Thứ 2, Ngày 28/10/2024

Quyết định 145-HĐBT năm 1992 về quy định tạm thời việc cho người nước ngoài nhận con nuôi là trẻ em Việt nam bị mồ côi, bị bỏ rơi, bị tàn tật ở các cơ sở nuôi dưỡng do ngành Lao động - Thương binh và xã hội quản lý do Hội đồng Bộ trưởng ban hành

Số hiệu 145-HĐBT
Ngày ban hành 29/04/1992
Ngày có hiệu lực 29/04/1992
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Hội đồng Bộ trưởng
Người ký Phan Văn Khải
Lĩnh vực Quyền dân sự

HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 145-HĐBT

Hà Nội , ngày 29 tháng 4 năm 1992

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH TẠM THỜI VỀ VIỆC CHO NGƯỜI NƯỚC NGOÀI NHẬN CON NUÔI LÀ TRẺ EM VIỆT NAM BỊ MỒ CÔI, BỊ BỎ RƠI, BỊ TÀN TẬT Ở CÁC CƠ SỞ NUÔI DƯỠNG DO NGÀNH LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI QUẢN LÝ

HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG

Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng Bộ trưởng ngày 4 tháng 7 năm 1981;
Căn cứ Luật hôn nhân và gia đình ngày 29 tháng 12 năm 1986;
Căn cứ Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em ngày 12 tháng 8 năm 1991;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và xã hội,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Nay ban hành qui định tạm thời về việc cho người nước ngoài nhận con nuôi là trẻ em Việt Nam bị mồ côi; bị bỏ rơi, bị tàn tật ở các cơ sở nuôi dưỡng, do ngành lao động thương binh và xã hội quản lý kèm theo quyết định này.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký. Các quy định trước đây trái với quyết định này đều bãi bỏ.

Điều 3. Các Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Nhà nước, thủ trưởng các cơ quan thuộc Hội đồng Bộ trưởng, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

Phan Văn Khải

(Đã Ký)

 

QUY ĐỊNH

TẠM THỜI VỀ VIỆC CHO NGƯỜI NƯỚC NGOÀI NHẬN CON NUÔI LÀ TRẺ EM VIỆT NAM BỊ MỒ CÔI , BỊ BỎ RƠI, BỊ TÀN TẬT Ở CÁC CƠ SỞ NUÔI DƯỠNG, DO NGHÀNH LAO ĐỘNG THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI QUẢN LÝ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 145-HĐBT ngày 29 tháng 4 năm 1992 của Hội đồng Bộ trưởng)

Chương 1:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. - Việc cho người nước ngoài nhận trẻ em Việt Nam bị mồ côi, bị bỏ rơi, bị tàn tật làm con nuôi phải xuất phát từ tình cảm giữa người nuôi với trẻ được nhận làm con nuôi trong quan hệ cha mẹ và con cái, bảo đảm trẻ được nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục đầy đủ.

Điều 2. - Người nước ngoài nhận nuôi con nuôi phải lớn tuổi hơn con nuôi 20 tuổi trở lên.

Điều 3. - Người được làm con nuôi thuộc các đối tượng nói tại Điều 1 của quy định này là người ở cơ sở nuôi dưỡng, do ngành lao động thương binh và xã hội quản lý, bao gồm:

- Trẻ em từ 15 tuổi trở xuống, trường hợp bị tàn tật thì có thể trên 15 tuổi.

- Người con nuôi có thể trên 15 tuổi đối với trường hợp người nhận con nuôi là người già yếu cô đơn.

Điều 4. - Việc cho và nhận con nuôi dựa trên nguyên tắc tự nguyện của người nhận nuôi, của cha mẹ, người đỡ đầu hoặc Giám đốc cơ sở nuôi dưỡng trẻ em đó. Nếu trẻ từ 9 tuổi trở lên thì còn phải được sự đồng ý của trẻ em đó.

Điều 5. - Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, nơi có cơ sở nuôi dưỡng trẻ em nói tại Điều 1 của Quy định này, có trách nhiệm xem xét và cấp giấy chứng nhận việc cho người nước ngoài nhận trẻ em Việt Nam làm con nuôi trong thời hạn 2 tháng kể từ ngày nhận đủ hồ sơ. Trường hợp không công nhận thì trả lời cho người xin con nuôi biết rõ lý do.

Chương 2;

ĐIỀU KIỆN ĐỂ NGƯỜI NƯỚC NGOÀI NHẬN CON NUÔI

Điều 6.  Người nước ngoài xin trẻ em Việt Nam nói tại điều 1 của quy định này con nuôi phải gửi đến Bộ Lao động - Thương binh và xã hội đủ các giấy tờ sau đây:

1. Giấy phép đồng ý cho nhận con nuôi của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ở nước mà người đó mang quốc tịch hay thường trú (giấy phép cần nêu rõ mục đích chính đáng của việc xin nhận con nuôi);

2. Giấy chứng nhận của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ở nước ngoài xác nhận về tình trạng sức khoẻ, về khả năng tinh thần và vật chất đủ đảm bảo nuôi dưỡng, giáo dục và phát triển lành mạnh về thể chất, trí tuệ và đạo đức cho con nuôi;

3. Đơn xin con nuôi gửi Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi có cơ sở nuôi dưỡng trẻ em, nêu rõ lý do xin con nuôi, tên, tuổi, địa chỉ của mình (nếu người làm đơn có vợ hoặc chồng thì phải có chữ ký của cả hai người) và tên, tuổi, địa chỉ của trẻ em xin nhận làm con nuôi và các yêu cầu khác.

[...]