ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH CÀ MAU
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 17/2021/QĐ-UBND
|
Cà Mau, ngày 06
tháng 7 năm 2021
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ
SÊN, VÉT ĐẤT, BÙN ĐỂ CẢI TẠO AO, ĐẦM NUÔI TRỒNG THỦY SẢN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH CÀ
MAU
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH CÀ MAU
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015
(sửa đổi, bổ sung năm 2017 và năm 2019);
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm
2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2020);
Căn cứ Luật Thủy sản ngày 21 tháng 11 năm 2017;
Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 23 tháng 6 năm 2014;
Căn cứ Luật Lâm nghiệp ngày 15 tháng 11 năm 2017;
Căn cứ Nghị định số 19/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 02 năm 2015 của
Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường;
Căn cứ Nghị định số 155/2016/NĐ-CP ngày 18 tháng 11 năm 2016 của
Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi
trường;
Căn cứ Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16 tháng 11 năm 2018 của Chính
phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp;
Căn cứ Nghị định số 26/2019/NĐ-CP ngày 08 tháng 3 năm 2019 của Chính
phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ
trình số 38/TTr-SNN ngày 24 tháng 02 năm 2021 và Báo cáo số
684/BC-SNN ngày 25 tháng 6 năm 2021.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban
hành kèm theo Quyết định này Quy định về sên, vét đất, bùn để cải tạo ao, đầm
nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh Cà Mau.
Điều 2. Hiệu lực thi hành
1. Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 24 tháng 7 năm 2021.
2. Quyết định số 24/2014/QĐ-UBND ngày 03 tháng 10 năm 2014 của Ủy ban
nhân dân tỉnh Cà Mau ban hành quy định về sên, vét đất, bùn cải tạo ao, đầm
nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh Cà Mau và Quyết định số 34/2016/QĐ-UBND
ngày 30 tháng 11 năm 2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau sửa đổi, bổ sung một
số điều của quy định về sên, vét đất, bùn cải tạo ao, đầm nuôi trồng thủy sản
trên địa bàn tỉnh Cà Mau ban hành kèm theo Quyết định số 24/2014/QĐ-UBND ngày
03 tháng 10 năm 2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau hết hiệu lực kể từ ngày
Quyết định này có hiệu lực thi hành.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh; Chủ
tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Cà Mau; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các
xã, phường, thị trấn và các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có liên quan chịu
trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Như Điều
3;
- Văn phòng Chính phủ (b/c);
- Bộ Nông nghiệp và PTNT (b/c);
- Bộ Tư pháp (Cục Kiểm tra VBQPPL);
- Cổng TTĐT Chính phủ;
- TT. Tỉnh ủy, HĐND tỉnh (b/c);
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Thành viên UBND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh;
- Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã;
- Báo, Đài, Cổng TTĐT tỉnh (đăng, phát nội dung);
- LĐVP UBND tỉnh;
- Phòng NNTN (Nguyên, 41/6);
- Phòng CCTTHC;
- Lưu: VT,
Ktr311/7.
|
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Lê Văn Sử
|
QUY ĐỊNH
VỀ SÊN, VÉT ĐẤT, BÙN
ĐỂ CẢI TẠO AO, ĐẦM NUÔI TRỒNG THỦY SẢN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH CÀ MAU
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 17/2021/QĐ-UBND ngày
06/7/2021 của Ủy ban
nhân dân tỉnh Cà Mau)
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Quy định này quy định về sên, vét đất, bùn để cải tạo ao, đầm nuôi
trồng thủy sản và trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức, hộ gia
đình và cá nhân trong hoạt động sên, vét đất, bùn để cải tạo ao, đầm nuôi trồng
thủy sản trên địa bàn tỉnh Cà Mau.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân hoạt động sên, vét đất, bùn để cải tạo
ao, đầm nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh Cà Mau.
2. Cơ quan quản lý nhà nước, gồm: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn, Sở Tài nguyên và Môi trường, Công an tỉnh; Ủy ban nhân dân cấp huyện và
Ủy ban nhân dân cấp xã.
3. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động sên, vét
đất, bùn để cải tạo ao, đầm nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh Cà Mau.
Điều 3. Giải thích từ ngữ
Trong Quy định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Sên, vét đất, bùn để cải tạo ao, đầm nuôi trồng thủy sản: Là hoạt
động đưa lượng đất, bùn hoặc mùn bã hữu cơ hình thành trong quá trình nuôi thủy
sản ra khỏi ao, đầm nuôi trồng thủy sản.
