Quyết định 121/2002/QĐ-UB về tập trung và xử lý các đối tượng xã hội trên địa bàn thành phố Đà Nẵng
Số hiệu | 121/2002/QĐ-UB |
Ngày ban hành | 26/11/2002 |
Ngày có hiệu lực | 26/11/2002 |
Loại văn bản | Quyết định |
Cơ quan ban hành | Thành phố Đà Nẵng |
Người ký | Huỳnh Năm |
Lĩnh vực | Văn hóa - Xã hội |
ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 121/2002/QĐ-UB |
Đà Nẵng, ngày 26 tháng 11 năm 2002 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ TẬP TRUNG VÀ XỬ LÝ CÁC ĐỐI TƯỢNG XÃ HỘI TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
ỦY BAN NHÂN DÂN
- Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND (sửa đổi) ngày 21 tháng 6 năm 1994;
- Căn cứ Nghị định số 25/2001/NĐ-CP ngày 31 tháng 5 năm 2001 của Chính phủ ban hành Quy chế thành lập và hoạt động của cơ sở bảo trợ xã hội;
- Căn cứ Nghị định số 07/2000/NĐ-CP ngày 09 tháng 3 năm 2000 của Chính phủ về chính sách cứu trợ xã hội;
- Căn cứ Thông tư 10/2002/TT-BLĐTBXH ngày 12 tháng 6 năm 2002 của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện một số điều của Quy chế thành lập và hoạt động của cơ sở bảo trợ xã hội;
- Căn cứ Thông tư số 18/2000/TT-BLĐTBXH ngày 28 tháng 7 năm 2000 của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội hướng dẫn một số điều về chính sách cứu trợ xã hội;
- Xét đề nghị của Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội thành phố,
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1. Giao Giám đốc Công an thành phố tổ chức tập trung các đối tượng sau:
1. Người lang thang xin ăn; người kết hợp công việc khác với việc xin ăn;
2. Người có dấu hiệu tâm thần lang thang trên đường phố;
3. Các đối tượng có nguy cơ gây mất trật tự, an toàn xã hội.
Điều 2.
1. Các đối tượng nêu tại khoản 1, 2 Điều 1 Quyết định này được đưa vào cơ sở bảo trợ xã hội của thành phố để lập thủ tục phân loại và giải quyết:
a) Trường hợp có hộ khẩu thường trú tại Đà Nẵng: Lập thủ tục chuyển giao cho UBND quận, huyện, phường, xã để quản lý, giáo dục, tạo điều kiện làm ăn sinh sống, hòa nhập cộng đồng;
b) Trường hợp không có hộ khẩu tại thành phố Đà Nẵng: Lập thủ tục chuyển trả về địa phương nơi đối tượng cư trú;
c) Đối với đối tượng tâm thần không còn thân nhân, người già cô đơn, trẻ em mồ côi, người tàn tật nặng không nơi nương tựa và những đối tượng chưa rõ nơi cư trú, đối tượng tái phạm trong việc lang thang xin ăn thì giữ lại cơ sở bảo trợ xã hội để nuôi dưỡng, giáo dục, tổ chức lao động phù hợp.
2. Các đối tượng có nguy cơ gây mất trật tự an toàn xã hội nêu tại khoản 3 Điều 1 Quyết định này: Giao Công an thành phố xem xét lập hồ sơ xử lý hoặc đưa vào cơ sở giáo dục hoặc trường giáo dưỡng theo đúng quy định của pháp luật.
Điều 3. Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm:
1. Quyết định tiếp nhận các đối tượng nêu tại điểm c khoản 1 Điều 2 Quyết định này vào cơ sở bảo trợ xã hội của thành phố;
2. Chủ trì phối hợp với Sở Y tế và Sở Giáo dục - Đào tạo trong việc chỉ đạo tổ chức chăm sóc sức khỏe, dạy văn hóa cho các đối tượng tại cơ sở Bảo trợ xã hội thành phố trong thời gian nuôi dưỡng tập trung tại cơ sở.
Điều 4. Công an thành phố có trách nhiệm:
1. Tổ chức việc tập trung các đối tượng quy định tại Điều 1 Quyết định này và bàn giao cho các đơn vị chức năng tiếp nhận, quản lý và giải quyết theo đúng quy định;
2. Tiếp nhận và xử lý các đối tượng nêu tại khoản 2 Điều 2 Quyết định này;
3. Chỉ đạo tổ chức việc điều tra và phối hợp với các cơ quan chức năng để xử lý triệt để theo quy định của pháp luật đối với người có hành vi tổ chức, xúi giục người khác đi lang thang ăn xin; ngược đãi, đẩy đuổi người tâm thần ra đường phố.
Điều 5. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 405/QĐ-UB ngày 04 tháng 3 năm 1997 và Quyết định 5063/QĐ-UB ngày 20 tháng 12 năm 1997 của UBND thành phố Đà Nẵng.