Thứ 6, Ngày 25/10/2024

Quyết định 1743/QĐ-TTg năm 2019 về phê duyệt Nhiệm vụ lập Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 1743/QĐ-TTg
Ngày ban hành 03/12/2019
Ngày có hiệu lực 03/12/2019
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Trịnh Đình Dũng
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1743/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 03 tháng 12 năm 2019

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT NHIỆM VỤ LẬP QUY HOẠCH TỔNG THỂ VỀ NĂNG LƯỢNG QUỐC GIA THỜI KỲ 2021 - 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Quy hoạch ngày 24 tháng 11 năm 2017;

Căn cứ Luật sửa đổi bổ sung một số điều của 11 luật có liên quan đến quy hoạch ngày 15 tháng 6 năm 2018;

Căn cứ Nghị định số 37/2019/NĐ-CP ngày 07 tháng 5 năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quy hoạch;

Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công Thương tại Tờ trình số 8104/TTr-BCT ngày 25 tháng 10 năm 2019; Báo cáo thẩm định của Hội đồng thẩm định Nhiệm vụ lập Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại Văn bản số 138/BC-BCT ngày 25 tháng 10 năm 2019,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Nhiệm vụ lập Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với các nội dung chính như sau:

1. Tên quy hoạch, thời kỳ quy hoạch, phạm vi ranh giới quy hoạch

a) Tên quy hoạch: Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (sau đây gọi tắt là Quy hoạch tổng thể về năng lượng).

b) Thời kỳ quy hoạch: Quy hoạch được lập cho thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

c) Phạm vi ranh giới quy hoạch: quy hoạch phát triển toàn bộ hệ thống kết cấu hạ tầng năng lượng toàn quốc, có xem xét đến yếu tố xuất nhập khẩu năng lượng từ các quốc gia khác. Để có thể đánh giá được phương án quy hoạch hệ thống kết cấu hạ tầng năng lượng cho từng phân ngành, nhu cầu năng lượng được tính toán và dự báo cho toàn bộ các ngành sử dụng năng lượng của nền kinh tế, bao gồm nông nghiệp, công nghiệp, thương mại, dân dụng và giao thông vận tải.

2. Quan điểm, mục tiêu, nguyên tắc lập quy hoạch

a) Quan điểm lập Quy hoạch tổng thể về năng lượng

- Phát triển năng lượng phải gắn liền với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và đảm bảo tối ưu hệ thống năng lượng tổng thể, đi trước một bước, bền vững, tiếp tục đa dạng hóa các nguồn năng lượng nhằm cung cấp đầy đủ và ổn định, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và chiến lược công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong kỷ nguyên xu thế toàn cầu của Cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

- Thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các nguồn tài nguyên năng lượng trong nước hợp lý, hiệu quả, kết hợp với khai thác, nhập khẩu năng lượng từ nước ngoài nhằm bảo tồn nguồn tài nguyên trong nước và đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

- Phát triển thị trường năng lượng cạnh tranh, đa dạng hóa sở hữu và phương thức kinh doanh, hướng tới thỏa mãn tốt nhất nhu cầu người tiêu dùng. Thúc đẩy nhanh việc xóa bao cấp, tiến đến xóa bỏ hoàn toàn việc thực hiện chính sách xã hội thông qua giá năng lượng.

- Phát triển đồng bộ, hài hòa và hợp lý hệ thống năng lượng: điện, dầu khí, than, năng lượng mới và tái tạo; phân bố hợp lý hệ thống năng lượng theo vùng lãnh thổ; cân đối từ khâu thăm dò, khai thác, chế biến; phát triển đồng bộ hệ thống hạ tầng, dịch vụ và tái chế; khuyến khích phát triển các nguồn năng lượng mới và tái tạo, năng lượng sạch.

- Ứng dụng thành tựu của kinh tế tri thức, của Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và các tiến bộ khoa học công nghệ để nâng cao hiệu quả sử dụng và tiết kiệm năng lượng, đẩy mạnh hiệu quả kinh doanh năng lượng; ngày càng nâng cao chất lượng cung cấp và dịch vụ năng lượng.

- Phát triển năng lượng gắn chặt với bảo vệ môi trường, bảo đảm phát triển năng lượng theo hướng tăng trưởng xanh và bền vững, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu.

b) Mục tiêu lập Quy hoạch tổng thể về năng lượng

- Mục tiêu tổng quát:

Huy động mọi nguồn lực trong nước và quốc tế cho phát triển năng lượng để đảm bảo cân đối cung cầu năng lượng với mục tiêu tối ưu chi phí phục vụ phát triển bền vững kinh tế - xã hội của đất nước; sử dụng đa dạng và hợp lý các nguồn năng lượng sơ cấp trong và ngoài nước; đẩy mạnh các hoạt động sử dụng hiệu quả năng lượng và khuyến khích phát triển các nguồn năng lượng tái tạo nhằm góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, giảm sự phụ thuộc vào năng lượng nhập khẩu, giảm nhẹ biến đổi khí hậu, tăng cường bảo vệ môi trường và hoàn thành các mục tiêu phát triển năng lượng - kinh tế - xã hội bền vững; từng bước xây dựng các thị trường năng lượng cạnh tranh nhằm tăng hiệu quả hoạt động và khuyến khích đầu tư phát triển năng lượng sạch.

- Mục tiêu cụ thể:

+ Phân tích và đánh giá hiện trạng phát triển các phân ngành năng lượng (than, dầu, khí, năng lượng tái tạo) giai đoạn 2011 - 2020 (về điều kiện tự nhiên, nguồn lực, bối cảnh và thực trạng phân bố, sử dụng không gian…), thực tế triển khai nội dung của các quy hoạch các phân ngành năng lượng gần đây;

+ Dựa trên hiện trạng và dự báo xu thế phát triển kinh tế xã hội, đánh giá nhu cầu năng lượng giai đoạn 2011 - 2020, đưa ra các phương án dự báo nhu cầu năng lượng theo các loại nhiên liệu và theo các phân ngành kinh tế giai đoạn 2021 - 2030 và giai đoạn 2031 - 2050;

[...]