BỘ
XÂY DỰNG
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------
|
Số:
16/2008/QĐ-BXD
|
Hà
Nội, ngày 31 tháng 12 năm 2008
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ ĐẢM BẢO AN TOÀN CẤP NƯỚC
BỘ TRƯỞNG BỘ XÂY DỰNG
Căn cứ Nghị định số
17/2008/NĐ-CP ngày 04/02/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền
hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Xây dựng;
Căn cứ Nghị định số 117/2007/NĐ-CP ngày 11/7/2007 của Chính phủ về sản xuất,
cung cấp và tiêu thụ nước sạch;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Hạ tầng Kỹ thuật,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1.
Ban hành kèm theo Quyết định này “Quy chế đảm bảo an toàn
cấp nước”.
Điều 2.
Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ
ngày đăng Công báo.
Điều 3.
Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy
ban nhân dân, Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và
các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Nơi nhận:
- Như điều 3;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chính phủ, Website CP, Phòng công báo;
- Sở Xây dựng các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- TANDTC, VKSNDTC;
- Cục kiểm tra văn bản Bộ Tư pháp;
- Lưu VP, HTKT.
|
BỘ
TRƯỞNG
Nguyễn Hồng Quân
|
QUY CHẾ
ĐẢM BẢO AN TOÀN CẤP NƯỚC
(Ban hành kèm theo quyết định số 16/2008/QĐ-BXD ngày 31 tháng 12 năm 2008 của
Bộ trưởng Bộ Xây dựng)
Chương 1.
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Mục
đích yêu cầu
Quy chế đảm bảo an toàn cấp nước
là khung pháp lý trong việc lập, phê duyệt và tổ chức thực hiện, kiểm tra và giám
sát kế hoạch sản xuất và cung cấp nước sạch đến người tiêu dùng một cách an
toàn, liên tục, duy trì áp lực cấp nước, đảm bảo cung cấp đủ lượng nước theo
yêu cầu, đảm bảo chất lượng nước đạt tiêu chuẩn theo quy định, làm giảm các bệnh
tật qua đường nước, giảm các nguy cơ và quản lý rủi ro toàn diện từ nguồn nước
qua các công đoạn thu nước, xử lý, dự trữ, phân phối đến khách hàng sử dụng nước,
góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, bảo vệ tốt hơn sức khỏe cộng đồng,
phòng ngừa dịch bệnh và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Điều 2. Phạm
vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Quy chế này hướng dẫn việc lập
kế hoạch và triển khai thực hiện các hoạt động đảm bảo an toàn trong lĩnh vực sản
xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch theo hệ thống cấp nước tập trung, hoàn chỉnh
tại khu vực đô thị, khu vực nông thôn và các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu
công nghệ cao, khu kinh tế.
2. Quy chế này được áp dụng đối
với các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài có hoạt động liên quan đến việc
sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch trên lãnh thổ Việt Nam.
Chương 2.
NỘI DUNG QUY CHẾ ĐẢM BẢO
AN TOÀN CẤP NƯỚC
Điều 3. Kế
hoạch cấp nước an toàn
Kế hoạch cấp nước an toàn là các
bước triển khai thực tế để thực hiện cấp nước an toàn và hiệu quả, nhằm đảm bảo
đạt được các mục đích và yêu cầu cơ bản sau đây:
1. Duy trì áp lực cấp nước.
2. Cung cấp ổn định đủ lượng nước
yêu cầu.
3. Đảm bảo chất lượng nước đạt
tiêu chuẩn quy định.
4. Giảm thiểu nguy cơ và quản lý
rủi ro toàn diện từ nguồn nước qua các công đoạn thu nước, xử lý, dự trữ, phân
phối đến khách hàng sử dụng nước.
5. Có kế hoạch đối phó đối với
các sự cố bất ngờ có thể xảy ra nhằm đảm bảo cung cấp dịch vụ cấp nước đạt chất
lượng, liên tục và hiệu quả.
6. Giảm các bệnh tật qua đường
nước, phòng ngừa dịch bệnh, nâng cao chất lượng cuộc sống, bảo vệ tốt hơn sức
khỏe cộng đồng và góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.
Điều 4.
Trách nhiệm xây dựng kế hoạch cấp nước an toàn
Đơn vị cấp nước có trách nhiệm
soạn thảo nội dung kế hoạch cấp nước an toàn, xây dựng lộ trình triển khai kế
hoạch cấp nước an toàn phù hợp theo điều kiện cụ thể của hệ thống cấp nước tại
địa phương mình.
