QUY ĐỊNH
VỀ QUẢN LÝ HỌC SINH, SINH VIÊN TẠM TRÚ TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ
HÀ NỘI.
(Ban hành kèm theo Quyết định số 151/2003/QĐ-UB ngày 11/11/2003 của
UBND Thành phố)
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Việc quản lý học sinh, sinh viên tạm trú ở ký túc xác do
nhà trường quản lý (gọi tắt là nội trú) và khu vực khác ngoài ký túc xác của
nhà trường (gọi tắt ngoại trú) là trách nhiệm của nhà trường, của UBND, công an
quận, huyện, xã, phường và gia đình, nhằm nâng cao chất lượng giao dục- đào tạo
toàn diện của nhà trường, góp phần giữ gìn trật tự an toàn xã hội và xây dựng
Thủ đô văn minh-thanh lịch- hiện đại.
Điều 2. Tất cả học sinh, sinh viên học tập ở các trường Đại học,
Cao đẳng, Trung học chuyên nghiệp, dạy nghề… trên địa bàn Thành phố Hà Nội
không ở cùng gia đình mình mà ở ký túc xác hoặc ở nơi khác ngoài nhà trường đều
phải đăng ký tạm trú có thời hạn.
Điều 3. Trong thời gian tạm trú, học sinh phải chấp hành nghiêm
pháp luật của Nhà nước, các quy định của Bộ giáo dục và Đào tạo, nhà trường và
địa phương nơi tạm trú.
Điều 4. Các cơ quan xí nghiệp, khách sạn, nhà trợ, hộ gia đình V.v…
có phòng cho học sinh, sinh viên ở nhờ hoặc nghỉ trợ đều phải làm thủ tục đăng
ký tạm trú với cơ quan công an theo đúng quy định tại Nghị định 51/CP ngày
10/5/1997 và Nghị định 08/2001/NĐ-CP ngày 22/2/2001 của Chính phủ.
Chương II
NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Điều 5. Thủ tục đăng ký và thẩm quyền cấp giấy tạm trú cho học sinh,
sinh viên:
5.1. Học sinh, sinh viên tạm trú phải đăng ký tại
công an phường, xã và xuất trình những giấy tờ sau:
- Giấy báo nhập học hoặc thẻ sinh viên.
- Phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu (NK5) có
xác nhận của công an phường, xã, thị trấn nơi đăng ký hộ khẩu thường trú, bản
khai nhân khẩu (NK1).
- Giấy chứng minh nhân dân.
- 2 ảnh 3 x 4 để cấp giấy tạm trú có thời hạn.
5.2. Thẩm quyền cấp giấy tạm trú có thời hạn: Do
Công an quận, huyện cấp.
Điều 6. Quyền và trách nhiệm của học sinh, sinh viên tạm trú:
- Học sinh, sinh viên ở tạm trú được hưởng các quyền
lợi và nghĩa vụ của công dân, được tự do ăn, ở học tập, sinh hoạt trên cơ sở chấp
hành pháp luật, các quy định, quy chế của trường và chính quyền địa phương.
- Học sinh, sinh viên tạm trú khi thay đổi chỗ ở
phải xuất trình xác nhận của công an phường, xã, thị trấn nơi ở cũ để đăng ký tạm
trú với công an phường, xã, thị trấn nơi ở và báo cáo để nhà trường biết.
- Khi có bạn bè, người thân đến tạm trú phải xuất
trình giấy tờ và làm thủ tục đăng ký tạm thú theo hướng dẫn của công an phường,
xã, thị trấn.
- Quan hệ tốt với gia đình, tổ dân phố, thôn xóm
nơi cư trú, góp phần xây dựng cơ quan, tổ dân phố, thôn, xóm an toàn văn minh
trật tự.
- Nghiêm cấm học sinh, sinh viên ở tạm trú có
hành vi sau:
+ Tàng trữ, lưu hành hoặc truyền bá các sản phẩm
phản động hoặc phản văn hoá (có nội dung đồ truỵ, kích động bạo lực, các tài liệu
chiến tranh tâm lý của địch hoặc các tài liệu tuyên truyền tà đạo trái phép).
+ Đánh bạc, số đề, mại dâm dưới mọi hình thức.
+ Gây gổ đánh nhau hoặc kích động đánh nhau, tổ
chức băng nhóm, phe phái tụ tập gây rối an ninh trật tự dưới mọi hình thức.
