Quyết định 1296/QĐ-UBND năm 2020 về Đề án “Phát triển nguồn nhân lực tỉnh Kon Tum đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”

Số hiệu 1296/QĐ-UBND
Ngày ban hành 24/12/2020
Ngày có hiệu lực 24/12/2020
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Kon Tum
Người ký Lê Ngọc Tuấn
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KON TUM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1296/QĐ-UBND

Kon Tum, ngày 24 tháng 12 năm 2020

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH ĐỀ ÁN “PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC TỈNH KON TUM ĐẾN NĂM 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050”

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH KON TUM

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Nghị quyết số 39-NQ/TW, ngày 15 tháng 01 năm 2019 của Bộ Chính trị về nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực của nền kinh tế;

Căn cứ Nghị quyết số 30/NQ-CP ngày 12 tháng 3 năm 2020 của Chính phủ Ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 39- NQ/TW ngày 15-01-2019 của Bộ Chính trị về nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực của nền kinh tế;

Thực hiện Kế hoạch số 113-KH/TU ngày 17 tháng 10 năm 2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW, ngày 15 tháng 01 năm 2019 của Bộ Chính trị về nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực của nền kinh tế; Kết luận số 04-KL/TU ngày 07 tháng 12 năm 2020 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kon Tum về Đề án “Phát triển nguồn nhân lực tỉnh Kon Tum đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tại Văn bản số 3183/SKHĐT-VX ngày 14 tháng 12 năm 2020.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Đề án “Phát triển nguồn nhân lực tỉnh Kon Tum đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”, gồm những nội dung chủ yếu sau:

1. Mục tiêu:

a) Mục tiêu chung: Phát triển nguồn nhân lực tỉnh đủ về số lượng; có cơ cấu lao động theo trình độ chuyên môn phù hợp; có năng lực nghề nghiệp, trình độ ngoại ngữ, tin học, kỹ năng mềm; chủ động, sáng tạo trong công việc phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững của tỉnh.

b) Mục tiêu cụ thể:

- Mục tiêu đến năm 2030

+ Nhóm mục tiêu đối với cán bộ, công chức, viên chức: Phấn đấu tỷ lệ cán bộ, công chức được nâng cao trình độ lý luận chính trị, năng lực về quản lý nhà nước đạt 100%; tỷ lệ cán bộ, công chức có trình độ chuyên môn trên đại học đạt 20%; tỷ lệ cán bộ chủ chốt các xã, phường, thị trấn có trình độ đại học trở lên đạt 90%; tỷ lệ cán bộ, công chức có trình độ cao cấp lý luận chính trị đạt 25%; tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức được bồi dưỡng nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ, đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp, kiến thức hội nhập quốc tế, tiếng dân tộc thiểu số, tin học, ngoại ngữ đạt 100%. Hình thành và phát triển đội ngũ nhân lực làm việc trong lĩnh vực khoa học, công nghệ của tỉnh cơ bản đảm bảo về số lượng và chất lượng, đáp ứng yêu cầu đổi mới, thúc đẩy phát triển và hội nhập quốc tế.

+ Nhóm mục tiêu về giáo dục - đào tạo: Tiếp tục giữ vững phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi; duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục tiểu học, trung học cơ sở đúng độ tuổi ở 100% xã, phường, thị trấn. Đẩy mạnh công tác phân luồng học sinh sau tốt nghiệp trung học cơ sở và trung học phổ thông. Phấn đấu đạt ít nhất 35% học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp; ít nhất 40% học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ cao đẳng. Củng cố vững chắc kết quả xóa mù chữ và không mù chữ trở lại. Phấn đấu 99% số người trong độ tuổi 15-60 tuổi biết chữ; 99,9% số người trong độ tuổi 15-35 tuổi biết chữ. Phấn đấu 100% giáo viên mầm non đạt chuẩn, trong đó có 5% trên chuẩn; 100% giáo viên tiểu học đạt chuẩn, trong đó có 5% trên chuẩn; 100% giáo viên trung học cơ sở đạt chuẩn, trong đó có 5% trên chuẩn; 17% giáo viên trung học phổ thông đạt trên chuẩn về trình độ đào tạo theo quy định; 80,5% giáo viên trung cấp, giảng viên cao đẳng đạt trình độ từ Thạc sỹ trở lên.

+ Nhóm mục tiêu về lao động, việc làm: Tỷ trọng cơ cấu lao động làm việc trong khu vực công nghiệp, xây dựng, dịch vụ đạt trên 44% và cơ cấu lao động làm việc trong khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản dưới 56%. Duy trì mức bình quân mỗi năm giải quyết việc làm cho khoảng 6.200 lao động (trong đó có ít nhất 150 lao động tham gia xuất khẩu lao động). Phấn đấu tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 70%, trong đó đào tạo nghề đạt trên 50%. Đảm bảo 95% lao động học nghề ra trường có việc làm đúng với nghề đã học.

+ Nhóm mục tiêu về nâng cao thể trạng, sức khỏe nguồn nhân lực: Nâng cao thể lực và tầm vóc con người; giảm tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng chiều cao theo tuổi xuống dưới 30% và suy dinh dưỡng cân nặng theo tuổi xuống dưới 12,8%. Phấn đấu tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 97,5%. Phát triển mạnh mẽ phong trào thể dục, thể thao quần chúng; phấn đấu có 45% dân số tập luyện thể dục, thể thao thường xuyên.

- Mục tiêu đến năm 2050

+ Duy trì các mục tiêu đến năm 2045 theo Đề án.

+ Nâng tỷ lệ cán bộ, công chức có trình độ chuyên môn trên đại học trên 30% và tỷ lệ cán bộ, công chức có trình độ cao cấp lý luận chính trị trên 35%.

+ Học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp trên 40% và học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ cao đẳng trên 45%.

+ Vận động dân số tham gia tập luyện thể dục, thể thao thường xuyên trên 60%.

2. Nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm:

a) Tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và Nhân dân trên địa bàn tỉnh về vai trò, tầm quan trọng của phát triển nguồn nhân lực trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

b) Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chương trình số 67-CTr/TU, ngày 29-42014 của Tỉnh ủy "thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 04-11-2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế"; Kết luận số 52-KL/TW, ngày 30-5- 2019 của Ban Bí thư Trung ương Đảng “về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”; Đề án tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011-2030. Phát triển giáo dục, đào tạo gắn với phát triển khoa học và công nghệ; khắc phục triệt để “bệnh thành tích” và những tiêu cực trong giáo dục, đào tạo.

c) Bố trí ngân sách phù hợp cho công tác nghiên cứu khoa học; thực hiện có hiệu quả các Chương trình đã ký kết giữa tỉnh Kon Tum với các đơn vị trong nghiên cứu khoa học; thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn lực hợp tác quốc tế, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, tăng cường cơ sở vật chất thông qua các nguồn vốn viện trợ, các chương trình, dự án hợp tác với các nước, các tổ chức quốc tế để tăng cường đầu tư cho giáo dục, nhất là các cơ sở giáo dục vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế khó khăn.

d) Cải thiện điều kiện, môi trường làm việc để tạo động lực, khuyến khích lao động hiệu quả. Có cơ chế thu hút đội ngũ nhân lực, nhất là đội ngũ chuyên gia giỏi, cán bộ khoa học kỹ thuật có trình độ chuyên môn cao đến làm việc tại tỉnh. Đổi mới phương thức hoạt động của các đoàn thể, các tổ chức quần chúng, tổ chức xã hội - nghề nghiệp... trong phát triển nguồn nhân lực.

[...]