Quyết định 1399/QĐ-BNN-TCCB năm 2017 quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Thú y do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

Số hiệu 1399/QĐ-BNN-TCCB
Ngày ban hành 13/04/2017
Ngày có hiệu lực 13/04/2017
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Người ký Nguyễn Xuân Cường
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

BNÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1399/QĐ-BNN-TCCB

Hà Nội, ngày 13 tháng 4 năm 2017

 

QUYẾT ĐỊNH

QUY ĐỊNH CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA CỤC THÚ Y

BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN

Căn cứ Nghị định số 123/2016/NĐ-CP ngày 01/9/2016 của Chính phủ Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ;

Căn cứ Nghị định số 15/2017/NĐ-CP ngày 17/02/2017 của Chính phủ Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Vị trí và chức năng

1. Cục Thú y là tổ chức trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thực hiện chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng quản lý nhà nước và tổ chức thực thi pháp luật đối với chuyên ngành thú y, an toàn thực phẩm động vật và sản phẩm động vật thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ theo phân cấp, ủy quyền của Bộ trưởng.

2. Cục Thú y có tư cách pháp nhân, có tài khoản và con dấu riêng, có kinh phí hoạt động theo quy định của pháp luật.

3. Trụ sở của Cục Thú y đặt tại thành phố Hà Nội.

Điều 2. Nhiệm vụ và quyền hạn

1. Trình Bộ trưởng:

a) Các dự thảo: luật, nghị quyết của Quốc hội; pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; nghị định của Chính phủ; văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành, lĩnh vực theo chương trình, kế hoạch xây dựng pháp luật hàng năm của Bộ và các nghị quyết, cơ chế, chính sách, dự án, đề án theo phân công của Bộ trưởng;

b) Chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển dài hạn, trung hạn, hàng năm và các dự án, công trình quan trọng quốc gia, các chương trình, đề án, dự án, công trình thuộc chuyên ngành, lĩnh vực quản lý của Cục theo phân công của Bộ trưởng.

2. Trình Bộ ban hành quyết định, chỉ thị, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, quy trình, quy phạm, định mức kinh tế - kỹ thuật; tổ chức xây dựng tiêu chuẩn quốc gia về quản lý chuyên ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Cục theo phân công của Bộ trưởng và quy định của pháp luật; hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

3. Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra, đánh giá, tổng hợp báo cáo thực hiện các cơ chế, chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch về chuyên ngành, lĩnh vực đã được phê duyệt thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Cục; chỉ đạo và tổ chức thực hiện thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Cục.

4. Ban hành các văn bản cá biệt và hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ thuộc chuyên ngành, lĩnh vực được giao quản lý. Thông báo kế hoạch chi tiết thực hiện chương trình, đề án, dự án do Bộ quản lý cho địa phương, đơn vị sau khi được Bộ phê duyệt kế hoạch tổng thể về chuyên ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Cục.

5. Về phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn:

a) Trình Bộ trưởng ban hành Danh mục bệnh động vật phải công bố dịch, Danh mục bệnh truyền lây giữa động vật và người, Danh mục bệnh động vật cấm giết mổ, chữa bệnh; quy định về phòng, chống dịch bệnh động vật; quy định về vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh động vật; chương trình, kế hoạch quốc gia về phòng, chống, giám sát dịch bệnh nguy hiểm ở động vật, bệnh truyền lây giữa động vật và người;

b) Trình Bộ trưởng quyết định công bố dịch bệnh động vật, các biện pháp phòng bệnh bắt buộc, xử lý động vật mắc bệnh, chết, sản phẩm động vật mang mầm bệnh, công bố hết dịch theo quy định của pháp luật và kiểm tra, đôn đốc, giám sát việc công bố dịch của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp tỉnh;

c) Hướng dẫn, kiểm tra, giám sát và tổ chức thực hiện việc phòng, chống dịch bệnh động vật; phục hồi môi trường sau khi dập tắt dịch bệnh động vật; điều tra, giám sát, phân tích nguy cơ và dự báo dịch bệnh; xây dựng cơ sở dữ liệu và bản đồ dịch tễ dịch bệnh; hướng dẫn điều trị một số bệnh nguy hiểm; khống chế, thanh toán dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở động vật, bệnh truyền lây giữa động vật và người; tổng hợp báo cáo các chương trình, kế hoạch quốc gia về phòng, chống dịch bệnh động vật;

d) Hướng dẫn, kiểm tra và tổ chức thực hiện việc chẩn đoán, xét nghiệm xác định nguyên nhân, tác nhân gây bệnh động vật;

đ) Hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, đánh giá, chứng nhận vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh theo quy định; công bố danh sách vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh;

e) Dự báo tình hình dịch bệnh truyền lây giữa động vật và người; kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền và hướng dẫn thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh truyền lây giữa động vật và người;

g) Tổ chức giám sát định kỳ dịch bệnh động vật đối với các cơ sở chăn nuôi thuộc thẩm quyền theo quy định của pháp luật;

h) Tổng hợp, báo cáo định kỳ, đột xuất với Bộ trưởng về tình hình dịch bệnh động vật theo quy định;

i) Thực hiện nghĩa vụ thông tin, báo cáo dịch bệnh động vật cho các tổ chức quốc tế và các nước liên quan; tham gia các chương trình phòng, chống dịch bệnh động vật trong khu vực và thế giới theo chỉ đạo của Bộ và quy định của pháp luật.

[...]