Quyết định 1535/QĐ-UBND năm 2024 phê duyệt Đề án phát triển cây trồng chủ lực và cây ăn quả tỉnh Bình Định đến năm 2025, định hướng đến năm 2030

Số hiệu 1535/QĐ-UBND
Ngày ban hành 02/05/2024
Ngày có hiệu lực 02/05/2024
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Bình Định
Người ký Nguyễn Tuấn Thanh
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH ĐỊNH

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1535/QĐ-UBND

Bình Định, ngày 02 tháng 5 năm 2024

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN CÂY TRỒNG CHỦ LỰC VÀ CÂY ĂN QUẢ TỈNH BÌNH ĐỊNH ĐẾN NĂM 2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22/11/2019;

Căn cứ Quyết định số 3811/QĐ-UBND ngày 14/9/2021 của UBND tỉnh về việc ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động số 11-Ctr/TU ngày 14/5/2021 của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết Đại hội XX Đảng bộ tỉnh, Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Bình Định giai đoạn 2020-2025;

Căn cứ Quyết định số 1344/QĐ-UBND ngày 24/4/2023 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Đề cương nhiệm vụ Đề án phát triển cây trồng chủ lực và cây ăn quả tỉnh Bình Định đến năm 2025, định hướng đến năm 2030;

Căn cứ Quyết định số 2167/QĐ-UBND ngày 11/7/2022 của UBND tỉnh Bình Định về việc ban hành kế hoạch hành động thực hiện chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh Bình Định;

Căn cứ Quyết định số 4346/QĐ-UBND ngày 23/11/2023 của UBND tỉnh về việc phê duyệt điều chỉnh Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh Bình Định, giai đoạn 2021 - 2025 ban hành kèm theo Quyết định số 4547/QĐ-UBND ngày 15/11/2021 của UBND tỉnh;

Căn cứ Kết luận số 335-KL/TU ngày 04/4/2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy;

Theo đề nghị của Sở Nông nghiệp và PTNT tại Tờ trình số 134/Tr-SNN ngày 22/4/2024.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án phát triển cây trồng chủ lực và cây ăn quả tỉnh Bình Định đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 với những nội dung chủ yếu sau:

1. Quan điểm và mục tiêu của Đề án

1.1. Quan điểm

- Phát triển cây trồng chủ lực, cây ăn quả phải gắn liền với thị trường tiêu thụ, phát huy tiềm năng, lợi thế các vùng sinh thái, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng, nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm; phù hợp với điều kiện đất đai, thổ nhưỡng, bảo vệ môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu và góp phần thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp;

- Phát huy tiềm năng về đất đai; tổ chức lại sản xuất, hình thành các vùng sản xuất cây trồng chủ lực, cây ăn quả chủ lực tập trung, gắn với hình thức liên kết chuỗi giá trị bền vững; thu hút các nhà đầu tư xây dựng các dự án sản xuất trồng trọt công nghệ cao, nhà máy chế biến.

- Đẩy mạnh áp dụng đồng bộ các tiến bộ khoa học công nghệ trong sản xuất, sơ chế, bảo quản và chế biến sản phẩm cây trồng chủ lực, cây ăn quả.

- Phát triển các sản phẩm có chỉ dẫn địa lý, xây dựng mã số vùng trồng; truy xuất nguồn gốc, trên cơ sở huy động được các nguồn lực xã hội đầu tư phát triển sản xuất, chế biến, mở rộng thị trường tiêu thụ.

1.2. Mục tiêu

a) Mục tiêu chung: Phát triển cây trồng chủ lực, chuyển từ số lượng sang chất lượng, phù hợp thị trường tiêu thụ, theo hướng tập trung, an toàn và bền vững, đạt năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao, tạo việc làm và tăng thu nhập cho người sản xuất, mở rộng thị trường tiêu thụ, thúc đẩy cơ cấu lại ngành nông nghiệp.

b) Mục tiêu cụ thể:

* Đến năm 2025:

- Diện tích gieo trồng, sản lượng đối với cây trồng chủ lực: lúa 90.710 ha, sản lượng 648.000 tấn; ngô 9.200 ha, sản lượng 59.000 tấn; sắn 9.290 ha, sản lượng 263.600 tấn; lạc 12.000 ha, sản lượng 48.000 tấn; rau các loại 18.000 ha, sản lượng 333.000 tấn; dừa 9.520 ha, sản lượng 116.400 tấn (trong đó: dừa xiêm 2.580 ha). Đối với cây ăn quả: Bưởi 1.000 ha, sản lượng 4.180 tấn; xoài 1.270 ha, sản lượng 5.290 tấn.

- Đối với cây chủ lực: Diện tích sản xuất dưới các hình thức hợp tác, liên kết 4.500 ha; tỷ lệ sử dụng giống lúa xác nhận 99%; diện tích áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP và tương đương) 200 ha; diện tích tưới tiên tiến, tiết kiệm 3.500 ha.

- Đối với cây ăn quả: Diện tích sản xuất dưới các hình thức hợp tác, liên kết 250 ha; diện tích trồng mới, trồng tái canh 600 ha; tỷ lệ sử dụng giống đạt tiêu chuẩn 70%, diện tích áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP và tương đương) 200 ha; diện tích tưới tiên tiến, tiết kiệm 1.000 ha.

- Giá trị sản xuất 01 ha canh tác trồng trọt 130 triệu đồng/ha (trong đó cây hàng năm là 128 triệu đồng và cây ăn quả là 140 triệu đồng).

* Định hướng đến năm 2030:

- Diện tích gieo trồng, sản lượng đối với cây trồng chủ lực: lúa 87.000 ha, sản lượng 632.000 tấn; ngô 9.200 ha, sản lượng 68.000 tấn; sắn 10.000 ha, sản lượng 330.000 tấn; lạc 16.000 ha, sản lượng 65.600 tấn; rau các loại 18.500 ha, sản lượng 360.000 tấn; dừa 10.000 ha, sản lượng 118.100 tấn (trong đó: dừa xiêm khoảng 3.000 ha). Đối với cây ăn quả: Bưởi 1.700 ha, sản lượng 9.180 tấn; xoài 1.500 ha, sản lượng 6.730 tấn.

[...]