Quyết định 128/2006/QĐ-UBND phê duyệt Đề án công tác Phòng cháy và chữa cháy trên địa bàn tỉnh Bình Dương giai đoạn 2006-2010

Số hiệu 128/2006/QĐ-UBND
Ngày ban hành 18/05/2006
Ngày có hiệu lực 28/05/2006
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Bình Dương
Người ký Nguyễn Hoàng Sơn
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH DƯƠNG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 128/2006/QĐ-UBND

Thủ Dầu Một, ngày 18 tháng 5 năm 2006

 

QUYẾT ĐỊNH

V/V PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN CÔNG TÁC PHÒNG CHÁY VÀ CHỮA CHÁY TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH DƯƠNG (GIAI ĐOẠN: 2006-2010)

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26/11/2003;

Căn cứ Luật Phòng cháy và chữa cháy ngày 04/10/2001;

Theo đề nghị của Giám Đốc Công an tỉnh,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án công tác Phòng cháy và chữa cháy trên địa bàn tỉnh Bình Dương giai đoạn 2006-2010 (có Đề án kèm theo).

Điều 2. Công an tỉnh có trách nhiệm lập kế hoạch xây dựng các Đội phòng cháy chữa cháy khu vực trên địa bàn và tổ chức triển khai thực hiện các nội dung trong đề án đến thủ trưởng các sở, ban, ngành, các doanh nghiệp và các địa phương. Hàng quí báo cáo kết quả thực hiện về Uỷ ban nhân dân tỉnh.

Điều 3. Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Công an tỉnh, Lãnh đạo các Sở, Ban, Ngành, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã Thủ Dầu Một và Giám đốc các Doanh nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh Bình Dương có trách nhiệm thi hành Quyết định này. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày, kể từ ngày ký./.

 

 

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Nguyễn Hoàng Sơn

 

ĐỀ ÁN

CÔNG TÁC PHÒNG CHÁY VÀ CHỮA CHÁY GIAI ĐOẠN 2006-2010
(Ban hành kèm theo Quyết định số 128/2006/QĐ-UBND ngày 18/5/2006 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Bình Dương)

I. Đặc điểm tình hình có liên quan đến công tác phòng cháy và chữa cháy (PCCC):

Tỉnh Bình Dương thuộc miền Đông Nam Bộ, nằm trên Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Những năm qua, Tỉnh Bình Dương biết tận dụng các lợi thế cạnh tranh và các chính sách đầu tư thông thoáng đã thu hút nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước đến đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh. Trên địa bàn tỉnh hiện có 16 khu công nghiệp, 1 khu Liên hợp Công nghiệp - Dịch vụ - Đô thị Bình Dương, 19 Cụm công nghiệp gắn với 122 Cụm dân mới tại các huyện Thuận An, Dĩ An, Tân Uyên, Bến Cát và thị xã Thủ Dầu Một.

Trong quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội của tỉnh đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020 thì dự kiến toàn tỉnh sẽ có 26 khu công nghiệp và 01 khu Liên hợp Công nghiệp - Dịch vụ - Đô thị Bình Dương với tổng diện tích là 9.778 ha. Do đó, công tác đảm bảo an toàn, phòng, chống cháy nổ là rất quan trọng, gắn liền với nhiệm vụ bảo vệ An ninh chính trị và Trật tự an toàn xã hội. Nhiều công ty, Nhà máy, Xí nghiệp, Khu dân cư, Trung tâm thương mại có sử dụng nguyên liệu, hàng hóa dễ cháy, nổ như: điện, xăng, dầu, khí đốt, hóa chất …,để sản xuất, kinh doanh và phục vụ đời sống sinh hoạt ngày càng tăng, dẫn đến nguy cơ cháy nổ tiềm ẩn ngày càng lớn.

Nhiệm vụ công tác phòng cháy và chữa cháy sẽ hết sức nặng nề và phức tạp, Đảng và Nhà nước đã xác định “Công tác phòng cháy và chữa cháy là bảo vệ tài sản tài sản Nhà nước, tính mạng và tài sản của nhân dân, bảo vệ An ninh quốc gia và giữ gìn trật tự an toàn xã hội’’. Do đó, công tác phòng cháy chữa cháy đòi hỏi phải được sự quan tâm, chú trọng của lãnh đạo các cấp, các ngành, các doanh nghiệp nhằm góp phần đảm bảo an ninh trật tự tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội.

II. Sự cần thiết phải xây dựng quy hoạch tổng thể về công tác phòng cháy và chữa cháy, xây dựng các đội phòng cháy chữa cháy khu vực:

Nhằm triển khai thực hiện Luật phòng cháy và chữa cháy đã được Quốc Hội khóa IX thông qua ngày 29/06/2001 và có hiệu lực thi hành ngày 4/10/2001, Nghị định số 35/2003/NĐ-CP ngày 04/4/2003 của Chính phủ, Thông tư số 04/2004/TT-BCA ngày 31/3/2004 của Bộ Công an về việc hướng dẫn thi hành Luật phòng cháy và chữa cháy, Uỷ ban nhân dân tỉnh đã ban hành nhiều văn bản, triển khai và chỉ đạo các cấp, các ngành, các doanh nghiệp tổ chức thực hiện Luật Phòng cháy và chữa cháy; Đã đầu tư kinh phí đáng kể để cải tạo, nâng cấp hệ thống cấp nước chữa cháy, sửa chữa và trang bị phương tiện chữa cháy, trụ sở làm việc cho lực lượng phòng cháy chữa cháy chuyên nghiệp của tỉnh. Tuy nhiên so với sự phát triển kinh tế – xã hội thì công tác phòng cháy chữa cháy của tỉnh vẫn còn  nhiều hạn chế bất cập như: Lực lượng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy hiện có 04 đội phòng cháy, chữa cháy; có 08 xe chữa cháy, 02 xe trạm bơm, 1 xe thang chữa cháy, 01 xe chữa cháy chống bạo loạn, 01 xe bồn tiếp nước, 01 xe chở phương tiện, tập trung ở Thị xã, Thuận An, Dĩ An, phương tiện chữa cháy thiếu gây khó khăn lớn cho công tác cứu chữa.

Căn cứ qui chuẩn xây dựng Việt Nam 1997, tập I, trang 85, Điều 5.16 phòng chống cháy đô thị “Bán kính đội cháy chữa trung tâm là 5km, Đội PCCC khu vực là 3km”, thực tế hiện nay lực lượng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy ở Trung tâm và ở khu vực còn mỏng, chưa đáp ứng yêu cầu.

III. Những nội dung cần thực hiện trong thời gian tới:

1. Công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật PCCC

Phối hợp với các cấp, các ngành để giáo dục Luật PCCC, đẩy mạnh công tác tuyên truyền hướng dẫn pháp luật PCCC trong các cơ quan, doanh nghiệp cũng như ngoài xã hội  phải tập trung thực hiện các yêu cầu sau:

- Sở Tư pháp phối hợp công an tỉnh thường xuyên tuyên truyền luật phòng cháy chữa cháy trong chương trình Pháp luật và Cuộc sống trên đài phát thanh  và truyền hình làm cho mọi người nâng cao nhận thức và thực hiện có hiệu quả.

- Hàng năm tổ chức thi tìm hiểu Luật phòng cháy chữa cháy để tạo tiền đề cho toàn dân tham gia phòng cháy chữa cháy .

- Sở Văn hóa –Thông tin có kế hoạch hướng dẫn thường xuyên tổ chức công tác tuyên truyền an toàn phòng cháy chữa cháy đến các khu dân cư bằng hình thức như phát bằng hình ảnh.

[...]