ỦY
BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẠC LIÊU
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
16/2016/QĐ-UBND
|
Bạc
Liêu, ngày 15 tháng 8 năm 2016
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY ĐỊNH CHẾ ĐỘ ÁP DỤNG BIỆN PHÁP XỬ LÝ HÀNH CHÍNH
ĐƯA VÀO CƠ SỞ CAI NGHIỆN MA TÚY BẮT BUỘC; CHẾ ĐỘ ĐỐI VỚI NGƯỜI TỰ NGUYỆN CHỮA
TRỊ, CAI NGHIỆN TẠI TRUNG TÂM GIÁO DỤC - LAO ĐỘNG XÃ HỘI VÀ TỔ CHỨC CAI NGHIỆN
MA TÚY TẠI GIA ĐÌNH, CỘNG ĐỒNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẠC LIÊU
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BẠC LIÊU
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền
địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Nghị định số
221/2013/NĐ-CP ngày 30 tháng 12 năm 2013 của Chính phủ quy định chế độ áp dụng
biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc (sau đây gọi là
Nghị định số 221/2013/NĐ-CP);
Căn cứ Thông tư liên tịch số
148/2014/TTLT-BTC-BLĐTBXH ngày 08 tháng 10 năm 2014 của Bộ Tài chính, Bộ Lao động
- Thương binh và Xã hội quy định quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện chế độ
áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; chế độ đối
với người chưa thành niên, người tự nguyện chữa trị, cai nghiện tại Trung tâm
Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội và tổ chức cai nghiện ma túy tại gia
đình và cộng đồng;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở
Lao động - Thương binh và Xã hội tại Tờ trình số 17/TTr-SLĐTBXH ngày 18 tháng
01 năm 2016,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định chế độ áp dụng biện
pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện ma túy bắt buộc; chế độ đối với
người tự nguyện chữa trị, cai nghiện tại Trung tâm Giáo dục - Lao động xã hội
và tổ chức cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng trên địa bàn tỉnh Bạc
Liêu.
Điều 2. Giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với
các sở, ban, ngành có liên quan, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ
chức triển khai thực hiện Quyết định này.
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Lao động - Thương
binh và Xã hội, Giám đốc Sở Tài chính, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị
xã, thành phố và Thủ trưởng các sở, ban, ngành có liên quan chịu trách nhiệm
thi hành Quyết định này.
Quyết định này bãi bỏ Quyết định số
11/2013/QĐ-UBND ngày 02 tháng 7 năm 2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu quy định
mức đóng góp, chế độ giảm và chế độ hỗ trợ đối với người nghiện ma túy cai nghiện
tại gia đình, cộng đồng trên địa bàn tỉnh và Quyết định số 12/2013/QĐ-UBND ngày
03 tháng 7 năm 2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu quy định quản lý và sử dụng
kinh phí thực hiện chế độ áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở chữa bệnh, chế độ
đóng góp và miễn, giảm, hỗ trợ đối với đối tượng trong cơ sở chữa bệnh và có hiệu
lực sau 10 (mười) ngày, kể từ ngày ký./.
|
TM. UBND TỈNH
CHỦ TỊCH
Dương Thành Trung
|
QUY ĐỊNH
CHẾ ĐỘ ÁP DỤNG BIỆN PHÁP XỬ LÝ HÀNH CHÍNH ĐƯA VÀO CƠ SỞ CAI
NGHIỆN MA TÚY BẮT BUỘC; CHẾ ĐỘ ĐỐI VỚI NGƯỜI TỰ NGUYỆN CHỮA TRỊ, CAI NGHIỆN TẠI
TRUNG TÂM GIÁO DỤC - LAO ĐỘNG XÃ HỘI VÀ TỔ CHỨC CAI NGHIỆN MA TÚY TẠI GIA ĐÌNH,
CỘNG ĐỒNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẠC LIÊU
(Ban hành kèm theo Quyết định số 16/2016/QĐ-UBND ngày 15 tháng 8 năm
2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu)
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Quy định này quy định chế độ áp dụng biện pháp xử
lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện ma túy bắt buộc; chế độ đối với người tự
nguyện chữa trị, cai nghiện tại Trung tâm Giáo dục - Lao động xã hội (sau đây gọi
tắt là Trung tâm) và tổ chức cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng trên địa
bàn tỉnh Bạc Liêu.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Người nghiện ma túy bị áp dụng biện pháp xử
lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc theo Luật Xử lý vi phạm hành
chính.
