Quyết định 14/2005/QĐ-UBT về phân cấp quản lý lĩnh vực trong ngành giáo dục trên địa bàn tỉnh Trà Vinh do Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh ban hành

Số hiệu 14/2005/QĐ-UBT
Ngày ban hành 22/03/2005
Ngày có hiệu lực 01/04/2005
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Trà Vinh
Người ký Trần Hoàn Kim
Lĩnh vực Giáo dục

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH TRÀ VINH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 14/2005/QĐ-UBT

Trà Vinh, ngày 22 tháng 3 năm 2005

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÂN CẤP QUẢN LÝ MỘT SỐ LĨNH VỰC TRONG NGÀNH GIÁO DỤC TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TRÀ VINH

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH TRÀ VINH

- Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26/11/2003;
- Căn cứ Luật Giáo dục ngày 02/12/1998;
- Căn cứ Pháp lệnh Cán bộ, công chức ngày 26/02/1998; Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Cán bộ, công chức ngày 28/4/2000 và Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Cán bộ, công chức ngày 29/4/2003;
- Căn cứ Nghị định số 116/2003/NĐ-CP ngày 10/10/2003 của Chính phủ về việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý cán bộ, công chức trong các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước;
- Căn cứ Nghị định số 166/2004/NĐ-CP ngày 16/9/2004 của Chính phủ quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục;
- Căn cứ Điều lệ của các trường;
- Căn cứ Thông tư số 10/2004/TT-BNV ngày 19/02/2004 của Bộ Nội vụ hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 116/2003/NĐ-CP ngày 10/10/2003 của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý cán bộ, công chức trong các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước;
- Căn cứ Thông tư Liên tịch số 21/2004/TTLT/BGD&ĐT-BNV ngày 23/7/2004 của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Nội vụ hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan chuyên môn giúp UBND quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo ở địa phương;
- Căn cứ Nghị quyết số 15/2004/NQ.HĐNDT ngày 16/12/2004 của Hội đồng nhân dân tỉnh về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2005;
- Căn cứ Công văn số 2383/BNV-TCCB ngày 17/9/2004 và Công văn số 2587/BNV-TCBC ngày 13/10/2004 của Bộ Nội vụ hướng dẫn quản lý và sử dụng biên chế sự nghiệp giáo dục;
- Xét Tờ trình số 54/SGDĐT ngày 12/4/2004 của Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo và đề nghị của Giám đốc Sở Nội vụ,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1: Phân cấp quản lý một số lĩnh vực trong ngành giáo dục trên địa bàn tỉnh Trà Vinh như sau:

1/- Về chuyên môn:

- Sở Giáo dục và Đào tạo: Trực tiếp quản lý chuyên môn đối với các trường trung học phổ thông, phổ thông dân tộc nội trú và các đơn vị trực thuộc theo Điều lệ, Quy chế hiện hành do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định; chỉ đạo, hướng dẫn các Phòng Giáo dục - Đào tạo và các trường trung học thực hiện nhiệm vụ theo từng năm học.

- Phòng Giáo dục - Đào tạo các huyện, thị xã: Trực tiếp quản lý chuyên môn đối với các trường: Nhà trẻ, mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở, bổ túc cơ sở, phổ thông dân tộc nội trú, trường bồi dưỡng giáo viên và các trung tâm học tập cộng đồng trên địa bàn huyện - thị xã.

2/- Về thành lập, giải thể, tách, nhập các đơn vị trường:

Thực hiện theo Điều lệ, Quy chế hiện hành do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định.

3/- Về tổ chức biên chế:

- Hằng năm, căn cứ quy mô phát triển trường lớp, định mức tổ chức biên chế của từng hạng trường theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Nội vụ, các đơn vị xây dựng biên chế và quỹ tiền lương cụ thể theo từng hạng trường đúng quy định hiện hành.

- Thời gian xây dựng kế hoạch biên chế và quỹ tiền lương vào tháng 4 hằng năm:

+ Đối với cấp tỉnh: Sở Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm hướng dẫn, chỉ đạo các trường, đơn vị trực thuộc Sở và Phòng Giáo dục - Đào tạo xây dựng kế hoạch biên chế, quỹ tiền lương cụ thể của từng hạng trường đúng theo quy định hiện hành.

