Quyết định 166/QĐ-BGTVT năm 2018 về phân công nhiệm vụ lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải

Số hiệu 166/QĐ-BGTVT
Ngày ban hành 24/01/2018
Ngày có hiệu lực 24/01/2018
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Bộ Giao thông vận tải
Người ký Nguyễn Văn Thể
Lĩnh vực Bộ máy hành chính,Giao thông - Vận tải

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 166/QĐ-BGTVT

Hà Nội, ngày 24 tháng 01 năm 2018

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÂN CÔNG NHIỆM VỤ LÃNH ĐẠO BỘ

BỘ TRƯỞNG BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI

Căn cứ Nghị định số 123/2016/NĐ-CP ngày 01/9/2016 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ;

Căn cứ Nghị định số 12/2017/NĐ-CP ngày 10/02/2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;

Căn cứ Quy chế làm việc của Bộ Giao thông vận tải ban hành kèm theo Quyết định số 685/QĐ-BGTVT ngày 14/3/2017 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải;

Căn cứ Nghị quyết số 23-NQ/BCSĐ ngày 27/12/2017 của Ban Cán sự đảng Bộ Giao thông vận tải;

Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Nguyên tắc phân công và quan hệ công tác giữa Bộ trưởng và các Thứ trưởng

1. Bộ trưởng là thành viên Chính phủ, là người đứng đầu, lãnh đạo Bộ và chịu trách nhiệm cá nhân trước Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ và Quốc hội về quản lý nhà nước lĩnh vực giao thông vận tải (GTVT); thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật, bảo đảm thống nhất quản lý công tác GTVT trong phạm vi cả nước; trực tiếp chỉ đạo, điều hành những vấn đề lớn, quan trọng, mang tính chiến lược trên tất cả các lĩnh vực công tác thuộc chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ.

2. Bộ trưởng phân công các Thứ trưởng giúp Bộ trưởng trực tiếp chỉ đạo, xử lý thường xuyên, toàn bộ các công việc trong các lĩnh vực, cơ quan, đơn vị và địa bàn công tác được phân công, chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng và trước pháp luật về nhiệm vụ được phân công.

Việc phân công quản lý, theo dõi các dự án đầu tư thực hiện theo nguyên tắc cơ bản như sau: Thứ trưởng phụ trách lĩnh vực nào sẽ chủ trì phụ trách các dự án trong lĩnh vực đó; riêng đối với các dự án trong lĩnh vực đường bộ, dự án nằm chủ yếu ở khu vực nào sẽ do Thứ trưởng theo dõi khu vực đó chủ trì phụ trách; ngoài ra, đối với một số dự án cụ thể, có tính đặc thù, Bộ trưởng sẽ có phân công cụ thể để bảo đảm hiệu quả thực hiện cao nhất.

Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn được phân công, Thứ trưởng chủ động chỉ đạo, xử lý công việc; sử dụng quyền hạn của Bộ trưởng và nhân danh Bộ trưởng để kiểm tra, đôn đốc, giải quyết các công việc thuộc các lĩnh vực, cơ quan, đơn vị, địa bàn công tác, dự án được phân công. Các Thứ trưởng đề xuất hoặc báo cáo Bộ trưởng các điều kiện để bảo đảm thực hiện nhiệm vụ; chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng về chất lượng, tiến độ thực hiện nhiệm vụ; về duy trì kỷ luật, kỷ cương hành chính, đoàn kết nội bộ; chăm lo, phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; về những vi phạm pháp luật, tiêu cực, tham nhũng xảy ra ở các lĩnh vực, cơ quan, đơn vị phụ trách.

Thứ trưởng phải kịp thời báo cáo Bộ trưởng về những vấn đề lớn, quan trọng, nhạy cảm; những vấn đề do Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ hoặc các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước trực tiếp chỉ đạo; những vấn đề lớn có ý kiến khác nhau giữa Bộ GTVT với các Bộ, ngành, địa phương; những vấn đề mới phát sinh chưa có trong quy định của Đảng và Nhà nước.

