Quyết định 1457/QĐ-BCT năm 2020 về phê duyệt Kế hoạch hành động của ngành Công Thương nhằm khôi phục và đẩy mạnh phát triển công nghiệp, thương mại trong giai đoạn mới phòng, chống dịch Covid-19 do Bộ trưởng Bộ Công thương ban hành

Số hiệu 1457/QĐ-BCT
Ngày ban hành 03/06/2020
Ngày có hiệu lực 03/06/2020
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Bộ Công thương
Người ký Trần Tuấn Anh
Lĩnh vực Thương mại,Thể thao - Y tế

BỘ CÔNG THƯƠNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1457/QĐ-BCT

Hà Nội, ngày 03 tháng 6 năm 2020

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG CỦA NGÀNH CÔNG THƯƠNG NHẰM KHÔI PHỤC VÀ THÚC ĐẨY PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP, THƯƠNG MẠI TRONG GIAI ĐOẠN MỚI PHÒNG, CHỐNG DỊCH COVID-19

BỘ TRƯỞNG

Căn cứ Nghị định số 98/2017/NĐ-CP ngày 18 tháng 8 năm 2017 của Chính quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương;

Căn cứ Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29 tháng 5 năm 2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19;

Căn cứ Chỉ thị số 19/CT-TTg ngày 24 tháng 4 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới;

Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Kế hoạch,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch hành động của ngành Công Thương nhằm khôi phục và thúc đẩy phát triển công nghiệp, thương mại trong giai đoạn mới phòng, chống dịch Covid-19.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ, Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc các Tổng công ty, doanh nghiệp thuộc Bộ, Giám đốc Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Thủ tướng Chính phủ (để b/c);
- Các Phó Thủ tướng Chính phủ (b/c);
- BCĐQG phòng chống dịch;
- VPCP;
- Lãnh đạo Bộ;
- Website Bộ Công Thương;
- Lưu: VT, KH (HienMT).

BỘ TRƯỞNG




Trần Tuấn Anh

 

KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG CỦA NGÀNH CÔNG THƯƠNG

NHẰM KHÔI PHỤC VÀ THÚC ĐẨY PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP, THƯƠNG MẠI TRONG GIAI ĐOẠN MỚI PHÒNG, CHỐNG DỊCH BỆNH COVID-19
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1457/QĐ-BCT ngày 03 tháng 6 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Công Thương)

A. BỐI CẢNH VÀ TÌNH HÌNH

Dịch bệnh Covid-19 và những diễn biến phức tạp trong tình hình chính trị - kinh tế thế giới, đặc biệt là xung đột gay gắt giữa các nền kinh tế lớn đang tạo ra những thay đổi lớn trong trật tự thương mại và đầu tư trên thế giới, làm thay đổi vai trò của nhiều quốc gia trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Kinh tế toàn cầu được đánh giá là đã bước vào giai đoạn suy thoái, diễn ra ở hầu hết các lĩnh vực kinh tế - thương mại - đầu tư... Đặc biệt là sự đứt gãy các chuỗi cung ứng lớn, dẫn tới quá trình tái cấu trúc lại hệ thống sản xuất của các tập đoàn đa quốc gia, tạo nên những thay đổi căn bản trong cấu trúc của nền kinh tế thế giới.

Các xung đột vốn đã nghiêm trọng giữa một số nền kinh tế lớn ngay từ trước khi xảy ra dịch bệnh Covid-19 (như xung đột thương mại Mỹ - Trung, đối đầu thương mại Mỹ - EU...), thì nay với tác động của dịch Covid-19, càng trở nên gay gắt hơn. Ngoài ra, dịch bệnh lần này cũng có thể là đòn giáng tiếp theo vào quá trình toàn cầu hóa vốn đang bị đe dọa bởi chủ nghĩa bảo hộ và chủ nghĩa dân tộc bản địa thời gian qua đang có xu thế trỗi dậy ở một số quốc gia, khu vực; Xu thế quay trở lại chính quốc gia của các doanh nghiệp bắt nguồn từ chủ trương của chính quyền Tổng thống D.Trump ngày càng trở nên rõ nét hơn, và không chỉ ở Mỹ, đã trở thành xu thế của nhiều quốc gia trên thế giới.

Đối với Việt Nam, mặc dù khó khăn thách thức trước mắt là rất lớn, song Việt Nam cũng có những yếu tố thuận lợi và cơ hội tốt đê có thể bứt lên phát triển trong thời gian tới. Đó là: Việt Nam tới nay đã cơ bản vượt qua dịch bệnh trước các nước. Thêm vào đó, uy tín, sự tin tưởng của cộng đồng doanh nghiệp trong nước, các đối tác, nhà đầu tư nước ngoài đối với Việt Nam tăng lên... Đây là yếu tố đặc biệt quan trọng để Việt Nam có thể tận dụng được cơ hội, nhanh chóng tổ chức, khôi phục lại sản xuất kinh doanh và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn tiếp theo.

Bên cạnh đó, mặc dù Việt Nam chịu tác động không nhỏ từ dịch Covid-19 trong trong những tháng đầu năm, song về cơ bản, những nền tảng vĩ mô quan trọng để phục vụ cho tăng trưởng và phát triển được giữ vững. Các yếu tố về tỷ giá, lãi suất, lạm phát được giữ ổn định và đang được điều hành chặt chẽ, linh hoạt; nền tảng về thị trường (kể cả thị trường ngoài nước và thị trường trong nước) được giữ vững và có nhiều điều kiện thuận lợi để khai thác, mở rộng trong thời gian tới. Quá trình bội nhập của Việt Nam tiếp tục diễn ra tích cực, đặc biệt là Hiệp định EVFTA giữa Việt Nam với Liên minh châu Âu dự kiến sẽ được thông qua tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV và đưa vào thực thi sẽ tạo những động lực mới cho tăng trưởng của kinh tế đất nước.

B. MỤC TIÊU VÀ YÊU CẦU

I. Mục tiêu:

1. Tiếp tục phòng, chống hiệu quả dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virút Corona (Covid-19) trong các cơ quan, đơn vị thuộc ngành Công Thương trong giai đoạn mới.

2. Nhanh chóng khôi phục và thúc đẩy phát triển các lĩnh vực sản xuất công nghiệp, thương mại trong giai đoạn mỗi. Bảo đảm thực hiện ở mức cao nhất mục tiêu tăng trưởng của năm 2020 và tạo nền tảng tốt cho tăng trưởng ở những năm tiếp theo.

3. Tập trung quyết liệt và đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu các lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư... trong phạm vi quản lý của Bộ Công Thương để ứng phó kịp thời, có hiệu quả với những bối cảnh mới của đất nước, khu vực và toàn cầu, đóng góp cho việc bảo đảm thực hiện các chỉ tiêu, mục tiêu tăng trưởng năm 2020 và xu thế phát triển bền vững của đất nước giai đoạn 2021 - 2030.

II. Yêu cầu:

[...]