+ Đối với cấp huyện: Trên cơ sở hướng dẫn kế hoạch biên chế của Sở Giáo dục và Đào tạo, Phòng Giáo dục - Đào tạo hướng dẫn, triển khai cho các trường trực thuộc quản lý, xây dựng kế hoạch biên chế theo định mức của từng hạng trường và chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân huyện - thị xã; đồng thời kiểm tra và tổng hợp kế hoạch biên chế gởi về Phòng Tổ chức - Lao động Thương binh và Xã hội, Phòng Tài chính - Kế hoạch xem xét thẩm định. Sau khi thống nhất với Phòng Giáo dục - Đào tạo về kế hoạch biên chế, quỹ tiền lương của từng trường, Phòng Tổ chức - Lao động Thương binh và Xã hội trình Ủy ban nhân dân dân huyện - thị xã quyết định, Ủy ban nhân dân huyện - thị xã gởi đến Sở Giáo dục và Đào tạo tổng hợp biên chế chung của toàn ngành, Sở Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm về số biên chế giáo viên của toàn ngành.

- Riêng đối với các trường cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và Sở, ngành có các trung tâm giáo dục trực thuộc, căn cứ chức năng, nhiệm vụ của mình và chỉ tiêu đào tạo của từng mã ngành, xây dựng kế hoạch biên chế, quỹ tiền lương cho phù hợp gởi về Sở Nội vụ xem xét.

- Sở Nội vụ chịu trách nhiệm tổng hợp, thẩm định biên chế sự nghiệp giáo dục và đào tạo của toàn tỉnh. Sau khi thống nhất với Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Tài chính, Sở Nội vụ báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, trình Hội đồng nhân dân tỉnh phê chuẩn.

4/- Về tuyển dụng, hợp đồng làm việc, thử việc:

4.1- Đối với Sở Giáo dục và Đào tạo: Thành lập hội đồng xét tuyển hoặc thi tuyển theo nhu cầu của từng năm học cho các trường thuộc Sở quản lý; giao Hiệu trưởng của từng trường ký hợp đồng làm việc với lao động đạt yêu cầu; tổng hợp danh sách các đơn vị đã ký hợp đồng báo cáo Sở Nội vụ và Sở Tài chính theo dõi.

4.2- Đối với huyện - thị xã: Phòng Giáo dục - Đào tạo phối hợp với Phòng Tổ chức - Lao động Thương binh và Xã hội tham mưu cho UBND huyện - thị xã quyết định thành lập hội đồng xét tuyển hoặc thi tuyển theo nhu cầu của từng năm cho các trường thuộc huyện - thị xã quản lý và tổng hợp danh sách trình UBND huyện - thị xã quyết định công nhận kết quả xét tuyển hoặc thi tuyển. Sau đó, Phòng Giáo dục thông báo cho các trường ký hợp đồng lao động; theo dõi tổng hợp danh sách hợp đồng gởi Phòng Tổ chức - Lao động Thương binh và Xã hội, Phòng Tài chính- Kế hoạch, Sở Nội vụ, Sở Giáo dục và Đào tạo và Sở Tài chính theo dõi.

4.3- Đối với các trường cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và các Sở, ngành có các trung tâm giáo dục trực thuộc, thành lập Hội đồng xét tuyển hoặc thi tuyển; được ký hợp đồng lao động theo quy định và tổng hợp danh sách gởi đến Sở Nội vụ, Sở Tài chính theo dõi.

4.4- Khi hết thời gian thử việc, nếu lao động đạt yêu cầu, Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện - thị xã quyết định bổ nhiệm vào ngạch viên chức thuộc quyền quản lý; Sở Giáo dục và Đào tạo quyết định bổ nhiệm vào ngạch viên chức các trường thuộc quyền quản lý.

4.5- Đối với các trường cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và các Sở, ngành có các trung tâm giáo dục trực thuộc, hết thời gian tập sự, thủ trưởng đơn vị đánh giá phẩm chất đạo đức và hiệu quả công việc, nếu đạt yêu cầu quyết định bổ nhiệm vào ngạch viên chức.

4.6- Việc tuyển dụng, hợp đồng làm việc, thử việc và bổ nhiệm vào ngạch viên chức thực hiện đúng Nghị định số 116/2003/NĐ-CP ngày 10/10/2003 của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý cán bộ, công chức trong các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước. Đối với nhân viên bảo vệ, tạp vụ, lái xe, trông giữ phương tiện, … thực hiện lương khoán hoặc hợp đồng lao động theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP ngày 17/11/2000 của Chính phủ.

5/- Nâng ngạch và chuyển ngạch viên chức:

5.1- Nâng ngạch:

Việc nâng ngạch viên chức phải căn cứ vào nhu cầu của cơ quan, vị trí công tác của viên chức, đồng thời căn cứ vào phẩm chất, đạo đức, trình độ, năng lực, khả năng phát triển, kết quả hoàn thành nhiệm vụ, đảm bảo đúng tiêu chuẩn của từng ngạch dự thi; phải qua kỳ thi nâng ngạch, do Hội đồng thi nâng ngạch xem xét trình Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định.

[...]