Quyết định 1236/QĐ-UBND năm 2017 phê duyệt “Điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội huyện An Phú, tỉnh An Giang đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”

Số hiệu 1236/QĐ-UBND
Ngày ban hành 24/04/2017
Ngày có hiệu lực 24/04/2017
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh An Giang
Người ký Lê Văn Nưng
Lĩnh vực Thương mại,Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH AN GIANG

--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1236/QĐ-UBND

An Giang, ngày 24 tháng 4 năm 2017

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT “ĐIỀU CHỈNH QUY HOẠCH TỔNG THỂ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI HUYỆN AN PHÚ ĐẾN NĂM 2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030”

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH AN GIANG

Căn cứ Luật tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;

Căn cứ Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11/01/2008 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;

Xét đề nghị của Sở Kế hoạch và Đầu tư tại Tờ trình số 73/TTr-SKHĐT, ngày 17/4/2017 về việc phê duyệt “Điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội huyện An Phú đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt “Điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội huyện An Phú đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” với những nội dung chủ yếu sau:

1. Quan điểm phát triển

Đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế một cách bền vững, dựa trên nền tảng, lợi thế của khu kinh tế cửa khẩu trọng điểm quốc gia. Đồng thời, từng bước nâng cao chất lượng tăng trưởng; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng nhanh tỷ trọng khu vực thương mại, dịch vụ, du lịch và công nghiệp - xây dựng; tiếp tục thực hiện hiện đại hóa, thương mại hóa nền nông nghiệp theo hướng “tăng giá trị, giảm đầu vào”. Nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, ứng dụng mạnh khoa học và công nghệ, tiếp cận trình độ công nghệ tiên tiến. Phát triển văn hóa, xã hội đi đôi với tăng trưởng kinh tế, không ngừng cải thiện nâng cao đời sống nhân dân, thực hiện giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, đẩy lùi các tệ nạn xã hội. Giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội và xây dựng tuyến biên giới hòa bình, hợp tác và phát triển.

Tiếp tục khơi dậy và huy động tối đa các nguồn nội lực, tranh thủ mọi nguồn lực từ bên ngoài cho đầu tư phát triển. Đảm bảo sử dụng hiệu quả các nguồn vốn đầu tư phát triển, tập trung đúng mức vốn ngân sách cho xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng thiết yếu, nền tảng, gắn kết vào mạng lưới hạ tầng của Trung ương, của tỉnh trên địa bàn. Tranh thủ sự tài trợ, ưu đãi thông qua các Chương trình mục tiêu để phát triển các lĩnh vực văn hoá, xã hội.

Tiếp tục khai thác lợi thế về vị trí địa lý, tận dụng tối đa lợi thế của các khu kinh tế của khẩu Khánh Bình và cử khẩu Vĩnh Hội Đông, cửa khẩu Bắc Đai để phát triển dịch vụ biên mậu, sớm đưa huyện An Phú trở thành một địa bàn kinh tế mở của tỉnh An Giang thông thương giữa các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long với nước bạn Campuchia. Phát triển kinh tế gắn với với bảo vệ tài nguyên và môi trường, thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu và phát triển cơ sở hạ tầng bảo đảm phát triển bền vững. Phát triển kinh tế - xã hội kết hợp chặt chẽ với quốc phòng an ninh để đảm bảo phát triển ổn định và bền vững.

2. Mục tiêu phát triển

2.1. Mục tiêu:

Phát triển kinh tế - xã hội của huyện An Phú theo hướng đẩy mạnh phát triển thương mại - dịch vụ - du lịch, trọng tâm là kinh tế biên giới, phấn đấu trở thành một trong những trung tâm kinh tế cửa khẩu phát triển của tỉnh An Giang. Tăng cường sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thích ứng với quá trình biến đổi khí hậu; thu hút đầu tư các ngành công nghiệp chế biến nông sản, lương thực thực phẩm, gia công lắp ráp cho thị trường xuất khẩu. Đẩy mạnh quá trình đô thị hoá, hiện đại hoá nông thôn, phát triển các thị trấn, thị tứ trở thành các tiểu trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội. Chuyển đổi cơ bản, toàn diện các hoạt động quản lý kinh tế - xã hội. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng nhanh tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề. Kết cấu hạ tầng, mạng lưới thông tin, năng lượng đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế, đời sống xã hội và quốc phòng - an ninh.

2.2. Các chỉ tiêu chủ yếu:

- Giá trị sản xuất (GO) của ngành Nông, lâm nghiệp và thuỷ sản:

+ Theo giá so sánh 2010: năm 2020 đạt 2.856 tỷ đồng; năm 2025 đạt 3.311 tỷ đồng và năm 2030 tăng 3%/năm.

- Giá trị sản xuất (GO) của ngành Công nghiệp - Xây dựng:

+ Theo giá so sánh 2010: năm 2020 đạt 1.141 tỷ đồng; năm 2025 đạt 2.178 tỷ đồng và năm 2030 tăng 16,1%/năm.

- Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ năm 2020 ước đạt 7.500 - 9.000 tỷ đồng, năm 2025 đạt 15.000 - 18.000 tỷ đồng và năm 2030 tăng bình quân 15%/năm.

- Đến năm 2020, giá trị sản xuất nông nghiệp trên 01 ha đất canh tác đạt bình quân 160 triệu đồng, đến năm 2025 đạt bình quân 200 triệu đồng và đến năm 2030 đạt bình quân 200-250 triệu đồng.

- Tổng thu ngân sách từ kinh tế địa bàn năm 2020 đạt 400 tỷ đồng, năm 2025 đạt 600 - 650 tỷ đồng.

- Dân số đến năm 2020 ước đạt 182.830 người, năm 2025 đạt 186.985 người và đạt 169.000 người vào năm 2030.

- Tỷ lệ lao động được đào tạo so với tổng số lao động đang làm việc trong nền kinh tế quốc dân đạt 50% vào năm 2020, 65% năm 2025 và trên 75% vào năm 2030.

- Tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo đa chiều) đến năm 2020 còn 10%; năm 2025 còn 5% và đến năm 2030 còn 3%.

- Tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đến năm 2020 đạt trên 89,91%, năm 2025 đạt trên 97% và đến năm 2030 đạt trên 99%.

[...]