Thứ 2, Ngày 28/10/2024

Quyết định 1615/QĐ-TTg năm 2013 phê duyệt Đề án nâng cao chất lượng và hiệu quả quản lý nhà nước đối với công tác quy hoạch do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 1615/QĐ-TTg
Ngày ban hành 17/09/2013
Ngày có hiệu lực 17/09/2013
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Nguyễn Tấn Dũng
Lĩnh vực Bộ máy hành chính,Xây dựng - Đô thị

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1615/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 17 tháng 09 năm 2013

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG VÀ HIỆU QUẢ QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI CÔNG TÁC QUY HOẠCH

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 16 tháng 01 năm 2012 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020; Nghị quyết số 16/NQ-CP ngày 08 tháng 6 năm 2012 của Chính phủ về Ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 16 tháng 01 năm 2012 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020;

Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án nâng cao chất lượng và hiệu quả quản lý nhà nước đối với công tác quy hoạch với những nội dung chủ yếu sau:

I. MỤC TIÊU

Hoàn thiện thể chế về công tác quy hoạch phát triển nhằm quản lý thống nhất các loại hình quy hoạch trên phạm vi cả nước theo tinh thần Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 16 tháng 01 năm 2012 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trthành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020.

II. NHIỆM VỤ

1. Nâng cao chất lượng và tính khả thi của quy hoạch nhằm khắc phục tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn giữa các loại quy hoạch và giảm thiểu sự lãng phí cho ngân sách nhà nước.

2. Quản lý thống nhất quá trình triển khai, tổ chức thực hiện và hiệu lực thực thi các loại quy hoạch trên phạm vi cả nước.

III. MỘT SỐ GIẢI PHÁP

1. Hoàn thiện thể chế về công tác quy hoạch

- Xây dựng, trình Quốc hội xem xét ban hành Luật Quy hoạch (theo tinh thần Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 16 tháng 01 năm 2012 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020) với những định hướng cơ bản là:

+ Xây dựng Luật Quy hoạch có phạm vi điều chỉnh chung cho các loại quy hoạch phát triển trên phạm vi cả nước, tránh tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn giữa các loại quy hoạch;

+ Tập trung công tác thẩm định và phê duyệt quy hoạch vào một đầu mối. Tạo cơ chế thẩm định độc lập, tập trung, do một đầu mối chịu trách nhiệm; tăng cường công tác giám sát, kiểm tra quá trình thực hiện quy hoạch.

+ Tăng cường công tác quản lý nhà nước về quy hoạch, đề cao trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong xây dựng và tổ chức thực hiện quy hoạch, đảm bảo hiệu quả và tính khả thi.

- Xây dựng Nghị định và các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật quy hoạch sau khi được Quốc hội thông qua, nhằm quản lý thống nhất quá trình triển khai thực hiện quy hoạch phát triển trên phạm vi cả nước.

- Tiếp tục hoàn thiện Luật đất đai, xác định rõ vai trò của Quy hoạch sử dụng đất, các cấp quy hoạch sử dụng đất trong luật đất đai sửa đổi.

- Tiếp tục hoàn thiện các quy định về Quy hoạch xây dựng, Quy hoạch đô thị, Quy hoạch phát triển các ngành, lĩnh vực trong Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch đô thị và các Luật chuyên ngành nhằm đảm bảo tính thống nhất giữa các văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh về công tác quy hoạch.

2. Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với quy hoạch

- Củng cố và kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước về công tác quy hoạch ở các Bộ, ngành và địa phương nhằm nâng cao năng lực và vai trò quản lý nhà nước đối với công tác quy hoạch.

- Tăng cường công tác thẩm định quy hoạch phát triển nhằm nâng cao chất lượng và tính thống nhất vnội dung giữa các loại quy hoạch phát triển trên địa bàn.

- Nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước trong quá trình triển khai lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch. Tăng cường công tác kiểm tra quá trình thực hiện quy hoạch của các Bộ, ngành và địa phương, trong đó tập trung vào các chương trình, dự án đầu tư trọng điểm được xác định trong quy hoạch và các dự án sử dụng nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước.

- Giao kế hoạch vốn lập quy hoạch phát triển hàng năm trên cơ sở thống nhất giữa đầu mối quản lý nhà nước về danh mục quy hoạch với giao kế hoạch vốn nhằm khắc phục chồng chéo và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn các dự án quy hoạch.

- Tăng cường công tác đào tạo đội ngũ cán bộ tư vấn lập quy hoạch và cán bộ quản lý về công tác quy hoạch ở các cấp, các ngành nhằm nâng cao chất lượng quy hoạch và quản lý nhà nước về quy hoạch phát triển.

[...]