THỦ TƯỚNG CHÍNH
PHỦ
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 182/QĐ-TTg
|
Hà Nội, ngày 14 tháng 02 năm 2019
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH KẾ HOẠCH TRIỂN KHAI THI HÀNH LUẬT TRỒNG TRỌT, LUẬT CHĂN NUÔI
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày
19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Trồng trọt ngày 19
tháng 11 năm 2018;
Căn cứ Luật Chăn nuôi ngày 19
tháng 11 năm 2018;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch triển
khai thi hành Luật Trồng trọt, Luật Chăn nuôi.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày
ký ban hành.
Điều 3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ
trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực
thuộc trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Ban Bí Thư
Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng
Chính phủ;
- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ
quan thuộc Chính phủ;
- HĐND, UBND các tỉnh,
thành phố trực thuộc trung ương;
- Văn phòng Trung ương và các
Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng dân tộc và các Ủy ban
của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối
cao;
- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc
gia;
- Kiểm toán nhà nước;
- Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ
quốc Việt Nam;
- Cơ quan trung ương của các
đoàn thể;
- Phòng Thương mại và Công nghiệp
Việt Nam;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg,
TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo.
- Lưu: VT, PL (2).KN
|
THỦ
TƯỚNG
Nguyễn Xuân Phúc
|
KẾ HOẠCH
TRIỂN KHAI THI HÀNH LUẬT TRỒNG TRỌT, LUẬT CHĂN NUÔI
(Kèm theo Quyết định số 182/QĐ-TTg
ngày 14 tháng 02 năm
2019 của Thủ tướng Chính phủ)
Luật Trồng trọt số 31/2018/QH14, Luật
Chăn nuôi số 32/2018/QH14 được Quốc hội Khóa XIV, kỳ họp thứ 6 thông qua ngày
19 tháng 11 năm 2018, có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2020.
Để triển khai thi
hành Luật Trồng trọt, Luật Chăn nuôi kịp thời, đồng bộ, thống nhất và hiệu quả,
Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Trồng trọt, Luật
Chăn nuôi với các nội dung sau đây:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích
a) Xác định cụ thể các nội dung công
việc, thời hạn, tiến độ hoàn thành và trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị có
liên quan trong việc tổ chức triển khai thi hành luật, bảo đảm tính kịp thời, đồng
bộ, thống nhất và hiệu quả.
b) Tuyên truyền, phổ biến Luật Trồng
trọt, Luật Chăn nuôi đến các tầng lớp nhân dân và cán bộ, công chức, viên chức;
tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ làm công tác trồng trọt, chăn nuôi.
c) Xác định cơ chế phối hợp hiệu quả
giữa các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các địa phương trong
việc tiến hành các hoạt động triển khai thi hành Luật Trồng trọt, Luật Chăn
nuôi trên phạm vi cả nước.
d) Nâng cao nhận thức về Luật Trồng
trọt, Luật Chăn nuôi, trách nhiệm triển khai thi hành Luật Trồng trọt, Luật
Chăn nuôi.
2. Yêu cầu
a) Đảm bảo sự chỉ đạo của Chính phủ,
Thủ tướng Chính phủ trong việc tổ chức triển khai thi hành luật.
b) Xác định nội dung công việc phải gắn
với trách nhiệm và phát huy vai trò chủ động, tích cực của cơ quan quản lý nhà
nước ở trung ương và địa phương, đảm bảo chất lượng và tiến độ hoàn thành công
việc.
c) Đảm bảo sự phối hợp thường xuyên,
hiệu quả giữa các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các địa
phương trong việc triển khai thi hành luật.
d) Có lộ trình cụ thể để đảm bảo từ
ngày 01 tháng 01 năm 2020, Luật Trồng trọt, Luật Chăn nuôi được triển khai thi
hành đồng bộ, thống nhất trên phạm vi cả nước.
đ) Thường xuyên, kịp thời kiểm tra,
đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ, giải quyết những vướng mắc, khó khăn phát sinh
trong quá trình tổ chức thực hiện để đảm bảo tiến độ, hiệu quả của việc triển
khai thi hành luật.
