Chỉ thị 02/CT-UBND năm 2014 tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động thăm dò, khai thác, vận chuyển và tiêu thụ cát, sỏi lòng sông trên địa bàn tỉnh Yên Bái
Số hiệu | 02/CT-UBND |
Ngày ban hành | 06/01/2014 |
Ngày có hiệu lực | 06/01/2014 |
Loại văn bản | Chỉ thị |
Cơ quan ban hành | Tỉnh Yên Bái |
Người ký | Phạm Duy Cường |
Lĩnh vực | Bộ máy hành chính,Tài nguyên - Môi trường |
UỶ BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 02/CT-UBND |
Yên Bái, ngày 06 tháng 01 năm 2014 |
Thực hiện Chỉ thị số 29/2008/CT-TTg ngày 02 tháng 10 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động khảo sát, khai thác, vận chuyển, tiêu thụ cát, sỏi lòng sông; Chỉ thị số 02/CT-TTg ngày 09 tháng 01 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng và xuất khẩu khoáng sản và Văn bản số 1238/VPCP-KTN ngày 07 tháng 02 năm 2013 của Văn phòng Chính phủ về việc tăng cường công tác quản lý thăm dò, khai thác, vận chuyển, kinh doanh cát, sỏi lòng sông; công tác quản lý nhà nước của các sở, ban, ngành và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã đối với các hoạt động thăm dò, khai thác cát, sỏi lòng sông đã đi dần vào nề nếp và từng bước được tăng cường. Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh hoạt động khai thác, vận chuyển, tiêu thụ cát, sỏi lòng sông trái phép còn diễn ra ở một số địa phương, làm thất thoát tài nguyên khoáng sản, là một trong những nguyên nhân trực tiếp làm thay đổi dòng chảy, sạt lở bờ sông, đe dọa an toàn đê điều, cầu cống, người và tài sản, cản trở giao thông đường thủy nội địa, gây khó khăn cho công tác quản lý; sự phối hợp giữa các địa phương nơi có tuyến sông giáp ranh giữa các xã, các huyện và các tỉnh chưa chặt chẽ và thường xuyên.
Để khắc phục những tồn tại nêu trên và tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động thăm dò, khai thác, vận chuyển và tiêu thụ cát, sỏi lòng sông (kể cả trên các ngòi, nhánh sông) theo đúng quy định của pháp luật, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái Chỉ thị:
1. Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm:
a) Tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định của pháp luật trong hoạt động thăm dò, khai thác cát, sỏi lòng sông trên địa bàn tỉnh, kiên quyết xử lý những trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật.
b) Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan thẩm định Phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác của Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã; tổng hợp dự toán chi cho nhiệm vụ bảo vệ khoáng sản chưa khai thác của các huyện, thành phố, thị xã, đề nghị Sở Tài chính thẩm định, trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định.
c) Tham mưu, đề xuất với Ủy ban nhân dân tỉnh về các biện pháp bảo vệ khoáng sản chưa khai thác, xử lý, ngăn chặn hoạt động khai thác cát, sỏi, vàng sa khoáng trái phép trên địa bàn tỉnh.
d) Phối hợp với Công an tỉnh, các sở, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã trong công tác bảo vệ khoáng sản lòng sông chưa khai thác, ngăn chặn hoạt động khai thác cát, sỏi, vàng sa khoáng trái phép.
đ) Hướng dẫn các doanh nghiệp đã được cấp Giấy phép thăm dò cát, sỏi hoàn thiện Hồ sơ cấp phép khai thác cát, sỏi theo đúng quy định; tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh cấp Giấy phép khai thác cát, sỏi phù hợp với Quy hoạch khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường của tỉnh.
2. Sở Xây dựng có trách nhiệm:
Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã khẩn trương rà soát, điều chỉnh Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường tỉnh Yên Bái, bao gồm cả cát, sỏi lòng sông theo quy định của Luật Khoáng sản năm 2010. Trong đó phải đánh giá hiện trạng, nhu cầu sử dụng trên từng địa bàn để quy hoạch các điểm, khu vực khai thác cát, sỏi lòng sông hợp lý, đáp ứng nhu cầu thực tế.
3. Sở Công Thương có trách nhiệm:
Chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn việc mua bán, vận chuyển, tiêu thụ cát, sỏi lòng sông trái phép, xử lý hoặc kiến nghị xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật.
4. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm:
Thực hiện, đề xuất với cơ quan có thẩm quyền các biện pháp về bảo vệ đê điều, công trình thủy lợi liên quan đến các tuyến sông; phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về đê điều, thuỷ lợi; xử lý hoặc kiến nghị xử lý nghiêm hành vi vi phạm pháp luật về đê điều, thuỷ lợi.
