Quyết định 1419/QĐ-UBND năm 2007 phê duyệt Quy hoạch phát triển công nghệ thông tin tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020

Số hiệu 1419/QĐ-UBND
Ngày ban hành 20/06/2007
Ngày có hiệu lực 20/06/2007
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Thừa Thiên Huế
Người ký Nguyễn Xuân Lý
Lĩnh vực Công nghệ thông tin

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1419/QĐ-UBND

Huế, ngày 20 tháng 6 năm 2007

 

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT "QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN CÔNG NGHỆ THÔNG TIN TỈNH THỪA THIÊN HUẾ ĐẾN NĂM 2010 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2020"

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng Nhân dân và Ủy ban Nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 8 năm 2006 về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội;

Căn cứ Quyết định số 148/2004/QĐ-TTg ngày 13 tháng 8 năm 2004 của Thủ tướng Chính phủ về phương hướng chủ yếu phát triển kinh tế-xã hội vùng kinh tế trọng điểm miền Trung đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020;

Căn cứ Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 16 tháng 8 năm 2004 của Bộ chính trị về phát triển kinh tế các tỉnh duyên hải miền Trung;

Căn cứ Quyết định số 246/2005/QĐ-TTg ngày 06 tháng 10 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển công nghệ thông tin và truyền thông Việt Nam đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020;

Căn cứ Quyết định số 595/QĐ-UBND ngày 28 tháng 02 năm 2006 của Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế về việc phê duyệt đề cương dự án "Quy hoạch phát triển công nghệ thông tin tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2020";

Xét báo cáo tổng hợp “Quy hoạch phát triển công nghệ thông tin tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2006-2010 và định hướng đến năm 2020” do Sở Bưu chính Viễn thông phối hợp với Viện Chiến lược Bưu chính Viễn thông và Công nghệ thông tin và các sở, ban, ngành chức năng tỉnh Thừa Thiên Huế thực hiện;

Theo đề nghị của Sở Bưu chính Viễn thông tại Tờ trình số 17/TTr-SBCVT ngày 15 tháng 01 năm 2007 của Sở Bưu chính Viễn thông về việc đề nghị xin phê duyệt Quy hoạch phát triển công nghệ thông tin tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2020 và đề nghị của Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tại Công văn số 559/SKHĐT-TH ngày 01 tháng 6 năm 2007,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch phát triển công nghệ thông tin (CNTT) tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 với các nội dung sau:

1. Quan điểm phát triển

- Công nghiệp CNTT là ngành kinh tế mũi nhọn được ưu tiên, quan tâm khuyến khích phát triển. Ưu tiên phát triển công nghiệp nội dung thông tin và công nghiệp phần mềm, thúc đẩy mạnh mẽ quá trình hình thành và phát triển xã hội thông tin.

- Cơ sở hạ tầng thông tin và truyền thông là hạ tầng kinh tế xã hội được ưu tiên phát triển, đảm bảo công nghệ hiện đại, quản lý và khai thác hiệu quả. Phát triển cơ sở hạ tầng thông tin phải đi trước một bước nhằm tạo cơ sở cho phát triển và ứng dụng CNTT.

- Phát triển nguồn nhân lực CNTT là yếu tố then chốt có ý nghĩa quyết định đối với việc phát triển và ứng dụng CNTT. Phát triển nguồn nhân lực CNTT phải đảm bảo chất lượng, đồng bộ, chuyển dịch nhanh về cơ cấu theo hướng tăng nhanh tỷ lệ nguồn nhân lực có trình độ cao.

- Lồng ghép vào các quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thừa Thiên Huế và các quy hoạch ngành.

- Đảm bảo tính kế thừa và tính hiện đại.

2. Mục tiêu:

Đẩy mạnh việc ứng dụng và phát triển CNTT trong toàn tỉnh phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa, có kế hoạch đồng bộ với sự phát triển chung của Tỉnh và đất nước; đưa CNTT trở thành động lực phát triển kinh tế xã hội và là một ngành kinh tế, kỹ thuật quan trọng, đóng góp đáng kể vào quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Tỉnh; đáp ứng đầy đủ nhu cầu thông tin trong mọi mặt của đời sống xã hội, thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá của Tỉnh.

II. Định hướng phát triển CNTT đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020

II.1. Ứng dụng CNTT trong toàn tỉnh:

1. Ứng dụng CNTT trong các cơ quan Đảng, Chính quyền theo hướng xây dựng chính quyền điện tử

- Xây dựng và phát triển hệ thống các dịch vụ công trong các sở, ban, ngành và các cơ quan quản lý chính quyền, phấn đấu đến 2010 cung cấp được từ 8-10 dịch vụ công cho người dân và doanh nghiệp. Cụ thể là:

§ Giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo.

§ Cung cấp thông tin liên quan đến các loại hồ sơ thủ tục.

§ Giải quyết hồ sơ thủ tục về đất đai.

§ Cấp giấy phép dự án đầu tư.

§ Cấp giấy phép xây dựng.

[...]