II. NỘI DUNG TRIỂN
KHAI THI HÀNH LUẬT TRỒNG TRỌT, LUẬT CHĂN NUÔI
1. Tổ chức quán triệt, tuyên truyền,
phổ biến nội dung của Luật
a) Ở trung ương:
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các
cơ quan có liên quan tổ chức quán triệt việc thi hành luật; tuyên truyền, phổ
biến nội dung của luật thông qua các chuyên mục, chương trình, tập huấn, biên
soạn tài liệu và các hình thức khác theo quy định của Luật phổ biến, giáo dục
pháp luật.
b) Ở địa phương
Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố
trực thuộc trung ương tổ chức tuyên truyền, phổ biến nội dung của luật bằng các
hình thức phù hợp với điều kiện, tình hình thực tế của địa phương và từng đối
tượng, địa bàn (thông qua lồng ghép chuyên đề trong các hội nghị, lớp tập huấn, cập nhật kiến thức pháp luật mới theo kế hoạch công tác phổ
biến, giáo dục pháp luật).
c) Thời gian thực hiện: Năm 2019 và
các năm tiếp theo.
2. Tổ chức rà soát các văn bản quy phạm
pháp luật, các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đã ban hành có liên quan
đến Luật Trồng trọt, Luật Chăn nuôi; tự mình hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền
kịp thời sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới bảo đảm phù hợp,
thống nhất với Luật Trồng trọt, Luật Chăn nuôi.
a) Ở trung ương:
- Cơ quan chủ trì: Bộ Nông nghiệp và
Phát triển nông thôn.
- Cơ quan phối hợp: Bộ Tư pháp và các
cơ quan, tổ chức có liên quan
b) Ở địa phương:
- Cơ quan chủ trì: Ủy ban nhân dân
các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
- Cơ quan phối hợp: Các cơ quan, tổ
chức có liên quan.
3. Xây dựng văn bản quy phạm pháp luật
quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành các nội dung được giao trong Luật Trồng
trọt, Luật Chăn nuôi
a) Đối với Luật Trồng trọt
- Văn bản do Bộ Nông nghiệp và Phát
triển nông thôn trình hoặc ban hành theo thẩm quyền:
+ Nghị định của Chính phủ (03 văn bản):
(1) Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều và biện pháp thi hành Luật
Trồng trọt; (2) Nghị định quy định về quản lý phân bón; (3) Nghị định xử phạt
vi phạm hành chính về trồng trọt.
Cơ quan chủ trì: Bộ Nông nghiệp và
Phát triển nông thôn.
Cơ quan phối hợp: Văn phòng Chính phủ,
Bộ Tư pháp, Bộ Tài nguyên và Môi trường, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc
Chính phủ, các cơ quan, tổ chức khác có liên quan.
Thời gian trình Chính phủ:
Nghị định quy định chi tiết thi hành
một số điều và biện pháp thi hành Luật Trồng trọt; Nghị định quy định về quản
lý phân bón: Tháng 9 năm 2019.
Nghị định xử phạt vi phạm hành chính
về trồng trọt: Tháng 12 năm 2019
+ Thông tư của Bộ trưởng (04 văn bản):
(1) Thông tư quy định việc cung cấp thông tin, cập nhật, khai thác, quản lý cơ
sở dữ liệu quốc gia về trồng trọt; (2) Thông tư ban hành danh mục giống cây trồng
chính; (3) Thông tư quy định về quản lý, sử dụng, lưu giữ giống mẫu cây trồng,
về lấy mẫu giống, kiểm định ruộng giống; (4) Thông tư quy định việc thu gom, xử
lý, sử dụng phụ phẩm cây trồng.
Cơ quan chủ trì: Bộ Nông nghiệp và
Phát triển nông thôn.
Cơ quan phối hợp: Các cơ quan, tổ chức
có liên quan.
Thời gian hoàn thành: Tháng 10 năm
2019.
b) Đối với Luật Chăn nuôi
- Văn bản do Bộ Nông nghiệp và Phát
triển nông thôn trình, ban hành theo thẩm quyền:
+ Nghị định của Chính phủ (02 văn bản):
(1) Nghị định hướng dẫn chi tiết và biện pháp thi hành Luật Chăn nuôi; (2) Nghị
định xử phạt vi phạm hành chính về chăn nuôi.