5. Sở Giao thông vận tải có trách nhiệm:
Hướng dẫn các doanh nghiệp trong việc lập Hồ sơ xin ý kiến thỏa thuận và Hồ sơ xin chấp thuận phương án bảo đảm an toàn giao thông đường thủy của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về giao thông đường thủy nội địa đối với dự án xây dựng công trình có liên quan đến giao thông đường thủy nội địa, trong đó có các dự án khai thác, vận chuyển và tiêu thụ cát, sỏi lòng sông.
6. Sở Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm:
Thẩm tra các Dự án đầu tư khai thác cát, sỏi lòng sông chỉ trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, cấp giấy chứng nhận đầu tư khi đã có văn bản thỏa thuận của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về giao thông đường thủy nội địa. Bố trí kế hoạch đầu tư cho công tác bảo vệ khoáng sản.
a) Chỉ đạo các lực lượng liên quan tăng cường phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Giao thông vận tải, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các cơ quan chức năng liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước về khoáng sản. Thường xuyên tuần tra kiểm soát, nhất là những nơi thường xảy ra hiện tượng khai thác cát, sỏi lòng sông trái phép, bảo đảm an ninh, trật tự, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong hoạt động khai thác, vận chuyển cát, sỏi lòng sông, gây mất trật tự an toàn xã hội trên đường thủy; chủ động phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm liên quan đến hoạt động khai thác cát, sỏi, vàng sa khoáng trái phép trên lòng sông; thực hiện đúng theo hướng dẫn của Tổng cục VII – Bộ Công an tại tại Văn bản số 3806/C61-C68 ngày 07 tháng 10 năm 2013 về tăng cường đấu tranh, xử lý hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông trái phép.
b) Thiết lập đường dây nóng tiếp nhận những phản ánh về vi phạm trong hoạt động khai thác, vận chuyển, tập kết cát, sỏi lòng sông để chỉ đạo các phòng, ban phối hợp với các cơ quan liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã xử lý, giải quyết kịp thời các hành vi vi phạm; thông báo đường dây nóng đến các sở, ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức Chính trị-xã hội của tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã và cơ quan truyền thông, Cổng Thông tin điện tử tỉnh Yên Bái và Công an tỉnh.
9. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã có trách nhiệm:
a) Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật đến mọi người dân, vận động nhân dân không tiếp tay cho các đối tượng khai thác khoáng sản trái phép; chỉ đạo các cơ quan chức năng và Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn tăng cường công tác quản lý hoạt động thăm dò, khai thác, vận chuyển, tiêu thụ cát, sỏi lòng sông trên địa bàn, đặc biệt ở các tuyến sông giáp ranh giữa các huyện; đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, kiên quyết xử lý các trường hợp khai thác cát, sỏi lòng sông trái phép, vi phạm an toàn lao động, gây ô nhiễm môi trường, làm ảnh hưởng đến an toàn đê điều, thoát lũ, gây bức xúc đối với dư luận xã hội, xử lý triệt để các trường hợp kinh doanh bến bãi, vận chuyển, tập kết cát, sỏi lòng sông trái phép hoặc không có nguồn gốc hợp pháp. Khi phát hiện hoạt động khoáng sản trái phép phải tổ chức ngay lực lượng ngăn chặn, xử lý kiên quyết, kịp thời theo thẩm quyền; đối với các trường hợp phức tạp, nằm ngoài tầm kiểm soát phải kịp thời báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh để xử lý theo quy định của pháp luật. Kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm đối với cán bộ nếu để xảy ra tình trạng thăm dò, khai thác trái phép cát, sỏi, vàng sa khoáng trên sông mà không kịp thời có biện pháp giải quyết, xử lý, ngăn chặn.
b) Quản lý, giám sát, kiểm tra theo thẩm quyền đối với các đơn vị được Ủy ban nhân dân tỉnh cấp Giấy phép thăm dò, khai thác cát, sỏi lòng sông trên địa bàn quản lý, chỉ cho các đơn vị triển khai hoạt động khai thác khoáng sản sau khi đã có: Giấy phép khai thác khoáng sản được Ủy ban nhân dân tỉnh cấp phép, Phương án bảo đảm an toàn giao thông đường thủy được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về giao thông đường thủy nội địa chấp thuận và hoàn thành các thủ tục khác theo quy định của pháp luật. Xử lý hoặc kiến nghị xử lý kịp thời đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm trong hoạt động thăm dò, khai thác cát, sỏi lòng sông.
c) Khẩn trương hoàn thành phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác, bao gồm cả cát, sỏi lòng sông, đưa ra giải pháp phối hợp, trao đổi thông tin trong công tác bảo vệ khoáng sản chưa khai thác, ngăn chặn hoạt động khai thác, mua bán, vận chuyển, tập kết cát, sỏi lòng sông trái phép tại các tuyến sông giáp ranh giữa các xã, các huyện; tổ chức triển khai phương án bảo vệ sau khi được phê duyệt. Chỉ đạo Uỷ ban nhân dân các xã, phường, thị trấn thực hiện nghiêm trách nhiệm quản lý hoạt động khoáng sản thuộc thẩm quyền trên địa bàn.