ỦY BAN NHÂN
DÂN
TỈNH NINH THUẬN
--------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
18/2009/QĐ-UBND
|
Phan Rang-Tháp
Chàm, ngày 15 tháng 01 năm 2009
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY CHẾ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA BAN QUẢN LÝ RỪNG
PHÒNG HỘ KRÔNGPHA TRỰC THUỘC SỞ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TỈNH
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH NINH THUẬN
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy
ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp
luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ngày 03 tháng 12 năm 2004;
Căn cứ Nghị định số 23/2006/NĐ-CP ngày 03
tháng 3 năm 2006 của Chính phủ về thi hành Luật Bảo vệ và phát triển rừng;
Căn cứ Quyết định số 186/2006/QĐ-TTg ngày 14
tháng 8 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế quản lý rừng;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và
Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 115/TTr-SNNPTNT ngày 30 tháng 7 năm 2008
và của Giám đốc Sở Nội vụ tại Tờ trình số 72/TTr-SNV ngày 09 tháng 01 năm 2009,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm
theo Quyết định này Quy chế tổ chức và hoạt động của Ban quản lý rừng phòng hộ
Krôngpha trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh; gồm 6 Chương
14 Điều.
Điều 2. Quyết định này
có hiệu lực sau 10 (mười) ngày kể từ ngày ký ban hành.
Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc
Sở Nội vụ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Chủ tịch Ủy ban
nhân dân các huyện, thành phố; thủ trưởng các cơ quan có liên quan và Trưởng
ban Ban quản lý rừng phòng hộ Krôngpha chịu trách nhiệm thi hành Quyết định
này./.
|
TM. ỦY BAN
NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH
Hoàng Thị Út Lan
|
QUY CHẾ
TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA BAN QUẢN LÝ RỪNG PHÒNG HỘ KRÔNGPHA
TRỰC THUỘC SỞ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TỈNH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 18/2009/QĐ-UBND ngày 15 tháng 01 năm 2009 của
Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận)
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Ban quản lý
rừng phòng hộ Krông pha (sau đây gọi tắt là Ban quản lý) trực thuộc Sở Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh là đơn vị sự nghiệp có thu tự bảo đảm một
phần chi phí hoạt động thường xuyên, có quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm
theo quy định của pháp luật; có tư cách pháp nhân; có con dấu, tài khoản riêng
và có trụ sở làm việc đặt tại xã Lâm Sơn, huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận.
Điều 2. Vị trí địa lý,
phạm vi quản lý của Ban quản lý
1. Vị trí địa lý:
a) Ban quản lý thuộc địa bàn xã Lâm Sơn, huyện
Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận;
b) Toạ độ địa lý:
- Từ 11046’43” đến 11055’33” vĩ độ Bắc.
- Từ 108037’00” đến 109044’28” kinh độ Đông.
2. Ranh giới:
a) Phía Bắc giáp xã Phước Hoà, huyện Bác Ái;
b) Phía Nam giáp xã Lạc Xuân, huyện Đơn Dương,
tỉnh Lâm Đồng;
c) Phía Đông giáp xã Phước Hoà, huyện Bác Ái và
các xã Lâm Sơn, Lương Sơn, huyện Ninh Sơn;
d) Phía Tây giáp thị trấn D’Ran, huyện Đơn
Dương, tỉnh Lâm Đồng.
3. Tổng diện tích tự nhiên: 10.686,3 ha, gồm 10
tiểu khu: 44, 52, 56, 62, 65, 73, 74, 78, 81 và khoảng 1, 2, 3, 4 của tiểu khu
63 (theo Quyết định số 241/2007/QĐ-UBND ngày 14 tháng 9 năm 2007 của Ủy ban
nhân dân tỉnh về việc phê duyệt kết quả rà soát, quy hoạch 03 loại rừng tỉnh
Ninh Thuận giai đoạn 2007 - 2015).
Chương II
CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ VÀ
QUYỀN HẠN
Điều 3. Chức năng
Ban quản lý có chức năng quản lý, bảo vệ rừng và
đất rừng; trồng và chăm sóc rừng phòng hộ được giao quản lý theo quy định của
pháp luật.
Điều 4. Nhiệm vụ và
quyền hạn
1. Chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân tỉnh
và Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về quản lý, bảo vệ xây dựng
và sử dụng rừng phòng hộ theo đúng các quy định của pháp luật.
2. Căn cứ vào dự án đầu tư xây dựng và phát
triển rừng phòng hộ do cấp có thẩm quyền phê duyệt, Ban quản lý xây dựng kế
hoạch hoạt động hằng năm trình cấp có thẩm quyền phê duyệt để tổ chức thực hiện.