+ Phá hoại, trộm cắp, cưỡng đoạt, cướp giật, lừa
đảo chiếm đoạt tài sản của công dân, tài sản công cộng.
+ Hành động thiếu văn hoá, gây mất trật tự công
cộng, xâm hại môi trường.
+ Đưa người vào ở trong phòng của mình quá giờ
quy định; tổ chức uống rượu bia, ca múa và các hành động khác gây mất trật tự
nơi nhà trọ.
+ Thực hiện hoặc xúi giục thực hiện các hành vi
trái pháp luật khác.
Điều 7. Trách nhiệm của nhà trường:
- Chủ động có kế hoạch phối hợp với chính quyền
địa phương, cơ quan công an, tổ dân phố để quản lý chặt chẽ học sinh, sinh viên
ở cả nội trú và ngoại trú theo Quyết định số 43/2002 ngày 22/10/2002 của Bộ trưởng
Bộ Giáo dục và Đào tạo.
- Hướng dẫn học sinh, sinh viên chuẩn bị đầy đủ
giấy tờ thủ tục để việc đăng ký tạm trú được thuận lợi.
- Tổ chức cho học sinh, sinh viên ký cam kết thực
hiện tốt các quy định về phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội, đảm bảo an ninh
trật tự.
- Phối hợp với chính quyền địa phương, cơ quan
công an và các ngành có liên quan, giải quyết nhanh gọn, dứt điểm các vụ việc
do học sinh, sinh viên gây ra hoặc có liên quan đến học sinh, sinh viên; xử lý
nghiêm đối với học sinh, sinh viên có vi phạm, thông báo bằng văn bản cho chính
quyền địa phương biết để phối hợp quản lý, đồng thời quan tâm bảo vệ quyền lợi
hợp pháp của học sinh, sinh viên.
Điều 8. Trách nhiệm của các chủ hộ cho học sinh, sinh viên thuê tạm
trú.
- Thực hiện đầy đủ các thủ tục theo quy định về
kinh doanh nhà trọ được quy định tại Nghị định số 08/2001/NĐ-CP ngày 22/02/2001
của Chính phủ. Chỉ được nhận học sinh, sinh viên vào thuê trọ khi đã thực hiện
đầy đủ các thủ tục theo quy định.
- Phải làm hợp đồng cho thuê phòng ở với học
sinh, sinh viên; nội dung hợp đồng phải quy định rõ trách nhiệm của người cho
thuê và người thuê nhà.
- Phòng cho học sinh, sinh viên thuê ở phải có
diện tích ít nhất 9 m2 (4,5 m2/người); đảm bảo điện, nước, vệ sinh, phương tiện
phòng cháy chữa cháy.
- Có sổ sách theo dõi, ghi chép học sinh, sinh
viên ở trọ, thực hiện khai báo đăng ký đầy đủ, kịp thời, chính xác về những học
sinh, sinh viên đến thuê trọ và những học sinh, sinh viên thay đổi chỗ ở. Hàng
tháng có trách nhiệm thông báo kết quả việc chấp hành quy định của học sinh,
sinh viên cho cảnh sát khu vực hoặc công an xã phường về an ninh trật tự.
- Tạo điều kiện thuận lợi cho nhà trường, các cơ
quan chức năng đến kiểm tra học sinh, sinh viên trong việc thực hiện pháp luật,
các quy định của nhà trường và của địa phương.
- Đảm bảo an ninh trật tự, có biện pháp đảm bảo
an toàn tính mạng, tài sản cho học sinh, sinh viên, tạo điều kiện thuận lợi cho
học sinh, sinh viên học tập tốt và sinh hoạt lành mạnh. Khi phát hiện những vấn
đề nghi vấn có liên quan đến học sinh, sinh viên phải báo ngay cho công an phường
xã.
- Có nghĩa vụ nộp đầy đủ các khoản thu theo quy
định của pháp luật, đóng góp quỹ bảo trợ an ninh trật tự và vệ sinh môi trường
theo quy định của địa phương.
- Những trường hợp không được phép cho học sinh,
sinh viên thuê trợ:
+ Người có tiền án, tiền sự về tội giết người, cướp
của, lừa đảo, chủ chứa mại dâm, ma tuý.