2. Người nghiện ma túy tự nguyện chữa trị, cai
nghiện tại Trung tâm và người nghiện ma túy chữa trị, cai nghiện tại gia đình,
cộng đồng theo Luật Phòng, chống ma túy.
3. Các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan
đến công tác chữa trị, cai nghiện ma túy tại Trung tâm, tại gia đình và cộng đồng.
Điều 3. Kinh phí thực hiện
Thực hiện theo quy định tại Điều 3 Thông tư liên
tịch số 148/2014/TTLT-BTC-BLĐTBXH ngày 08 tháng 10 năm 2014 của Bộ Tài chính, Bộ
Lao động - Thương binh và Xã hội quy định quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện
chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; chế
độ đối với người chưa thành niên, người tự nguyện chữa trị, cai nghiện tại
Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội và tổ chức cai nghiện ma túy tại
gia đình và cộng đồng (sau đây gọi tắt là Thông tư liên tịch số
148/2014/TTLT-BTC-BLĐTBXH).
Chương II
QUY ĐỊNH CHI TIẾT
Điều 4. Các khoản chi phí cho học viên trong thời gian chấp hành quyết
định xử lý hành chính tại cơ sở cai nghiện bắt buộc
1. Chi phí cai nghiện, chăm sóc sức khỏe:
a) Khám sàng lọc, đánh giá mức độ nghiện, thực hiện
các dịch vụ kỹ thuật xét nghiệm y tế theo chỉ định của bác sỹ: 270.000 đồng/học
viên/lần khám.
b) Tiền thuốc cắt cơn, giải độc, điều trị rối loạn
tâm thần và điều trị các bệnh nhiễm trùng cơ hội; thuốc chữa bệnh thông thường;
khám sức khỏe định kỳ 06 tháng/lần: Mức chi theo chi phí thực tế, có hóa đơn,
chứng từ hợp pháp.
c) Chi phí điều trị đối
với học viên bị ốm nặng hoặc mắc bệnh hiểm nghèo vượt quá khả năng điều trị của
cơ sở cai nghiện bắt buộc: Thực hiện theo quy định tại Khoản 4, Điều 23 Nghị định
số 221/2013/NĐ-CP.
2. Tiền trang bị quần
áo và đồ dùng sinh hoạt thiết yếu: 1.000.000 đồng/học viên/lần chấp hành quyết
định.
3. Tiền ăn: 40.000 đồng/học
viên/ngày.
4. Tiền hoạt động văn
nghệ, thể thao: 70.000 đồng/học viên/năm.
5. Tiền điện, nước sinh hoạt: 80.000 đồng/học
viên/tháng.
6. Chi thực hiện công
tác phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống ma túy; phòng, chống HIV/AIDS;
vệ sinh môi trường và an ninh, trật tự an toàn xã hội cho học viên: Nội dung và
mức chi theo Thông tư liên tịch số 14/2014/TTLT-BTC-BTP ngày 27/01/2014 của Bộ
Tài chính - Bộ Tư pháp quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết
toán kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác phổ biến, giáo dục pháp
luật và chuẩn tiếp cận pháp luật của người dân tại cơ sở.
7. Tiền học nghề:
2.000.000 đồng/học viên/khóa học.
8. Đối với học viên bị
nhiễm HIV/AIDS được trợ cấp thêm tiền thuốc chữa bệnh, tiền mua sắm các vật dụng
phòng, chống lây nhiễm HIV và các khoản chi hỗ trợ khác: 150.000 đồng/học
viên/năm.
9. Chi phí mai táng đối
với trường hợp học viên chết trong thời gian chấp hành quyết định tại cơ sở cai
nghiện bắt buộc mà không có thân nhân hoặc thân nhân không đến trong vòng 24 giờ,
cơ sở cai nghiện bắt buộc có trách nhiệm tổ chức mai táng. Mức mai táng phí tối
đa là 8.100.000 đồng/người.