3. Tiếp nhận vốn đầu tư của Nhà nước, phối hợp
với Ủy ban nhân dân các cấp và cơ quan có liên quan ở địa phương tổ chức thực
hiện kế hoạch giao khoán cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân bảo vệ và xây
dựng rừng phòng hộ, quản lý và sử dụng vốn đầu tư theo đúng các quy định hiện
hành.
4. Được tổ chức các hoạt động dưới đây trong khu
rừng phòng hộ theo quy định của pháp luật:
a) Hoạt động du lịch, nghiên cứu khoa học, giảng
dạy, thực tập;
b) Sản xuất nông, ngư nghiệp kết hợp;
c) Khai thác tận thu, tận dụng gỗ và khai thác
lâm sản ngoài gỗ.
5. Tuyên truyền giáo dục nhân dân trên địa bàn
tham gia bảo vệ và xây dựng rừng phòng hộ.
6. Định kỳ báo cáo cấp trên về tình hình diễn
biến tài nguyên rừng và các hoạt động quản lý, bảo vệ, xây dựng phát triển rừng
phòng hộ theo quy định.
7. Thực hiện các nhiệm vụ do Giám đốc Sở Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn giao và các quy định khác của pháp luật có liên
quan.
Chương III
CƠ CẤU TỔ CHỨC, BIÊN CHẾ
VÀ QUẢN LÝ VIÊN CHỨC, NGƯỜI LAO ĐỘNG
Điều 5. Cơ cấu tổ chức
1. Lãnh đạo Ban quản lý: gồm có Trưởng ban và từ
01 - 02 Phó Trưởng ban.
a) Trưởng ban là người chịu trách nhiệm quản lý
và điều hành các hoạt động của Ban quản lý theo quy định của Quy chế này và các
quy định khác của pháp luật có liên quan; chịu trách nhiệm trước pháp luật và
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về toàn bộ hoạt động của đơn vị;
b) Phó Trưởng ban giúp Trưởng ban trong việc
quản lý và điều hành các hoạt động của Ban quản lý; trực tiếp phụ trách một số
lĩnh vực công tác theo sự phân công của Trưởng ban và giải quyết các công việc
khác do Trưởng ban giao.
Khi giải quyết công việc được Trưởng ban giao,
Phó Trưởng ban thay mặt Trưởng ban, chịu trách nhiệm trước pháp luật và Trưởng
ban về kết quả công việc được giao.
2. Các phòng chuyên môn giúp việc Trưởng ban gồm
có:
a) Phòng Hành chính - Tổng hợp: tham mưu, giúp
việc Trưởng ban về công tác tổ chức, cán bộ, lao động tiền lương, hành chính
quản trị và công tác kế hoạch, kế toán tài chính;
b) Phòng Kỹ thuật: tham mưu, giúp việc Trưởng
ban về công tác nghiên cứu khoa học và kỹ thuật;
c) Phòng Quản lý bảo vệ rừng: tham mưu, giúp
việc Trưởng ban về tổ chức quản lý và bảo vệ rừng.
Các phòng chuyên môn có Trưởng phòng, Phó Trưởng
phòng và các viên chức nghiệp vụ; nhiệm vụ và quyền hạn cụ thể của các phòng
chuyên môn do Trưởng ban Ban quản lý quy định.
Điều 6. Biên chế
Biên chế của Ban quản lý do Ủy ban nhân dân tỉnh
quyết định phân bổ hằng năm trên cơ sở định mức quy định và được Hội đồng nhân
dân tỉnh phê duyệt.
Điều 7. Việc bổ nhiệm,
miễn nhiệm đối với cán bộ lãnh đạo; quản lý viên chức và người lao động
1. Trưởng ban và Phó Trưởng ban do Chủ tịch Ủy
ban nhân dân tỉnh quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm theo tiêu chuẩn, quy trình,
thủ tục và phân cấp quản lý cán bộ của tỉnh.
2. Trưởng phòng và Phó Trưởng phòng thuộc Ban
quản lý do Trưởng ban quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm theo tiêu chuẩn, quy
trình, thủ tục quy định và sau khi có ý kiến thống nhất bằng văn bản của Giám
đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
3. Việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức
và người lao động; thực hiện các chế độ chính sách, khen thưởng và kỷ luật đối
với viên chức và người lao động của Ban quản lý theo quy định của pháp luật và
của Ủy ban nhân dân tỉnh.
Chương IV
MỐI QUAN HỆ CÔNG TÁC,
CHẾ ĐỘ HỘI HỌP VÀ BÁO CÁO
Điều 8. Mối quan hệ công
tác
1. Ủy ban nhân dân tỉnh:
a) Quản lý cán bộ lãnh đạo của Ban quản lý theo
quy định hiện hành;
b) Đầu tư kinh phí cho các hoạt động xây dựng cơ
bản, quản lý bảo vệ rừng, nghiên cứu khoa học, chi trả lương và các chế độ cho
viên chức, người lao động;
c) Thanh tra, kiểm tra mọi hoạt động của Ban
quản lý.
