Quyết định 1748/QĐ-UBND năm 2015 ban hành Phương án Bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn tỉnh Yên Bái

Số hiệu 1748/QĐ-UBND
Ngày ban hành 21/09/2015
Ngày có hiệu lực 21/09/2015
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Yên Bái
Người ký Phạm Thị Thanh Trà
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH YÊN BÁI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1748/QĐ-UBND

Yên Bái, ngày 21 tháng 09 năm 2015

VỀ VIỆC BAN HÀNH PHƯƠNG ÁN BẢO VỆ KHOÁNG SẢN CHƯA KHAI THÁC TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH YÊN BÁI

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH YÊN BÁI

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Khoáng sản số 60/2010/QH12 ngày 17 tháng 11 năm 2010;

Căn cứ Quyết định số 2427/QĐ-TTg ngày 22 tháng 12 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược khoáng sản đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;

Căn cứ Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 30 tháng 3 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường hiệu lực thực thi chính sách, pháp luật về khoáng sản;

Căn cứ Quyết định số 22/2012/QĐ-UBND ngày 28 tháng 6 năm 2012 của Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái ban hành Quy định về quản lý hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh Yên Bái;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Yên Bái tại Văn bản số 1258/STNMT-KS ngày 10 tháng 9 năm 2015,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Phương án Bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn tỉnh Yên Bái.

Điều 2. Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh; Thủ trưởng các đơn vị: Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Công Thương, Sở Xây dựng, Sở Tài chính, Sở Thông tin và Truyền thông, Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã và các cơ quan, đoàn thể; các tổ chức, cá nhân hoạt động khoáng sản, sử dụng đất; các tổ chức, cá nhân khác chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Chính phủ;
- Bộ Tài nguyên và Môi trường;
- Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam;
- TT. Tỉnh ủy; TT. HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh;
- Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh;
- UBMTTQ Việt Nam tỉnh Yên Bái;
- Các Sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh;
- UBND các huyện, thành phố, thị xã;
- Báo Yên Bái, Đài PTTH tỉnh;
- Cổng Thông tin điện tử tỉnh;
- Lưu: VT, XD, TH, CN, TNMT.

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH




Phạm Thị Thanh Trà

BẢO VỆ KHOÁNG SẢN CHƯA KHAI THÁC TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH YÊN BÁI
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1748/QĐ-UBND ngày 21 tháng 9 năm 2015 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Yên Bái)

I. KHÁI QUÁT CHUNG VÀ TIỀM NĂNG KHOÁNG SẢN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH YÊN BÁI

1. Khái quát chung về điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội

Yên Bái là tỉnh miền núi phía Bắc nằm sâu trong nội địa, nằm giữa 2 vùng Đông Bắc và Tây Bắc. Phía Bắc giáp tỉnh Lào Cai, phía Nam giáp tỉnh Phú Thọ, phía Đông giáp 2 tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang và phía Tây giáp tỉnh Sơn La. Yên Bái có 9 đơn vị hành chính (1 thành phố, 1 thị xã và 7 huyện) với tổng số 180 xã, phường, thị trấn (157 xã và 23 phường, thị trấn); trong đó có 70 xã vùng cao và 62 xã đặc biệt khó khăn, có 2 huyện vùng cao Trạm Tấu, Mù Cang Chải (đồng bào Mông chiếm trên 80%) nằm trong các huyện nghèo, đặc biệt khó khăn của cả nước. Yên Bái là đầu mối và trung độ của các tuyến giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy từ Hải Phòng, Hà Nội lên cửa khẩu Lào Cai.

Tổng diện tích đất tự nhiên toàn tỉnh là 688.627,64 ha. Trong đó diện tích nhóm đất nông nghiệp là 585.088,51 ha, chiếm 85% diện tích đất tự nhiên; diện tích nhóm đất phi nông nghiệp là 53.711,31 ha chiếm 8%; diện tích đất chưa sử dụng là 49.827,82 ha chiếm 7% (Số liệu thống kê đất đai năm 2013).

Về đặc điểm địa hình của tỉnh Yên Bái khá phức tạp nhưng có thể chia thành 2 vùng lớn: vùng cao và vùng thấp. Vùng cao có độ cao trung bình 600 m trở lên, chiếm 67,56% diện tích toàn tỉnh. Vùng này dân cư thưa thớt, có tiềm năng về đất đai, lâm sản, khoáng sản, có khả năng huy động vào phát triển kinh tế - xã hội. Vùng thấp có độ cao dưới 600 m, chủ yếu là địa hình đồi núi thấp, thung lũng bồn địa, chiếm 32,44 % diện tích tự nhiên toàn tỉnh.

Yên Bái có lợi thế để phát triển ngành nông – lâm sản. Ngoài ra, với nguồn khoáng sản phong phú, tỉnh có điều kiện thuận lợi trong việc khai thác và chế biến khoáng sản như: Đá vôi trắng làm khoáng chất công nghiệp, đá ốp lát, quặng sắt, kaolin, felspat…và sản xuất vật liệu xây dựng: xi măng, gạch, sứ kỹ thuật, sứ dân dụng, đá xẻ ốp lát, đá mỹ nghệ và các loại vật liệu xây dựng khác.

