Quyết định 161/QĐ-UBND năm 2010 phê duyệt quy hoạch xây dựng bến xe, điểm đỗ và trạm nghỉ ô tô khách trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đến năm 2020 do Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang ban hành

Số hiệu 161/QĐ-UBND
Ngày ban hành 21/05/2010
Ngày có hiệu lực 21/05/2010
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Tuyên Quang
Người ký Đỗ Văn Chiến
Lĩnh vực Xây dựng - Đô thị

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH TUYÊN QUANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
---------

Số: 161/QĐ-UBND

Tuyên Quang, ngày 21 tháng 5 năm 2010

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH XÂY DỰNG BẾN XE, ĐIỂM ĐỖ VÀ TRẠM NGHỈ Ô TÔ KHÁCH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TUYÊN QUANG ĐẾN NĂM 2020

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH TUYÊN QUANG

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật Xây dựng ngày 26/11/2003; Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của các Luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản ngày 19/6/2009;
Căn cứ Nghị định số 08/2005/NĐ-CP ngày 24/01/2005 của Chính phủ về quy hoạch xây dựng;
Căn cứ Thông tư số 07/2008/TT-BXD ngày 07/4/2008 của Bộ Xây dựng hướng dẫn lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch xây dựng;
Căn cứ Quyết định số 100/2008/QĐ-TTg ngày 15/07/2008 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Tuyên Quang đến năm 2020;
Căn cứ Quyết định số 1237/QĐ-TTg ngày 24/8/2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển giao thông vận tải đường bộ Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030;
Căn cứ Quyết định số 08/2005/QĐ-BGTVT ngày 10/01/2005 của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải về việc Ban hành “Quy định bến xe ô tô khách”; Quyết định số 15/2007/QĐ-BGTVT ngày 26/03/2007 của Bộ Giao thông Vận tải về việc sửa đổi, bổ sung một số Điều, Khoản trong "Quy định bến xe ô tô khách" ban hành kèm theo Quyết định số 08/2005/QĐ-BGTVT ngày 10/01/2005 của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải;
Căn cứ Quyết định số 70/QĐ-UB ngày 04/09/2004 của Uỷ ban nhân dân tỉnh về việc Quy hoạch tổng thể mạng lưới giao thông tỉnh Tuyên Quang đến năm 2010 và định hướng phát triển đến năm 2020; Quyết định số 700/QĐ-UBND ngày 23/12/2008 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch tổng thể mạng lưới giao thông tỉnh Tuyên Quang đến năm 2010 và định hướng phát triển đến năm 2020;
Căn cứ Quyết định số 38/2007/QĐ-UBND ngày 08/12/2007 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc ban hành quy định về quản lý đầu tư xây dựng công trình trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang;
Căn cứ Quyết định số 40/2007/QĐ-UBND ngày 13/12/2007 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc ban hành Quy định tổ chức và quản lý bến xe, điểm đỗ ô tô chở khách trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang;
Căn cứ Quyết định số 960/QĐ-CT ngày 18/06/2008 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh về việc phê duyệt chủ trương lập quy hoạch xây dựng bến xe, điểm đỗ và trạm nghỉ xe ô tô khách trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang; Quyết định số 955/QĐ-CT ngày 31/3/2009 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh về việc phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch xây dựng bến xe, điểm đỗ và trạm nghỉ ô tô chở khách trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang;
Thực hiện Kết luận số 70-KL/TU ngày 14/11/2009 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy (kỳ thứ 49);
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tại Tờ trình số 190/TTr-GTVT ngày 22/12/2009 về việc phê duyệt quy hoạch bến xe, điểm đỗ và trạm nghỉ ô tô khách trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đến năm 2020,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1: Phê duyệt quy hoạch bến xe, điểm đỗ và trạm nghỉ ô tô khách trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, với các nội dung chính như sau:

I. QUAN ĐIỂM VÀ MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN

1. Quan điểm

- Quy hoạch hệ thống bến xe, điểm đỗ, trạm nghỉ ô tô khách phải phát huy lợi thế của hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ công tác vận tải một cách thống nhất, cân đối; đảm bảo sự liên hoàn liên kết, chuyển tiếp giữa các tuyến vận tải, phương thức vận tải khác nhau; phục vụ thuận tiện cho khách đi xe ở các khu dân cư hay trung tâm kinh tế thương mại.