2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trực tiếp
quản lý, chỉ đạo Ban quản lý thực hiện các nhiệm vụ được giao.
3. Đối với Ủy ban nhân dân huyện, xã:
a) Ban quản lý có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ
trong việc tổ chức quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn của từng địa phương và tổ
chức các hoạt động tuyên truyền giáo dục, vận động quần chúng nhân dân cùng
tham gia tích cực vào quản lý, bảo vệ rừng;
b) Phối hợp để thực hiện các chính sách, chế độ
quản lý của Nhà nước về quản lý, bảo vệ rừng.
4. Đối với Chi cục Lâm nghiệp và Chi cục Kiểm
lâm theo chức năng, nhiệm vụ, phối hợp với Ban quản lý để thực hiện nhiệm vụ
bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ.
5. Mối quan hệ khác:
a) Ban quản lý có liên quan đến các Ban quản lý
rừng phòng hộ khác trên địa bàn tỉnh về chuyên môn, nghiệp vụ;
b) Quan hệ giữa các phòng chuyên môn thuộc Ban
quản lý là quan hệ phối hợp công tác, giúp đỡ lẫn nhau để thực hiện nhiệm vụ
chung.
Điều 9. Chế độ hội họp
1. Lãnh đạo Ban quản lý mỗi tuần hội ý một lần
vào ngày đầu tuần để kiểm điểm, đánh giá công tác chỉ đạo, lập chương trình
công tác trong kỳ tới.
2. Lãnh đạo Ban quản lý và lãnh đạo các phòng
chuyên môn, đại diện các đoàn thể họp mỗi tháng một lần để đánh giá việc thực
hiện nhiệm vụ chung của đơn vị, của từng bộ phận và triển khai kế hoạch công
tác của tháng tiếp theo. Khi cần thiết Trưởng ban có thể tổ chức họp đột xuất
với các thành viên nêu trên.
3. Hằng năm tổ chức hội nghị viên chức nhằm đánh
giá, công bố kết quả hoạt động trong năm, rút ra ưu, khuyết điểm đồng thời đề
ra phương hướng, nhiệm vụ hoạt động cho năm sau.
Hội nghị tiến hành theo nguyên tắc tập trung dân
chủ, công khai với tinh thần phê và tự phê bình trên cơ sở xây dựng và kiến
nghị các giải pháp cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện của đơn vị.
Điều 10. Chế độ báo cáo
1. Lãnh đạo Ban quản lý báo cáo hằng quý, 6 tháng
và cả năm về Ủy ban nhân dân tỉnh và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
theo quy định hiện hành.
2. Các phòng chuyên môn thuộc Ban quản lý thực
hiện chế độ thống kê, báo cáo bằng văn bản công tác hằng tháng, hằng quý, 6
tháng và cả năm lên lãnh đạo Ban quản lý.
Chương V
TÀI SẢN VÀ TÀI CHÍNH
Điều 11. Quản lý và sử
dụng tài sản
1. Ban quản lý quản lý và sử dụng theo quy định
của pháp luật và của Ủy ban nhân dân tỉnh đối với đất đai, nhà cửa, trang thiết
bị, tài sản, ... để đảm bảo các hoạt động của đơn vị.
2. Hằng năm Ban quản lý phải tổ chức kiểm kê,
đánh giá lại giá trị tài sản của đơn vị và thực hiện chế độ báo cáo theo quy
định của pháp luật.
Điều 12. Tài chính
1. Ban quản lý thực hiện việc quản lý tài chính
theo quy định tại Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25 tháng 4 năm 2006 của Chính
phủ và Thông tư số 71/2006/TT-BTC ngày 09 tháng 8 năm 2006 của Bộ Tài chính quy
định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy,
biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập.
2. Nguồn tài chính của Ban quản lý do ngân sách
Nhà nước cấp theo kế hoạch hằng năm và từ các nguồn thu khác theo quy định của
pháp luật.
3. Ban quản lý có trách nhiệm thực hiện chế độ
kế toán, tài chính theo quy định của pháp luật.
Chương VI
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 13. Ban quản lý,
các tổ chức, hộ gia đình và cá nhân phải thực hiện nghiêm túc các quy định tại
Quy chế này. Nếu có thành tích sẽ được khen thưởng, nếu vi phạm thì tùy theo
tính chất, mức độ sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Điều 14. Trưởng ban Ban
quản lý có trách nhiệm
1. Phổ biến Quy chế này đến toàn thể viên chức
và người lao động trong đơn vị biết và thực hiện.
2. Trong quá trình thực hiện nếu có điểm nào
chưa hợp lý thì báo cáo với Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để
thống nhất với Giám đốc Sở Nội vụ trình Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định sửa
đổi, bổ sung cho phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật hiện
hành của Nhà nước./.