Quyết định 1501/2008/QĐ-BCA về Quy trình hỗ trợ cưỡng chế thi hành án dân sự của lực lượng Cảnh sát bảo vệ và hỗ trợ tư pháp thuộc Công an nhân dân do Bộ trưởng Bộ Công an ban hành

Số hiệu 1501/2008/QĐ-BCA
Ngày ban hành 10/09/2008
Ngày có hiệu lực 09/10/2008
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Bộ Công An
Người ký Lê Hồng Anh
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

BỘ CÔNG AN
------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
---------------

Số: 1501/2008/QĐ-BCA

Hà Nội, ngày 10 tháng 09 năm 2008

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY TRÌNH HỖ TRỢ CƯỠNG CHẾ THI HÀNH ÁN DÂN SỰ CỦA LỰC LƯỢNG CẢNH SÁT BẢO VỆ VÀ HỖ TRỢ TƯ PHÁP THUỘC CÔNG AN NHÂN DÂN

BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG AN

Căn cứ Bộ luật tố tụng dân sự ngày 15 tháng 6 năm 2004;
Căn cứ Luật công an nhân dân ngày 29 tháng 11 năm 2005;
Căn cứ Pháp lệnh thi hành án dân sự ngày 14 tháng 01 năm 2004;
Căn cứ Nghị định số 136/2003/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2003 của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công an;
Theo đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát.

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Quy trình hỗ trợ cưỡng chế thi hành án dân sự của lực lượng Cảnh sát bảo vệ và hỗ trợ tư pháp thuộc Công an Nhân dân”.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo. Những quy định trước đây của Bộ Công an trái với Quy trình ban hành kèm theo Quyết định này đều bãi bỏ.

Điều 3. Các đồng chí Tổng cục trưởng các Tổng cục, Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ trưởng, Giám đốc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

BỘ TRƯỞNG
ĐẠI TƯỚNG




Lê Hồng Anh

 

QUY TRÌNH

HỖ TRỢ CƯỠNG CHẾ THI HÀNH ÁN DÂN SỰ CỦA LỰC LƯỢNG CẢNH SÁT BẢO VỆ VÀ HỖ TRỢ TƯ PHÁP THUỘC CÔNG AN NHÂN DÂN
(ban hành kèm theo Quyết định số 1501/2008/QĐ-BCA(C11) ngày 10/9/2008 của Bộ trưởng Bộ Công An)

Chương 1.

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Quy trình này quy định trình tự các bước thực hiện nhiệm vụ của lực lượng Cảnh sát bảo vệ và hỗ trợ tư pháp thuộc Công an nhân dân trong hoạt động hỗ trợ cưỡng chế thi hành án dân sự.

Điều 2. Hỗ trợ cưỡng chế thi hành án dân sự khi có yêu cầu của cơ quan thi hành án là trách nhiệm của lực lượng Công an nhân dân, trong đó lực lượng Cảnh sát bảo vệ và hỗ trợ tư pháp là nòng cốt nhằm bảo vệ trật tự an toàn cho việc cưỡng chế, phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý kịp thời mọi hành vi vi phạm pháp luật; góp phần bảo vệ lợi ích của Nhà nước, lợi ích chính đáng của tổ chức, cá nhân.

Điều 3.

1. Yêu cầu của cơ quan thi hành án về việc hỗ trợ cưỡng chế thi hành án dân sự được gửi đến Phòng Cảnh sát bảo vệ và hỗ trợ tư pháp (nếu ở cấp tỉnh) hoặc Đội Cảnh sát bảo vệ và hỗ trợ tư pháp, Nhà tạm giữ (nếu ở cấp huyện).

2. Đơn vị Cảnh sát bảo vệ và hỗ trợ tư pháp khi nhận được yêu cầu của cơ quan thi hành án phải xây dựng kế hoạch; phân công nhiệm vụ cho các lực lượng có liên quan; bố trí cán bộ, chiến sĩ, trang bị vũ khí, phương tiện, công cụ hỗ trợ, thông tin liên lạc cần thiết để bảo đảm an toàn, hiệu quả và có phương án cụ thể, báo cáo lãnh đạo cấp trên trực tiếp được phân công phụ trách Cảnh sát bảo vệ và hỗ trợ tư pháp duyệt.

3. Các lực lượng chức năng khác thuộc Công an được giao nhiệm vụ phối hợp giữ gìn trật tự, an toàn, hỗ trợ cưỡng chế thi hành án dân sự phải tuân theo sự chỉ huy thống nhất trực tiếp của người chỉ huy thuộc lực lượng Cảnh sát bảo vệ và hỗ trợ tư pháp.

4. Cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát làm nhiệm vụ hỗ trợ cưỡng chế thi hành án dân sự phải nắm vững và tuân thủ các quy định của pháp luật, chấp hành đúng điều lệnh Công an nhân dân, giải quyết công việc linh hoạt, khẩn trương, đúng thẩm quyền, đúng pháp luật.

Chương 2.

QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 4. Các bước và nội dung cơ bản khi xây dựng kế hoạch và phương án hỗ trợ cưỡng chế thi hành án dân sự

1. Nắm tình hình có liên quan đến hoạt động hỗ trợ cưỡng chế để xây dựng kế hoạch và lập phương án

- Kế hoạch của cơ quan thi hành án về việc tổ chức cưỡng chế.

- Nội dung vụ án thuộc vụ, việc cưỡng chế.

[...]