Quyết định 1273/QĐ-UBND năm 2017 phê duyệt “Điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”

Số hiệu 1273/QĐ-UBND
Ngày ban hành 26/04/2017
Ngày có hiệu lực 26/04/2017
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh An Giang
Người ký Lê Văn Nưng
Lĩnh vực Thương mại,Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH AN GIANG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1273/QĐ-UBND

An Giang, ngày 26 tháng 4 năm 2017

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT “ĐIỀU CHỈNH QUY HOẠCH TỔNG THỂ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI HUYỆN CHỢ MỚI ĐẾN NĂM 2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030”

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH AN GIANG

Căn cứ Luật tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;

Căn cứ Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11/01/2008 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;

Xét đề nghị của Sở Kế hoạch và Đầu tư tại Tờ trình số 75/TTr-SKHĐT, ngày 17/4/2017 về việc phê duyệt “Điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội huyện Chợ Mới đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt “Điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội huyện Chợ Mới đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” với những nội dung chủ yếu sau:

1. Quan điểm phát triển:

Đảm bảo mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa - xã hội, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, đảm bảo mọi người dân có cơ hội tham gia và hưởng thụ thành quả của sự phát triển; bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu để phát triển bền vững; đồng thời, phát triển kinh tế phải gắn với đảm bảo quốc phòng - an ninh. Phát triển kinh tế - xã hội huyện Chợ Mới đặt trong bối cảnh liên vùng, liên tỉnh trên tất cả các lĩnh vực trọng yếu nhằm khai thác tốt tiềm năng, phát huy lợi thế hướng đến mục tiêu phát triển kinh tế ổn định, bền vững.

Chợ Mới là huyện nông nghiệp và có thế mạnh về thương mại, tiềm năng về sản xuất công nghiệp chế biến nông thuỷ sản, chế biến lương thực thực phẩm, do đó nguồn lực đầu tư để phát triển kinh tế được xác định theo thứ tự ưu tiên “nông nghiệp, thương mại dịch vụ, công nghiệp xây dựng”. Xác định nông nghiệp và du lịch là 2 lĩnh vực mũi nhọn trong giai đoạn 2016-2025, phát triển theo hướng không ngừng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh và xây dựng nền kinh tế xanh để tạo nền tảng phát triển thương mại dịch vụ, công nghiệp chế biến và xây dựng.

Tiếp tục khơi dậy và huy động tối đa các nguồn nội lực, tranh thủ mọi nguồn lực từ bên ngoài cho đầu tư phát triển. Đảm bảo sử dụng hiệu quả các nguồn vốn đầu tư phát triển, thực hiện tái cơ cấu trong đầu tư công theo hướng giảm vốn nhà nước, tăng vốn xã hội, tập trung đúng mức vốn ngân sách cho xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng thiết yếu, nền tảng. Nâng cao vai trò định hướng, kiến tạo và hỗ trợ phát triển của Nhà nước thông qua các cơ chế, chính sách. Phát huy mạnh mẽ vai trò của nhân dân và doanh nghiệp trong đầu tư phát triển và thực thi chính sách.

Quan điểm về phát triển con người, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực: bảo đảm cho mọi người dân được bình đẳng trong tiếp cận các loại thị trường (thị trường lao động, chăm sóc sức khoẻ ban đầu, giáo dục đào tạo, dịch vụ công ích, an ninh an toàn cuộc sống). Chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ khoa học - kỹ thuật và chương trình đào tạo nghề cho người lao động.

2. Mục tiêu phát triển:

2.1. Mục tiêu:

Chợ Mới là huyện dẫn đầu về sản xuất rau màu, nuôi trồng thủy sản của tỉnh; đi đầu trong sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Chuyển đổi cơ bản, toàn diện các hoạt động quản lý kinh tế - xã hội, sản xuất kinh doanh và dịch vụ. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phần lớn lao động của huyện được đào tạo, tạo năng suất lao động xã hội cao, mức sống và văn hoá - xã hội được cải thiện và nâng cao. Cơ cấu kinh tế, được chuyển dịch theo hướng giảm dần tỷ trọng khu vực nông nghiệp, tăng tỷ trọng khu vực thương mại, dịch vụ, du lịch và khu vực công nghiệp, phát triển mạnh ngành công nghiệp chế biến các sản phẩm nông, thủy sản. Kết cấu hạ tầng đáp ứng đầy đủ cho phát triển kinh tế, đời sống xã hội và quốc phòng - an ninh. Phát triển hệ thống thông tin tương đối hiện đại; điện năng đáp ứng tốt nhu cầu sinh hoạt và sản xuất của nhân dân.

2.2. Các chỉ tiêu chủ yếu:

- Giá trị sản xuất (GO) của ngành Nông, lâm nghiệp và thuỷ sản:

+ Theo giá hiện hành: năm 2020 đạt 28%; năm 2025 đạt 21% và năm 2030 đạt 15%.

+ Theo giá so sánh 2010: năm 2020 đạt 8.705 tỷ đồng; năm 2025 đạt 10.850 tỷ đồng và năm 2030 đạt 13.200 tỷ đồng.

- Giá trị sản xuất (GO) của ngành Công nghiệp - Xây dựng:

+ Theo giá hiện hành: năm 2020 đạt 30%; năm 2025 đạt 36,5% và năm 2030 đạt 40%.

+ Theo giá so sánh 2010: năm 2020 đạt 9.865 tỷ đồng; năm 2025 đạt 20.275 tỷ đồng và năm 2030 đạt 35.540 tỷ đồng.

- Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ năm 2020 tăng bình quân 13-15%/năm, năm 2025 tăng bình quân 15%/năm và năm 2030 tăng bình quân 15%/năm.

- Đến năm 2020, giá trị sản xuất nông nghiệp trên 01 ha đất canh tác đạt bình quân 285 triệu đồng, đến năm 2025 đạt bình quân 320 triệu đồng và đến năm 2030 đạt bình quân 400 triệu đồng.

- Tổng thu ngân sách từ kinh tế địa bàn năm 2020 đạt 705 tỷ đồng, năm 2025 bình quân 10%/năm và 2030 phấn cáo cao hơn giai đoạn trước.

- Dân số đến năm 2020 ước đạt 353.600 người, năm 2025 đạt 362.200 người và đạt 379.300 người vào năm 2030.

[...]