Công văn 2419/UBND-VX năm 2022 triển khai giải pháp phòng, ngừa quấy rối tình dục ở không gian công cộng trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh
Số hiệu | 2419/UBND-VX |
Ngày ban hành | 14/07/2022 |
Ngày có hiệu lực | 14/07/2022 |
Loại văn bản | Công văn |
Cơ quan ban hành | Thành phố Hồ Chí Minh |
Người ký | Dương Anh Đức |
Lĩnh vực | Văn hóa - Xã hội |
ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA
VIỆT NAM |
Số: 2419/UBND-VX |
Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 14 tháng 7 năm 2022 |
Kính gửi: |
- Các sở, ban, ngành Thành phố; |
Căn cứ Quyết định số 2568/QĐ-UBND ngày 23 tháng 5 năm 2017 của Ủy ban nhân dân Thành phố về việc ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện “Đề án phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030” và Công văn số 14/BVSTBPNTP ngày 22 tháng 5 năm 2020 của Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ và Bình đẳng giới Thành phố về rà soát, xây dựng, triển khai các giải pháp “Phòng ngừa bạo lực, xâm hại và quấy rối tình dục với phụ nữ và trẻ em ở nơi công cộng”; theo đề nghị của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (Cơ quan Thường trực Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ và Bình đẳng giới Thành phố) tại Công văn số 20769/SLĐTBXH-TE&BĐG ngày 17 tháng 6 năm 2022;
Ủy ban nhân dân Thành phố có ý kiến chỉ đạo như sau:
1. Giao các sở, ban, ngành Thành phố, Ủy ban nhân dân quận, huyện và thành phố Thủ Đức trong quá trình thiết kế, xây dựng, cải tạo và vận hành các không gian công cộng1 thực hiện lồng ghép vấn đề giới và phòng ngừa, ứng phó với quấy rối tình dục, đảm bảo:
a) Có tham vấn ý kiến của phụ nữ, trẻ em, người khuyết tật và người cao tuổi (thông qua đánh giá mức độ an toàn2) để xác định những yếu tố không an toàn cần cải tạo, đặc biệt chú trọng vào các địa điểm thường xảy ra hành vi quay rối tình dục.
b) Lập kế hoạch, bố trí nguồn kinh phí để cải tạo, xây dựng và vận hành công trình hạ tầng công cộng, giao thông công cộng an toàn cho phụ nữ và trẻ em trên cơ sở kết quả của đánh giá mức độ an toàn và đề xuất của phụ nữ và trẻ em.
Giao Cơ quan Thường trực Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ và Bình đẳng giới Thành phố và Tổ Chuyên viên giúp việc Ban có trách nhiệm hỗ trợ chuyên môn cho các đơn vị (khi có yêu cầu).
2. Đề nghị các đơn vị; Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Xây dựng, Sở Giao thông vận tải, Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Tư Pháp, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Y tế, Công an Thành phố, Hội Liên hiệp Phụ nữ Thành phố phân công 01 cán bộ có chuyên môn, nghiệp vụ về giới, am hiểu pháp luật tham gia Tổ nghiên cứu để xây dựng và tham mưu trình Ủy ban nhân dân Thành phố ban hành “Quy trình phối hợp, can thiệp, hỗ trợ cho nạn nhân bị quấy rối tình dục ở nơi công cộng, bao gồm các phương tiện giao thông công cộng trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh” (viết tắt là Quy trình) để triển khai thí điểm; danh sách phân công cán bộ gửi về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội trước ngày 10 tháng 8 năm 2022 để tổng hợp và thực hiện thủ tục theo quy định. Đồng thời giao các đơn vị thực hiện:
a) Sở Lao động - Thương binh và Xã hội:
- Chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ tham mưu Ủy ban nhân dân Thành phố ban hành Quyết định thành lập Tổ nghiên cứu để xây dựng Quy trình và đề xuất mời các Chuyên gia tham gia vào Tổ nghiên cứu;
- Đàm phán với các tổ chức trong nước và ngoài nước hỗ trợ nguồn lực và kỹ thuật cho việc xây dựng, vận hành thí điểm Quy trình.
b) Sở Giao thông vận tải chủ động triển khai các giải pháp can thiệp về phòng ngừa và ứng phó với quấy rối tình dục trên các phương tiện giao thông công cộng trên địa bàn Thành phố; đồng thời chủ trì, phối hợp với Tổ nghiên cứu để tham mưu xây dựng và vận hành thí điểm Quy trình trong lĩnh vực giao thông công cộng.
3. Đề nghị Thủ trưởng các sở, ban, ngành Thành phố, Ủy ban nhân dân quận, huyện và thành phố Thủ Đức khẩn trương rà soát và triển khai thực hiện các nội dung được phân công tại Quyết định số 2568/QĐ-UBND và Công văn số 14/BVSTBPNTP nêu trên; báo cáo tình hình thực hiện gửi về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội trước ngày 31 tháng 8 năm 2022 để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân Thành phố./.
|
KT. CHỦ TỊCH |
1 Không gian công cộng là khu vực thực hiện chung các hoạt động xã hội của người dân, là địa điểm diễn ra các hoạt động chung của xã hội một cách thường xuyên hoặc không thường xuyên.
2 Đánh giá mức độ an toàn là phương pháp sử dụng bộ công cụ khảo sát và tham vấn với phụ nữ, trẻ em và các nhóm yếu thế nhằm xác định những yếu tố an toàn và không an toàn. Đánh giá mức độ an toàn cung cấp thông tin chi tiết và các kiến nghị về chỉ số an toàn, thân thiện giúp cải thiện cộng đồng. Niềm tin cơ bản của phương pháp này là nếu không gian được thiết kế an toàn cho phụ nữ và trẻ em thì sẽ an toàn cho tất cả mọi người.