Quyết định 1826/QĐ-UBND năm 2020 phê duyệt Kế hoạch hành động về "Phòng, chống bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giai đoạn 2020-2025"

Số hiệu 1826/QĐ-UBND
Ngày ban hành 07/07/2020
Ngày có hiệu lực 07/07/2020
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
Người ký Trần Văn Tuấn
Lĩnh vực Trách nhiệm hình sự

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÀ RỊA - VŨNG TÀU

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1826/QĐ-UBND

Bà Rịa - Vũng Tàu, ngày 07 tháng 7 năm 2020

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG VỀ “PHÒNG, CHỐNG BẠO LỰC, XÂM HẠI TÌNH DỤC TRẺ EM TỈNH BÀ RỊA - VŨNG TÀU GIAI ĐOẠN 2020-2025”

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÀ RỊA - VŨNG TÀU

Căn cứ Luật tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Luật Trẻ em ngày 05/4/2016;

Căn cứ Quyết định số 1863/QĐ-TTg ngày 23/12/2019 của Thủ tướng Chính phủ về Kế hoạch hành động quốc gia phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em giai đoạn 2020-2025;

Xét đề nghị của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh tại Công văn số 1599/SLĐTBXH-BTXH ngày 10/6/2020, về việc đề nghị phê duyệt Kế hoạch hành về “Phòng, chống bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em động tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giai đoạn 2020-2025”.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Kế hoạch hành động về “Phòng, chống bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giai đoạn 2020-2025”.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Thủ trưởng các Sở, ban, ngành có liên quan, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố, các xã, phường, thị trấn, các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Cục Trẻ em - Bộ LĐTBXH
- TTr
. TU, TTr. HĐND (b/c);
- Chủ tịch UBND tỉnh;
- UB MTTQ tỉnh;
- Các Sở, Ban, ngành, đoàn thể;
- UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- Thành viên Ban chỉ đạo BVCSGD Trẻ em;
- Lưu: VT, VX5.

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Trần Văn Tuấn

 

KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG

VỀ “PHÒNG, CHỐNG BẠO LỰC, XÂM HẠI TÌNH DỤC TRẺ EM TỈNH BÀ RỊA - VŨNG TÀU GIAI ĐOẠN 2020-2025”
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1826QĐ-UBND ngày 07/7/2020 của UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu)

Thực hiện Quyết định số 1863/QĐ-TTg ngày 23/12/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em giai đoạn 2020-2025, nhằm tăng cường các giải pháp bảo vệ trẻ em, phòng, chống bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em trên địa bàn tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch hành động “Phòng, chống bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giai đoạn 2020-2025”.

I. TÌNH HÌNH TRẺ EM BỊ BẠO LỰC VÀ BỊ XÂM HẠI TÌNH DỤC

Trong thời gian gần đây, tình trạng trẻ em bị bạo lực, xâm hại tình dục trên địa bàn tỉnh có dấu hiệu gia tăng, tính chất vụ việc rất phức tạp và nghiêm trọng, bởi đối tượng xâm hại tình dục trẻ em đa phần là những người quen của trẻ em như: Hàng xóm, người thân họ hàng, giáo viên, cán bộ, nhân viên của nhà trường, đáng chú ý là các vụ mang tính chất loạn luân như: cha dượng hiếp dâm con riêng của vợ dẫn đến có thai, cha đẻ hiếp dâm con ruột (xã Hòa Hiệp - Xuyên Mộc); anh ruột hiếp dâm em gái 6 tuổi (Thị trấn Long Hải - huyện Long Điền), hoặc có những vụ đối tượng xâm hại trẻ em là người cao tuổi, có vị trí trong xã hội gây bức xúc trong dư luận xã hội gần đây. Theo báo cáo của cơ quan điều tra Công an tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố, từ năm 2015 đến năm 2019 trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu xảy ra 349 vụ xâm hại trẻ em/377 trẻ bị xâm hại. Trong đó:

- Bạo lực trẻ em: 61 vụ /83 trẻ em;

- Mua bán trẻ em: 02 vụ/02 trẻ em;

- Bỏ rơi, bỏ mặc trẻ em: 105 vụ/107 em;