Cơ quan chủ trì: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Cơ quan phối hợp: Văn phòng Chính phủ,
Bộ Tư pháp, Bộ Tài nguyên và Môi trường, các bộ, cơ quan
ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các cơ quan, tổ chức khác có liên quan.
Thời gian hoàn thành:
Nghị định hướng dẫn chi tiết và biện
pháp thi hành Luật Chăn nuôi: Tháng 10 năm 2019.
Nghị định xử phạt vi phạm hành chính
về chăn nuôi: Tháng 12 năm 2019.
+ Thông tư của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp
và Phát triển nông thôn (07 văn bản): (1) Thông tư quy định việc cập nhật, khai
thác và quản lý cơ sở dữ liệu quốc gia về chăn nuôi; (2) Thông tư hướng dẫn quản
lý giống vật nuôi; (3) Thông tư hướng dẫn quản lý thức ăn chăn nuôi; (4) Thông
tư hướng dẫn một số quy định về hoạt động chăn nuôi; (5) Thông tư hướng dẫn quy
định về xử lý chất thải chăn nuôi; (6) Thông tư ban hành Danh mục hóa chất, sản
phẩm sinh học, vi sinh vật cấm, sử dụng trong thức ăn chăn nuôi; (7) Thông tư
ban hành Danh mục nguyên liệu được phép sử dụng làm thức ăn chăn nuôi.
Cơ quan chủ trì: Bộ Nông nghiệp và
Phát triển nông thôn.
Cơ quan phối hợp: Các cơ quan, tổ chức
có liên quan.
Thời gian hoàn thành: Tháng 11 năm
2019.
- Văn bản do địa phương chủ trì xây dựng
(02 nội dung): Quyết định khu vực nội thành của thành phố, thị xã, thị trấn,
khu dân cư không được phép chăn nuôi, quyết định khu vực nuôi chim yến và chính
sách hỗ trợ khi di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn
nuôi.
+ Cơ quan chủ trì: Ủy ban nhân dân
các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
+ Cơ quan phối hợp: Bộ Nông nghiệp và
Phát triển nông thôn và cơ quan, tổ chức liên quan.
+ Thời gian hoàn thành: Tháng 10 năm
2019.
III. TỔ CHỨC THỰC
HIỆN
1. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan
ngang bộ và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương
trong phạm vi quản lý của bộ, ngành và địa phương mình chủ động, tích cực triển
khai thực hiện Kế hoạch này theo nhiệm vụ được phân công, bảo đảm đúng tiến độ,
chất lượng, hiệu quả, tiết kiệm, tránh hình thức, lãng phí.
2. Nguồn kinh phí thực hiện Kế hoạch
được bố trí từ ngân sách nhà nước trong dự toán chi thường xuyên hàng năm và
các nguồn khác theo quy định của pháp luật.
Việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và
quyết toán kinh phí cho công tác triển khai thi hành Luật Trồng trọt, Luật Chăn
nuôi thực hiện theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước. Đối với các
hoạt động trong Kế hoạch được triển khai trong năm 2019, các bộ, ngành và Ủy
ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được phân công thực hiện
có trách nhiệm lập dự toán bổ sung và sắp xếp, bố trí kinh phí trong nguồn ngân
sách nhà nước năm 2019 để tổ chức thực hiện.
Cơ quan được phân công chủ trì thực
hiện các nội dung, nhiệm vụ cụ thể quy định trong Kế hoạch này có trách nhiệm
chủ động sắp xếp, bố trí kinh phí trong nguồn ngân sách năm đã được phê duyệt;
dự toán bổ sung kinh phí thực hiện Kế hoạch và huy động các nguồn kinh phí hỗ
trợ khác theo quy định của pháp luật để tổ chức thực hiện.
Bộ Tài chính và Ủy ban nhân dân các cấp
bảo đảm kinh phí để triển khai thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ của các bộ, ngành
và địa phương.
3. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn có trách nhiệm giúp Thủ tướng Chính phủ theo dõi, đôn đốc, hướng dẫn các bộ,
Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và các cơ quan có liên quan trong việc triển khai thực
hiện các nhiệm vụ được nêu trong Kế hoạch theo đúng tiến độ và tổng hợp, báo
cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện Kế hoạch này./.