Quyết định 1332/QĐ-UBND năm 2015 phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang đến năm 2020, định hướng đến năm 2030

Số hiệu 1332/QĐ-UBND
Ngày ban hành 28/05/2015
Ngày có hiệu lực 28/05/2015
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Tiền Giang
Người ký Nguyễn Văn Khang
Lĩnh vực Thương mại,Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH TIỀN GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1332/QĐ-UBND

Tiền Giang, ngày 28 tháng 05 năm 2015

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐIỀU CHỈNH QUY HOẠCH TỔNG THỂ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI HUYỆN CHÂU THÀNH ĐẾN NĂM 2020, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH TIỀN GIANG

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;

Căn cứ Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11/01/2008 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;

Xét đề nghị của Sở Kế hoạch và Đầu tư,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội huyện Châu Thành đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 với những nội dung chủ yếu sau:

I. QUAN ĐIỂM PHÁT TRIỂN

1. Tiếp tục khơi dậy và huy động tối đa các nguồn nội lực, tranh thủ mọi nguồn lực từ bên ngoài cho đầu tư phát triển. Đảm bảo sử dụng hiệu quả các nguồn vốn đầu tư phát triển, tập trung đúng mức vốn ngân sách cho xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng thiết yếu, nền tảng. Chú trọng khai thác lợi thế của huyện trong vùng trung tâm của tỉnh.

2. Đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh ở các sản phẩm, lĩnh vực thế mạnh của huyện. Phát huy hiệu quả sử dụng các chương trình, dự án đầu tư của Trung ương, của tỉnh trên địa bàn.

3. Phát triển bền vững với 3 trụ cột: kinh tế - xã hội - môi trường.

Phát triển kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội; phát triển kinh tế kết hợp chặt chẽ với bảo vệ môi trường; đồng thời, phát triển kinh tế - xã hội phải đảm bảo giữ vững ổn định chính trị và an toàn xã hội trong các giai đoạn phát triển.

4. Phát triển hài hòa giữa đô thị và nông thôn: Phát triển các đô thị, khu đô thị mới theo hướng văn minh, hiện đại; tổ chức không gian tại các đô thị cần hài hòa, hạ tầng kỹ thuật cần đầu tư đồng bộ; liên hoàn giữa phát triển đô thị với phát triển thương mại, dịch vụ, khu dân cư tập trung. Cải tạo, nâng cấp và phát triển các đô thị, thị tứ trở thành các trung tâm kinh tế phát triển với chức năng là hạt nhân thúc đẩy và lan tỏa tới các vùng nông thôn trong huyện. Phát triển các xã theo mô hình nông thôn mới trên cơ sở huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực trong dân, nhằm giảm nhanh chênh lệch mức sống giữa thành thị và nông thôn, giữa người giàu và người nghèo.

5. Quan điểm về phát triển con người, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực: Bảo đảm cho mọi người dân được bình đẳng trong tiếp cận các loại thị trường, cũng như có cơ hội tham gia và hưởng thụ thành quả nhờ phát triển kinh tế mang lại. Chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ khoa học - kỹ thuật và chương trình dạy nghề cho người lao động.

II. MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN

1. Mục tiêu tổng quát

Xây dựng Châu Thành trở thành một trong những trung tâm phát triển đô thị, thương mại, dịch vụ giá trị gia tăng cao của tỉnh Tiền Giang; cùng với thành phố Mỹ Tho và huyện Chợ Gạo hình thành nên vùng trung tâm phát triển đô thị, giáo dục đào tạo, y tế cấp tiểu vùng phía Tây Nam vùng thành phố Hồ Chí Minh, phía Bắc của Vùng đồng bằng sông Cửu Long và vùng tỉnh; cùng với thành phố Mỹ Tho và huyện Tân Phước hình thành nên tam giác phát triển kinh tế mới của tỉnh Tiền Giang. Châu Thành là huyện có hệ thống kết cấu hạ tầng tiến tới đồng bộ và từng bước hiện đại; đời sống vật chất, văn hóa và tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện và nâng cao; môi trường sinh thái được bảo vệ; trật tự an toàn xã hội được đảm bảo.

2. Mục tiêu cụ thể

a) Về kinh tế

- Giá trị sản xuất trên địa bàn (giá so sánh 2010) giai đoạn 2016-2020 tăng bình quân 11-12%/năm; trong đó, nông lâm thủy sản tăng 4,5-5,0%/năm; công nghiệp và xây dựng tăng 12,7-13,6%/năm, dịch vụ tăng 12,0-13,0%/năm.

- Cơ cấu giá trị sản xuất (giá hiện hành) năm 2020: nông lâm thủy sản chiếm 11,0-12,0%; công nghiệp và xây dựng chiếm 75,0-77,0% và dịch vụ chiếm 12,0-13,0%.

- Giá trị gia tăng bình quân đầu người (giá hiện hành) năm 2020 đạt khoảng 77-78,7 triệu đồng.

- Tổng vốn đầu tư toàn xã hội 5 năm (giá hiện hành) thời kỳ 2016-2020 là 28.700-29.900 tỷ đồng.

- Tổng thu ngân sách trên địa bàn đạt 600-650 tỷ đồng năm 2020, trong đó thu ngân sách từ kinh tế địa phương khoảng 490-500 tỷ đồng.

- Tỷ lệ xã đạt tiêu chuẩn quốc gia về xây dựng nông thôn mới trên 50% vào năm 2020.

b) Về xã hội

[...]