BỘ Y TẾ
-------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 181/QĐ-BYT
|
Hà Nội, ngày 23 tháng 01 năm 2024
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ
VIỆC BAN HÀNH TÀI LIỆU CHUYÊN MÔN “HƯỚNG DẪN NHỊN ĂN UỐNG VÀ CUNG CẤP
CARBOHYDRATE TRƯỚC PHẪU THUẬT CHƯƠNG TRÌNH”
BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ
Căn cứ Luật
Khám bệnh, chữa
bệnh năm 2023;
Căn cứ Nghị định số 95/2022/NĐ-CP ngày 15 tháng 11 năm 2022 của
Chính
phủ
quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Quản
lý khám, chữa bệnh.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này tài liệu chuyên môn “Hướng
dẫn nhịn ăn uống và cung cấp carbohydrate trước phẫu thuật chương trình”
Điều 2. Tài liệu chuyên môn “Hướng dẫn nhịn ăn uống và cung cấp carbohydrate
trước phẫu thuật chương trình” được áp dụng tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký, ban hành.
Điều 4. Các ông, bà: Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, Cục trưởng
và Vụ trưởng các Cục, Vụ thuộc Bộ Y tế, Giám đốc Sở Y tế các Tỉnh, Thành phố trực
thuộc Trung ương, Giám đốc các Bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, Thủ trưởng Y tế
các ngành chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
-
Như Điều 4;
-
Bộ trưởng (để b/c);
-
Các Thứ trưởng;
-
Cổng thông tin điện tử Bộ Y tế; Website Cục KCB;
-
Lưu: VT, KCB.
|
KT. BỘ
TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Trần
Văn Thuấn
|
HƯỚNG DẪN
NHỊN
ĂN UỐNG VÀ CUNG CẤP CARBOHYDRATE TRƯỚC PHẪU THUẬT CHƯƠNG TRÌNH
(Ban hành kèm theo
Quyết định 181/QĐ-BYT ngày 23 tháng 01 năm 2024 của Bộ trưởng
Bộ Y tế)
1. Đại cương:
1.1. Mục đích: Giảm thời gian nhịn ăn
uống và khuyến khích người bệnh uống dịch trong suốt giàu carbohydrate khi chuẩn bị
phẫu thuật chương trình.
1.2. Cơ sở khoa học: Được chứng minh
và khuyến cáo mạnh (1A)
- Nhịn ăn uống lâu gây
khó chịu, hạ đường máu, mất nước, thiếu năng lượng,
dị hoá và đặc biệt kháng insulin làm tăng nhiễm trùng và biến chứng sau phẫu
thuật.
- Uống dịch trong
suốt (đặc biệt
loại giàu carbohydrate) là an toàn và hiệu quả:
+ Không gây dạ dày đầy: 50% lượng dịch
trong suốt uống vào được làm sạch khỏi dạ dày ở phút thứ 10 và 95% ở phút 60.
Thể tích, pH dịch dạ dày khi nhịn ăn uống qua đêm tương tự khi uống dịch trong
suốt đến 2 giờ trước phẫu thuật và không gặp trường hợp trào ngược nào khi khởi
mê.
+ Tăng cường hồi phục sau phẫu thuật:
Người bệnh hài lòng, giảm đói khát, giảm lo lắng khi chờ phẫu thuật và cải thiện
kết cục sau phẫu thuật (giảm kháng insulin, đường máu ổn định hơn, giảm dị hoá,
giảm nhiễm trùng và giảm ngày nằm viện).
1.3. Dịch uống trong suốt (clear fluid)
cần đảm bảo an toàn thực phẩm, gồm 2 loại:
- Loại giàu carbohydrate phức
(polysaccharide): gồm dạng bột hoặc lỏng, mỗi khẩu phần (1 serving) chứa 40 -
50 g carbohydrate pha trong 300 mL - 400 mL, có hoặc không thêm lượng khác nhau
về điện giải, vi chất chống oxy hoá, vitamin, protein thực vật, hương vị hoa quả
dễ uống. Loại này cung cấp nhiều năng lượng (1 g carbohydrate cho 4 kcal), có
tác dụng giảm kháng insulin trong phẫu thuật.
