Thứ 2, Ngày 28/10/2024

Quyết định 182/1999/QĐ-TTg phê duyệt đề án phát triển rau, quả và hoa, cây cảnh thời kỳ 1999-2010 do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 182/1999/QĐ-TTg
Ngày ban hành 03/09/1999
Ngày có hiệu lực 18/09/1999
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Nguyễn Công Tạn
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 182/1999/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 03 tháng 9 năm 1999

 

QUYẾT ĐỊNH

CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ SỐ 182/1999/QĐ-TTG NGÀY 03 THÁNG 9 NĂM 1999 VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN RAU, QUẢ VÀ HOA, CÂY CẢNH THỜI KỲ 1999-2010

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Xét đề nghị của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt đề án phát triển rau, quả và hoa, cây cảnh thời kỳ 1999-2010 với nội dung chủ yếu sau:

I. PHƯƠNG HƯỚNG, MỤC TIÊU:

1. Phương hướng.

- Phát triển rau, quả và hoa, cây cảnh nhằm khai thác lợi thế về điều kiện khí hậu, sinh thái đa dạng (nhiệt đới, á nhiệt đới, ôn đới) của các vùng, để sản xuất thực phẩm có giá trị dinh dưỡng đa sinh tố cho người, góp phần giải quyết việc làm, phủ xanh đất trống đồi núi trọc, tạo cảnh quan môi trường;

- Phát triển rau, quả và hoa, cây cảnh phải gắn với nhu cầu của thị trường, có khả năng cạnh tranh ở thị trường trong nước, thị trường các nước trong khu vực và trên thế giới, cả trước mắt và lâu dài.

- Phát triển rau, quả và hoa, cây cảnh ở các vùng trong cả nước, trong đó cần quan tâm phát triển ở một số vùng có điều kiện sinh thái đặc biệt như: đồng bằng sông Cửu Long, Lâm Đồng, đồng bằng sông Hồng (nhất là cây vụ đông), vùng cao miền núi phía Bắc; kết hợp cải tạo vườn tạp, thâm canh vườn cây hiện có với trồng mới theo hướng: vừa phát triển rộng rãi trong dân, vừa phát triển các vùng sản xuất chuyên canh cây chủ lực, được thâm canh, từng bước hiện đại hoá; sử dụng công nghệ truyền thống và công nghệ sạch để bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khoẻ và đời sống nhân dân, nâng cao chất lượng hàng hoá xuất khẩu.

2. Mục tiêu.

- Nhanh chóng thoả mãn nhu cầu đời sống nhân dân về rau, quả và hoa cây cảnh (thông thường và cao cấp), trong đó đẩy mạnh sản xuất, chế biến nước quả với giá rẻ để từng bước thay thế nước uống có cồn hiện nay;

- Tạo thêm việc làm cho khoảng 5,0 triệu người.

- Kim ngạch xuất khẩu đến năm 2010 đạt 1,0 tỷ đô la Mỹ/năm.

II. VỀ GIẢI PHÁP:

1. Định hướng quy hoạch vùng sản xuất: Bộ Nông nghệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương rà soát lại quy hoạch sản xuất, bố trí lại cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện đất đai, khí hậu của từng vùng; gắn phát triển vùng nguyên liệu với cơ sở chế biến; sản phẩm sản xuất ra phải xuất phát từ nhu cầu thị trường (trong nước và xuất khẩu) để quy hoạch, xây dựng kế hoạch sản xuất từng loại sản phẩm, không để nông dân sản xuất tự phát dẫn đến tình trạng khi thừa, khi thiếu gây thiệt hại cho người sản xuất và người tiêu dùng.

Trước mắt, tập trung đầu tư cải tạo vườn tạp, xây dựng vùng chuyên canh tập trung, thâm canh một số cây trồng có lợi thế, có khả năng cạnh tranh được ở trong nước và ngoài nước như: dứa, chuối, nhãn, vải, xoài, cây có múi, thanh long, rau cao cấp, măng tây, hồ tiêu, hoa, cây cảnh...

2. Khoa học và công nghệ.

a) Giống: cần phải có các bộ giống tốt có năng suất cao để thay thế giống năng suất thấp, chất lượng kém hiện nay theo hướng: tuyển chọn giống sẵn có, nhập khẩu, lai tạo những giống mới năng suất cao, chất lượng tốt.

Bộ Nông nghệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo Viện nghiên cứu rau quả, Viện nghiên cứu cây ăn quả miền Nam giúp các tỉnh về kỹ thuật để các tỉnh đều có vườn giống đầu dòng nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp và nhân dân lai ghép, tạo giống tốt cung cấp cho nhu cầu của người trồng rau, quả và hoa, cây cảnh.

Trên cở sở sắp xếp lại hệ thống các cơ sở nghiên cứu khoa học của Bộ, cần có kế hoạch đầu tư Viện nghiên cứu rau quả thuộc Tổng công ty rau quả Việt Nam hiện nay cùng với Viện nghiên cứu cây ăn quả miền Nam trở thành các Viện nghiên cứu cùng về rau, quả và hoa, cây cảnh.

b) Nhanh chóng áp dụng và thực hiện quy trình sản xuất bằng công nghệ sạch (dùng phân vi sinh, thuốc vi sinh bảo vệ thực vật...), công nghệ tưới tiêu, công nghệ bảo quản, chế biến tiên tiến, hiện đại để trong thời gian ngắn công nghệ sản xuất, bảo quản, chế biến rau quả của Việt Nam sánh kịp các nước trong khu vực.

3. Chế biến.

a) Trên cơ sở quy hoạch vùng chuyên canh tập trung, vùng đã có sản phẩm phải được đầu tư cơ sở chế biến phù hợp giữa công suất chế biến với nguồn nguyên liệu. Việc nhập khẩu thiết bị chế biến phải đảm bảo yêu cầu về công nghệ tiên tiến và hiện đại phù hợp với yêu cầu của thị trường tiêu thụ, hạ giá thành, nâng cao chất lượng sản phẩm phục vụ cho xuất khẩu và tiêu dùng.

b) Hoàn thành đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến nước quả, đồ hộp ở một số vùng, nghiên cứu đầu tư chế biến nước quả đối với một số quả đặc sản có hương vị riêng của Việt Nam.

Trước mắt ở một số tỉnh đã trồng dứa như: Kiên Giang, Tiền Giang, Hà Tĩnh, Ninh Bình (Đồng Giao), Bắc Giang và một số địa phương khác cần sớm hoàn thành việc đầu tư xây dựng nhà máy chế biến mới hoặc đầu tư cải tạo, đổi mới thiết bị đối với nhà máy hiện có để tiêu thụ hết dứa cho người trồng dứa nhưng phải đảm bảo có thị trường tiêu thụ.

4. Thị trường.

[...]