QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT
QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN ĐIỆN LỰC QUẬN NINH KIỀU, THÀNH PHỐ CẦN THƠ GIAI ĐOẠN 2006
- 2010, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2015
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ CẦN THƠ
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy
ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Điện lực ngày 03 tháng 12 năm
2004;
Căn cứ Nghị định số 105/2005/NĐ-CP ngày 17 tháng
8 năm 2005 của Chính phủ về việc quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số
điều của Luật Điện lực;
Căn cứ Quyết định số 42/2005/QĐ-BCN ngày 30 tháng
12 năm 2005 của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công Thương) về việc quy
định nội dung, trình tự, thủ tục lập và thẩm định quy hoạch phát triển điện lực;
Căn cứ Quyết định số 3720/QĐ-BCN
ngày 20 tháng 12 năm 2006 của Bộ trưởng
Bộ Công nghiệp về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực thành phố
Cần Thơ giai đoạn 2006 - 2010 có xét đến năm 2015;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Công Thương tại Tờ
trình số 16/TTr-SCT ngày 22 tháng 4 năm 2009,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt quy hoạch phát triển
điện lực quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ giai đoạn 2006 - 2010, định hướng
đến năm 2015, với nội dung chủ yếu như sau:
1. Mục tiêu quy hoạch:
- Đảm bảo yêu cầu cung cấp điện hiện nay và phát
triển lưới điện đáp ứng cho nhu cầu phụ tải của quận trong giai đoạn 2006 - 2010
có xét đến năm 2015; mục tiêu đến năm 2010 đạt tỷ lệ 100% số hộ sử dụng điện
trên địa bàn quận;
- Phát triển lưới điện phân phối trên các địa bàn
phù hợp với sơ đồ phát triển lưới truyền tải được Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công
Thương) phê duyệt, nâng cao độ tin cậy cung cấp điện đồng thời giảm tổn thất
điện năng trên lưới phân phối;
- Đề ra biện pháp cải tạo và nâng cấp lưới điện phù
hợp theo từng giai đoạn phát triển phụ tải, đảm bảo đáp ứng việc cung cấp điện
hiệu quả, an toàn, tin cậy;
- Xây dựng mới các tuyến đường dây 22kV và các trạm
biến áp cấp điện cho phụ tải mới, tăng cường công suất cho khu vực;
- Cải tạo lại mạng lưới điện hạ thế tại trung tâm
quận, đảm bảo việc cung cấp điện an toàn, tin cậy và mỹ quan trong khu đô thị;
- Xây dựng được một hệ thống bản đồ địa dư lưới điện
phân phối phục vụ tốt cho công tác quản lý vận hành và khai thác lưới điện.
2. Về phụ tải điện:
Nhằm đáp ứng nhu cầu điện phục vụ mục tiêu phát triển
kinh tế - xã hội của địa phương trong giai đoạn 2006 - 2010 với tốc độ tăng
trưởng GDP là 17 - 18%, hộ sử dụng điện đạt 100%, nhu cầu phụ tải điện của quận Ninh Kiều
theo phương án sau:
+ Năm 2010: dự báo công suất cực đại Pmax = 60,5MW;
điện thương phẩm 301,5 GWh; tốc độ tăng trưởng điện thương phẩm bình quân giai
đoạn 2008 - 2010 là 6,4%/năm, điện thương phẩm bình quân đầu người là 1.366
kWh/người.năm;
+ Năm 2015: dự báo công suất cực đại Pmax = 81,8MW;
điện thương phẩm 432,0 GWh; tốc độ tăng trưởng điện thương phẩm bình quân giai
đoạn 2011 - 2015 là 7,5%/năm, điện thương phẩm bình quân đầu người là 2.029
kWh/người.năm.