2. Tiềm năng khoáng sản

Đến nay, toàn bộ diện tích tỉnh Yên Bái đã được điều tra, lập bản đồ địa chất và khoáng sản các tỷ lệ 1:500.000, 1:200.000; phần lớn diện tích đã được đo vẽ lập bản đồ địa chất và điều tra khoáng sản ở tỷ lệ 1:50.000 (các nhóm tờ Bảo Yên, Bắc Tú Lệ - Văn Bàn, Đoan Hùng - Yên Bình, Lục Yên Châu, Trạm Tấu, Văn Chấn). Tuy nhiên, mức độ điều tra, đánh giá tiềm năng khoáng sản và thăm dò khoáng sản còn thấp, nhất là ở dưới sâu.

Hiện nay, công tác điều tra, đánh giá tiềm năng khoáng sản đã được quan tâm, nhiều khu vực vẫn đang được lập Đề án để đánh giá tiềm năng khoáng sản. Thực hiện quy định của Luật Khoáng sản năm 2010, các mỏ được cấp phép khai thác cơ bản sẽ được thăm dò, đánh giá trữ lượng.

Trong quá trình điều tra khảo sát và thu thập tài liệu địa chất khoáng sản đã thực hiện từ trước đến nay cho thấy tỉnh Yên Bái khá phong phú về chủng loại khoáng sản khác nhau như: Than các loại, sắt, đồng, chì, kẽm, vàng, bạc, đất hiếm, đá quý, đá vôi trắng, đá mỹ nghệ, grafit, kaolin, felspat, thạch anh... được chia thành loại khoáng sản nhiên liệu, khoáng sản kim loại, khoáng sản không kim loại, khoáng chất công nghiệp, khoáng sản quý hiếm và nước khoáng, nước nóng, cụ thể như sau:

- Khoáng sản nhiên liệu: Tập trung chủ yếu là than đá, than nâu và than bùn. Nhưng nhìn chung các điểm than đều có trữ lượng ít, quy mô nhỏ. Được phát hiện ở các huyện Văn Chấn, Lục Yên và Trấn Yên.

- Khoáng sản kim loại và kim loại quý: Các khoáng sản chủ yếu gồm sắt, đồng và chì - kẽm, phân bố không tập trung, theo công tác địa chất đã điều tra trữ lượng chỉ ở mức vừa và nhỏ. Quặng vàng, vàng sa khoáng cũng đã được phát hiện ở Yên Bái, quặng vàng gốc được phát hiện chủ yếu ở Văn Chấn, Trạm Tấu, Mù Cang Chải, Lục Yên, vàng sa khoáng phát hiện ở nhiều nơi gần các sông, suối; quặng đồng trên địa bàn tỉnh Yên Bái được phát hiện ở xã Phong Dụ Thượng và xã Châu Quế Hạ, Văn Yên (là các điểm đồng Làng Phát, Làng Nhón, Làng Lòm…) và các điểm An Lương, điểm Bản Bam, xã Nậm Lành, Văn Chấn; quặng Chì-kẽm chủ yếu ở Mù Cang Chải, Trạm Tấu, Yên Bình; đất hiếm được phát hiện ở xã Yên Phú, huyện Văn Yên; Uran ở Trạm Tấu… Trong các loại khoáng sản kim loại thì quặng sắt được đánh giá có tài nguyên, trữ lượng tương đối lớn, nhưng chất lượng quặng không cao (hàm lượng trung bình từ 20 – 40%) và phân bố rải rác tập trung chủ yếu tại các huyện Văn Chấn (khu vực làng Mỵ; khu vực Tân An, Bản Phào, Khe Bằng, Thu Cúc), huyện Trấn Yên (khu vực Làng Thảo, Núi Vi, núi 300), huyện Văn Yên.

- Khoáng sản không kim loại: Gồm pyrit, barit, phosphorit, kaolin, felspat, thạch anh, talc, grafit, pegmatit, Silimanit, Asbet, Quarzit, Dolomit. Trong đó đáng chú ý là khoáng sản kaolin và felspat chủ yếu ở Trấn Yên, Văn Yên, Yên Bình, thành phố Yên Bái, hai khoáng sản này có chất lượng tương đối tốt đáp ứng được các tiêu chuẩn cho sản xuất gốm sứ, sản xuất giấy... Diện phân bố của chúng rộng tuy nhiên trữ lượng không lớn và không đồng đều. Các khoáng sản còn lại phân bố ở một vài nơi trong tỉnh nhưng chỉ tồn tại với trữ lượng nhỏ hoặc chất lượng thấp.

- Đá quý: Tập trung ở khu vực Lục Yên, Tân Hương - Yên Bình với khoáng vật rubi, saphia, coridon ...

- Nguyên liệu mài: Phân bố ở phần Đông Bắc hai bên bờ sông Chảy thuộc vùng đá biến chất cổ gồm silimanit - granat. tập trung tại An Phú - Lục Yên, Báo Đáp, Đại Đồng – Yên Bình, Làn Nhơn – Phong Dụ Hạ. Các điểm quặng được đánh giá có triển vọng.

[...]
4
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