ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NINH THUẬN
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 1836/QĐ-UBND
|
Ninh Thuận, ngày
21 tháng 9 năm 2021
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY TRÌNH CUNG CẤP, TRAO ĐỔI, QUẢN LÝ THÔNG
TIN VÀ ĐIỀU TRA, XỬ LÝ DỊCH COVID-19 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NINH THUẬN
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH NINH THUẬN
Căn cứ Luật Tổ chức chính
quyền địa phương ngày 19/6/2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ
chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22/11/2019;
Căn cứ Luật phòng, chống bệnh
truyền nhiễm ngày 21/11/2007;
Căn cứ Quyết định số
3986/QĐ-BYT ngày 16/9/2020 của Bộ Y tế về việc ban hành “Sổ tay Hướng tổ chức
thực hiện cách ly y tế vùng có dịch COVID-19”;
Căn cứ Quyết định số 5053/QĐ-BYT
ngày 03/12/2020 của Bộ Y tế về việc ban hành “Sổ tay Hướng dẫn thực hành truy vết
người tiếp xúc với người có xét nghiệm SARS-CoV-2 dương tính”;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở
Y tế tại Tờ trình số 4966/TTr-SYT ngày 19/6/2021.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1.
Ban hành kèm theo Quyết định này Quy trình cung cấp,
trao đổi, quản lý thông tin và điều tra, xử lý dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh
Ninh Thuận.
Điều 2.
Quyết định có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành.
Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân
tỉnh; Giám đốc Sở Y tế; Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh; Giám đốc Công
an tỉnh; Thủ trưởng các Sở, ban, ngành; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện,
thành phố; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành
Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Như điều 2;
- TT. Tỉnh ủy, TT. HĐND tỉnh (báo cáo);
- CT và các PCT UBND tỉnh;
- BCĐ Covid-19 tỉnh;
- Các huyện/thành ủy;
- VPUB: LĐ, CV;
- Lưu: VT, VXNV. NNN
|
CHỦ TỊCH
Trần Quốc Nam
|
QUY TRÌNH
CUNG CẤP, TRAO ĐỔI, QUẢN LÝ THÔNG TIN VÀ ĐIỀU TRA, XỬ LÝ DỊCH
COVID-19 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NINH THUẬN
(Kèm theo Quyết định số 1836/QĐ-UBND ngày 21/9/2021 của UBND tỉnh)
I. Quy định
chung:
1. Mục đích:
Việc cung cấp thông tin nhằm phục
vụ điều tra, truy vết F1, F2 thần tốc và triệt để, không được để sót người tiếp
xúc; huy động tối đa mọi nguồn lực truy vết sớm khi có thông tin ca bệnh, tiến
hành lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 đáp ứng chống dịch, đánh giá, nhận định tình
hình, xác định mốc dịch tễ, vành đai dịch, khoanh vùng, cách ly, phong tỏa và
áp dụng các biện pháp kiểm soát dịch phù hợp.
2. Nguyên tắc:
a) Thông tin cung cấp phải
trung thực, kịp thời, đầy đủ nội dung, đúng địa chỉ người nhận theo phân công của
cơ quan có thẩm quyền; Người cung cấp và người nhận thông tin phải có trách nhiệm
quản lý thông tin để sử dụng phục vụ cho công tác phòng, chống dịch; không chia
sẻ sai địa chỉ người nhận, sử dụng sai mục đích.
b) Người có trách nhiệm cung cấp
thông tin về ca bệnh, thông tin về tình hình dịch cho cơ quan có thẩm quyền
trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19 nhưng thực hiện không kịp thời, đầy đủ,
không đúng địa chỉ sẽ bị xử lý trách nhiệm theo quy định của pháp luật.
