Quyết định 15/2009/QĐ-UBND về quy chế về mối quan hệ công tác giữa Ủy ban nhân dân tỉnh và Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Định

Số hiệu 15/2009/QĐ-UBND
Ngày ban hành 22/05/2009
Ngày có hiệu lực 01/06/2009
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Bình Định
Người ký Lê Hữu Lộc
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương,Bộ máy hành chính

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH ĐỊNH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 15/2009/QĐ-UBND

Quy Nhơn, ngày 22 tháng 5 năm 2009

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ VỀ MỐI QUAN HỆ CÔNG TÁC GIỮA ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH VÀ LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG TỈNH BÌNH ĐỊNH

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26/11/2003;

Căn cứ Điều 3 và Điều 14 Luật Công đoàn ngày 30/6/1990;

Căn cứ Quyết định số 04/2007/QĐ-TTg ngày 10/01/2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế về mối quan hệ công tác giữa Chính phủ và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam;

Sau khi thỏa thuận với Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động tỉnh,

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế về mối quan hệ công tác giữa Ủy ban nhân dân tỉnh và Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Định.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Thủ trưởng các sở, ban, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lê Hữu Lộc

 

QUY CHẾ

VỀ MỐI QUAN HỆ CÔNG TÁC GIỮA ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH VÀ LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG TỈNH BÌNH ĐỊNH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 15/2009/QĐ-UBND ngày 22/5/2009 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quy chế này quy định mối quan hệ phối hợp công tác trong quá trình xử lý các vấn đề thuộc nhiệm vụ và quyền hạn của Ủy ban nhân dân tỉnh có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của Liên đoàn Lao động tỉnh, nhằm phát huy vai trò của Liên đoàn Lao động tỉnh trong việc tham gia với chính quyền tổ chức thực hiện các cơ chế chính sách của Nhà nước, xây dựng và thực hiện các chính sách của địa phương có liên quan trực tiếp đến phát triển sản xuất, giải quyết việc làm, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ, công chức, viên chức và lao động; bảo đảm các quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân, viên chức, lao động; đồng thời tổ chức giáo dục, động viên cán bộ, công chức, viên chức và lao động tích cực thi đua yêu nước thực hiện các nhiệm vụ chính trị, kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng ở địa phương.

Điều 2. Đối tượng điều chỉnh

Quy chế này áp dụng đối với Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố.

Chương II

NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 3. Trong việc soạn thảo các văn bản về chế độ chính sách lao động, tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hộ lao động và các chính sách xã hội khác liên quan trực tiếp đến quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp, chính đáng của cán bộ, công chức, viên chức và lao động

1. Các sở, ban, cơ quan thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh được Ủy ban nhân dân tỉnh giao soạn thảo các văn bản có trách nhiệm tham khảo ý kiến của Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động tỉnh. Văn bản phải gửi sớm cho Liên đoàn Lao động tỉnh để có thời gian nghiên cứu, tham gia ý kiến. Trong trường hợp lấy ý kiến bằng văn bản thì Liên đoàn Lao động tỉnh có trách nhiệm cho ý kiến trả lời bằng văn bản đúng thời gian quy định.

2. Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động tỉnh có trách nhiệm cử cán bộ tham gia các ban chỉ đạo, trực tiếp tham gia và lấy ý kiến trong hệ thống công đoàn tham gia các văn bản.

3. Trường hợp có ý kiến khác nhau giữa cơ quan soạn thảo và Liên đoàn Lao động tỉnh thì cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét và quyết định theo thẩm quyền.

Điều 4. Về tổ chức phong trào thi đua yêu nước, lao động sản xuất, thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng, chống lãng phí, cải cách hành chính, xây dựng cơ quan đơn vị văn hóa trong cán bộ, công chức, viên chức và lao động

[...]