Quyết định 1745/QĐ-UBND năm 2012 về Chương trình phát triển thanh niên tỉnh Lai Châu giai đoạn 2012 - 2020

Số hiệu 1745/QĐ-UBND
Ngày ban hành 28/12/2012
Ngày có hiệu lực 28/12/2012
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Lai Châu
Người ký Nguyễn Khắc Chử
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LAI CHÂU
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 1745/QĐ-UBND

Lai Châu, ngày 28 tháng 12 năm 2012

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN THANH NIÊN TỈNH LAI CHÂU GIAI ĐOẠN 2012 - 2020

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LAI CHÂU

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Thanh niên ngày 29 tháng 11 năm 2005;

Căn cứ Nghị quyết số 45/NQ-CP ngày 11 tháng 9 năm 2009 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 25 tháng 7 năm 2008 Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa;

Căn cứ Quyết định số 2474/QĐ-TTg ngày 30 tháng 12 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2011-2020;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nội vụ,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1: Ban hành kèm theo Quyết định này Chương trình phát triển thanh niên tỉnh Lai Châu giai đoạn 2012 - 2020.

Điều 2: Quyết định có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 3: Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc Sở Nội vụ; Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ Nội vụ;
- Vụ Công tác thanh niên;
- Ủy ban Quốc gia về TN Việt Nam;
- Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh;
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh;
- Cổng thông tin điện tử tỉnh;
- TT. Tin học và Công báo;
- Lưu VT, TH.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Nguyễn Khắc Chử

 

CHƯƠNG TRÌNH

PHÁT TRIỂN THANH NIÊN TỈNH LAI CHÂU GIAI ĐOẠN 2012 - 2020
(Kèm theo Quyết định số: 1745/QĐ-UBND ngày 28 tháng 12 năm 2012 của UBND tỉnh Lai Châu)

I. TÌNH HÌNH THANH NIÊN TỈNH LAI CHÂU

Tổng số thanh niên trên địa bàn tỉnh là 113.761 người, chiếm 30,6% dân số toàn tỉnh. Trong đó, thanh niên thành thị là 17.524 người, chiếm 15,4%; thanh niên nông thôn là 96.237 người, chiếm 84,6%; thanh niên dân tộc đa số là 17.338 người, chiếm 15,2%; thanh niên dân tộc thiểu số là 96.373 chiếm 84,8%.

Các thế hệ thanh niên Lai Châu luôn là lực lượng xung kích trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tham gia tích cực vào các hoạt động phát triển kinh tế, xã hội, phong trào văn hóa, thể thao; đi đầu trong phong trào thi đua học tập, lao động và sản xuất; không ngại khó khăn, gian khổ, xung kích tình nguyện vì cộng đồng; có trách nhiệm với gia đình, xã hội; có ý chí vươn lên trong học tập, lao động, lập thân, lập nghiệp, làm giàu chính đáng; tin tưởng và tích cực tham gia công cuộc đổi mới do Đảng lãnh đạo; quan tâm tới các vấn đề chính trị, kinh tế xã hội của đất nước, của địa phương; lo lắng, băn khoăn trước các hiện tượng tiêu cực và tệ nạn xã hội; mong muốn được tin tưởng, được cống hiến cho quê hương đất nước, có việc làm, thu nhập ổn định, đời sống văn hóa tinh thần lành mạnh, phong phú, môi trường sống an toàn.

Đại bộ phận thanh niên có đạo đức, lối sống lành mạnh, tư duy năng động và hành động sáng tạo, chấp hành pháp luật; có ý thức tiết kiệm, cần cù chịu khó trong học tập, lao động và công tác; đời sống vật chất, tinh thần và sức khỏe của thanh niên ngày càng được nâng cao, có khát vọng vượt qua đói nghèo, lạc hậu. Tính tích cực xã hội, tinh thần xung phong tình nguyện, ý thức chia sẻ với cộng đồng, tinh thần tương thân tương ái đã và đang được khơi dậy, trở thành xu hướng chủ đạo lôi cuốn đông đảo thanh niên. Nhiều gương thanh niên điển hình vượt khó, sản xuất kinh doanh giỏi, bảo vệ an ninh biên giới, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, sống đẹp ... xuất hiện trong các phong trào thanh niên.