3. Nội dung quy hoạch:
a) Về lưới điện trung thế và trạm biến áp phân phối:
- Đường dây trung thế:
+ Toàn bộ hệ thống lưới trung thế quận Ninh Kiều
vận hành ở cấp điện áp 22kV;
+ Giai đoạn 2008 - 2010: xây dựng mới 31,9km đường
dây trung thế trên không; cáp ngầm 5,3km; cải tạo 4,7km đường dây trung thế;
+ Giai đoạn 2011 - 2015: xây dựng mới 16,0km đường
dây trung thế trên không; cáp ngầm 15,9km; cải tạo 9,0km đường dây trung thế;
+ Cấu trúc lưới điện: lưới trung thế đối với nội
ô quận được thiết kế mạch vòng vận hành hở, đối với khu vực nông thôn được thiết
kế hình tia; các đường trục trung thế ở chế độ làm việc bình thường thiết kế
mang tải từ 60 - 70% công suất so với công suất mang tải cực đại cho phép để đảm
bảo an toàn cấp điện khi có sự cố;
+ Tiêu chuẩn điện áp lưới trung thế cho phép: các
đường dây trung thế mạch vòng, khi vận hành hở thiết kế sao cho tổn thất điện
áp tại hộ xa nhất ≤ 5% ở chế độ vận hành bình thường và không quá 10% ở chế độ
sau sự cố. Các đường dây trung thế hình tia có tổn thất điện áp cuối đường dây
≤ 5%;
+ Tại các khu trung tâm nội ô quận, khu đông dân
cư, các nhánh rẽ cấp điện cho các trạm biến áp chuyên dùng của khách hàng sử dụng
cáp ngầm hoặc cáp bọc để bảo đảm an toàn và mỹ quan đô thị.
- Trạm biến áp phân phối:
+ Giai đoạn 2008 - 2010: xây dựng mới trạm biến áp
với tổng dung lượng 33.710kVA (trong đó trạm hợp bộ 2.710kVA); cải tạo trạm biến
áp 632,5kVA;
+ Giai đoạn 2011 - 2015: xây dựng mới trạm biến áp
với tổng dung lượng 20.226kVA (trong đó trạm hợp bộ 1.626kVA); cải tạo trạm biến
áp 190,0kVA;
+ Trạm biến áp phân phối xây dựng trên địa bàn gồm
có các loại như sau:
* Loại trạm hợp bộ và nhà trạm: sử dụng cho các khu
đô thị, khu dân cư mới yêu cầu cao về mặt mỹ quan cho các tòa nhà chung cư cao
tầng, khu thương mại và dịch vụ giải trí trong khu vực nội ô;
* Loại trạm thân trụ thép: sử dụng cho các khu đô
thị, khu dân cư mới yêu cầu cao về mặt mỹ quan cho các tòa nhà chung cư cao tầng,
khu thương mại và dịch vụ giải trí;
* Trạm trên cột và trạm giàn: sử dụng cho các cụm
dân cư nông thôn, các khu vực vành đai đô thị đồng bộ với lưới điện trên không.
+ Đối với trạm biến áp công cộng, công suất trạm
được tính toán theo nguyên tắc đủ khả năng cung cấp điện cho các phụ tải dân sinh
trong vòng bán kính từ 300 - 800m.
+ Gam máy biến áp:
* Phụ tải công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp lớn,
ánh sáng sinh hoạt cho khu vực dân cư đông đúc chọn phổ biến loại 75 ÷ 630kVA;
* Khu vực phụ tải ánh sáng sinh hoạt, chiếu sáng
công cộng và các cơ sở tiểu thủ công nghiệp nhỏ phổ biến loại 25kVA ÷ 50kVA;
* Các trạm chuyên dùng của khách hàng theo quy mô
phụ tải sẽ được thiết kế với gam máy thích hợp.