II. Quy định
về nội dung, hình thức, quy trình cung cấp thông tin và xử lý dịch:
1. Trường
hợp dương tính với SARS-CoV-2:
a) Bước 1. Tính từ khi có kết
quả xét nghiệm dương tính với test nhanh hoặc RT-PCR (chưa khẳng định):
- Ngay sau khi phát hiện, cá
nhân phát hiện có trách nhiệm thông tin trực tiếp hoặc qua tin nhắn
SMS/Zalo/Viber đến người phụ trách đơn vị/tổ đội công tác (Trạm Y tế cấp xã, Bệnh
viện, Phòng khám, Tổ công tác, …).
- Trong vòng 30 phút từ khi nhận
được thông tin, người phụ trách đơn vị/tổ đội công tác thu thập đầy đủ nội
dung, cung cấp thông tin cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật; đồng thời thông tin
cho các đơn vị liên quan hoặc chính quyền cơ sở tổ chức cách ly tạm thời người
có kết quả dương tính; vận chuyển mẫu xét nghiệm về cơ sở xét nghiệm bằng kỹ
thuật RT-PCR.
- Trong vòng 30 phút từ khi nhận
được thông tin về trường hợp dương tính, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tổ chức tiếp
nhận, bàn giao mẫu để thực hiện xét nghiệm RT-PCR; Đồng thời cung cấp thông tin
cho Giám đốc Sở Y tế và Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thành phố (Trung tâm Chỉ
huy phòng, chống dịch Covid-19) để chỉ đạo triển khai công tác giám sát, phòng
chống dịch.
- Trong vòng 04 giờ kể từ khi
tiếp nhận thông tin về trường hợp dương tính, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật báo
cáo Tổ Phản ứng nhanh để phối hợp các ngành chức năng xác định nguồn lây; Ủy
ban nhân dân huyện, thành phố triển khai các lực lượng (y tế, chính quyền địa
phương, công an phường, xã, thị trấn…) tiến hành điều tra thông tin ca bệnh,
truy vết, xác định ban đầu về mốc dịch tễ, xác định sớm F1, F2, lập danh sách
F1, F2 tại từng mốc dịch tễ và triển khai các biện pháp phòng, kiểm soát lây
nhiễm.
Trong tình huống phát sinh nhiều
trường hợp dương tính cần điều tra, truy vết ở cùng một thời điểm, Sở Y tế điều
phối có trách nhiệm điều phối lực lượng y tế hỗ trợ các địa phương điều tra,
truy vết ở các địa điểm, khu vực ưu tiên để rút ngắn thời gian so với quy định,
kịp thời kiểm soát dịch bệnh.
- Trong vòng 12 giờ (tính từ
khi nhận mẫu), cơ sở xét nghiệm RT-PCR trả lời kết quả xét nghiệm cho đơn vị gửi
mẫu và Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật. Trong vòng 01 giờ kể từ khi có kết
quả xét nghiệm khẳng định dương tính với SARS-CoV-2 (F0), Giám đốc Trung
tâm Kiểm soát bệnh tật thông báo Giám đốc Sở Y tế và Chủ tịch Ủy ban nhân dân
huyện, thành phố (Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19) để triển khai xử
lý dịch.
Trường hợp kết quả xét nghiệm bằng
RT-PCR âm tính, trong vòng 01 giờ, đơn vị nhận được kết quả có trách nhiệm
thông tin cho đơn vị/địa phương biết, thực hiện các nội dung tiếp theo phù hợp
với từng đối tượng.
b) Bước 2. Tính từ khi có kết
quả xét nghiệm RT-PCR dương tính (đã khẳng định):
- Trung tâm Y tế huyện, thành
phố chuyển F0 đến cơ sở điều trị bằng xe chuyên dụng theo phân tuyến của ngành
Y tế, bàn giao phiếu chuyển (ghi đầy đủ thông tin và kết quả xét nghiệm của F0
theo quy định) cho cơ sở tiếp nhận cách ly, điều trị.