2. Sên, vét đất, bùn để cải tạo ao, đầm bằng thủ công: Là dùng sức
người kết hợp với công cụ gàu, len, giá, vật chứa bùn khác để thực hiện.
3. Sên, vét đất, bùn để cải tạo ao, đầm bằng cơ
giới: Là sử dụng phương tiện có động cơ để sên, vét như xáng dây (xáng cạp),
cần cuốc (máy đào), máy khoan, máy bơm hút bùn.
Chương II
QUY ĐỊNH SÊN, VÉT ĐẤT, BÙN ĐỂ CẢI TẠO AO, ĐẦM NUÔI
TRỒNG THỦY SẢN
Điều 4. Sên, vét đất, bùn để cải tạo ao, đầm
1. Đối với sên, vét đất, bùn để cải tạo ao, đầm nuôi trồng thủy sản
bằng thủ công; bằng xáng dây (xáng cạp), cần cuốc (máy đào) phải đảm bảo bùn,
đất trong ao, đầm chưa được xử lý không tràn ra sông, rạch gây ô nhiễm môi
trường.
2. Đối với sên, vét đất, bùn để cải tạo ao, đầm nuôi trồng thủy sản
bằng máy khoan, máy bơm hút bùn phải có khu chứa đảm bảo chứa đủ lượng đất,
bùn; không để đất, bùn trong khu chứa tràn ra sông, rạch gây ô nhiễm môi
trường. Xây dựng khu chứa đất, bùn thải thực hiện theo Hướng dẫn tại Phụ lục
kèm theo Quy định này.
3. Đối với sên, vét đất, bùn để cải tạo ao, đầm nuôi trồng thủy sản
theo hình thức nuôi thâm canh, bán thâm canh thực hiện theo quy định tại điểm c
khoản 1 Điều 34 Nghị định số 26/2019/NĐ-CP ngày 08 tháng 3 năm 2019 của Chính
phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản và theo
Hướng dẫn tại Phụ lục kèm theo Quy định này.
4. Đối với sên, vét đất, bùn để cải tạo ao, đầm nuôi trồng thủy sản
trên đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất không được làm giảm diện tích rừng và
ảnh hưởng đến chất lượng, tái sinh rừng theo quy định pháp luật.
Điều 5. Thời gian sên, vét đất, bùn để cải tạo ao, đầm
nuôi trồng thủy sản
1. Sên, vét đất, bùn để cải tạo ao, đầm nuôi trồng thủy sản bằng thủ
công; bằng xáng dây (xáng cạp), cần cuốc (máy đào) được thực hiện quanh năm.
2. Sên, vét đất, bùn để cải tạo ao, đầm nuôi trồng thủy sản bằng máy
khoan, máy bơm hút bùn chỉ được thực hiện từ ngày 15 tháng 8 đến ngày 15 tháng
10 dương lịch hàng năm.
3. Đối với sên, vét đất, bùn để cải tạo ao, đầm nuôi trồng thủy sản
bằng máy khoan, máy bơm hút bùn ở địa bàn giáp ranh của các huyện, Ủy ban nhân
dân cấp huyện (kể cả huyện giáp ranh với các tỉnh khác) cùng trao đổi, thống
nhất thời gian sên, vét đất, bùn để cải tạo ao, đầm nuôi trồng thủy sản nhưng
phải nằm trong khoảng thời gian theo quy định tại khoản 2 Điều này.
Chương III
TRÁCH NHIỆM CỦA CƠ QUAN, TỔ CHỨC, HỘ GIA
ĐÌNH, CÁ NHÂN TRONG HOẠT ĐỘNG SÊN, VÉT ĐẤT, BÙN ĐỂ CẢI TẠO AO, ĐẦM NUÔI TRỒNG
THỦY SẢN
Điều 6. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
1. Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị chức năng có liên quan
tổ chức tuyên truyền, giáo dục nâng cao kiến thức về kỹ thuật nuôi trồng thủy
sản, nâng cao nhận thức pháp luật về thủy sản, giống vật nuôi, tiêu chuẩn ngành
và các quy định khác có liên quan; đặc biệt là tuyên truyền, vận động các tổ
chức, hộ gia đình và cá nhân
thực hiện đúng quy định về sên,
vét đất, bùn cải tạo ao, đầm trong
nuôi trồng thủy sản; công bố lịch thời vụ sên, vét đất, bùn cải tạo ao đầm để các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân thực hiện đúng quy định tại Quy định này và
pháp luật có liên quan.
