đoạn 2022-2025;

Quyết định số 1779/QĐ-UBND ngày 10/8/2018 của UBND tỉnh phê duyệt Đề án “Phát triển dịch vụ đô thị thông minh trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2020 định hướng đến năm 2025”;

Quyết định số 1957/QĐ-UBND ngày 31/7/2020 của UBND tỉnh phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số tỉnh Thừa Thiên Huế;

Quyết định số 2012/QĐ-UBND ngày 10/8/2020 của UBND tỉnh phê duyệt Kiến trúc Chính quyền điện tử tỉnh Thừa Thiên Huế phiên bản 2.0;

Kế hoạch số 222/KH-UBND ngày 21/10/2020 của UBND tỉnh ban hành kế hoạch triển khai chương trình chuyển đổi số tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2025;

Nghị quyết số 12-NQ/TU ngày 12/11/2021 của Tỉnh ủy về chuyển đổi số tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2025, định hướng đến năm 2030;

Chương trình hành động số 120/CTr-UBND ngày 23/3/2022 của UBND tỉnh thực hiện Nghị quyết số 12-NQ/TU ngày 12 tháng 11 năm 2021 của Tỉnh ủy về chuyển đổi số tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành Kế hoạch Chuyển đổi số ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 với các nội dung sau:

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu tổng quát

Thực hiện thành công 1 trong 8 Chương trình Chuyển đổi số quốc gia; trong đó chuyển đổi số ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là một trong các nhiệm vụ quan trọng góp phần hoàn thành mục tiêu chuyển đổi số của tỉnh Thừa Thiên Huế. Trọng tâm là rà soát, ứng dụng các công nghệ số phù hợp vào quy trình quản lý nhà nước; từng bước thay đổi tư duy, phương thức sản xuất đối với các thành phần kinh tế trong lĩnh vực nông nghiệp theo hướng số hóa, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp chính xác, tạo động lực thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, hướng đến nền kinh tế nông nghiệp, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp hữu cơ.

2. Mục tiêu cụ thể

a) Chuyển đổi số hướng đến hoàn thiện chính quyền điện tử và xây dựng Chính quyền số

Hướng đến Chính quyền số với mục tiêu “4 không” (làm việc không giấy tờ; họp không tập trung; dịch vụ công không gặp mặt; thanh toán không tiền mặt) và “1 có” (dữ liệu có số hóa) với các mục tiêu cụ thể sau:

- 100% hoạt động quản lý nhà nước sử dụng văn bản điện tử có chữ ký số và được trao đổi xử lý hoàn toàn trên môi trường mạng (ngoại trừ các văn bản mật theo quy định).

- 100% công chức, viên chức được trang bị máy tính, kết nối mạng, cài đặt phần mềm bảo mật để phục vụ công vụ; được trang bị chữ ký số; lãnh đạo cấp phòng trở lên được trang bị SIM CA để có thể ký số bằng SIM trên thiết bị thông minh (điện thoại di động, máy tính bảng).

- 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện theo quy định của pháp luật của ngành được cung cấp dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; người dân và doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến được định danh và xác thực thông suốt, hợp nhất trên tất cả các hệ thống của các cấp chính quyền.

- 100% quy trình xử lý và kết quả dịch vụ hành chính công được thực hiện trên môi trường số và số hóa. Đảm bảo tính liên kết và kế thừa dữ liệu đã số hóa có liên quan phục vụ xử lý các hồ sơ. Nâng cao chất lượng cơ chế thúc đẩy dịch vụ công như dịch vụ bưu chính công ích, thanh toán không dùng tiền mặt.

- Phấn đấu các hồ sơ thủ tục hành chính được xử lý trực tuyến, người dân chỉ phải nhập dữ liệu một lần đạt 80%.

- 90% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 của Ngành được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động; nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến.

- Phấn đấu chỉ số người dân, doanh nghiệp hài lòng về việc giải quyết thủ tục hành chính đạt 90%.

- Triển khai hệ thống phòng họp số (gồm ứng dụng họp thông minh và giải pháp họp trực tuyến).

[...]