+ Loại có hoặc không chứa carbohydrate
đơn (monosaccharide): gồm nước lọc, nước sucrose hoặc glucose, nước trà hoặc cà
phê không sữa, nước hoa quả không cặn tép, đồ uống không cồn và không gas
sinh CO2. Loại này chủ
yếu cung cấp nước, ít năng lượng và ít tác dụng giảm kháng insulin trong phẫu
thuật.
2. CHỈ ĐỊNH:
Áp dụng cho người bệnh chuẩn bị phẫu
thuật theo chương trình.
3. CHỐNG CHỈ
ĐỊNH
Người bệnh chậm rỗng dạ dày và nguy cơ
trào ngược gồm phẫu thuật cấp cứu, đái tháo đường chưa được kiểm soát, bệnh
trào ngược dạ dày - thực quản, thoát vị hoành qua lỗ Hiatus, rối loạn nuốt, tắc
ruột, nội soi tụy mật ngược
dòng và tiên lượng đặt nội khí quản khó.
4. CÁC BƯỚC
TIẾN HÀNH
Bước 1. Bác sỹ gây mê khám
người bệnh ở khoa lâm sàng ngày trước phẫu thuật:
- Xác định và ghi hồ sơ bệnh án có hay
không có chỉ định cung cấp carbohydrate
- Tư vấn người bệnh
và gia đình hiểu, hợp tác thực
hiện nhịn ăn uống và cung cấp
carbohydrate
Bước 2. Bác sỹ lâm sàng và điều dưỡng
khoa lâm sàng:
- Hỗ trợ tư vấn người bệnh và gia đình
về nhịn ăn uống và cung cấp carbohydrate.
- Bác sỹ lâm sàng chỉ định chế độ nhịn
ăn uống và cung cấp carbohydrate cho người bệnh (loại, lượng uống, thời gian uống
phù hợp).
- Điều dưỡng thực hiện và giám sát chế
độ nhịn ăn uống và cung cấp carbohydrate theo chỉ định của bác sỹ lâm sàng, ghi
vào hồ sơ thời gian uống để kíp gây mê nắm thông tin khi người bệnh đến phòng
phẫu thuật.
- Bác sỹ dinh dưỡng tư vấn, khuyến cáo
cho người bệnh và bác sỹ, điều dưỡng khác về chế độ dinh dưỡng đặc biệt cần lưu
ý.
Bước 3. Cách thực hiện:
3.1. Nhịn ăn uống trước
phẫu thuật chương trình theo công thức 2 - 4 - 6 - 8
Loại thức ăn
|
Thời gian
nhịn tối thiểu
|
Dịch uống trong suốt
|
2 giờ
|
Sữa mẹ
|
4 giờ
|
Sữa công thức, ăn nhẹ (thức ăn đặc
tinh bột)
|
6 giờ
|
Thức ăn đặc bình thường có thịt hoặc
mỡ hoặc rau, xơ
|
8 giờ
|
3.2. Uống dịch
trong suốt carbohydrate trước phẫu thuật chương trình
* Tối ngày trước phẫu
thuật: Uống dần 2 khẩu phần từ
sau ăn tối đến khi đi ngủ.
* Ngày phẫu thuật:
- Không cần truyền dịch
bổ sung nước, điện giải, năng lượng khi chờ phẫu thuật
- Uống 1 khẩu phần theo một
trong hai cách sau đây:
+ Theo lịch phẫu thuật:
|
Trước 6 giờ sáng
nếu phẫu thuật trước 12 giờ
|
|
Trước 10 giờ 30
phút nếu phẫu thuật sau
12 giờ
|
|
Trước 16 giờ nếu
phẫu thuật trì hoãn sau 18 giờ.
|
+ Kết thúc uống tối thiểu 2 giờ trước
phẫu thuật
Bước 4. Bác sỹ gây mê kiểm
tra thời gian người bệnh ăn uống ngay trước khi gây mê, gây tê, an thần
tĩnh mạch và xử trí phù hợp khi nghi ngờ dạ dày đầy.
5. MỘT SỐ NGƯỜI BỆNH
ĐẶC BIỆT:
- Người bệnh không dung nạp, từ chối hoặc khi
không sẵn có loại dịch
giàu carbohydrate: Khuyến khích uống dịch trong suốt khác hợp với sở thích.
- Trẻ em: Uống theo nhu
cầu bất cứ loại dịch trong suốt nào hợp với sở thích, ưu tiên lựa chọn loại
cung cấp thêm năng lượng và điện giải. Trẻ > 16 tuổi uống dịch trong suốt
carbohydrate như đối với người lớn.
