Quyết định 146/QĐ-UBND năm 2014 phê duyệt quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản tỉnh Lâm Đồng đến năm 2020

Số hiệu 146/QĐ-UBND
Ngày ban hành 17/01/2014
Ngày có hiệu lực 17/01/2014
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Lâm Đồng
Người ký Nguyễn Xuân Tiến
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÂM ĐỒNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 146/QĐ-UBND

Lâm Đồng, ngày 17 tháng 01 năm 2014

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH THĂM DÒ, KHAI THÁC KHOÁNG SẢN TỈNH LÂM ĐỒNG ĐẾN NĂM 2020

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LÂM ĐỒNG

Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26/11/2003;

Căn cứ Luật Khoáng sản số 60/2010/QH12 ngày 17/11/2010;

Căn cứ Nghị định số 15/2012/NĐ-CP ngày 09/3/2012 của Chính phủ về Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật khoáng sản;

Căn cứ Nghị định số 89/2013/NQ-HĐND ngày 5/12/2013 của Hội đồng Nhân dân tỉnh về việc thông qua Quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản tỉnh Lâm Đồng đến năm 2020;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản tỉnh Lâm Đồng đến năm 2020 (thuộc thẩm quyền cấp phép của UBND tỉnh Lâm Đồng) với những nội dung chủ yếu như sau:

I. Quan điểm và mục tiêu quy hoạch

1. Quan điểm

a) Khoáng sản là tài nguyên không tái tạo, thuộc tài sản quan trọng của quốc gia phải được quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, có hiệu quả nhằm đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, phát triển bền vững kinh tế - xã hội trước mắt, lâu dài và bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường;

b) Tài nguyên khoáng sản của tỉnh Lâm Đồng phong phú và đa dạng chủng loại, một số khoáng sản có tài nguyên, trữ lượng lớn do vậy cần phải tăng cường công tác điều tra, thăm dò để quản lý, khai thác hợp lý. Hiện đại hóa công nghiệp khai thác, chế biến, đặc biệt là công nghiệp khai thác bô xít và luyện alumin, chế biến cao lanh, bentonite, diatomite; quản lý tốt hoạt động khai thác đá, cát, sỏi phục vụ các công trình xây dựng, dân dụng;

c) Phát triển vật liệu xây dựng trên cơ sở lựa chọn quy mô công suất hợp lý, công nghệ hiện đại, sạch, tiêu tốn ít năng lượng, nguyên liệu; sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng, đủ sức cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài tỉnh, từng bước loại bỏ các cơ sở sản xuất có công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường và hiệu quả kinh tế thấp. Phân bố các cơ sở khai thác, sản xuất và chế biến vật liệu xây dựng gắn với vùng nguyên liệu và các khu, cụm công nghiệp;

d) Các thành phần kinh tế được đầu tư vào thăm dò, khai thác và chế biến khoáng sản theo quy định pháp luật, trong môi trường cạnh tranh lành mạnh; khuyến khích liên kết hợp tác giữa các thành phần kinh tế. Lấy giải pháp chính sách để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa của địa phương đầu tư thăm dò, khai thác và chế biến khoáng sản phục vụ nhu cầu tại địa phương.

2. Mục tiêu

a) Tốc độ tăng trưởng bình quân/năm của ngành khai thác và chế biến khoáng sản làm vật liệu xây dựng đạt 45-50%;

b) Tỷ trọng ngành khai thác và chế biến khoáng sản nói chung đến năm 2015 chiếm 19 - 20% và đến năm 2020 chiếm 38 - 39% giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp của tỉnh;

c) Đảm bảo đáp ứng nhu cầu về vật liệu xây dựng trong giai đoạn đến năm 2020 và sau 2020 theo quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh và một phần cho các tỉnh trong khu vực; đẩy mạnh sản xuất phân vi sinh, hữu cơ từ các nguồn nguyên liệu sẵn có.

II. Nội dung quy hoạch

1. Quy hoạch khoáng sản là vật liệu xây dựng và than bùn trên địa bàn tỉnh.

Tổng diện tích quy hoạch trong kỳ này là 618,53 km2 (chiếm khoảng 6,3% trên diện tích toàn tỉnh), bao gồm 118 khu vực, trong đó:

a) Đá xây dựng: 56 khu vực, diện tích 408,94 km2;

b) Cát xây dựng: 27 khu vực, diện tích 50,2 km2;

c) Sét gạch ngói: 16 khu vực, diện tích 81,48 km2;

d) Than bùn: 10 khu vực, diện tích 44,5 km2;

đ) Đất san lấp: 09 khu vực, diện tích 33,41 km2.

[...]