Tuy nhiên, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị, kỹ năng sống... của đa số thanh niên trên địa bàn tỉnh còn hạn chế. Số thanh niên có trình độ đại học trở lên chiếm 1,57%, cao đẳng chiếm 2,22%, trung cấp chiếm 5,4%; bằng nghề (cao đẳng, trung cấp nghề) chiếm 7,73%, sơ cấp chiếm 0,51%, chưa qua đào tạo là 83,29%. Nhận thức về nghề nghiệp và việc làm của một bộ phận thanh niên chưa phù hợp với cơ chế mới; còn thụ động trong việc tự tạo việc làm. Đại bộ phận thanh niên đang trực tiếp lao động tại địa phương đều thiếu vốn đầu tư mở rộng sản xuất; thanh niên nông thôn thiếu nghề phụ trong lúc nông nhàn để nâng cao thời gian lao động. Mặt khác, trình độ chuyên môn, tay nghề, ý thức chấp hành kỷ luật, tác phong công nghiệp trong lao động của đa số thanh niên còn chưa đáp ứng được yêu cầu của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, số thanh niên đi lao động ở nước ngoài đa số là lao động phổ thông. Tình trạng thất nghiệp, thiếu việc làm đang là vấn đề bức xúc trong thanh niên; tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên nông thôn là 0,15%, thanh niên thành thị là 1,44%. Một bộ phận thanh niên sống thiếu lý tưởng, giảm sút niềm tin, lập trường, tư tưởng không vững vàng, thờ ơ trước những vấn đề của đất nước, của tỉnh, của địa phương nơi mình đang sinh sống; thiếu ý thức rèn luyện, không có nguyện vọng tham gia và phấn đấu trở thành đoàn viên, đảng viên. Một bộ phận thanh niên dễ bị kích động, lôi kéo tham gia các hoạt động ảnh hưởng tới an ninh trật tự trên địa bàn. Một số ít thanh niên, nhất là thanh niên dân tộc thiểu số, hạn chế về nhận thức chính trị nên dễ bị các thế lực thù địch lợi dụng, kích động, lôi kéo tham gia vào các hoạt động di dịch cư tự do và tuyên truyền đạo trái pháp luật. Đạo đức, lối sống của một bộ phận thanh niên còn lệch lạc, đề cao hưởng thụ, sống thực dụng, buông thả, lười lao động, học tập. Một bộ phận thanh niên thiếu ý thức rèn luyện, không dám đấu tranh với sai trái tiêu cực, thờ ơ trước nỗi đau của người khác; đề cao chủ nghĩa cá nhân, ích kỷ, thiếu quan tâm tới tình hình đất nước, địa phương, thiếu trách nhiệm với cộng đồng. Một bộ phận thanh niên còn vi phạm pháp luật, có hành vi bạo lực gia đình và các tệ nạn xã hội như: Trộm cắp, cướp giật, mại dâm, ma túy, buôn bán phụ nữ trẻ em qua biên giới... Tội phạm trong lứa tuổi thanh thiếu niên tập trung chủ yếu ở tội phạm về ma túy và tội phạm xâm phạm trật tự xã hội có xu hướng trẻ hóa về độ tuổi và có chiều hướng gia tăng. Tỷ lệ thanh thiếu niên phạm tội là 25,71%; tỷ lệ thanh niên mắc tệ nạn xã hội là 21,1%.

Thực trạng trên đòi hỏi các cấp ủy Đảng, chính quyền, các cơ quan, đơn vị và toàn xã hội cần có giải pháp mang tính chiến lược thiết thực, lâu dài, kế hoạch thực hiện cụ thể nhằm giúp cho thanh niên trong tỉnh thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; hỗ trợ thanh niên trong học tập nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị, trong đào tạo nghề, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, phòng chống tệ nạn xã hội,… nâng cao vai trò và sự đóng góp của thanh niên vào thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh của tỉnh.

II. QUAN ĐIỂM, MỤC TIÊU VÀ MỘT SỐ CHỈ TIÊU YẾU

1. Quan điểm:

a) Chương trình phát triển thanh niên là bộ phận cấu thành quan trọng của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đến năm 2020 góp phần bồi dưỡng, phát huy nhân tố và nguồn lực con người, nhằm mục tiêu xây dựng nguồn nhân lực trẻ có chất lượng cao đáp ứng yêu cầu thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

b) Bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền, kết hợp và phát huy đầy đủ vai trò của gia đình, nhà trường, xã hội và các tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện Chương trình phát triển thanh niên.

c) Chương trình phát triển thanh niên là cơ sở để các cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành cơ chế, chính sách nhằm chăm lo giáo dục, đào tạo và bồi dưỡng thanh niên.

[...]