- Đảm bảo hiệu quả chung nền kinh tế, các công trình phải được quy hoạch đầu tư đồng bộ, phát huy hỗ trợ lẫn nhau, nhất là giao thông đường bộ và mạng lưới bến xe ô tô khách; đồng thời phân kỳ đầu tư hợp lý vừa khai thác triệt để các công trình hiện có, vừa có bước đi thích hợp trong đầu tư xây dựng các công trình mới để có hệ thống hạ tầng hiện đại góp phần phát huy nội lực kinh tế của địa phương trong từng giai đoạn.

- Tận dụng tối đa kết hợp với đầu tư, nâng cấp hợp lý hạ tầng kỹ thuật bến xe, bãi đỗ xe hiện có, từng buớc hiện đại hoá đạt tiêu chuẩn; đồng thời đầu tư xây dựng bến xe, điểm đỗ, trạm nghỉ ô tô khách theo quy hoạch.

- Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào vận hành hệ thống hạ tầng kỹ thuật bến bãi nhằm từng bước hiện đại lĩnh vực vận tải hành khách theo hướng nâng cao chất lượng phục vụ, an toàn và giảm thiểu tác động môi trường.

- Các công trình đầu tư kết cấu hạ tầng được sắp xếp theo các thứ tự ưu tiên nhằm mục đích thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội như: Hệ thống giao thông đường bộ, các công trình cầu, bến xe ô tô khách phải được ưu tiên phát triển trước một bước.

- Tạo điều kiện thu hút nguồn vốn đầu tư từ các tổ chức doanh nghiệp, tư nhân phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương để đầu tư xây dựng, quản lý và khai thác, đồng thời tranh thủ tối đa nguồn vốn từ Trung ương, nước ngoài dưới các hình thức ODA, BOT...

2. Mục tiêu: Quy hoạch bến xe, điểm đỗ, trạm nghỉ ô tô khách tỉnh Tuyên Quang đến năm 2020 nhằm định hướng phát triển chuyên ngành giao thông vận tải, phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, môi trường thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá và phát triển bền vững. Xây dựng cơ sở hạ tầng, bến bãi đáp ứng nhu cầu vận tải hành khách, phục vụ đi lại của nhân dân trong và ngoài tỉnh; mục tiêu đến năm 2020 toàn tỉnh có hệ thống bến xe, điểm đỗ, trạm nghỉ ô tô khách trên các tuyến giao thông được bố trí, xây dựng một cách hợp lý, đồng bộ và từng bước hiện đại, mục tiêu chủ yếu là:

- Vận dụng cơ sở lý luận về hệ thống giao thông tĩnh (bến xe ô tô khách, điểm đỗ và trạm nghỉ ô tô khách) để xác định vị trí bến xe, điểm đỗ và trạm nghỉ ô tô khách trong mối quan hệ nội vùng và liên vùng giữa các khu đô thị mới, khu công nghiệp, điểm thu hút hành khách để có quy hoạch phù hợp với quy hoạch chung đã được phê duyệt.

- Xác định quy mô, công suất của hệ thống bến xe, điểm đỗ và trạm nghỉ ô tô khách trên địa bàn tỉnh đến năm 2020.

- Tổ chức, quản lý và khai thác có hiệu quả hệ thống bến xe, điểm đỗ và trạm nghỉ ô tô khách theo hướng bền vững trong lĩnh vực giao thông vận tải.