b) Về tiêu chuẩn lưới điện hạ thế và điện kế:
- Về lưới điện hạ thế:
+ Giai đoạn 2008 - 2010: xây dựng mới 56,9km đường
dây hạ thế. Cải tạo 5,8km đường dây hạ thế;
+ Giai đoạn 2011 - 2015: xây dựng mới 34,1km đường
dây hạ thế. Cải tạo 17,0km đường dây hạ thế;
+ Lưới hạ thế được thiết kế hình tia trừ các phụ
tải công nghiệp, dịch vụ thương mại, khu phố có yêu cầu đặc biệt thì phải thiết
kế mạch vòng có liên kết dự phòng;
+ Bán kính lưới hạ thế đối với khu vực nông thôn
dân cư phân tán không quá 800m, ở khu vực nội ô bán kính hạ thế không quá 500m;
+ Các đường dây trục chính sử dụng hệ thống 3 pha
4 dây, điện áp 380/220V. Các nhánh rẽ tùy theo nhu cầu phụ tải sử dụng 1 hoặc 3
pha. Hệ thống hạ thế nối đất trung tính trực tiếp, khoảng cách trung bình từ
các đường dây hạ thế tới nhà dân là 40m;
+ Tiết diện dây pha của đường trục ≥ 95mm2,
tiết diện dây pha của đường nhánh
≥ 50mm2.
- Về điện kế:
+ Lắp đặt mới công tơ các loại giai đoạn 2008 -
2010 là 1.792 cái;
+ Lắp đặt mới công tơ các loại giai đoạn 2011 -
2015 là 2.819 cái.
- Về vốn đầu tư:
+ Giai đoạn 2008
- 2010, tổng vốn đầu tư cho phát triển lưới điện là 49,954 tỷ đồng, gồm:
* Vốn phát triển lưới trung thế là: 33,697 tỷ đồng;
* Vốn phát triển lưới hạ thế và công tơ là: 16,257
tỷ đồng.
+ Giai đoạn 2011
- 2015, tổng vốn đầu tư cho phát triển lưới điện là 46,055 tỷ đồng, gồm:
* Vốn phát triển lưới trung thế là: 33,421 tỷ đồng;
* Vốn phát triển lưới hạ thế và công tơ là: 12,635
tỷ đồng.
Nguồn vốn đầu tư: theo quy định của Luật Điện lực.
Điều 2. Tổ chức thực hiện:
1. Giao Sở Công Thương có nhiệm vụ triển khai quy
hoạch, giám sát các dự án thực hiện theo kế hoạch từng năm phải phù hợp với quy
hoạch được duyệt; hàng năm báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố về tình hình thực
hiện quy hoạch trên địa bàn quận.
2. Điện lực thành phố Cần Thơ và các chủ đầu tư khác
có trách nhiệm báo cáo kế hoạch đầu tư cải tạo và phát triển lưới điện hàng năm
trên địa bàn quận cho Ủy ban nhân dân quận Ninh Kiều, Sở Công Thương để phối
hợp thực hiện.
3. Ủy ban nhân dân quận Ninh Kiều:
- Có kế hoạch dành quỹ đất để xây dựng công trình
điện và phối hợp với Sở Công Thương, Điện lực thành phố Cần Thơ trong công tác
giải phóng mặt bằng và phổ biến tuyên truyền cho các tổ chức, cá nhân tham gia
thực hiện bảo đảm hành lang an toàn lưới điện trên địa bàn quận theo đúng quy
định;
- Căn cứ quy hoạch được duyệt và tình hình thực tế
phát triển kinh tế xã hội trên từng phường; hàng năm lập nhu cầu cải tạo và phát
triển lưới điện thông qua Sở Công Thương tổng hợp để thống nhất với ngành điện
đưa vào kế hoạch đầu tư xây dựng.
Điều 3. Chánh văn phòng Ủy ban nhân dân thành
phố, Giám đốc Sở Công Thương, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Giám đốc Sở Tài
chính, Giám đốc Kho bạc nhà nước Cần Thơ,
Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Ninh Kiều, Giám đốc Điện lực thành phố Cần Thơ
và thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết
định này kể từ ngày ký./.