10. Tiền ăn đường, tiền
tàu xe: Học viên sau khi hết hạn cai nghiện ma túy bắt buộc tại Trung tâm về cộng
đồng thì được Trung tâm Giáo dục, lao động xã hội tổ chức đưa người sau cai
nghiện đến Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn để bàn giao, áp dụng biện pháp
quản lý sau cai nghiện tại nơi cư trú theo Quyết định số 882/QĐ-UBND ngày 12
tháng 4 năm 2012 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu phân công trách nhiệm
và phối hợp giữa các cơ quan có liên quan, chính quyền địa phương trong công
tác quản lý người sau cai nghiện. Kinh phí để thực hiện nội dung này chi từ
chương trình phòng, chống ma túy theo quy định tại Quyết định số 882/QĐ-UBND
ngày 12 tháng 4 năm 2012, với các mức sau:
a) Tiền ăn là 40.000 đồng/người/ngày
trong những ngày đi đường, tối đa không quá 3 ngày;
b) Tiền tàu xe theo
giá phương tiện công cộng phổ thông.
11. Các khoản chi
khác: Mức chi căn cứ vào hóa đơn, chứng từ chi tiêu hợp pháp và trong phạm vi dự
toán được cấp có thẩm quyền giao, bao gồm:
a) Vệ sinh nữ: 30.000
đồng/người/tháng.
b) Thuê chuyên gia hoặc
cán bộ có chuyên môn tư vấn cho học viên về chuyển đổi hành vi phục hồi nhân
cách, kỹ năng sống, tái hòa nhập cộng đồng, về phòng chống tái nghiện ma túy, dự
phòng lây nhiễm HIV và các bệnh truyền nhiễm khác (nếu có).
c) Chi mua, in ấn tài
liệu, văn phòng phẩm phục vụ cho công tác tư vấn, giáo dục nâng cao nhận thức,
chuyển đổi hành vi phục hồi nhân cách, phòng chống tái nghiện ma túy, dự phòng
lây nhiễm HIV và các bệnh truyền nhiễm khác cho học viên.
d) Chi cho công tác vệ
sinh môi trường, phòng dịch.
Điều 5. Các khoản đóng góp và chế độ miễn, giảm đối với người tự
nguyện chữa trị, cai nghiện tại Trung tâm
1. Các khoản đóng góp:
Người tự nguyện chữa trị, cai nghiện tại Trung
tâm phải đóng góp toàn bộ chi phí trong thời gian ở Trung tâm (trừ trường hợp
được miễn, giảm theo quy định tại Khoản 2, Điều này), gồm các khoản sau:
a) Tiền ăn: 30.000 đồng/học
viên/ngày;
b) Thuốc hỗ trợ cắt
cơn nghiện và thuốc chữa bệnh thông thường khác: 250.000 đồng/học viên đối với
tháng đầu tiên, từ tháng thứ hai trở đi 100.000 đồng/học viên (tiền thuốc chữa
bệnh thông thường khác);
c) Xét nghiệm tìm chất
ma túy và các xét nghiệm khác: 270.000 đồng/học viên/lần chấp hành quyết định;
d) Sinh hoạt văn nghệ,
thể thao: 70.000 đồng/học viên/năm hoặc lần chấp hành quyết định đối với trường
hợp thời hạn quyết định dưới một năm;
đ) Học văn hóa, học
nghề (nếu học viên có nhu cầu): Tùy theo thời gian và nghề học Trung tâm sẽ có
thông báo cụ thể cho học viên;
e) Điện, nước, vệ
sinh: 80.000 đồng/học viên/tháng;
g) Tiền đóng góp xây dựng
cơ sở vật chất, vật dụng cá nhân: 200.000 đồng/học viên/lần chấp hành quyết định;
h) Phục vụ, quản lý:
200.000 đồng/học viên/tháng.