- Phối hợp và tăng cường năng lực quản lý ngành giao thông vận tải với Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã, các ngành và các doanh nghiệp vận tải, mở rộng phạm vi hoạt động trên cơ sở đảm bảo chất lượng dịch vụ.

- Quy hoạch mạng lưới bến xe ô tô khách, trạm nghỉ trên địa bàn tỉnh làm cơ sở để quy hoạch chi tiết xây dựng các dự án đầu tư xây dựng công trình, kêu gọi và thu hút vốn đầu tư phát triển vận tải, du lịch; khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư theo quy hoạch; nâng cao hiệu quả hoạt động vận tải hành khách kết hợp với tăng cường vai trò quản lý nhà nước đối với vận tải hành khách trên địa bàn.

II. NỘI DUNG VÀ QUY MÔ QUY HOẠCH: Quy hoạch xây dựng 26 bến xe: 01 bến loại II, 04 bến loại III, 02 bến loại IV, 11 bến loại V và 08 bến loại VI; 70 điểm đỗ loại III; 7 điểm dừng đỗ phục vụ xe buýt trong thành phố; 01 trạm nghỉ loại II, cụ thể:

1. Bến xe: Quy hoạch xây dựng các bến xe theo tiêu chuẩn quy định tại Quyết định số 08/2005/QĐ-BGTVT ngày 10/01/2005 của Bộ Giao thông Vận tải và phù hợp với nhu cầu từng huyện, thị xã:

- Giai đoạn 2010 - 2015: Xây dựng mới bến xe phía Nam thuộc thị xã Tuyên Quang; bến xe trung tâm các huyện Sơn Dương, Hàm Yên, Yên Sơn và bến xe Kim Xuyên xã Hồng Lạc, huyện Sơn Dương.

- Giai đoạn 2015 - 2020: Xây dựng mới bến xe phía Bắc thuộc thị xã Tuyên Quang; 17 bến xe trên địa bàn các huyện Na Hang, Chiêm Hoá, Hàm Yên, Sơn Dương và Yên Sơn; nâng cấp bến xe trung tâm của huyện Chiêm Hóa, huyện Na Hang và cải tạo bến xe thị xã Tuyên Quang.

2. Điểm dừng đỗ, điểm đỗ: Quy hoạch xây dựng các điểm đỗ tại khu vực đông dân cư, thị trấn, thị tứ, khu vực chợ, khu vực trung tâm hội nghị, khu vực quảng trường, khu vực trung tâm thể thao văn hóa, khu du lịch suối khoáng Mỹ Lâm, khu vực ga đường sắt tại Khu công nghiệp Long Bình An (Các điểm thu hút lớn có thể trở thành các điểm đầu cuối phục vụ cho xe buýt trong thành phố Tuyên Quang); các xã, phường trên địa bàn huyện, thị xã có thể kết hợp với việc trông giữ xe, cụ thể:

- Giai đoạn 2010 - 2015: Xây dựng mới 4 điểm dừng đỗ ô tô buýt thuộc thị xã Tuyên Quang.

- Giai đoạn 2015 - 2020: Xây dựng mới 3 điểm dừng đỗ ô tô buýt thuộc thị xã Tuyên Quang; 70 điểm đỗ trên địa bàn các huyện Na Hang, Chiêm Hoá, Hàm Yên, Sơn Dương và Yên Sơn.

3. Trạm nghỉ ô tô khách: Quy hoạch xây dựng trạm nghỉ kết hợp với các dịch vụ bảo dưỡng sửa chữa, cung cấp nhiên liệu, phục vụ các dịch vụ, quảng cáo giới thiệu sản phẩm, khu du lịch, di tích lịch sử văn hoá của tỉnh, cụ thể: Giai đoạn 2015 - 2020 xây dựng 01 trạm nghỉ ô tô khách tại xã Tứ Quận, huyện Yên Sơn (quy mô diện tích khoảng 7.000m2) trên QL2.

[...]