Quyết định 179/QĐ-UBND năm 2017 phê duyệt “Chương trình, kế hoạch bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Thái Bình giai đoạn 2017-2020”

Số hiệu 179/QĐ-UBND
Ngày ban hành 17/01/2017
Ngày có hiệu lực 17/01/2017
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Thái Bình
Người ký Nguyễn Hồng Diên
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THÁI BÌNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 179/QĐ-UBND

Thái Bình, ngày 17 tháng 01 năm 2017

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT “CHƯƠNG TRÌNH, KẾ HOẠCH BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THÁI BÌNH GIAI ĐOẠN 2017 - 2020”

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH THÁI BÌNH

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương;

Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường;

Căn cứ Quyết định số 1216/QĐ-TTg ngày 05 tháng 9 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;

Căn cứ Quyết định 166/QĐ-TTg ngày 21/01/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch thực hiện Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;

Căn cứ Chỉ thị số 25/CT-TTg ngày 31/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách về bảo vệ môi trường;

Căn cứ Kế hoạch số 12/KH-UBND ngày 01/3/2016 của UBND tỉnh thực hiện Chương trình hành động số 07-CTr/TU ngày 12/01/2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tại Tờ trình số 950/TTr-STNMT ngày 30/12/2016,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt “Chương trình, kế hoạch bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Thái Bình giai đoạn 2017 - 2020” gồm các nội dung chủ yếu sau:

1. Quan điểm chỉ đạo

Bảo vệ môi trường có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, quyết định sự phát triển bền vững của địa phương; phải được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu của hệ thống chính trị; là trách nhiệm và nghĩa vụ của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư, trong đó Nhà nước giữ vai trò chủ đạo, dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự tham gia, giám sát của toàn xã hội.

Bảo vệ môi trường phải lấy phương châm phòng ngừa là chính; kết hợp với công tác kiểm soát, khắc phục ô nhiễm, cải thiện môi trường; bảo đảm sự quản lý tổng hợp và thống nhất, liên ngành, liên vùng; vừa đảm bảo toàn diện, vừa phải có trọng tâm, trọng điểm và bước đi phù hợp trong từng giai đoạn; lấy bảo vệ sức khỏe nhân dân làm mục tiêu hàng đầu.

Đầu tư cho bảo vệ môi trường là đầu tư cho phát triển bền vững; quán triệt nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải trả tiền”, “người hưởng lợi từ môi trường sạch phải trả chi phí”, phát huy mọi nguồn lực từ xã hội, giảm gánh nặng ngân sách.

2. Mc tiêu

2.1. Mục tiêu tổng quát

Ngăn ngừa, hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm và suy thoái môi trường; khắc phục ô nhiễm môi trường, trước hết ở những nơi đã bị ô nhiễm nghiêm trọng, từng bước nâng cao chất lượng, phục hồi môi trường, cải tạo cảnh quan sinh thái, tăng tỷ lệ rừng ngập mặn, cây xanh; đồng thời, tăng cường năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường.

2.2. Mục tiêu cụ thể đến năm 2020

+ 100% khu công nghiệp, 50% cụm công nghiệp đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường;

+ 100% các cơ sở sản xuất, kinh doanh xây dựng mới, 90% cơ sở sản xuất cũ đạt yêu cầu về bảo vệ môi trường;

+ 100% trạm xử lý nước thải tập trung của khu công nghiệp, trạm xử lý nước thải tập trung của cụm công nghiệp và cơ sở sản xuất kinh doanh có lưu lượng nước thải từ 1.000 m3/ngày đêm trở lên; 100% cơ sở sản xuất kinh doanh thuộc danh mục các nguồn thải khí thải lớn quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24/4/2015 của Chính phủ về quản lý chất thải và phế liệu phải lắp đặt hệ thống quan trắc tự động, liên tục theo quy định và kết nối để truyền dữ liệu tự động, liên tục về Sở Tài nguyên và Môi trường;

+ 100% chất thải rắn đô thị, 95% chất thải rắn nông thôn được thu gom, xử lý bảo đảm quy định;

+ 100% kho thuốc bảo vệ thực vật tồn lưu bị ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được phục hồi cải thiện ô nhiễm môi trường; đóng cửa 100% bãi rác tự phát, không đúng quy hoạch gây ô nhiễm môi trường;

+ 85% chất thải nguy hại được xử lý bảo đảm quy định;

+ 100% nước thải sinh hoạt thành phố Thái Bình, 50% nước thải sinh hoạt của các thị trấn được xử lý bảo đảm quy chuẩn quy định;

+ Duy trì tỷ lệ 100% chất thải y tế được xử lý, 100% dân số trong tỉnh được cung cấp và nâng cao chất lượng nước sạch.

[...]