2. Chế độ miễn, giảm:
a) Chế độ miễn: Người tự nguyện chữa trị, cai
nghiện tại Trung tâm nếu thuộc hộ nghèo, người thuộc
diện bảo trợ xã hội, người nhiễm HIV/AIDS, người khuyết tật thì được miễn 100%
chi phí trong thời gian chữa trị, cai nghiện tại Trung tâm.
b) Chế độ giảm: Người
tự nguyện chữa trị, cai nghiện tại Trung tâm nếu thuộc hộ cận nghèo, gia đình
chính sách theo Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng, người chưa thành
niên, người không có nơi cư trú nhất định, thì được giảm 50% chi phí trong thời
gian chữa trị, cai nghiện tại Trung tâm.
c) Người tự nguyện chữa
trị, cai nghiện tại Trung tâm thuộc đối tượng được miễn, giảm theo quy định tại
Điểm a, b, Khoản 2 Điều này cung cấp các giấy tờ (bản photo) chứng minh thuộc
diện được hưởng chế độ miễn, giảm.
Điều 6. Các khoản đóng góp, chế độ giảm
và chế độ hỗ trợ đối với người cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng
1. Các khoản đóng góp
Người cai nghiện ma túy bắt buộc và tự nguyện tại
cộng đồng hoặc gia đình của người đang cai nghiện ma túy có trách nhiệm đóng
góp các khoản chi phí trong thời gian cai nghiện (trừ trường hợp được miễn, giảm
và hỗ trợ theo quy định tại Khoản 2, 3 Điều này), gồm các khoản sau:
a) Chi phí khám sức khỏe, xét nghiệm phát hiện
chất ma túy và các xét nghiệm khác để chuẩn bị điều
trị cắt cơn: 370.000 đồng (khám sức khỏe: 100.000 đồng, chất ma túy: 70.000 đồng,
các xét nghiệm khác: 200.000 đồng);
b) Tiền thuốc hỗ trợ cắt
cơn nghiện: 400.000 đồng/người/lần chấp hành quyết định;
c) Tiền ăn trong thời
gian cai nghiện tập trung tại cơ sở điều trị cắt cơn: 40.000 đồng/người/ngày,
thời gian tối đa không quá 15 ngày;
d) Chi phí cho các hoạt
động giáo dục, phục hồi hành vi nhân cách, dạy nghề, tạo việc làm cho người sau
cai nghiện (nếu có): Tùy theo điều kiện cụ thể mà Ủy ban nhân dân nơi tổ chức
cai nghiện tại gia đình, cộng đồng thông báo cụ thể cho người cai nghiện.
2. Chế độ miễn, giảm
Người cai nghiện ma
túy bắt buộc tại cộng đồng thuộc hộ cận nghèo, người nhiễm HIV/AIDS được miễn
tiền ăn trong thời gian cai nghiện tập trung; các chi phí còn lại được giảm
50%/người/lần chấp hành quyết định.
3. Chế độ hỗ trợ:
a) Người cai nghiện ma
túy tự nguyện tại gia đình và cộng đồng thuộc hộ nghèo, gia đình chính sách
theo Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng, người chưa thành niên, người
thuộc diện bảo trợ xã hội, người khuyết tật được hỗ trợ một lần tiền thuốc điều
trị cắt cơn nghiện ma túy, mức 400.000 đồng/người/lần chấp hành quyết định; các
chi phí còn lại được hỗ trợ 50%/người/lần chấp hành quyết định.
b) Người cai nghiện ma
túy bắt buộc tại cộng đồng thuộc hộ nghèo, gia đình chính sách theo Pháp lệnh
Ưu đãi người có công với cách mạng, người chưa thành niên, người thuộc diện bảo
trợ xã hội, người khuyết tật được hỗ trợ các khoản sau:
- Tiền thuốc hỗ trợ điều
trị cắt cơn nghiện ma túy: 400.000 đồng/người/lần chấp hành quyết định;
- Tiền ăn trong thời
gian cai nghiện tập trung: 40.000 đồng/người/ngày, thời gian tối đa không quá
15 ngày.
Điều
7. Tổ chức thực hiện:
1. Các nội dung khác có liên quan không nêu tại
quy định này thì thực hiện theo Thông tư liên tịch số 148/2014/TTLT-BTC-BLĐTBXH
và các văn bản có liên quan.
2. Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng
mắc đề nghị các cơ quan, đơn vị phản ánh về Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Sở Lao động
- Thương binh và Xã hội) để nghiên cứu sửa đổi cho phù hợp./.