Trong khi thực thi nhiệm vụ, nếu có vấn đề liên quan đến lĩnh vực, cơ quan, đơn vị, địa bàn do Thứ trưởng khác phụ trách thì các Thứ trưởng chủ động phối hợp với nhau để giải quyết. Trường hợp các Thứ trưởng có ý kiến khác nhau thì Thứ trưởng đang phụ trách giải quyết công việc đó báo cáo Bộ trưởng xem xét, quyết định.

Ngoài các nhiệm vụ, lĩnh vực công tác cụ thể được phân công, các Thứ trưởng có trách nhiệm quán xuyến hoạt động chung của Bộ để có thể đảm nhiệm các nhiệm vụ khác do Bộ trưởng giao.

3. Bộ trưởng, các Thứ trưởng và thành viên Ban Cán sự đảng Bộ duy trì các cuộc hội ý định kỳ hàng tuần, hội ý đột xuất để trao đổi thông tin và phối hợp xử lý công việc.

4. Trong trường hợp cần thiết hoặc vì tính chất quan trọng, cấp bách của công việc, Bộ trưởng có thể trực tiếp chỉ đạo xử lý công việc thuộc thẩm quyền của Tổng cục trưởng, Cục trưởng, Thủ trưởng cơ quan tham mưu giúp việc của Bộ.

5. Trường hợp cần thiết, Bộ trưởng, Thứ trưởng xử lý công việc trực tiếp trên cơ sở hồ sơ, tài liệu trình của các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan mà không nhất thiết phải có Phiếu trình của cơ quan tham mưu giúp việc của Bộ.

6. Khi vắng mặt và nếu cần thiết, Bộ trưởng ủy nhiệm một Thứ trưởng thay mặt Bộ trưởng lãnh đạo công tác của Bộ và giải quyết các công việc do Bộ trưởng trực tiếp phụ trách.

7. Trong trường hợp cần thiết hoặc khi Thứ trưởng vắng mặt thì Bộ trưởng trực tiếp hoặc phân công Thứ trưởng khác xử lý công việc đã phân công cho Thứ trưởng.

8. Đối với những công việc có sự chồng lấn về địa bàn hoặc nội dung liên quan đến hai Thứ trưởng trở lên, Bộ trưởng sẽ phân công một Thứ trưởng phụ trách.

9. Tùy theo yêu cầu thực tế, để bảo đảm yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chung của Bộ, Bộ trưởng sẽ xem xét, điều chỉnh việc phân công công tác giữa Bộ trưởng và các Thứ trưởng quy định tại Điều 3 Quyết định này. Khi có sự điều chỉnh việc phân công, các Thứ trưởng có trách nhiệm bàn giao nội dung công việc, hồ sơ, tài liệu liên quan cho nhau và báo cáo Bộ trưởng.

Điều 2. Trách nhiệm, quyền hạn của Thứ trưởng trong phạm vi nhiệm vụ được Bộ trưởng phân công

1. Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ trong việc xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển, cơ chế, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật quản lý ngành liên quan đến lĩnh vực được phân công; tổ chức triển khai thực hiện, kiểm tra, theo dõi tình hình thực hiện.

2. Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các Bộ, ngành, địa phương, các cơ quan, tổ chức có liên quan thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật thuộc lĩnh vực mình phụ trách; kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện; trực tiếp chỉ đạo xử lý hoặc báo cáo xin ý kiến Bộ trưởng để có biện pháp xử lý hoặc báo cáo Thủ tướng Chính phủ nếu vượt thẩm quyền đối với các hành vi vi phạm thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ theo quy định của pháp luật.

3. Thường xuyên theo dõi và xử lý các vấn đề cụ thể thuộc thẩm quyền được phân công và những vấn đề còn có ý kiến khác nhau giữa các Bộ, ngành, địa phương, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ; chủ động phối hợp công tác với các cơ quan, tổ chức, các hội nghề nghiệp hoạt động trong lĩnh vực được phân công.

[...]