Điều 5. Nội
dung của kế hoạch cấp nước an toàn
Kế hoạch cấp nước an toàn bao gồm
các nội dung cơ bản sau:
1. Thành lập đội ngũ cán bộ thực
hiện kế hoạch cấp nước an toàn.
a) Quy định các yêu cầu về đội
ngũ cán bộ chịu trách nhiệm xây dựng, thực hiện và duy trì kế hoạch cấp nước an
toàn, đáp ứng các yêu cầu cơ bản sau:
- Có chuyên môn kỹ thuật và kinh
nghiệm quản lý, vận hành hệ thống cấp nước;
- Có năng lực và đảm nhận được
việc xây dựng, thực hiện và duy trì kế hoạch cấp nước an toàn;
- Có hiểu biết về hệ thống tổ chức
và các quy trình chuyển từ kế hoạch thành hành động, các chương trình tập huấn
và nâng cao nhận thức, theo dõi và báo cáo;
- Có hiểu biết về các mục tiêu sức
khỏe cần phải đạt được;
- Có hiểu biết về môi trường
pháp lý.
b) Thành phần, cơ cấu của đội
ngũ cán bộ tùy thuộc vào tình hình thực hiện của từng đơn vị, bao gồm:
- Các cán bộ chuyên trách;
- Các cán bộ kiêm nhiệm;
- Các cán bộ từ các cơ quan bên
ngoài đơn vị cấp nước, các chuyên gia độc lập.
2. Biên soạn tài liệu mô tả hệ
thống cấp nước, khách hàng sử dụng nước
a) Mô tả chi tiết hệ thống cấp
nước từ nguồn nước đến khách hàng sử dụng nước, yêu cầu về chất lượng nước và
các tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ khác bao gồm các nội dung cơ bản sau:
- Nguồn nước;
- Lưu trữ nước;
- Xử lý nước;
- Vận chuyển và phân phối nước;
- Khách hàng sử dụng nước;
- Các yêu cầu về chất lượng nước
sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt (ăn uống, vệ sinh của con người) và chất lượng
nước sạch sử dụng cho các mục đích khác;
- Các yêu cầu khác về chất lượng
dịch vụ cấp nước theo quy định (tính liên tục, lưu lượng, áp lực nước …);
- Những yêu cầu riêng của khách
hàng đối với việc cung cấp nước;
- Các loại hóa chất cho thêm vào
nước.
b) Xác định phạm vi cấp nước,
khách hàng sử dụng nước bao gồm khách hàng hiện tại cũng như khách hàng dự kiến
tiêu thụ nước.
3. Thiết lập sơ đồ quy trình
công nghệ hệ thống cấp nước
Xem xét toàn diện hệ thống cấp
nước, lập sơ đồ quy trình công nghệ toàn hệ thống, bao gồm: nguồn nước, vị trí
thu nước, quy trình xử lý, vận chuyển, phân phối nước, các công trình điều hòa,
dự trữ nước.
4. Xác định, đánh giá và sắp xếp
thứ tự ưu tiên các nguy cơ rủi ro có thể xảy ra đối với hệ thống cấp nước
a) Xác định các nguy cơ rủi ro
có thể xảy ra ngay tại nguồn nước;
b) Xác định các nguy cơ rủi ro
có thể xảy ra về mặt hóa học, lý học và sinh học tại từng bước theo quy trình,
cũng như các nguy cơ rủi ro đối với việc cấp nước liên tục, đảm bảo lưu lượng
và áp lực trong mạng lưới cấp nước;
c) Phân tích và đánh giá các
nguy cơ rủi ro để xác định thứ tự ưu tiên cần áp dụng các biện pháp kiểm soát,
phòng ngừa;
d) Quy định phương pháp để xác định,
phân tích và đánh giá các nguy cơ rủi ro.
5. Xác định các biện pháp kiểm
soát phòng ngừa nguy cơ rủi ro
a) Trên cơ sở phân tích, đánh
giá, xác định thứ tự ưu tiên các nguy cơ rủi ro, tiến hành rà soát các biện
pháp kiểm soát hiện đang áp dụng, xác định các biện pháp kiểm soát, phòng ngừa
bổ sung nhằm đảm bảo cấp nước an toàn;
b) Xây dựng kế hoạch triển khai
áp dụng các biện pháp kiểm soát phòng ngừa nhằm loại bỏ nguy cơ rủi ro, đảm bảo
an toàn cấp nước và nâng cao chất lượng của dịch vụ cấp nước theo từng giai đoạn.
Kế hoạch này bao gồm cả việc xác định các bước và phương thức thực hiện, các
nguồn lực (nhân lực, tài chính, kỹ thuật) cần thiết, kể cả các nguồn lực trong
và ngoài đơn vị cấp nước.
6. Quy định các chuẩn mực để kiểm
tra, đánh giá việc thực hiện các biện pháp kiểm soát phòng ngừa
a) Hệ thống quản lý chất lượng
ISO 9000;
b) Kế hoạch cấp nước an toàn;
c) Các yêu cầu về chất lượng nước,
lưu lượng, tính liên tục, áp lực cấp nước.
