Thứ 2, Ngày 28/10/2024

Quyết định 129/QĐ-UBND năm 2014 phê duyệt Quy hoạch phát triển cơ sở bán buôn, bán lẻ tỉnh Cà Mau đến năm 2020

Số hiệu 129/QĐ-UBND
Ngày ban hành 24/01/2014
Ngày có hiệu lực 24/01/2014
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Cà Mau
Người ký Dương Tiến Dũng
Lĩnh vực Thương mại

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH CÀ MAU
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 129/QÐ-UBND

Cà Mau, ngày 24 tháng 01 năm 2014.

 

QUYẾT ÐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN CƠ SỞ BÁN BUÔN, BÁN LẺ TỈNH CÀ MAU ĐẾN NĂM 2020

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội; Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP;

Căn cứ Công văn số 7441/BCT-TTTN ngày 22/8/2008 của Bộ Công Thương về việc lập quy hoạch mạng lưới cơ sở bán buôn, bán lẻ tại địa phương;

Căn cứ Văn bản số 3215/UBND-KT ngày 03/9/2008 của Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau về việc Quy hoạch mạng lưới cơ sở bán buôn, bán lẻ trên địa bàn tỉnh Cà Mau;

Căn cứ Công văn số 4172/UBND-KT ngày 07/11/2008 của Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau về việc thống nhất đề cương và dự toán kinh phí lập Quy hoạch mạng lưới cơ sở bán buôn, bán lẻ tỉnh Cà Mau đến 2020;

Căn cứ Quyết định số 188/QĐ-UBND ngày 31/01/2013 của Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau về việc phê quyệt Quy hoạch Tổng thể phát triển thương mại tỉnh Cà Mau đến năm 2020;

Xét đề nghị của Sở Công Thương tại Tờ trình số 124/TTr-SCT ngày 11/12/2013 về phê duyệt Quy hoạch phát triển cơ sở bán buôn, bán lẻ tỉnh Cà Mau đến năm 2020; ý kiến của Sở Kế hoạch và Đầu tư tại Công văn số 2087/SKHĐT-KT ngày 30/12/2013,

QUYẾT ÐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch phát triển cơ sở bán buôn, bán lẻ tỉnh Cà Mau đến năm 2020, với các nội dung chủ yếu sau:

1. Các quan điểm phát triển.

a) Phát triển cơ sở bán buôn, bán lẻ trên địa bàn tỉnh trước hết phải gắn với việc tổ chức tiêu thụ sản phẩm hàng hóa sản xuất trong tỉnh và đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu tiêu dùng của người sản xuất và các tầng lớp dân cư trong xã hội.

b) Phát triển cơ sở bán buôn, bán lẻ trên địa bàn tỉnh phải gắn với đầu tư kết cấu hạ tầng thương mại và nhiều loại hình doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, đồng thời thiết lập các kênh phân phối làm cho quá trình lưu thông hàng hóa diễn ra thông suốt tạo điều kiện đáp ứng tốt nhất nhu cầu phát triển sản xuất và đời sống.

c) Phát triển cơ sở bán buôn, bán lẻ trên địa bàn tỉnh gắn với việc xây dựng nền thương mại văn minh, hiện đại, nâng cao tỷ trọng dịch vụ, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp, dịch vụ và nông nghiệp.

d) Phát triển cơ sở bán buôn, bán lẻ trên địa bàn tỉnh phải đảm bảo kết hợp giữa mạng lưới bán buôn, bán lẻ hiện có với việc mở rộng và phát triển thêm mạng lưới cơ sở bán buôn, bán lẻ mới, hiện đại và có sự liên kết chặt chẽ để đáp ứng nhu cầu hội nhập kinh tế quốc tế.

2. Mục tiêu phát triển.

a) Tốc độ tăng bình quân hàng năm của tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng giai đoạn 2011-2015 khoảng 14,5-15%/năm, trong giai đoạn 2016-2020 khoảng 15,5-16%/năm. Trong cả thời kỳ 2011-2020 dự kiến đạt mức tăng trưởng bình quân khoảng 15%-15,5%/năm. Đến năm 2015, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt khoảng 48.958 tỷ đồng và đến năm 2020 đạt khoảng 101.245 tỷ đồng.

b) Tỷ trọng mức bán lẻ hàng hóa theo thành phần kinh tế đến năm 2015: Khu vực kinh tế trong tỉnh (bao gồm khu vực kinh tế nhà nước và khu vực kinh tế ngoài nhà nước) chiếm khoảng 85%; khu vực có vốn đầu tư ngoài tỉnh, nước ngoài chiếm khoảng 15%; tỷ trọng này đến năm 2020 tương ứng là 75% và 25%.

c) Tỷ trọng mức bán lẻ hàng hóa thông qua loại hình thương mại hiện đại (trung tâm thương mại, siêu thị, mạng lưới cửa hàng tiện lợi...) đạt khoảng 15-20% vào năm 2015, đến năm 2020 đạt khoảng 25-30%.

d) Hiện đại hóa kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển cơ sở bán buôn, bán lẻ, đặc biệt là hệ thống cơ sở bán buôn, bán lẻ hiện đại ở các đô thị, khu công nghiệp, khu kinh tế; hoàn thành về cơ bản chương trình phát triển các loại hình chợ (chợ dân sinh ở khu vực nông thôn và chợ trung tâm, chợ chuyên doanh, chợ đầu mối ở các vùng sản xuất nông sản tập trung, các thị trường tiêu thụ lớn).

3. Quy hoạch phát triển hệ thống cơ sở bán buôn, bán lẻ truyền thống.

a) Chợ đầu mối:

- Chợ đầu mối nông sản: Thực hiện các chức năng tập hợp và phân phối nông sản, tổ chức bán buôn và một phần bán lẻ, cung cấp đầy đủ dịch vụ chuyên nghiệp cho các hoạt động giao dịch, mua bán, giao nhận, vận chuyển, phân loại, đóng gói, chế biến, bảo quản, kiểm tra hàng hóa và các dịch vụ tài chính, thông tin, môi giới...

- Chợ đầu mối thủy sản: Thực hiện các chức năng tập hợp và phân phối thủy sản tại vùng sản xuất và đầu mối tập trung, bán buôn và một phần bán lẻ, cung cấp đầy đủ dịch vụ chuyên nghiệp cho các hoạt động giao dịch, mua bán, giao nhận, vận chuyển, phân loại, đóng gói, chế biến, bảo quản, kiểm tra hàng hóa và các dịch vụ tài chính, thông tin, môi giới...

b) Chợ bán buôn khu vực: Thực hiện chức năng tập hợp, phát luồng hàng hóa, trong đó bán buôn phát luồng hàng công nghiệp tiêu dùng và nông sản tươi sống.

c) Chợ bán lẻ: Trong kỳ quy hoạch cần nâng cấp hoặc chuyển đổi một số chợ bán lẻ ở phường, khóm tại các khu vực đô thị sang loại hình siêu thị tổng hợp và cửa hàng chuyên doanh thực phẩm. Các chợ bán lẻ được phân bố ở xã, ấp nhằm phục vụ các cụm, điểm dân cư nông thôn.

[...]