2. Chỉ đạo các lực lượng quản lý chuyên ngành về nuôi trồng thủy sản,
quản lý bảo vệ rừng, thanh tra chuyên ngành thường xuyên kiểm tra, giám sát
hoạt động sên, vét đất, bùn để cải tạo ao, đầm nuôi trông thủy sản, kịp thời
phát hiện, ngăn chặn các hành vi xả thải gây ô nhiễm môi trường, xâm hại đến tài
nguyên rừng và xử lý theo quy định pháp luật.
3. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan hướng dẫn các
tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong trường hợp sên, vét đất bùn khi ao đầm nuôi
thủy sản bị nhiễm bệnh theo đúng quy định.
Điều 7. Sở Tài nguyên và Môi trường
Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương, đơn vị có liên quan và
Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Cà Mau tổ chức tuyên truyền, giáo dục pháp
luật về bảo vệ môi trường trong hoạt động sên, vét đất, bùn để cải tạo ao, đầm
nuôi trồng thủy sản; thường xuyên kiểm tra việc thực hiện các quy định về bảo
vệ môi trường đối với các cơ sở nuôi trồng thủy sản và xử lý theo quy định của
pháp luật.
Điều 8. Ủy ban nhân dân cấp huyện
Chịu trách nhiệm chỉ đạo thực hiện toàn diện văn bản này và văn bản có
liên quan về bảo vệ môi trường đối với hoạt động nuôi trồng thủy sản trên địa
bàn quản lý.
Điều 9. Ủy ban nhân dân cấp xã
1. Tổ chức thực hiện Quy định này trên địa bàn quản lý; tuyên truyền,
hướng dẫn các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân về hoạt động sên, vét đất, bùn để
cải tạo ao, đầm nuôi trồng thủy sản đảm bảo theo quy định và thường xuyên tổ
chức kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện, xử lý các trường hợp vi phạm theo
thẩm quyền, tham mưu Ủy ban nhân dân cấp huyện xử lý các trường hợp vi phạm
vượt thẩm quyền theo quy định pháp luật.
2. Theo dõi, kiểm tra, thông tin, báo cáo tình hình thực hiện hoạt động
sên, vét đất, bùn để cải tạo ao, đầm nuôi trồng thủy sản trên địa bàn để phục
vụ yêu cầu quản lý nhà nước của tỉnh.
Điều 10. Về thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm
Yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn, Công an tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã, căn cứ
chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của từng cơ quan, đơn vị, thường xuyên tổ chức
kiểm tra, thanh tra hoạt động sên, vét đất, bùn cải tạo ao, đầm nuôi trồng thủy
sản, kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm theo đúng quy định của pháp
luật.
Điều 11. Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân
Các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân khi hoạt động về sên, vét đất, bùn để
cải tạo ao, đầm nuôi trồng thủy sản phải thực hiện đúng Quy định này và các quy
định khác có liên quan, trường hợp vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định pháp luật.
Chương IV
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 12. Trách nhiệm của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn
1.
Chủ trì, phối hợp với các sở,
ban, ngành có liên quan; Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã triển khai thực hiện
Quy định này.
2. Theo dõi, kiểm tra, tổng hợp, báo cáo tình hình và kết quả thực hiện
hoạt động sên, vét đất, bùn để cải tạo ao, đầm nuôi trồng thủy sản trên địa bàn
tỉnh Cà Mau.
Điều 13. Điều khoản thi hành
Trong quá trình triển khai thực hiện có khó khăn, vướng mắc, đề nghị cơ
quan, tổ chức, cá nhân phản ánh kịp thời về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định./.
PHỤ LỤC
HƯỚNG DẪN XÂY DỰNG KHU XỬ
LÝ ĐẤT, BÙN, CHẤT THẢI, NƯỚC THẢI
(Áp dụng cho
khoản 2 Điều 4 Quy định này)
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 17/2021/QĐ-UBND
ngày 06/7/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau)
1. Thiết kế khu chứa đất, bùn, chất thải, nước
thải
a) Hệ thống khu chứa đất, bùn, chất thải, nước thải có thể sử dụng
riêng hoặc chung cho nhiều hộ nuôi hoặc cơ sở nuôi (gọi chung là cơ sở nuôi);
khu chứa phải có bờ bao vững chắc; không để bị rò rỉ, sạt lở; thể tích đủ lớn
để chứa đủ toàn bộ lượng đất, bùn, chất thải, nước thải trong quá trình sên,
vét.