7. Kiểm tra, đánh giá việc thực
hiện các biện pháp kiểm soát phòng ngừa các nguy cơ rủi ro và xây dựng các tiêu
chí đánh giá việc triển khai thực hiện kế hoạch cấp nước an toàn
a) Mục đích
- Nhằm đảm bảo nước sạch được sản
xuất và phân phối đến khách hàng sử dụng nước đáp ứng các yêu cầu quy định về
chất lượng cũng như về lưu lượng, áp lực và sự liên tục;
- Kế hoạch cấp nước an toàn được
thực hiện đúng theo nội dung đã được phê duyệt.
b) Nội dung
- Theo dõi liên tục chất lượng
nước và các tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ khác;
- Kiểm tra đánh giá hiệu quả hoạt
động của hệ thống cấp nước;
- Thực hiện chương trình đánh
giá độc lập để kiểm tra và đánh giá việc triển khai thực hiện kế hoạch cấp nước
an toàn;
- Xây dựng các tiêu chí đánh giá
việc triển khai thực hiện kế hoạch cấp nước an toàn.
8. Xây dựng và triển khai các
chương trình phụ trợ
a) Chương trình bảo dưỡng phòng
ngừa, nhằm nâng cao hiệu quả làm việc của hệ thống, tăng tuổi thọ phục vụ của
các công trình và thiết bị, ngăn ngừa và giảm thiểu rủi ro, sự cố;
b) Vệ sinh cá nhân và vệ sinh
môi trường nhằm tránh các mối nguy hại có thể xâm nhập vào nước;
c) Đào tạo và nâng cao nhận thức
cán bộ và công nhân về cấp nước an toàn như tập huấn cấp nước an toàn, nâng cao
trình độ tay nghề, đào tạo mở rộng …
9. Thiết lập quy trình ứng phó
trong quản lý của đơn vị cấp nước
a) Mục đích
- Ứng phó với sự biến đổi xảy ra
trong điều kiện vận hành thông thường;
- Ứng phó với sự biến đổi xảy ra
trong điều kiện vận hành có sự cố, mất kiểm soát và tình huống khẩn cấp.
b) Quy trình ứng phó tập trung
vào các nội dung cơ bản sau
- Phát hiện sự cố;
- Đảm bảo thông tin, liên lạc kịp
thời, liên tục, đúng đối tượng;
- Xác định nguyên nhân sự cố;
- Xác định các hành động cần tiến
hành để ứng phó với sự cố;
- Thực hiện các hành động ứng
phó;
- Xác định hậu quả trước mắt và
lâu dài;
- Giải trình, báo cáo;
- Lưu trữ thông tin, số liệu về
sự cố và các biện pháp khắc phục.
10. Lập hệ thống tài liệu, hồ
sơ, tổ chức thông tin liên lạc
a) Thiết lập hệ thống tài liệu,
các văn bản và thông tin liên quan đến công tác cấp nước an toàn;
b) Xây dựng hệ thống và quy
trình kiểm soát tài liệu;
c) Thiết lập hệ thống quản lý hồ
sơ và hỗ trợ lưu giữ hồ sơ;
d) Định kỳ rà soát các tài liệu,
văn bản và chỉnh sửa khi cần thiết;
đ) Lưu giữ hồ sơ, quản lý tài liệu
để có thể tiến hành đánh giá độc lập hoặc tra cứu, cung cấp thông tin kịp thời khi
có sự cố xảy ra đối với hệ thống cấp nước;
e) Xây dựng cơ chế tiếp nhận và
xử lý kịp thời các khiếu nại của khách hàng, cộng đồng.
Điều 6. Phê
duyệt nội dung kế hoạch cấp nước an toàn
Đơn vị cấp nước phê duyệt nội
dung kế hoạch cấp nước an toàn sau khi có ý kiến thống nhất của Ủy ban nhân dân
đã ký Thỏa thuận thực hiện dịch vụ cấp nước với đơn vị mình.
Điều 7. Kinh
phí triển khai thực hiện kế hoạch cấp nước an toàn
Kinh phí triển khai thực hiện kế
hoạch cấp nước an toàn do đơn vị cấp nước lập và được tính vào giá cước theo
quy định.
Điều 8.
Trách nhiệm xử lý sự cố, khôi phục cấp nước an toàn
Khi có sự cố, đơn vị cấp nước có
trách nhiệm xử lý sự cố, khôi phục và cung cấp ổn định dịch vụ cấp nước cho
khách hàng sử dụng nước về chất lượng nước, áp lực, lưu lượng và tính liên tục
theo các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật hiện hành và các quy định riêng của hợp
đồng dịch vụ cấp nước đã ký kết.