+ Hộ gia đình có người hoạt mại dâm, nghiện ma
tuý, cờ bạc, trộm cắp lừa đảo…
Điều 9. Trách nhiệm của UBND các cấp:
9.1. UBND quận, huyện có trách nhiệm:
- Chỉ đạo UBND các phường, xã, thị trấn có trường
Đại học- Cao đẳng… đóng trên địa bàn và có học sinh, sinh viên ở tạm trú làm tốt
công tác quản lý Nhà nước về an ninh trật tự, về đăng ký kinh doanh và vệ sinh
môi trường.
- Xây dựng kế hoạch kiểm tra, đôn đốc việc thực
hiện các quy định về quản lý an ninh trật tự, phòng chống các tệ nạn xã hội, đảm
bảo nếp sống văn minh, vệ sinh môi trường trên địa bàn.
9.2. UBND phường, xã, thị trấn có trách nhiệm.
- Chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức
quần chúng thuộc quyền làm tốt công tác quản lý nhân khẩu, hộ khẩu, không để xảy
ra những vụ việc phức tạp gây khó khăn cho công tác quản lý Nhà nước về an ninh
trật tự ở địa phương.
- Triển khai các văn bản quy định về xây dựng
phường, phố, thôn, xóm tổ dân phố thực hiện nếp sống văn minh, vệ sinh môi trường,
đôn đốc kiểm tra thực hiện các quy định trên.
- Tuyên truyền để học sinh, sinh viên nắm vững
và thực hiện tốt nghĩa vụ bảo vệ an ninh trật tự, vệ sinh môi trường ở nơi học
sinh, sinh viên tạm trú; tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên sinh hoạt lành mạnh
và học tập tốt.
- Thường xuyên kiểm tra nhắc nhở các chủ hộ và học
sinh, sinh viên thực hiện tốt pháp luật của Nhà nước và các quy định của tổ dân
phố, thôn, xóm, xã phường. Phối hợp giúp đỡ cơ quan công an và nhà trường để kiểm
tra học sinh sinh viên ngoại trú và giải quyết các vụ việc xẩy ra.
Điều 10. Trách nhiệm của Công an các cấp:
10.1. Công an Thành phố có trách nhiệm.
- Tham mưu cho UBND Thành phố về công tác quản
lý học sinh, sinh viên các trường Đại học- Cao đẳng, Trung học chuyên nghiệp, dạy
nghề, có những biện pháp tích cực, chủ động phù hợp quy định của pháp luật
trong quản lý học sinh, sinh viên tạm trú nhằm đảm bảo giữ vững an nính chính
trị và trật tự an toàn xã hội.
- Chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn công an các cấp
làm tốt công tác quản lý Nhà nước về an ninh trật tự; giải quyết xử lý kịp thời
các vụ việc xảy ra có liên quan đến học sinh, sinh viên.
10.2. Công an các quận, huyện có trách nhiệm:
- Làm tốt công tác giam mưu đối với cấp uỷ Đảng,
chính quyền cùng cấp có công an cấp trên; chủ động phối hợp với nhà trường về
công tác quản lý học sinh, sinh viên tạm trú trên địa bàn. Tuyên truyền vận động
nâng cao nhận thức cho cán bộ công nhân viên, học sinh, sinh viên và nhân dân về
trách nhiệm đấu tranh phòng chống các loại tội phạm, tệ nạn xã hội, giữ gìn môi
trường lành mạnh.
- Triển khai hướng dẫn công an các phường, xã,
thị trấn và tổ dân phố, thôn, xóm, các hộ kinh doanh cho thuê trợ nắm vững các
văn bản của Chính phủ và của Thành phố liên quan đến quản lý học sinh- sinh
viên:
+ Nghị định 08/2001/NĐ-CP ngày 22/02/2001 về điều
kiện an ninh trật tự đối với một số ngành nghề kinh doanh có điều kiện.
+ Nghị định 51/CP ngày 10/5/1997 về việc đăng ký
và quản lý hộ khẩu.
+ Nghị định 49/CP ngày 15/8/1996 về việc xử phạt
vi phạm hành chính trong lãnh vực an ninh trật tự.
+ Nghị định 87/CP ngày 12/12/1995 về tăng cường
quản lý các hoạt động văn hoá và dịch vụ văn hoá, đẩy mạnh bài trừ một số tệ nạn
xã hội nghiêm trọng; Nghị định 88/CP ngày 14/12/1995 về việc quy định xử phạt
vi phạm hành chính trong các hoạt động văn hoá, dịch vụ văn hoá, phòng chống
các tệ nạn xã hội.
