Kế hoạch 96/KH-UBND năm 2021 về phòng, chống tội phạm xâm hại tình dục trẻ em do tỉnh Thái Bình ban hành

Số hiệu 96/KH-UBND
Ngày ban hành 12/07/2021
Ngày có hiệu lực 12/07/2021
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Thái Bình
Người ký Lại Văn Hoàn
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THÁI BÌNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 96/KH-UBND

Thái Bình, ngày 12 tháng 7 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

PHÒNG, CHỐNG TỘI PHẠM XÂM HẠI TÌNH DỤC TRẺ EM

Để tiếp tục triển khai thực hiện các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả, làm giảm tội phạm xâm hại tình dục trẻ em trên địa bàn tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch phòng, chống tội phạm xâm hại tình dục trẻ em như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, sự tham gia tích cực, phối hợp hiệp đồng, chặt chẽ giữa các cấp, các ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị - xã hội trong công tác phòng ngừa, đấu tranh tội phạm xâm hại tình dục trẻ em.

2. Đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật. Xác định công tác phòng ngừa là căn bản; kịp thời tuyên truyền, nhắc nhở, phòng ngừa chung, góp phần kiềm chế, làm giảm các nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm.

3. Bảo đảm 100% các tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố đối với các vụ việc xâm hại tình dục trẻ em được tiếp nhận, giải quyết kịp thời; 100% các vụ có dấu hiệu tội phạm xâm hại tình dục trẻ em được khởi tố, điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

4. Phân công, phân cấp, xác định rõ trách nhiệm của từng cấp, từng ngành, từng lực lượng trong công tác phòng, chống tội phạm xâm hại tình dục trẻ em.

II. NỘI DUNG, BIỆN PHÁP TIẾN HÀNH

1. Công tác tham mưu, chỉ đạo thực hiện

- Cấp ủy, chính quyền các cấp căn cứ tình hình thực tế tại địa phương, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống tội phạm xâm hại tình dục trẻ em, cụ thể hóa bằng văn bản, trong đó xác định rõ mục tiêu, yêu cầu, các biện pháp tiến hành gắn với trách nhiệm người đứng đầu, các cấp, các ngành, các tổ chức cơ sở đảng và mỗi cán bộ đảng viên; đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát đưa vào thành một nội dung để theo dõi, chỉ đạo, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, kiên quyết không để tội phạm này gây bức xúc.

- Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các đoàn thể tỉnh tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt, phối hợp với lực lượng Công an cơ sở bám sát địa bàn, thường xuyên trao đổi thông tin đối tượng có biểu hiện hoạt động phạm tội để kịp thời phòng ngừa, đấu tranh.

- Huy động các nguồn lực theo hướng xã hội hóa kết hợp bố trí kinh phí của địa phương hỗ trợ công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm xâm hại tình dục trẻ em.

- Công an tỉnh chủ động tham mưu sơ kết 01 năm Chỉ thị số 15/CT-UBND ngày 14/8/2020 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh về việc tăng cường phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh xử lý các hành vi xâm hại tình dục trẻ em, đánh giá toàn diện tình hình, kết quả, tồn tại, hạn chế và nguyên nhân, đề xuất giải pháp thực hiện trong thời gian tới làm giảm tội phạm xâm hại tình dục trẻ em trên địa bàn tỉnh (thực hiện trong Quý III/2021).

2. Công tác tuyên truyền, phòng ngừa

- Chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và các chính sách liên quan đến trẻ em; thường xuyên thông báo phương thức, thủ đoạn của tội phạm xâm hại tình dục trẻ em; hậu quả nguy hiểm của các vụ xâm hại trẻ em; các biện pháp phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em… để từng gia đình, nhà trường, cộng đồng hiểu rõ quyền, trách nhiệm của mình trong bảo vệ, chăm sóc, giáo dục đối với trẻ em; để chính các em (nhất là trẻ em gái) được trang bị những kiến thức cơ bản tự bảo vệ mình trước nguy cơ xâm hại tình dục.

- Tăng cường xây dựng các chuyên trang, chuyên mục, chuyên đề về phòng, chống tội phạm xâm hại tình dục trẻ em; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, các trang mạng xã hội, công khai phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng để cán bộ, nhân dân, học sinh, sinh viên biết, nâng cao nhận thức, phối hợp, tích cực phát hiện, tố giác tội phạm.

- Phát động mạnh mẽ phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, có cơ chế chính sách động viên người dân tham gia trực tiếp công tác phòng ngừa, đấu tranh, lên án hành vi vi phạm, xây dựng hình ảnh xã hội văn minh, lan tỏa gương người tốt, việc tốt trong công tác bảo vệ trẻ em.

- Tăng cường thanh tra, kiểm tra chuyên ngành nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước các lĩnh vực văn hóa xã hội không để tội phạm lợi dụng hoạt động. Kịp thời phát hiện, khắc phục, kiến nghị khắc phục các sơ hở thiếu sót theo chức năng của từng ngành, hạn chế nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm này.

- Thực hiện tốt chính sách vận động quần chúng, động viên, khuyến khích, bảo vệ kịp thời những người dân tham gia tố giác, cung cấp thông tin có giá trị phản ánh hoạt động của tội phạm.

3. Công tác đấu tranh, xử lý

- Các lực lượng chức năng triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ tăng cường công tác quản lý địa bàn, đối tượng, đặc biệt là rà soát, quản lý cư trú, quản lý giáo dục đối tượng tại địa bàn cơ sở.

- Thường xuyên gọi hỏi, răn đe, cảm hóa giáo dục đối tượng có biểu hiện vi phạm pháp luật. Chủ động thu thập, tích lũy tài liệu, lập hồ sơ áp dụng các biện pháp xử lý hành chính (đưa vào Cơ sở giáo dục, Trường giáo dưỡng, Cơ sở cai nghiện bắt buộc và giáo dục tại xã, phường, thị trấn).

- Tiếp nhận, phân loại, giải quyết kịp thời các tố giác, tin báo có dấu hiệu tội phạm xâm hại trẻ em. Nâng cao chất lượng công tác điều tra, khai thác mở rộng triệt để từ các vụ án, vụ việc khác, kiên quyết không bỏ sót, bỏ lọt tội phạm, làm oan người vô tội.

- Đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án xâm hại tình dục trẻ em theo đúng trình tự, thủ tục quy định của pháp luật.

III. PHÂN CÔNG NHIỆM VỤ

1. Công an tỉnh

- Chỉ đạo các lực lượng nghiệp vụ, Công an huyện, thành phố chủ động nghiên cứu, phân tích, đánh giá tình hình, phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm xâm hại tình dục trẻ em trên địa bàn tỉnh; mở hồ sơ theo dõi, thu thập, tích lũy tài liệu đối với các đối tượng: có tiền án, tiền sự về hành vi xâm hại trẻ em; đối tượng có biểu hiện hoạt động phạm tội; mối quan hệ của đối tượng (thường xuyên qua lại với gia đình trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, thường xuyên dụ dỗ, lôi kéo, đưa đón trẻ em đi chơi…). Trên cơ sở đó, tổ chức phân loại, kịp thời áp dụng các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn (gọi hỏi, răn đe, cảm hóa, giáo dục đối tượng).

[...]