b) Nên chia thời gian sên, vét ra thành nhiều đợt, mỗi đợt cách nhau từ
02 đến 03 ngày để cho đất, bùn, chất thải, nước thải có đủ thời gian lắng tụ;
không để đất, bùn, chất thải, nước thải chưa lắng tụ chảy trực tiếp ra môi
trường bên ngoài.
c) Vị trí xây dựng và hình dạng khu chứa đất, bùn, chất thải, nước thải
tùy vào điều kiện thực tế của cơ sở nuôi; khu chứa phải được xây dựng trước khi
sên, vét; bờ bao được gia cố chắc chắn có chiều rộng tối thiểu 1,5 mét và chiều
cao tối thiểu 01 (một) mét.
d) Đối với cơ sở nuôi sử dụng khu chứa cũ, trước khi sên, vét cần kiểm
tra, gia cố bờ bao; nạo vét đất, bùn, chất thải ở đáy ao của khu chứa và vận
chuyển đến khu vực khác để tăng thể tích chứa, đảm bảo chứa đủ lượng đất, bùn,
chất thải, nước thải trong quá trình sên, vét.
đ) Đối với cơ sở nuôi có diện tích nhỏ có thể tận dụng phần diện tích
mương, vườn sử dụng không hiệu quả, sau đó xây, đắp bờ bao làm thành khu chứa;
đảm bảo chứa đủ lượng đất, bùn, chất thải, nước thải không để chảy tràn ra môi
trường bên ngoài.
e) Đối với cơ sở nuôi có diện tích lớn, nên xây dựng 02 (hai) khu chứa.
Khu thứ nhất được chứa đất, bùn, chất thải, nước thải được bơm trực tiếp vào từ
quá trình sên, vét. Khu thứ hai chứa nước thải từ khu thứ nhất chảy tràn sang,
tại đây nước được lắng tụ trước khi đưa ra môi trường.
2. Quy trình xử lý bùn, chất thải, nước thải
Đất, bùn, chất thải, nước thải trong quá trình sên, vét được thu gom
vào khu chứa được bố trí sẵn. Quá trình thực hiện cụ thể sau:
a) Đối với quy trình xử lý đất, bùn, chất thải, nước thải có 01 khu
chứa (áp dụng theo sơ đồ 1):
Sau khi hoàn thành sên, vét, cơ sở nuôi phải để đất, bùn, chất thải,
nước thải lắng tụ trong khu chứa từ 02 - 03 ngày trước khi cho nước chảy ra môi
trường bên ngoài.
Sơ đồ 1: Quy trình xử lý bùn, chất thải, nước
thải có 01 khu chứa, lắng
b) Đối với quy trình xử lý đất, bùn, chất thải, nước thải có 02
khu chứa, lắng (áp dụng theo sơ đồ 2):
- Sau khi hoàn thành sên, vét đất, bùn, chất
thải, nước thải cho vào khu chứa thứ nhất cơ sở nuôi phải để lắng tụ từ 01 đến
02 ngày, sau đó cho một phần nước lắng trong chảy vào khu chứa thứ hai.
- Nước ở khu thứ hai được tiếp tục được lắng tụ từ 01 - 02 ngày trước
khi cho chảy ra môi trường bên ngoài.
Sơ đồ 2: Quy trình xử lý bùn, chất thải, nước
thải có 02 khu chứa, lắng
c) Vị trí đầu ống bơm nên đặt giữa khu chứa, không nên đặt đầu ống bơm
phía ngoài nơi tiếp giáp giữa khu chứa và sông rạch để không làm chảy tràn đất,
bùn, chất thải, nước thải ra bên ngoài gây ô nhiễm môi trường.
d)
Trong thời gian sên, vét cần
thường xuyên kiểm tra máy bơm, hệ thống ống, hệ thống bờ
bao khu chứa, kịp thời phát hiện
để khắc phục, sửa chữa, không cho đất, bùn, chất
thải, nước thải, xăng, dầu,... chảy
trực tiếp ra môi trường bên ngoài.
đ) Đối với những ao, đầm nuôi thủy sản đã bị nhiễm bệnh, trong
thời gian sên, vét không được để nước thải chảy ra môi trường và phải thực hiện
theo quy định của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về
phòng, chống dịch bệnh động vật thủy sản (Điều 12, Điều 19 Thông tư số
04/2016/TT-BNNPTNT ngày 10/5/2016)./.