- Xâm hại tình dục trẻ em: 181 vụ/185 trẻ em (Hiếp dâm trẻ em: 36 vụ; giao cấu trẻ em: 105 vụ; dâm ô trẻ em: 39 vụ; cưỡng dâm trẻ em: 01 vụ). Riêng năm 2019 xảy ra 50 vụ xâm hại tình dục trẻ em/ 50 trẻ (tăng 17 vụ so với cùng kỳ 2018). Đáng chú ý tình trạng yêu đương, quan hệ tình dục sớm khi còn ở độ tuổi vị thành niên hiện khá phổ biến, trong 181 vụ xâm hại tình dục trẻ em có hơn phân nửa là hành vi giao cấu với trẻ dưới 16 tuổi. Điều đó cho thấy việc quản lý, giáo dục con cái của nhiều gia đình còn lỏng lẻo, gia đình và trẻ em thiếu kiến thức về giới tính và chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên. Do đặc điểm về tâm sinh lý của trẻ em, sự bồng bột thiếu suy nghĩ và non nớt về trí tuệ, trình độ nhận thức, kiến thức về xã hội và pháp luật còn nhiều hạn chế nên dễ bị dụ dỗ và bị xâm hại. Bên cạnh đó, tình hình bạo lực, xâm hại trẻ trên môi trường mạng trong những năm gần đây cũng là vấn đề đáng báo động.

Hậu quả xâm hại trẻ em đã làm 07 trẻ em có thai; trẻ em tử vong do bị bạo lực: 06 em; trẻ em bị thương tật do bị bạo lực: 03 em; trẻ em phải bỏ học do bị xâm hại: 07 em; số trẻ em bị tác động, hậu quả khác về thể chất, tinh thần do bị xâm hại: 371 em. Đối với trẻ những tổn thương này làm trẻ cảm thấy tội lỗi, hổ thẹn, mất lòng tin, suy nghĩ lệch lạc,... và là nỗi ám ảnh đeo đuổi trẻ rất lâu dài, khó lành lại.

Thực tế, số liệu trẻ em bị xâm hại, bạo lực nêu trên có thể chỉ là bề nổi. Với nhiều lý do tác động về văn hóa, lối sống và nhận thức về vấn đề xâm hại trẻ em, hoặc bị mua chuộc, bị đe dọa dẫn đến người thân, gia đình trẻ không tố giác đối tượng xâm hại, nhiều vụ việc xảy ra trong một thời gian dài mới phát hiện. Đa số các hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em được thống kê chủ yếu dựa trên các tiêu chí về thể chất, chưa tính đến bạo lực, xâm hại về tinh thần.

Nguyên nhân chính của các vụ bạo lực và xâm hại tình dục trẻ em ngày càng nghiêm trọng, phức tạp là do nhận thức của người dân về chấp hành pháp luật còn hạn chế. Về mặt khách quan, sự tác động từ các phương tiện truyền thông khiến việc tiếp xúc với những trang mạng khiêu dâm, tệ nạn ma túy ngày càng khó kiểm soát, bạo lực dễ dàng, việc kinh doanh phòng trọ, nhà nghỉ, quán cà phê, karaoke biến tướng,... tạo điều kiện cho các đối tượng thực hiện hành vi phạm tội. Sự biến chất về lối sống của một bộ phận người lớn đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc giáo dục đạo đức, hình thành nhân cách trẻ em, làm gia tăng tội phạm, trong đó có tội phạm xâm hại trẻ em; Vai trò, trách nhiệm bảo vệ, chăm sóc trẻ em của gia đình, nhà trường và cộng đồng chưa được quan tâm đúng mức nên thiếu sự phối hợp, hỗ trợ hiệu quả trong việc quản lý, giáo dục và giúp đỡ trẻ em; Nhiều bậc cha mẹ ít dành thời gian chăm sóc, giáo dục con cái, đặc biệt ở các vùng nông thôn.

Một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa thật sự quan tâm, để xảy ra liên tiếp nhiều vụ xâm hại trẻ em, nhưng thiếu giải pháp chỉ đạo, xử lý triệt để trong công tác phòng, chống xâm hại trẻ em, gây bức xúc dư luận xã hội.

Công tác truyền thông về phòng, chống xâm hại trẻ em chưa bao phủ hết các đối tượng cộng đồng dân cư như: đối tượng nam giới, dân lao động tạm trú, lưu trú...

[...]