- Trong vòng 6 giờ đầu (tính từ
khi nhận thông tin có F0), Ủy ban nhân dân huyện, thành phố chỉ đạo tiếp tục
truy vết F1 thần tốc, triệt để; Lập danh sách F1 tại từng mốc dịch tễ, tổ chức
cách ly tập trung F1 ngay; lấy nhanh mẫu bệnh phẩm xét nghiệm SARS-CoV-2 toàn bộ
F1; thông báo các mốc dịch tễ cho các địa phương khác có liên quan để phối hợp
truy vết (nếu có); tiếp tục truy vết F2 theo quy định. Khoanh vùng tiếp xúc,
phong tỏa tạm thời ngay khu vực dân cư nơi có ca bệnh F0 (quy mô do Ủy ban nhân
dân huyện, thành phố quyết định: dựa vào đánh giá mối liên quan dịch tễ, địa giới
hành chính, mật độ giao thương…; Trường
hợp phức tạp, xin ý kiến Ban Chỉ
đạo phòng, chống dịch tỉnh để quyết định). Phun hóa chất khử khuẩn tiệt trùng
khu vực phong tỏa. Thành lập Tổ quản lý, làm cầu nối với bên ngoài và hỗ trợ
dân cư bên trong khu phong tỏa, đảm bảo trang bị đầy đủ phương tiện phòng hộ chống
lây nhiễm.
Tổ chức thực hiện triệt để các
biện pháp phòng chống dịch bên trong vùng phong tỏa đặc biệt là việc cách ly hộ
gia đình với hộ gia đình (đảm bảo đúng nghĩa, thực chất của phong tỏa) theo hướng
dẫn tại Quyết định số 1677/QĐ- UBND ngày 31/8/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh về
Ban hành Quy định về cách ly, phong tỏa vùng có dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh
Ninh Thuận.
- Trong vòng 12 giờ (tính từ
khi nhận mẫu xét nghiệm) Trung tâm Kiểm soát bệnh tật trả lời kết quả xét nghiệm
của tất cả F1 và trong vòng 24 giờ (tính từ khi nhận mẫu xét nghiệm) trả lời kết
quả xét nghiệm F2; Gửi Ủy ban nhân dân huyện, thành phố. Đồng thời xác định mốc
dịch tễ, gửi đến các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan để thông báo tìm F1,
F2 và người liên quan.
- Trong vòng 36 giờ (tính từ
khi nhận thông tin có F0), Ủy ban nhân dân huyện, thành phố tiếp tục tổ chức lấy
mẫu gộp xét nghiệm SARS-CoV-2 theo hộ gia đình người dân trong khu vực khoanh
vùng tạm thời theo nguyên tắc từ nhà F0, đến các hộ xung quanh.
Trên cơ sở kết quả xét nghiệm
F1, F2, và kết quả lấy mẫu sàng lọc bằng test nhanh; Ủy ban nhân dân huyện, thành
phố phân tích dịch tễ, đánh giá nguy cơ, khoanh vùng, đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh
quyết định phạm vi khu vực phong tỏa chính thức. Nguyên tắc: phạm vi phong tỏa
gọn vừa đủ, nguy cơ đến đâu, phong tỏa đến đó.
c) Bước 3. Theo dõi, xử lý ổ
dịch:
- Trong vòng 03 ngày (kể từ khi
xác định có F0), Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tổ chức đánh giá dịch tễ phân
tích, làm rõ (nguồn lây, mức độ lây nhiễm, vành đai dịch, phạm vi đang có nguy
cơ lây nhiễm) của ổ dịch và đề xuất giải pháp tiếp theo; Gửi báo cáo về Trung tâm
Chỉ huy phòng, chống dịch tỉnh và Sở Y tế để theo dõi, chỉ đạo. Theo đó thường
xuyên giám sát, hỗ trợ các địa phương thực hiện công tác kiểm soát, phòng chống
dịch và báo cáo đánh giá kết quả xử lý ổ dịch hàng tuần theo quy định.
