Quyết định 152/1999/QĐ-TTg phê duyệt chiến lược phát triển chất thải rắn tại các đô thị và khu công nghiệp Việt Nam đến năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 152/1999/QĐ-TTg
Ngày ban hành 10/07/1999
Ngày có hiệu lực 25/07/1999
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Ngô Xuân Lộc
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 152/1999/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 10 tháng 7 năm 1999

 

QUYẾT ĐỊNH

SỐ 152/1999/QĐ-TTG NGÀY 10 THÁNG 7 NĂM 1999 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT CHIẾN LƯỢC QUẢN LÝ CHẤT THẢI RẮN TẠI CÁC ĐÔ THỊ VÀ KHU CÔNG NGHIỆP VIỆT NAM ĐẾN NĂM 2020

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Căn cứ Luật bảo vệ môi trường được Quốc hội khoá IX thông qua ngày 27 tháng 12 năm 1993 và Chủ tịch nước ký sắc lệnh công bố ngày 10 tháng 01 năm 1994;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Xây dựng tại tờ trình số 08/TTr-BXD ngày 23 tháng 2 năm 1999,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Chiến lược quản lý chất thải rắn tại các đô thị và khu công nghiệp Việt Nam đến năm 2020 với những nội dung chủ yếu sau đây:

I. MỤC TIÊU:

Từng bước hình thành một hệ thống đồng bộ về công tác quản lý chất thải rắn tại các đô thị và khu công nghiệp nhằm kiểm soát ô nhiễm, bảo vệ môi trường bảo đảm mục tiêu phát triển bền vững trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

1. Mục tiêu trước mắt (đến năm 2005):

- Tất cả các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện xong việc lập quy hoạch quản lý và xử lý chất thải rắn tại các đô thị và khu công nghiệp, trong đó ưu tiên quy hoạch các bãi chôn lấp chất thải rắn hợp vệ sinh; đóng cửa các bãi chôn lấp chất thải rắn không hợp vệ sinh; xây dựng một số cơ sở chế biến chất thải rắn làm phân bón khi có điều kiện;

- Phân loại chất thải nguy hại từ nguồn; bước đầu phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại các đô thị;

- Thu gom, vận chuyển và xử lý 75 - 90% tổng lượng chất thải rắn phát sinh, tuỳ theo từng loại đô thị và khu công nghiệp;

- Xử lý triệt để chất thải rắn y tế nguy hại tại các đô thị lớn bằng công nghệ thiêu đốt tiên tiến; Xử lý chất thải rắn công nghiệp nguy hại bằng phương pháp thích hợp;

2. Mục tiêu lâu dài (đến năm 2020):

- Thu gom, vận chuyển và xử lý 80-95% tổng lượng chất thải rắn phát sinh tại các đô thị và khu công nghiệp;

- Thu gom và xử lý triệt để chất thải rắn y tế nguy hại tại các đô thị bằng công nghệ tiên tiến;

- Áp dụng giải pháp thu hồi và tái chế chất thải rắn; Ưu tiên đầu tư xây dựng hai trung tâm xử lý chất thải rắn công nghiệp nguy hại tại hai khu vực kinh tế trọng điểm phía Bắc và phía Nam;

- Hoàn thiện công tác quản lý chất thải rắn tại các đô thị và khu công nghiệp trên nguyên tắc đồng bộ về luật pháp, đầu tư phát triển, trợ giúp kỹ thuật, thanh tra kiểm soát.

II. CÁC GIẢI PHÁP CHỦ YẾU:

1. Hoàn thiện khung pháp luật:

- Rà soát và ban hành đồng bộ các văn bản hướng dẫn luật trong lĩnh vực quản lý chất thải rắn, nâng cao hiệu lực thi hành Luật Bảo vệ môi trường;

- Ban hành "Quy chế quản lý chất thải rắn" và "Quy chế quản lý chất thải nguy hại", cụ thể hoá việc thực hiện những điều khoản thuộc lĩnh vực quản lý chất thải rắn trong Luật Bảo vệ môi trường;

- Lập quy hoạch mạng lưới các cơ sở xử lý chất thải rắn y tế và chất thải rắn nguy hại phát sinh từ các khu công nghiệp trong toàn quốc, làm cơ sở để lập và phê duyệt các dự án đầu tư, tránh tình trạng chồng chéo, trùng lặp, lãng phí trong đầu tư;

- Ban hành tiêu chuẩn thiết kế bãi chôn lấp chất thải rắn hợp vệ sinh; đưa chỉ tiêu đất sử dụng để xử lý chất thải rắn vào quy chuẩn quy hoạch đô thị.

2. Nâng cao nhận thức cộng đồng và năng lực đào tạo:

- Tuyên truyền rộng rãi, thường xuyên trên các phương tiện thông tin đại chúng, hướng dẫn dư luận trong việc khuyến khích, cổ vũ các hoạt động bảo vệ môi trường; tuyên truyền, giáo dục thông qua sinh hoạt thường kỳ của các tổ chức quần chúng ở cơ sở, tạo phong trào thi đua, xây dựng nếp sống mới trong khu dân cư tại các đô thị và khu công nghiệp; xuất bản và phổ biến sâu rộng các tài liệu tuyên truyền, hướng dẫn bảo vệ môi trường nói chung và công tác quản lý chất thải rắn nói riêng phù hợp với từng đối tượng và từng địa bàn;

- Đưa chương trình giáo dục môi trường vào các cấp học mầm non, phổ thông, đại học và các loại hình đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ của các tổ chức chính trị, xã hội, các hội nghề nghiệp;

- Củng cố, tăng cường năng lực cho các trường, các cơ sở đào tạo chuyên gia trong lĩnh vực quản lý chất thải rắn.

[...]