- Người đái đường đã kiểm soát: tip 1
uống 1/2 lượng carbohydrate (50 g tối hôm trước và 25 g vào ngày phẫu thuật);
típ 2 uống như người bệnh không đái đường.
- Người bệnh béo phì, sản phụ chưa
chuyển dạ uống như với người bệnh khác
- Sản phụ đang chuyển dạ: dù ăn uống
hay nhịn vẫn coi là dạ dày đầy, ưu tiên gây tê vùng khi cần
phẫu thuật lấy con cấp cứu, khởi mê nhanh (RSI) nếu gây mê.
- Thủ thuật chương trình dưới gây mê,
an thần tĩnh mạch, tê vùng: Áp dụng như phẫu thuật chương trình.
VI. XỬ TRÍ MỘT SỐ
TÌNH HUỐNG
- Chưa đủ thời gian nhịn ăn uống: Bác
sỹ gây mê cân nhắc chờ đủ thời gian theo khuyến cáo hoặc ưu tiên gây tê hay thực hiện
khởi mê nhanh cho dạ dày đầy (RSI).
- Thời gian phẫu thuật trì hoãn: Uống dịch
trong suốt carbohydrate theo lịch mới.
- Người bệnh được phép uống thuốc với
ngụm nhỏ nước trong vòng 2 giờ trước phẫu thuật, thủ thuật chương trình.
Tóm tắt hướng
dẫn nhịn ăn uống và cung cấp carbohydrate trước phẫu thuật chương trình
TÀI LIỆU THAM
KHẢO
Tiếng Việt
1. Đỗ Nguyễn Trọng Nhân, Nguyễn Thị
Thanh (2020), Đánh giá thể tích tồn lưu dạ dày của dung dịch maltodextrin 25% uống
2 giờ trước gây mê, Tạp chí Y học thành phố Hồ Minh, 24 (3):
119-126.
2. Lý Huyền Hòa, Nguyễn Thị Quý
(2020), Đánh giá thể tích tồn lưu dạ dày của dung dịch maltodextrin
12,5% uống 2 giờ trước gây mê, Tạp chí Y học thành phố Hồ Chí Minh,
24(3).
3. Nguyễn Ngọc Mai,
Nguyễn Văn Kiên,
Lê Đình Mạnh và cộng sự (2022), Đánh giá hiệu quả cho người bệnh uống dung dịch
maltodexrrin 12,5% trước gây mê phẫu thuật 2 giờ, Tạp chí Y Dược lâm sàng
108, tập 17(8).
4. Bùi Thị Hạnh, Nguyễn Quốc Kính
(2022) “Tác dụng của dịch trong kèm carbohydrate uống trước phẫu
thuật tiêu hóa trên nội môi và làm rỗng dạ dày:. Luận văn bác sỹ chuyên khoa
II, ĐHY Hà Nội.
Tiếng nước
ngoài
5. Girish P Joshi et al,
2023 American Society of Anesthesiologists Practice Guidelines for Preoperative
Fasting: Carbohydrate-containing Clear Liquids with or
without Protein, Chewing Gum, and Pediatric Fasting Duration - a Modular update
of the 2017 American Society of Anesthesiologists Practice Guidelines for
Preoperative Fasting., Anesthesiology, 2023, vol 138, 132-151.
6. Anderson H, Zaren B, Frykholm P (2015),
Low incidence of pulmonary aspiration in children allowed intake of clear
fluids until called to the operating theatre, Pediatr Anesth; 25:770-7.
7. Dongare3 P.A, Bhaskar S.B, Harsoor
;S.S et al (2020), Perioperative fasting and feeding in adults, obstetric,
paediatric and bariatric population: Pratice Guidelines from the Indian Society
of Anaesthesiologists, Indian Journal of Anesthesia, vol 64 (7): 14-42.
8. Koh Kwong Fah, Philip Tseng et al,
Preoperaive Fasting Workgroup (2019), Practice guidelines, Preoperative fasting
in patients undergoing elective surgery and procedures, Preoperaive Fasting
Workgroup, Singapore College of Anaesthesiologists
9. Pogatschnik C, Steiger E
(2015), Review of Preoperative Carbohydrate Loading, Nutrition in Clinical
Practice, XX (X).
10.. University Hospitals of Leicester
NHS (2014), Pre-oprative Fasting Guidelines for the Adults and Children.