Quyết định 15/2017/QĐ-UBND Đề án phát triển kinh tế biển giai đoạn đến năm 2020 do tỉnh Ninh Thuận ban hành

Số hiệu 15/2017/QĐ-UBND
Ngày ban hành 24/02/2017
Ngày có hiệu lực 06/03/2017
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Ninh Thuận
Người ký Lưu Xuân Vĩnh
Lĩnh vực Thương mại

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NINH THUẬN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 15/2017/QĐ-UBND

Ninh Thuận, ngày 24 tháng 02 năm 2017

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN KINH TẾ BIỂN TỈNH NINH THUẬN GIAI ĐOẠN ĐẾN NĂM 2020

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH NINH THUẬN

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015;

Thực hiện Quyết định số 1222/QĐ-TTg ngày 22 tháng 7 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Ninh Thuận đến năm 2020;

Thực hiện Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ XIII và Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 26 tháng 10 năm 2016 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh khoá XIII về phát triển kinh tế biển giai đoạn 2016 - 2020 và những năm tiếp theo;

Căn cứ Nghị quyết số 69/2016/NQ-HĐND ngày 19 tháng 12 năm 2016 của Hội đồng nhân dân tỉnh về phát triển kinh tế biển tỉnh Ninh Thuận giai đoạn đến năm 2020;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tại Tờ trình số 231/TTr-SKHĐT ngày 23 tháng 01 năm 2017.

QUYẾT ÐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Đề án phát triển kinh tế biển tỉnh Ninh Thuận giai đoạn đến năm 2020.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 06 tháng 3 năm 2017.

Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc các sở, thủ trưởng các ban, ngành thuộc tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Lưu Xuân Vĩnh

 

ĐỀ ÁN

PHÁT TRIỂN KINH TẾ BIỂN TỈNH NINH THUẬN GIAI ĐOẠN ĐẾN NĂM 2020
(kèm theo Quyết định số 15/2017/QĐ-UBND ngày 24 tháng 02 năm 2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận)

Phần I

SỰ CẦN THIẾT VÀ CƠ SỞ PHÁP LÝ

I. Sự cần thiết

Ninh Thuận thuộc vùng Duyên hải Nam Trung bộ, với vị trí địa lý và địa kinh tế vừa có khó khăn, vừa có những thuận lợi, là cửa ngõ nối vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam bộ với các tỉnh Nam Trung bộ và Tây Nguyên. Là tỉnh ven biển có đặc thù riêng so với cả nước, với bờ biển dài hơn 105 km và vùng lãnh hải 18 nghìn km2, là trung tâm vùng nước trồi và là một trong những ngư trường trọng điểm của cả nước, có nhiều vịnh, bãi biển đẹp như Bình Tiên, Vĩnh Hy, Cà Ná, … cùng với điều kiện khí hậu đặc thù về nắng và gió, có nhiệt độ cao, cường độ bức xạ lớn, thời tiết nắng ấm quanh năm, thuận lợi cho phát triển những ngành, lĩnh vực kinh tế biển như du lịch nghỉ dưỡng cao cấp; nuôi trồng, khai thác hải sản; sản xuất muối công nghiệp quy mô lớn; phát triển năng lượng sạch: điện gió, điện mặt trời; xây dựng cảng nước sâu; phát triển công nghiệp ven biển; đồng thời có vị trí chiến lược về quốc phòng, an ninh của khu vực và cả nước trong việc bảo vệ an ninh quốc gia vùng ven biển và trên biển.

Đại hội Đảng bộ tỉnh các khoá XI (nhiệm kỳ 2005 - 2010) và khoá XII (nhiệm kỳ 2010 - 2015) đều nhấn mạnh vai trò, vị trí và tầm quan trọng của kinh tế biển, trong đó xác định phát triển kinh tế biển và vùng ven biển là nhiệm vụ trọng tâm, đột phá của tỉnh; ưu tiên đầu tư phát triển kinh tế biển gắn với công nghiệp chế biến, công nghiệp năng lượng sạch và phát triển du lịch, dịch vụ; khai thác có hiệu quả tiềm năng lợi thế về kinh tế biển cả về đánh bắt, nuôi trồng, chế biến và phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá theo hướng bền vững. Đặc biệt, trong Văn kiện Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ XIII (nhiệm kỳ 2015 - 2020) xác định kinh tế biển là động lực, trọng tâm phát triển năng lượng sạch, du lịch, nông lâm - thủy sản gắn với công nghiệp chế biến”, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững.

Thực hiện chủ trương trên, những năm qua kinh tế biển của tỉnh được coi trọng và có bước phát triển, bước đầu phát huy được tiềm năng, lợi thế về kinh tế biển, góp phần tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện đời sống của nhân dân và củng cố quốc phòng, an ninh trên địa bàn khu vực ven biển. Tuy nhiên, kinh tế biển chưa trở thành động lực trong phát triển kinh tế của Tỉnh, quy mô phát triển kinh tế biển chưa tương xứng với tiềm năng. Hệ thống kết cấu hạ tầng còn thiếu và chưa đồng bộ, nhất là hạ tầng giao thông, cảng biển; giá trị sản xuất công nghiệp ven biển và năng lực chế biến thủy sản xuất khẩu phát triển chậm; quy mô công suất tàu khai thác còn hạn chế; lợi thế về du lịch biển chưa được khai thác hiệu quả. Văn hoá - xã hội vùng biển còn một số vấn đề bức xúc chậm được giải quyết, nhất là về môi trường khu vực dân cư và vùng nuôi trồng thủy sản; công tác quản lý đất đai, quản lý quy hoạch vùng ven biển còn bất cập; chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu.

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên, tạo đột phá cho phát triển nhanh và bền vững, việc xây dựng Đề án phát triển kinh tế biển giai đoạn đến năm 2020 là thực sự cần thiết.

II. Cơ sở pháp lý

- Luật Biển Việt Nam năm 2012;

- Luật Tài nguyên, Môi trường biển và hải đảo năm 2015;

[...]