- Ủy ban nhân dân huyện, thành
phố tiếp tục triển khai nội dung, nhiệm vụ đảm bảo thực hiện cách ly, phong tỏa
phòng, chống dịch theo Quyết định số 1677/QĐ-UBND ngày 31/8/2021 của Ủy ban
nhân dân tỉnh về việc cách ly, phong tỏa vùng có dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh
Ninh Thuận; Tiếp tục điều tra F1, F2, lấy mẫu xét nghiệm tìm F0; Khi phát hiện
mới F0 xử lý kịp thời các nội dung theo các Bước 1, Bước 2. Báo cáo tình hình,
kết quả định kỳ hàng tuần hoặc đột xuất, gửi về Ủy ban nhân dân tỉnh và Sở Y tế
để theo dõi, hỗ trợ.
Qua kết quả theo dõi, kiểm soát
dịch, khi đủ điều kiện gỡ bỏ phong tỏa một phần hoặc toàn bộ khu vực phong tỏa,
Ủy ban nhân dân huyện, thành phố báo cáo đánh giá, toàn diện và báo cáo, đề xuất
Ủy ban nhân tỉnh xem xét, phê duyệt, thực hiện theo Quyết định số 1677/QĐ-UBND
ngày 31/8/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc cách ly, phong tỏa vùng có dịch
Covid-19 trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.
III. Quy định
về quản lý thông tin, báo cáo về các trường hợp nghi ngờ, xác định mắc
Covid-19:
1. Quản
lý danh sách trường hợp dương tính với SARS-CoV-2:
- Danh sách các trường hợp
dương tính với SARS-CoV-2 (bằng test nhanh và RT-PCR) được cập nhật, quản lý tại
cơ quan, đơn vị lấy mẫu xét nghiệm, tại các cơ sở được giao tiếp nhận cách ly,
điều trị.
- Trung tâm Kiểm soát bệnh tật
tỉnh cập nhật, quản lý toàn bộ danh sách người dương tính với SARS-CoV-2 bằng
test nhanh và RT-PCR, trên địa bàn tỉnh; Cập nhật trên hệ thống thông tin của Bộ
Y tế và quản lý mã số F0 theo quy định. Hàng ngày tổng hợp danh sách F0 (đã có
mã số BN, chưa có mã số BN) và danh sách người có test nhanh dương tính với
SARS-CoV-2; phân tích nơi nhiễm (nhiễm trong cộng đồng, trong khu cách ly,
trong CSSXKD, …), phân tích chuỗi lây nhiễm, đánh giá tình hình, nguy cơ dịch
trên địa bàn tinh, đề xuất các biện pháp kiểm soát, phòng, chống dịch; Gửi Chủ
tịch Ủy ban nhân dân tỉnh và Giám đốc Sở Y tế để xem xét, chia sẻ thông tin cho
Ban chỉ đạo phòng, chống dịch tỉnh và Ủy ban nhân dân huyện, thành phố cập nhật,
triển khai các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp.
2. Quản
lý, sử dụng thông tin danh sách F0 đã có mã số:
- Trung tâm Kiểm soát bệnh tật
quản lý toàn bộ danh sách F0, Ủy ban nhân dân huyện, thành phố quản lý danh
sách F0 trên địa bàn phụ trách để phục vụ cho việc giám sát, phòng chống dịch
theo quy định.
- Sở Truyền thông và Thông tin
cập nhật mã số và địa chỉ của các trường hợp F0 lên bản đồ dịch tễ, phục vụ xác
định vùng dịch, đánh giá nguy cơ.
- Các cơ quan, đơn vị, địa
phương, doanh nghiệp được chia sẻ danh sách F0 (khi có yêu cầu bằng văn bản) của
cơ quan, đơn vị, địa phương, doanh nghiệp đó, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật cung
cấp để phục vụ công tác kiểm soát, phòng chống dịch trên lĩnh vực, địa bàn phụ
trách.
Yêu cầu các sở, ngành, địa
phương, Ủy ban nhân dân huyện, thành phố tổ chức triển khai thực hiện./.