+ Các văn bản pháp luật khác có liên quan.
- Chỉ đạo công an các phường, xã thị trấn làm tốt
công tác kiểm tra, quản lý nhân khẩu, hộ khẩu tạm trú, tạm vắng và giải quyết tốt
các vụ việc xảy ra tại địa phương theo chức năng; phối hợp với nhà trường và
các cơ quan liên quan đến giải quyết nhanh gọn, kịp thời các vụ việc xảy ra
liên quan đến học sinh, sinh viên. Sau khi xử lý đối với từng vụ việc, từng học
sinh vi phạm, công an phải có văn bản thông báo cho nhà trường biết nội dung vi
phạm, hình thức xử lý đồng thời báo cáo công an cấp trên.
- Hướng dẫn và đôn đốc các hộ kinh doanh nhà trọ
thực hiện đầy đủ các thủ tục hồ sơ và hoạt động kinh doanh theo đúng quy định.
Thẩm định và cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự, phòng cháy chữa
cháy cho các hộ làm nghề kinh doanh nhà trọ theo quy định.
- Cấp giấy tạm trú có thời hạn cho học sinh,
sinh viên tạm trú đến địa bàn.
10.3. Công an phường, xã thị trấn có trách nhiệm:
- Thẩm tra, xác minh mộ có nhà cho thuê trọ đủ
điều kiện theo quy định tại điều 8 Quy định này mới xác nhận vào đơn cho học
sinh, sinh viên đến ở trọ.
- Lập sổ theo dõi học sinh, sinh viên tạm trú,
thường xuyên kiểm tra đôn đốc việc khai báo đăng ký nhân khẩu- hộ khẩu, tạm
trú, tạm vắng của học sinh, sinh viên và các chủ hộ cho thuê trọ.
- Kết thúc một năm học phí phiếu đánh giá (do
nhà trường cấp) đối với học sinh, sinh viên ngoại trú, về việc chấp hành pháp
luật của Nhà nước, quy định của chính quyền địa phương, những thành tích đóng
góp cho địa phương, hoặc những khuyết điểm vi phạm của học sinh, sinh viên.
- Phối hợp với nhà trường có học sinh, sinh viên
ở ngoại trú trên địa bàn để giải quyết kịp thời, dứt điểm các vụ việc xẩy ra về
an ninh trật tự có liên quan đến học sinh, sinh viên. Thông báo kịp thời cho
nhà trường biết việc xử lý học sinh, sinh viên vi phạm ở địa phương để phối hợp
giao dục, đồng thời báo cáo công an cấp trên.
- Phối hợp với các lực lượng trong phường xã, thị
trấn và các cơ quan liên quan để kiểm tra những hộ có nhà cho thuê trọ, xử lý nếu
phát hiện có vi phạm pháp luật hoặc các quy định của địa phương.
Chương III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 11. UBND Thành phố giao cho Công an Thành phố chủ trì, phối hợp
với Ban Giám hiệu, Thành đoàn, Hội Sinh viên Thành phố, UBND các quận, huyện phổ
biến Quy định này đến tất cả cán bộ giáo viên, học sinh các trường Đại học, Cao
đẳng, Trung học chuyên nghiệp, dạy nghề trên địa bàn Thành phố, các tổ dân phố,
các chủ hộ có học sinh, sinh viên tạm trú; hướng dẫn, đôn đốc kiểm tra việc thực
hiện Quy định này trong toàn Thành phố; định kỳ kiểm tra đánh giá việc thực hiện,
báo cáo UBND Thành phố sau mỗi học kỳ, mỗi năm học.
Điều 12. Đề nghị Ban Đại học Thành uỷ chỉ đạo Đảng uỷ các trường Đại
học, Cao đẳng, Trung học chuyên nghiệp- dạy nghề trên địa bàn, Đoàn Thanh niên
Cộng Sản Hồ Chí Minh, Hội Sinh viên Thành phố vận động tổ chức sinh viên, học
sinh thực hiện tốt quy định này.
Điều 13. Trong quá trình thực hiện quy định này, cá nhân, tập thể có
thành tích sẽ được biểu dương, khen thưởng, nếu vi phạm, tuỳ tính chất, mức độ
sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật./.