Quyết định 1269/QĐ-TTg năm 2014 phê duyệt Đề án "Nâng cao năng lực cơ sở dạy nghề của tổ chức công đoàn đến năm 2020" do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 1269/QĐ-TTg
Ngày ban hành 30/07/2014
Ngày có hiệu lực 30/07/2014
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Vũ Đức Đam
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương,Giáo dục

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 1269/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 30 tháng 07 năm 2014

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN “NÂNG CAO NĂNG LỰC CÁC CƠ SỞ DẠY NGHỀ CỦA TỔ CHỨC CÔNG ĐOÀN ĐẾN NĂM 2020”

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Luật Dạy nghề ngày 29 tháng 11 năm 2006;

Căn cứ Luật Công đoàn ngày 20 tháng 6 năm 2012;

Căn cứ Nghị định số 191/2013/NĐ-CP ngày 21 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết tài chính công đoàn;

Căn cứ Quyết định số 630/QĐ-TTg ngày 29 tháng 5 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển Dạy nghề thời kỳ 2011 -2020;

Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án “Nâng cao năng lực các cơ sở dạy nghề của tổ chức công đoàn đến năm 2020” với các nội dung chính như sau:

1. Mục tiêu

a) Mục tiêu tổng quát:

Nâng cao năng lực các cơ sở dạy nghề của tổ chức công đoàn (sau đây gọi tắt là các cơ sở dạy nghề) nhằm góp phần đào tạo nghề, tạo việc làm cho người lao động, đẩy mạnh xuất khẩu lao động và phát triển thị trường lao động đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội đất nước và hội nhập quốc tế.

b) Mục tiêu cụ thể:

- Phấn đấu đến năm 2020 có 25% trường cao đẳng nghề, 45% trường trung cấp nghề và 30% trung tâm dạy nghề trong tổng số các cơ sở dạy nghề;

- Các cơ sở dạy nghề có đủ năng lực thực hiện đào tạo nghề cho khoảng 500 nghìn người trong giai đoạn 2014 - 2020, trong đó: Cao đẳng nghề chiếm khoảng 5%; trung cấp nghề chiếm khoảng 20%; sơ cấp nghề chiếm khoảng 35%; dạy nghề dưới 3 tháng chiếm khoảng 40%; phấn đấu 70% người lao động sau khi được đào tạo nghề có việc làm và thu nhập ổn định.

2. Nhiệm vụ, giải pháp

a) Điều chỉnh, bổ sung các cơ sở dạy nghề trong quy hoạch mạng lưới trường cao đẳng nghề, trung cấp nghề và trung tâm dạy nghề của cả nước đến năm 2020 theo hướng:

- Nâng cấp trường trung cấp nghề thành trường cao đẳng nghề, trung tâm dạy nghề thành trường trung cấp nghề, chuyển đổi các trung tâm giới thiệu việc làm thành trung tâm dạy nghề khi đủ điều kiện theo quy định;

- Phát triển các trường dạy nghề trọng điểm đạt cấp độ quốc gia, khu vực ASEAN và quốc tế theo quy hoạch, trong đó có ít nhất 01 trường cao đẳng nghề trở thành trường nghề chất lượng cao, đủ năng lực đào tạo một số nghề đạt trình độ các nước phát triển trong khu vực ASEAN và trên thế giới.

b) Tăng cường cơ sở vật chất và thiết bị dạy nghề cho cơ sở dạy nghề:

- Đầu tư xây dựng bảo đảm tiêu chuẩn cơ sở vật chất, danh mục thiết bị dạy nghề theo quy định cho việc dạy các nghề trọng điểm quốc gia;

- Đầu tư xây dựng bảo đảm tiêu chuẩn cơ sở vật chất, danh mục thiết bị dạy nghề tối thiểu theo quy định của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho việc dạy các nghề không thuộc danh mục các nghề trọng điểm.

c) Phát triển đội ngũ cán bộ, giảng viên, giáo viên dạy nghề:

- Có chính sách ưu đãi để thu hút, khuyến khích phát triển đội ngũ cán bộ, giảng viên, giáo viên dạy nghề vào các cơ sở dạy nghề bảo đảm số lượng biên chế cơ hữu theo quy định;

- Đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao trình độ và tính chuyên nghiệp của đội ngũ cán bộ quản lý dạy nghề; chuẩn hóa đội ngũ giảng viên, giáo viên dạy nghề tương ứng với tiêu chuẩn, yêu cầu của việc dạy từng nghề cụ thể trong đó có các nghề trọng điểm cấp độ quốc gia, cấp độ khu vực ASEAN và thế giới.

d) Phát triển chương trình, giáo trình dạy nghề:

[...]