Chương 3.
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 9.
Trách nhiệm của các cơ quan liên quan
1. Ủy ban nhân dân các cấp
a) Ủy ban nhân dân các tỉnh,
thành phố trực thuộc trung ương trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có
trách nhiệm thực hiện quản lý nhà nước về hoạt động sản xuất và cung cấp nước sạch
an toàn đến người tiêu dùng trong phạm vi địa bàn do mình quản lý; quy định chức
năng, nhiệm vụ, phân công, phân cấp quản lý cho các cơ quan chuyên môn và Ủy
ban nhân dân các cấp do mình quản lý triển khai thực hiện quy chế đảm bảo an
toàn cấp nước.
b) Ủy ban nhân dân các quận, huyện,
xã, phường có trách nhiệm hỗ trợ, tạo điều kiện và tổ chức giám sát việc triển
khai thực hiện quy chế đảm bảo an toàn cấp nước của đơn vị cấp nước trên địa
bàn do mình quản lý nhằm bảo đảm kế hoạch cấp nước an toàn được thực hiện theo
đúng nội dung và lộ trình đã được phê duyệt, nước sạch được sản xuất và phân phối
đến khách hàng đáp ứng các yêu cầu quy định về chất lượng, lưu lượng, áp lực và
sự liên tục.
2. Sở Xây dựng
Sở Xây dựng là cơ quan chuyên
môn tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức và chỉ đạo thực hiện Quy chế
đảm bảo an toàn cấp nước trên địa bàn, theo dõi, tổng hợp, đánh giá, báo cáo
tình hình triển khai và rút kinh nghiệm thực hiện.
3. Đơn vị cấp nước
- Tổ chức lập và phê duyệt kế hoạch
cấp nước an toàn;
- Triển khai thực hiện kế hoạch
cấp nước an toàn theo đúng lộ trình và nội dung đã được lập và phê duyệt. Liên
tục cung cấp đủ lượng nước yêu cầu, duy trì áp lực cấp nước, đảm bảo chất lượng
nước đạt tiêu chuẩn quy định;
- Đề xuất các biện pháp quản lý
các nguồn ô nhiễm và kiến nghị các cơ quan chức năng xử lý các trường hợp làm ô
nhiễm nguồn nước, thông báo tình hình chất lượng nước trên các phương tiện
thông tin đại chúng;
- Xác định ranh giới, lắp đặt biển
báo, tổ chức bảo vệ an toàn nguồn nước, hệ thống cấp nước, phát hiện và ngăn chặn
kịp thời, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý các hành vi xâm phạm, gây mất
an toàn cho hoạt động cấp nước trên địa bàn do mình quản lý;
- Nghiên cứu lựa chọn các nguồn
nước khai thác lâu dài và công nghệ xử lý phù hợp theo từng giai đoạn, nhằm đảm
bảo cung cấp dịch vụ cấp nước đạt chất lượng hiệu quả;
- Tham gia tuyên truyền vận động,
nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ nguồn nước và môi trường. Phối hợp với
các trường học tổ chức các buổi đào tạo ngoại khóa giới thiệu cho học sinh,
sinh viên ý nghĩa và tầm quan trọng của nước sạch và các vấn đề bảo vệ môi trường.
- Báo cáo định kỳ tình hình triển
khai thực hiện quy chế bảo đảm an toàn cấp nước.
4. Các tổ chức, cá nhân có liên
quan
Thực hiện nghiêm chỉnh các quy định
của pháp luật về cấp nước đồng thời phát hiện, ngăn chặn và kiến nghị cơ quan có
thẩm quyền xử lý các vi phạm quy chế bảo đảm an toàn cấp nước; kiến nghị các biện
pháp bảo đảm việc thực hiện quy chế này.
Điều 10.
Thanh tra, kiểm tra
Ủy ban nhân dân các cấp và các cơ
quan chuyên môn căn cứ chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của mình tổ chức thanh
tra, kiểm tra định kỳ và đột xuất tình hình thực hiện Quy chế đảm bảo an toàn cấp
nước trên địa bàn do mình quản lý theo các quy định của pháp luật về thanh tra,
kiểm tra.
Chương 4.
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 11.
Quy chế này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng
Công báo. Trong quá trình thực hiện Quy chế nếu gặp khó khăn, vướng mắc, đề nghị
phản ảnh kịp thời về Bộ Xây dựng để hướng dẫn hoặc sửa đổi, bổ sung.
Điều 12.
Giao Cục Hạ tầng Kỹ thuật chủ trì, phối hợp với cơ
quan chức năng có liên quan theo dõi và kiểm tra việc thực hiện Quy chế này.
|
BỘ
TRƯỞNG
Nguyễn Hồng Quân
|