Quyết định 127/QĐ-LĐTBXH năm 2017 về Kế hoạch tổng kết 10 năm thi hành Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành

Số hiệu 127/QĐ-LĐTBXH
Ngày ban hành 07/02/2017
Ngày có hiệu lực 07/02/2017
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội
Người ký Doãn Mậu Diệp
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương

BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 127/-LĐTBXH

Hà Nội, ngày 07 tháng 02 năm 2017

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH KẾ HOẠCH TỔNG KẾT 10 NĂM THI HÀNH LUẬT NGƯỜI LAO ĐỘNG VIỆT NAM ĐI LÀM VIỆC Ở NƯỚC NGOÀI THEO HỢP ĐỒNG

BỘ TRƯỞNG BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015;

Căn cứ Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng năm 2006;

Căn cứ Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật;

Căn cứ Nghị định số 106/2012/NĐ-CP ngày 20 tháng 12 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;

Xét đề nghị của Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch tổng kết 10 năm thi hành Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Bộ, Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Chánh Thanh tra Bộ, Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội, Vụ Kế hoạch - Tài chính và Thủ trưởng các đơn vị có liên quan thuộc Bộ chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3 (để thi hành);
- Văn phòng Chính phủ (để phối hợp);
- Bộ trưởng (để báo cáo);
- Cổng thông tin điện tử của Bộ LĐTBXH;
- Lưu: VT, QLLĐNN.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Doãn Mậu Diệp

 

KẾ HOẠCH

TỔNG KẾT 10 NĂM THI HÀNH LUẬT NGƯỜI LAO ĐỘNG VIỆT NAM ĐI LÀM VIỆC Ở NƯỚC NGOÀI THEO HỢP ĐỒNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 127/QĐ-LĐTBXH ngày 07 tháng 02 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội)

Ngày 29/11/2006, tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XI đã thông qua Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Sự ra đời của Luật đã thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước ta đến lĩnh vực này. Việc ban hành Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài và hệ thống các văn bản hướng dẫn đã tạo hành lang pháp lý đồng bộ để điều chỉnh hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, phù hợp với điều kiện trong nước và quốc tế, tạo thuận lợi cho hoạt động của các doanh nghiệp, bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, đồng thời tăng cường công tác quản lý người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Tuy nhiên, sau 10 năm thực hiện, một số quy định của Luật đã bộc lộ những hạn chế như vướng mắc, gây khó khăn cho hoạt động của doanh nghiệp và công tác quản lý của nhà nước, chưa điều chỉnh hết mọi đối tượng đi làm việc ở nước ngoài, chế tài chưa đủ mạnh, một số quy định chưa có sự tương thích với luật pháp nước tiếp nhận lao động và các luật mới ban hành đã tạo không ít khó khăn khi tổ chức thực hiện, thiếu những quy định cụ thể tạo điều kiện tái hòa nhập khi người lao động hết hạn hợp đồng về nước... Ngoài ra, Luật cũng bộc lộ những quy định không còn phù hợp với thực tiễn đòi hỏi phải nghiên cứu sửa đổi bổ sung như: Quy định về hình thức đi làm việc ở nước ngoài, về điều kiện cấp, đổi giấy phép cho các doanh nghiệp; về số lượng và các giới hạn hoạt động của chi nhánh doanh nghiệp, về nội dung thu và mức thu phí của người lao động, vấn đề tuyển chọn và tạo nguồn lao động v.v... Những vấn đề bất cập nêu trên đã ảnh hưởng đến kết quả, mục tiêu đặt ra trong hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài thời gian qua, dẫn tới số lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài chưa tương xứng với nhu cầu thực tế của thị trường tiếp nhận và tiềm năng về nguồn lao động; chất lượng nguồn lao động chưa cao, tình trạng lao động vi phạm hợp đồng, bỏ hợp đồng ra ngoài làm việc bất hợp pháp ở nhiều thị trường vẫn ở tỷ lệ cao, thị trường phát triển chậm và thiếu ổn định.

Để đánh giá kết quả đạt được, những vướng mắc, hạn chế, chỉ rõ nguyên nhân, tìm ra các giải pháp tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài đặc biệt là công tác quản lý nhà nước về đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài và từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật về về đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xây dựng Kế hoạch tổng kết 10 năm thi hành Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, gồm các nội dung chủ yếu sau đây:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

a) Tổng kết, đánh giá toàn diện về tình hình thực hiện và tác động của việc thi hành Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, các văn bản hướng dẫn Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trên các lĩnh vực chính trị - kinh tế - văn hóa - xã hội, trong đó bao gồm: việc tổ chức triển khai những kết quả đạt được, hạn chế, yếu kém, vướng mắc, khó khăn và nguyên nhân xuất phát từ việc thực hiện các quy định của Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;

b) Đánh giá sự phù hợp của Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng với Hiến pháp năm 2013 và sự thống nhất, đồng bộ của Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng với các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành có liên quan; đánh giá sự tương thích của Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng với các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; sự tương thích với luật pháp các nước tiếp nhận;

c) Đề xuất giải pháp để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, hạn chế làm cơ sở để báo cáo Chính phủ trình Quốc hội về các biện pháp, giải pháp nhằm đảm bảo hoàn thiện hệ thống thực thi chính sách, pháp Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

2. Yêu cầu

a) Việc tổng kết phải được thực hiện nghiêm túc, khách quan, toàn diện trên phạm vi toàn quốc và tại từng Bộ, ngành, cơ quan, tổ chức, địa phương; bảo đảm đúng nội dung, mục đích và tiến độ đề ra; bảo đảm tiết kiệm và hiệu quả;

b) Đánh giá đúng tình hình 10 năm thi hành Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và các văn bản hướng dẫn thi hành. Làm rõ những kết quả, thành tựu đã đạt được, những mặt còn hạn chế, tồn tại. Từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm trong công tác quản lý, triển khai các quy định của Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;

[...]