Quyết định 153/QĐ-UBND năm 2010 phê duyệt Chương trình phát triển giống cây lâm nghiệp tỉnh Nghệ An đến năm 2020

Số hiệu 153/QĐ-UBND
Ngày ban hành 14/01/2010
Ngày có hiệu lực 14/01/2010
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Nghệ An
Người ký Nguyễn Đình Chi
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH NGHỆ AN
---------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 153/QĐ-UBND

Vinh, ngày 14 tháng 01 năm 2010

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT “CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN GIỐNG CÂY LÂM NGHIỆP TỈNH NGHỆ AN ĐẾN NĂM 2020”

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH NGHỆ AN

Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Quyết định số 2194/QĐ-TTg ngày 25/12/2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án phát triển giống cây nông, lâm nghiệp, giống vật nuôi và giống thuỷ sản đến năm 2020;

Căn cứ Quyết định số 89/2005/QĐ-BNN ngày 29/12/2005 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc Ban hành Quy chế quản lý giống cây trồng lâm nghiệp;

Căn cứ Chương trình hành động số 21-CTr/TU của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh khoá XVI;

Xét đề nghị của Sở Nông nghiệp và PTNT tại Báo cáo thẩm định số 392/NN-KHTC ngày 29/12/2009,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Chương trình phát triển giống cây lâm nghiệp tỉnh Nghệ An đến năm 2020, với các nội dung chủ yếu như sau:

1. Tên gọi: “Chương trình phát triển giống cây lâm nghiệp tỉnh Nghệ An đến năm 2020”.

2. Quan điểm chỉ đạo:

- Giống là biện pháp quan trọng nhất làm tăng năng suất và hiệu quả của công tác trồng rừng.

- Phát triển giống cây lâm nghiệp phải phù hợp với chiến lược phát triển lâm nghiệp của tỉnh đến năm 2020, trong đó có kế hoạch trồng rừng theo từng mục đích cụ thể.

- Phát triển giống lâm nghiệp phải đồng bộ và toàn diện, hài hoà giữa lĩnh vực nghiên cứu và sản xuất; coi trọng cả cây gỗ nhỏ, cây gỗ lớn, cây lâm sản ngoài gỗ, cây bản địa và cây nhập nội.

- Nghiên cứu và sử dụng giống tốt phải đi đôi với việc áp dụng các biện pháp thâm canh cao.

- Phát triển giống cây lâm nghiệp theo hướng hiện đại hoá với công nghệ cao, phù hợp với xu thế phát triển của các nước trong khu vực và đảm bảo hội nhập, cạnh tranh quốc tế.

3. Mục tiêu:

3.1. Mục tiêu chung:

Xây dựng công tác giống lâm nghiệp Nghệ An hiện đại, bảo đảm cung cấp đủ giống có chất lượng cao về chất lượng di truyền và chất lượng sinh lý, nhằm tạo nên những khu rừng trồng có năng suất cao, phù hợp với điều kiện tự nhiên tại các vùng sinh thái khác nhau ở Nghệ An. Hình thành hệ thống sản xuất và dịch vụ giống cây lâm nghiệp được quản lý chặt chẽ, phù hợp với cơ chế thị trường, hoà nhập với mạng lưới giống quốc gia.

3.2. Mục tiêu cụ thể

Đến năm 2015, giống cho trồng rừng được đáp ứng đủ số lượng, chất lượng được cải thiện một phần. Đến năm 2020, bảo đảm cung cấp 80% giống được công nhận trong đó 50% giống từ nhân giống sinh dưỡng cho trồng rừng. Sinh khối tăng truởng đạt 20 -25 m3/ha/năm.

- Về cung cấp giống

+ Số lượng: Đảm bảo sản xuất cung ứng đủ giống cây lâm nghiệp phục vụ nhiệm vụ, kế hoạch trồng rừng phòng hộ, trồng rừng sản xuất, trồng cây phân tán hàng năm trên địa bàn toàn tỉnh. Giai đoạn 2009- 2015 bình quân sản xuất, cung ứng 25 -30 triệu cây lâm nghiệp các loại/năm. Giai đoạn 2015-2020 bình quân sản xuất, cung ứng 35 - 40 triệu cây lâm nghiệp các loại/năm.

+ Chất lượng: Cải thiện, nâng cao chất lượng sinh lý, chất lượng di truyền nguồn giống lâm nghiệp. Tất cả các nguồn giống phải đuợc kiểm định chất lượng, xuất xứ. Tuyển chọn được các loài cây trồng cho năng suất cao, ổn định, phục vụ trồng rừng nguyên liệu và trồng rừng sản xuất. Tuyển chọn các loài cây bản địa đa mục đích phục vụ giống trồng rừng phòng hộ. Xây dựng công nghệ sản xuất giống vô tính phục vụ trồng rừng nguyên liệu.

- Về quản lý: Xây dựng, bổ sung đầy đủ, kịp thời các văn bản về quản lý giống cây lâm nghiệp. Nâng cao năng lực quản lý, điều phối của mạng lưới sản xuất cung ứng giống trong phạm vi toàn tỉnh. Thực thi vai trò quản lý nhà nước của cơ quan chuyên trách, kiểm soát chất lượng giống các loài cây trồng chính theo chuỗi hành trình.

- Về nguồn lực:

+ Hình thành mạng lưới sản xuất và cung ứng giống lâm nghiệp theo hướng xã hội hoá với nhiều thành phần kinh tế (doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân, hộ gia đình và cá nhân) nhằm đưa giống tốt đến tận người sử dụng giống.

[...]